Bài 5: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Tuổi thơ tôi đã hằn sâu trong ký ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xanh lúc mờ, khi xanh khi thẫm , lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngập màu xanh. Những năm tháng xa quê, giông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả., nhưng trong tâm tư tôi những dòng sông quê mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng kênh biêng biếc vẫn lặng lờ trôi. Tôi yêu những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa, mù mịt khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xóa sương mù sau Tết. Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thăm thẳm canh khuya. Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi. […] Tôi yêu màu đá xám đen, tấm phên xát xơ che nắng cho người đập đá. Tôi nhớ ngọn cỏ phất phơ giữa đồng nước lớn, cây cà na trái nặng chùm chùm, cây gáo mồ côi, cây gáo đôi im lìm xa xa ngoài đồng bãi. Như con chiên ngoan mơ về “Đất Hứa”, tôi da diết mong gặp lại cây đa bến Miễu, cây me già Đá Chẹt, con đường quanh co lỗi lõm trên Pháo Đài. Tôi nhớ những dòng nước lấp lánh từ triền đá cao ào ào đổ xuống, róc rách len vào khe đá rồi thong thả bò qua con đường trải đá, chảy xuống xóm làng.
(Trích Đất quê hương - Mai Văn Tạo)
a. Ghi lại các từ láy có trong đoạn văn và cho biết những từ láy đó thể hiện tác giả là người có khả năng quan sát như thế nào, có tình cảm gì với quê hương?
b. Biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng ở những câu văn nào? Chỉ ra tác dụng của những so sánh đó.
c. Đoạn văn sử dụng thành công biện pháp điệp ngữ. Em hãy cho biết biện pháp này góp phần giúp tác giả thể hiện cảm xúc của mình với quê hương như thế nào?
d. Hãy viết 3 câu bày tỏ tình cảm của mình trước những hình ảnh không thể quên khi nhớ về quê hương, trong đó có sử dụng các điệp ngữ đứng đầu câu như Tôi nhớ hoặc Tôi yêu.