1,
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chợt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là người như vậy đó.
Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.
Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lớn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao chai sạn, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.
Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà… thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.
Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua.
Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.
Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.
2,
ình cha con luôn là thứ tình cảm âm thầm, lặng lẽ nhưng mạnh mẽ và da diết. Chưa bao giờ em viết bất cứ một điều gì dành cho cha, bởi rằng có lẽ ngôn từ không đủ sức để diễn tả hết tình cảm đó. Và có lẽ em không đủ can đảm để viết ra những lời tự sâu trong trái tim dành cho cha. Đó là một người đàn ông đặc biệt trong cuộc đời em hôm nay và cả mai sau nữa.
Cha là người mang đến cho em một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc và nhiều yêu thương như thế này. Cha gánh trên đôi vai gầy cả một gia đnh lớn, gánh hết ước mơ của những đứa con đnag tuổi ăn tuổi học. Những điều cha làm cho chúng em chưa bao giờ là thừa, bởi với cha, tình yêu chưa bao giờ là đủ giành cho gia đình.
Cả cuộc đời cha nhọc nhằn, vất vả, tần tảo sớm hôm vì miếng cơm manh áo của gia đình, của những đứa con thơ đang trông ngóng trông từng ngày.
Nếu như mẹ âm thầm tần tảo sớm hôm thì cha là người đàn ông đầy nghị lực, gánh vác hết mọi chuyện lớn trong gia đình. Cha như cây đại thụ chống những cơn bão nổi dậy trong gia đình. Nếu không có ý chí, nghị lực và tình yêu phi thường thì cha không thể gánh vác được trách nhiệm lớn lao như thế.
Em vẫn thường bắt gặp hình ảnh người mẹ dịu hiền, đảm đang, tần tảo trong những câu thơ, áng văn của nhiều nghệ sĩ; nhưng hình ảnh người cha thật hiếm hoi. Có lẽ tình cảm giành cho mẹ rất dễ bày tỏ nhưng đối với cha thì rất khó khăn. Tuy nhiên không phải thế mà vai trò người cha trở nên giảm đi. Ngược lại vai trò và trách nhiệm ngày càng to lớn và được khẳng định mãnh liệt hơn.
Cha em là một người rất hiền lành, mọi việc trong nhà cha đều lo toan, những việc nhà cha cũng hay đỡ đần giúp mẹ. Có rất nhiều lúc mẹ cười bảo với mấy chị em rằng “Cha mấy đứa ai cũng khen giỏi giang, không ngại giúp việc nhà cho vợ”. Em rất tự hào vì có người cha tuyệt vời như vậy.
Em còn nhớ có một lần mẹ ốm, phải đi viện. Những ngày này cha vừa làm tròn vai trò người cha, vừa gánh thêm vai trò làm mẹ. Sáng sáng cha dậy nấu cơm cho con ăn, rồi đưa con đi học, rồi quét dọn, chăm sóc đàn heo vừa mới sinh. Cha lo lắng cho mẹ đến nỗi hốc hác cả gương mặt, đôi mắt cha trở nên nặng nề nhưng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống.
Cha là con út trong gia đình của ông nội, các cô và bác đều đi xa. Cha gánh vác chuyện gia đình mình và gia đình lớn của ông nội. Cha vẫn đều đặn chăm sóc ông bà, thường xuyên dẫn ông bà đi khám sức khỏe định kì. Có nhiều lúc em thấy cha loay hoay bên bếp lò, nấu bát canh chua cho ông bà nội. Bởi đây là món mà ông bà rất thích ăn. Cha đã tự tay vào bếp làm cho ông bà mà không cho các con nấu. Một cử chỉ bình dị nhưng đã nói lên được tấm lòng hiếu thảo, đáng trân trọng mà cha dành cho ông bà.
Cha là một người giàu đức hi sinh, vẫn luôn dành cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Có nhiều lúc đi làm về, em nhìn thấy sự mệt nhọc trên gương mặt cha nhưng cha vẫn nở nụ cười tươi, vẫn luôn mang đến cho gia đình không khí vui tươi nhất. Chưa bao giờ cha kêu ca, than vãn mệt mỏi hay cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan. Đây là điều mà em học được ở cha, một đức tính là một người đàn ông cần có được.
Cha luôn là một người đàn ông tuyệt vời và vĩ đại nhất đối với gia đình em. Là tấm gương sáng về cách làm người mà em đã học tập được rất nhiều. Em mong sao cha luôn khỏe mạnh, vui vẻ để cả nhà em luôn được hạnh phúc sum vầy như thế này.
Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ôn đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.
Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.
Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:
“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi má lót lá mà nằm”
Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.
Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.
Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây.
Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!
Đề bài: Cảm nghị về bà nội.
Nếu có ai hỏi tôi rằng một trong những người mà tôi yêu thương nhất là ai thì tôi sẽ trả lời rằng đó là bà nội .
Bà tôi là người nhân hậu và hiền từ nhưng gần như suốt cuộc đời của bà chỉ là những khó khăn và bệnh tật . Tôi thương bà lắm ! Tôi thương cái mái tóc xoăn xoăn điểm bạc của bà, thương cái dáng đi chầm chậm mà khập khễnh của bà . Bảy mươi tuổi mà tôi trông bà có vẻ già hơn so với người cùng tuổi .
Tôi có được nghe bố kể rất nhiều về bà – một con người chăm chỉ và chất phác . Bà đã tần tảo nuôi hai người con trai khôn lớn trong khi ông tôi đi bộ đội . Đến khi bố tôi có con thì bà lại vất vả trông cháu nhưng bố tôi nói bà lại thấy đó chính là niềm vui của bà .
Khi chưa ngã bệnh, bà tôi còn đi làm lao công cho một cơ quan nhỏ để mong sao kiếm được chút tiền giúp đỡ phần nào cho gia đình tôi khi khó khăn . Bà còn hay mua quà cho anh em tôi, những món quà dù là nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như cái đồng hồ báo thức để cho tôi đi học hay những gói kẹo, gói bánh… Từ việc ấy cũng đã đủđể tôi hiểu bà yêu thương anh em chúng tôi đến chừng nào !
Tôi còn biết có lúc đi ra chợ bà nhìn thấy một người ăn xin nghèo khổ thì không bao giờ bà quay lưng lơ đi mà bà săn sang rút ra một tờ tiền trong ví của mình, gấp gọn làm đôi rồi bỏ vào nón của người ăn xin đó . Tôi thật cảm phục trước tấm lòng yêu thương vô hạn và trái tim rộng mở của bà luôn rộng mở đối với bất kì ai !
Bà tôi còn là một người rất yêu thiên nhiên nữa . Trong khoảng hiên nhỏ trước nhà bà lúc nào cũng chật đầy những chậu hoa nhài toả hương thơm ngát, những cây ớt nhỏ chi chít những quả xanh, vàng … Bởi vì bà tôi từng bảo : “Thiên nhiên giúp tâm hồn ta trong sáng hơn, giup tinh thần ta thoải mái hơn.”
Lần nào về thăm bà tôi cũng ngả đầu vào vai bà và tâm sự mọi chuyện của mình . Có lúc tôi ôm bà khóc thút thít rồi bà cũng xoa đầu tôi an ủi . Những khi ấy tôi bỗng cảm thấy bà như đang truyền một hơi ấm tinh thần cho tôi , giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua chuyện buồn.
Nhưng rồi một tin sét đánh đã đến với gia đình chúng tôi. Trời ơi ! Bà tôi bị ung thư giai đoạn cuốI và sẽ không chữa khỏI được. Sao mà ông trờI lạI bất công vớI bà đến thế ạ!
MỗI lần tôi đến chơi, tôi đều thấy bà cườI nhưng trong lòng tôi luôn lo lắng rằng ẩn sau nụ cườI đó là nỗI đau về thể xác đang dằn vặt bà tôi . Bà vẫn lạc quan và yêu đờI quá! Bà chỉ đang cố gắng tỏ ra vui vẻ cho tôi đỡ buồn . Tôi biết cơn đau đó đã hành hạ bà tôi suốt hàng tháng trờI . Bà ơi! MỗI khi nhìn thấy bà lên cơn đau quằn quạI cháu chỉ còn biết chạy lạI mà xoa bóp cho bà và chỉ biết oà khóc như một bé lên ba . Giá mà khi đó cháu có thể làm gì hơn những việc ấy để cho bà đỡ đau để cho bà đỡ khổ bà ạ!
Và đến ngày giáng sinh cách đây hai năm, bà tôi đã vĩnh viễn ra đi, đi về một nơi rất xa mà không bao giờ quay trở lạI . Đay là lần đầu tiên cháu biết đến sự mất mát. Sự mất mát làm thành khoảng trống trong con tim cháu. Sự mất mát mớI to lớn làm sao khi cháu phảI cách xa một ngườI mà cháu yêu thương nhất. Bà nộI ơi! Sao bà lạI bỏ cháu mà đi vậy bà ?
Bây giờ, mỗI khi nhớ đến bà, cổ họng cháu lạI thấy tắc nghẹn và mắt cháu lạI cay xè bà ạ! Bà đã cho cháu bài học thật quí giá :Ta hãy trân trọng từng phút giây dù là nhỏ nhất khi ở cạnh ngườI mà minh yêu thương.
Cháu muốn nói hàng ngàn lần rằng: Cháu yêu bà! Hình ảnh bà sẽ mãi mãi nằm trong tim cháu.
"Bà" - Một tiếng gọi bình dị mà chan chứa bao tình cảm yêu thương. Hình ảnh người bà thân quen trong cuộc sống, hiền hậu ôn tồn chỉ bảo cho con cháu đối nhân xử thế và lẽ đời. Người bà luôn yêu thương, quan tâm và lo lắng cho những đứa cháu nghịch ngợm.... Ta có thể tìm được một người bà như thế trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Bài thơ đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt là vẻ đẹp bình dị của tình bà cháu, một tình cảm bình dị, tự nhiên và vô cùng thiêng liêng sâu sắc.
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Nghe gà ai nhảy ổ:
“Cục…cục tác cục ta.”
…
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Bài thơ năm chữ tự do đã cho ta thấy những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, tình bà cháu nồng hậu và lòng yêu nước sâu nặng của một người chiến sĩ trẻ tuổi, người đã tạm cất đi sách và lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
Trên đường hành quân xa, người chiến sĩ dừng chân bên xóm nhỏ. Bất chợt nghe tiếng gà "cục tác... cục ta", anh đã xúc động vô cùng. Dòng cảm xúc từ hiện tại trôi về quá khứ với bao kỉ niệm cảm động lại tràn về. Tiếng gà trưa là sợi dây đã liên kết các hình ảnh, điểm nhịp cho dòng cảm xúc. Và tiếng gà trưa cũng gợi về cho anh những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm, tình bà cháu sâu nặng.
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Nghe gà ai nhảy ổ:
“Cục…cục tác cục ta.”
Mở đầu bài thơ là hình ảnh của người chiến sĩ dừng chân bên xóm nhỏ ven đường chợt nghe tiếng gà trưa vang lên làm sống dậy những kỉ niệm tuổi thơ.
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.
Tiếng gà trưa gợi nhớ bao kỉ niệm đẹp thời thơ ấu được sống trong tình yêu thương của người bà, giúp cho anh vơi đi sự mệt mỏi trên quãng đường hành quân. Tiếng gà trưa còn khiến anh bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa. Ta có thể cảm nhận được tình yêu quê hương thắm thiết của người lính trẻ. Và cũng chỉ một tiếng gà trưa quen thuộc vang lên lanh lảnh đã phá tan bầu trời oi bức nóng nực, đã xoa dịu bàn chân mệt mỏi sau những ngày tháng vất vả lội suối băng sông, đã gợi dậy bao kỉ niệm thưở ấu thơ. Tác giả còn điệp từ "nghe" để nhấn mạnh nỗi xúc động của người chiến sĩ khi nghe tiếng gà trưa. Từ nghe ở đây không chỉ bằng thính giác mà còn bằng cảm giác, sự tâm tưởng, sự nhớ lại. Nó khiến tình yêu quê hương của anh chiến sĩ như tăng lên gấp bội, sự rung động vô bờ trong tâm hồn người chiến sĩ...
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng”
Làm sao anh có thể quên được hình ảnh những cô gà mái mơ bên những ổ trứng hồng tuổi thơ. Những chị gà mái mơ khoác lên mình những chiếc áo rực rỡ với hoa văn đốm trắng hay những cô gà mái với bộ áo như hòa vào màu nắng. Đối với anh, những hình ảnh này sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí anh.
Trong năm khổ thơ giữa, tiếng gà trưa đã gợi nhớ bao kỉ niệm sâu sắc một thời thơ ấu sống trong tình yêu thương của bà. Những kỉ niệm đẹp về bà, những kỉ niệm mà anh chiến sĩ sẽ mãi nhớ. Quên sao được lời mắng yêu, lời dạy bảo chân thật, giản dị mà chan chứa bao tình thương yêu của bà:
"Gà đẻ mà mày nhìn!
Rồi sau này lang mặt."
Sợ bị lang mặt, "cháu về lấy gương soi, lòng dại thơ lo lắng". Kỉ niệm rất đỗi đời thường, bình dị mà sâu sắc, chân thật.
Tay ba khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp.
Người cháu giờ đây ước ao được quay lại ngày tháng năm xưa, được nhìn lại hình ảnh bà chịu thương chịu khó, chắt chiu, lo cho đàn gà.
Cứ hằng năm hằng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới.
Cứ mùa đông hằng năm, bà lại "lo đàn gà toi, mong trời đừng sương muối để cuối năm bán gà" và mua quần áo mới cho cháu.
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt.
Khi được quần áo mới, người cháu vui sướng vô cùng. Người cháu không hề chê ống quần rộng, áo trúc bâu vì hiểu được sự vất vả và tình yêu thương của bà dành cho mình. Và cũng vì người cháu hiểu được, người bà đang chắt chiu, dành từng đồng trong cảnh nghèo. Ôi ! Tình bà, cháu thật sâu nặng và thắm thiết biết bao. Bà tần tảo đảm đang lo cho cháu; cháu thương yêu, kính trọng và vâng lời bà.
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Tác giả đã điệp từ "vì" để nhấn mạnh nguyên nhân, lí tưởng sống khiến người chiến sĩ ra đi chiến đấu. Không phải bắt nguồn từ những nguyên nhân to lớn nào khác mà chính là vì bà, nơi quê hương thân thuộc có tiếng gà cục tác, ổ trứng hồng tuổi thơ. Chính từ lòng yêu tiếng gà, yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương đã trở thành lòng yêu tổ quốc. Tiếng gà trưa đã làm sâu sắc hơn tình cảm gia đình, quê hương, non sông đất nước.
Âm thanh tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng được lặp lại bốn lần xuyên suốt trong bài thơ như nhắc nhở, lay gọi bao tình cảm đẹp. Ta có thể thấy được tình cảm gia đình làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước rộng lớn của người chiến sĩ. Một tình bà cháu đẹp đẽ, nồng hậu và ấm áp!. Anh nghe được tiếng gà, anh lại nhớ nhà, anh lại nhớ đến đàn gà và anh càng nhớ bà của mình. Nếu có thể gặp lại người bà của mình, chắc hẳn anh phải thốt lên: “Bà ơi, đàn gà của bà là hạnh phúc của bà, là niềm vui trong chiếc áo mới của con, là nỗi lo trên những nếp nhăn của trán bà trong những chiều đông lạnh phủ đầy sương, là khóe miệng mỉm cười khi bà đếm những đồng tiền bán gà trong phiên chợ Tết, là đôi mắt nheo nheo khi chọn chiếc áo mới cho con và khóe mắt long lanh khi con mặc áo mới chạy quanh chân bà ...”
Tiếng gà trưa không chỉ là âm thanh quen thuộc từ đời sống của mỗi làng quê mà còn là âm vang của kỉ niệm, những hồi ức đẹp. Hình ảnh người bà trong bài thơ khiến cảm xúc trong người tôi dâng trào, nhớ tới người bà của mình. “Tiếng gà trưa thực là một bài thơ hay!”
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Đúng là như vậy, công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ là không gì sánh nổi. Thật may mắn cho những ai được sống trong vòng tay yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của mẹ. Mẹ là người để chúng ta sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, để trao gửi yêu thương và để kề bên mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Mẹ là người tôi yêu quý, trân trọng, tự hào và biết ơn nhất trên đời này.
Tôi tự hào không phải vì mẹ quá xinh đẹp hay giàu sang mà vì chính vóc dáng nhỏ nhắn, đôi bàn tay, đến mái tóc điểm bạc của mẹ. Dáng người mẹ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mẹ luôn vất vả, không ngại khó khăn, gian khổ để chăm lo cho gia đình bằng chính cái vóc dáng, hình hài, cơ thể nhỏ bé ấy. Đôi bàn tay mẹ đã không còn thon dài, đẹp tuyệt trần mà đã trở nên thô ráp từ lúc nào không hay. Đôi bàn tay ấy đã nhẹ nhàng bế tôi rồi cất những tiếng ru ngọt ngào, ấm áp như dòng sữa mẹ. Từng dòng sữa ấy đã “chảy” vào tâm trí tôi để rồi chẳng thể quên được, để tâm hồn tôi được gạn đục khơi trong qua từng tiếng ru nhẹ nhàng, ngập tràn yêu thương của mẹ. Chính đôi bàn tay mẹ đã nhẹ nhàng gạt đi những giọt nước mắt tôi rồi khẽ ôm tôi vào lòng để nỗi buồn cũng nhanh chóng tan đi và tôi lại được mẹ tiếp thêm sức mạnh. Cũng chính đôi bàn tay ấy đã tần tảo sớm hôm, từ gõ bàn phím trên cơ quan đến quét dọn nhà cửa. Mái tóc đen óng mượt, làn da trắng hồng, mịn màng hồi nào giờ đây đã không còn nữa, thời gian và sự vất vả, lo toan đã in trên làn da mẹ vài nếp nhăn, điểm trên đầu mẹ vài sợi tóc bạc.
Ôi mẹ ơi, kể làm sao được hết những hi sinh thầm lặng mà cao cả của mẹ, có ai vất vả một đời vì gia đình, vì con như mẹ. Trong mắt tôi, mẹ luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất, vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà. Mẹ đã căng thẳng với bao việc cơ quan, về nhà lại tất bật với công việc nhà. Trên thân hình, đôi vai nhỏ bé ấy đã phải gánh bao nỗi lo toan, bao gian nan, sóng gió. Có những hôm mẹ phải thức thâu đêm, làm việc trên chiếc máy tính trong căn phòng sáng đèn giữa không gian tĩnh mịch để chuẩn bị sát nhập đơn vị, bàn giao công việc. Hay những ngày cuối năm việc cơ quan “ngập đầu” nhưng mẹ vẫn phải chuẩn bị đón Tết. Nhiều lúc thức giấc lúc nửa đêm, thấy mẹ đang cặm cụi làm việc mà lòng con xót xa biết nhường nào! Nhưng biết làm sao khi lúc đó tôi vẫn còn quá nhỏ, chẳng giúp mẹ được nhiều.
Không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà, mẹ còn là cô giáo dạy tôi những điều hay, lẽ phải, mẹ luôn theo sát, quan tâm đến việc học của tôi. Mẹ lo cho tôi từng cuốn sách, vở, từng cái bút, cái cặp đến đồng phục tới trường, tất cả đều một tay mẹ chuẩn bị sẵn sàng. Mặc dù học đã rất lâu nhưng các từ vựng tiếng Anh mẹ vẫn nhớ rất tốt. Nhiều lúc bằng giọng nửa đùa, nửa thật tôi nói:
- Ngày xưa mẹ không học chuyên Anh thì hơi phí.
Đôi lúc mẹ không thể giảng dạy bài bản, chi tiết cho tôi như một giáo viên bởi dù sao mẹ cũng đã học từ rất lâu rồi nhưng nếu tôi chưa hiểu, mẹ sẽ lập tức tìm người giúp đỡ.
Ngoài việc kèm cặp, theo sát tôi trong học tập, mẹ còn dạy tôi những bài học đắt giá trong cuộc sống. Có những thứ ở trường lớp tôi không được học bởi dù sao đường đời cũng khác với đường trường. Đường trường cho ta bài học rồi mới bắt chúng ta kiểm tra, còn đường đời thì ngược lại, nên những bài học đắt giá đó đã rút ra từ kinh nghiệm xương máu của mẹ, là những gì chân thực nhất. Dường như ở trường lớp chúng ta chỉ được học cách để có được thành công mà bỏ quên cách để vượt qua thất bại. Và mẹ đã là người dạy tôi, giúp tôi vượt qua thất bại.
Mẹ là cô giáo dạy tôi cách đối nhân xử thế - chiếc chìa khóa mở ra biết bao cơ hội. Mỗi chúng ta đều có chiếc chìa khóa đó nhưng để mở ra những cơ hội cho mình bằng chính nó là cả một nghệ thuật, và tôi đã may mắn được mẹ chỉ dạy. Mẹ luôn dạy tôi phải thành thật quan tâm tới người khác bởi sự quan tâm là ngọn lửa sưởi ấm lòng ta; luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất với họ. Mẹ dạy tôi luôn nở nụ cười trên môi, luôn mang theo nguồn năng lượng tích cực. Luôn phải sống cho nhân đạo, ấp ủ trong mình một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng dang rộng vòng tay để yêu thương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Vẻ đẹp tâm hồn mới là vẻ đẹp đích thực và mãi mãi.
Suốt đười này có lẽ sẽ chẳng có ai yêu thương, lo lắng, chăm sóc từng li từng tí cho con như mẹ, thức thâu đêm những lúc con sốt như mẹ. Những đêm sốt cao, trong mơ hồ tôi vẫn cảm nhận được từng hành động quan tâm, nỗi lo lắng của mẹ. Có lẽ bởi có một sơi dây diệu kì nào đó đã kết nối mẹ con tôi. Mẹ suốt đêm không ngủ, ngồi cạnh tôi, nhẹ nhàng vắt khăn ấm đặt lên trán tôi, rồi lại thấp thỏm xem nhiệt độ cơ thể tôi trên nhiệt kế.
Tình mẹ thiêng liêng và cao quý là ngọn lửa ấm áp nhất sưởi ấm lòng ta mỗi khi lạnh lẽo, là ánh sáng soi sáng cuộc đời ta. Mẹ là người đã sinh ra ta, cho ta được may mắn có mặt trên cõi đời này. Sống trên đời ta lại thấy sao đường đời chông gai đến thế, và rồi mẹ lại dõi theo, dìu dắt ta trên từng bước đường đời gian khổ. Thời gian cướp đi tuổi xuân của mẹ, và con lấy đi sức sống mẹ cha. Mẹ hi sinh rất nhiều nhưng cuối cùng thứ mẹ nhận được lại là những nếp nhăn trên da, là mái đầu bạc trắng. Thời gian thấm thoắt trôi, mẹ cũng già đi theo năm tháng, “Lưng mẹ cứ còng dần xuống / Cho con ngày một thêm cao”. Yêu mẹ nhiều, tôi thầm hứa với lòng mình sẽ luôn học tập thật tốt, luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để sau này không phải nói hai tiếng “giá như”, không phải khiến mẹ phiền lòng. Có lẽ món quà ý nghĩa nhất mà tôi tặng mẹ, không gì khác ... là chính những bông hoa điểm tốt, là những lần tôi dang rộng vòng tay để yêu thương, giúp đỡ người khác.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”
Từng bước đi của mỗi chúng ta trên đường đời gian nan, đầy giông bão luôn có bóng hình của một người phụ nữ phía sau để dõi theo, dìu dắt từng bước đi. Người phụ nữ đó, không ai khác ... chính là mẹ của chúng ta. Hãy yêu cha mẹ khi còn có thể!