Đề 19

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
1
6 coin

SỞ GD VÀ ĐT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG THPT HÒA VANG

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):

Đọc văn bản sau và lần lượt thực hiện các yêu cầu:

    "Sẽ là dối lòng mình nếu nói rằng không mong chờ một chiến thắng.

    Sẽ là dối lòng mình nếu không thừa nhận cảm thấy trái tim tan vỡ khi đội tuyển chịu thất bại ở những giây cuối cùng.

    Nhưng tôi nghĩ kết quả như vậy thậm chí còn tuyệt vời hơn về lâu dài.

    Kết quả trận chung kết này tốt ở chỗ nó nhắc nhở tất cả chúng ta công việc còn ngổn ngang những thứ phải làm. Một chiến thắng dễ đưa chúng ta đến với sự ngạo mạn nguy hiểm.

    Kết quả này cũng dạy cho chúng ta cách yêu những điều không hoàn hảo. Yêu cả trong những lúc đau lòng. Trân trọng và nhìn nhận sự cống hiến, chứ không đặt điều kiện tình yêu của mình vào sự tuyệt đối - một thứ quá mong manh.

    Kết quả này cũng dạy cho chúng ta phải học cách vui với những gì mình đạt được, dù không thật sự tuyệt đối. Niềm vui dựa vào chiến thắng cũng giống như một chất nghiện, nó liên tục cần những thứ lớn hơn, to tát hơn để tiếp tục vui. Nếu không biết kiểm soát nó, nó biến chúng ta thành những người đòi hỏi vô lý. Nó cũng làm chúng ta quên lý do nên vui.

    Cuối cùng, điều to lớn nhất chúng ta học được ở U23 Việt Nam lần này là với những nỗ lực đến kiệt cùng, với kỷ luật sắt đá, với niềm tin tuyệt đối, và cái tôi của từng cá nhân gạt qua một bên nhường cho tinh thần đồng đội mãnh liệt, họ đã làm được điều kỳ diệu đến không tưởng.

    Bao nhiêu người thấm được điều này? Tôi hy vọng là nhiều, rất nhiều. Và biến nó thành động lực cho chính mình để đặt cho mình một mục tiêu khó hơn, thách thức hơn, và có quyết tâm cao hơn để vượt qua.

    Tôi mong mỏi có những cuộc tập hợp, những cuộc xuống đường trong lòng mỗi người người. Và mong rằng nó kéo dài mãi. Nó biến sự hân hoan và ngưỡng mộ thành năng lượng để chúng ta tự chiến thắng trong trận chiến của riêng mình.

    Nếu được như thế, thì cái mà đội tuyển U23 đem lại không chỉ là "mua vui cũng được một vài trống canh" mà thực sự là một sự thay đổi đẹp đẽ trên dải đất chữ S này. Thế nên hãy buồn hãy khóc. Hãy ôm nhau thổn thức vì một giấc mơ vuột trôi đi. Nhưng sau đó hãy gạt nước mắt và đứng thẳng dậy. Để đất nước này đẹp hơn, không thể chỉ dựa vào các chàng trai vàng. Các em ấy đã cho chúng ta một cảm hứng mạnh mẽ, một sự tự tin chưa từng có.  Nhưng chúng ta phải cùng xắn tay áo lên và hành động.

    Riêng tôi, năm nay tôi sẽ quyết tâm rũ bỏ thể trạng yếu đuối mà 40 năm qua không thay đổi được. Bắt đầu bằng việc chạy. Tôi sẽ chạy half marathon (cự ly chạy bộ 21 km) trong năm 2018. Và sẽ không gì làm lung lay được mục tiêu này.

    Còn bạn thì sao?"

                                                             (Trần Vinh Dự - newzing.vn 27/1/2018)

Câu 1: Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?

Câu 2: Chỉ rõ biện pháp tu từ gì được sử dụng ở các câu văn sau:   

           "Sẽ là dối lòng mình nếu nói rằng không mong chờ một chiến thắng.

            Sẽ là dối lòng mình nếu không thừa nhận cảm thấy trái tim tan vỡ khi đội tuyển chịu thất bại ở những giây cuối cùng.”

Câu 3: Theo tác giả, vì sao “kết quả như vậy thậm chí còn tuyệt vời hơn về lâu dài”?

Câu 4: Em có đồng tình với những suy nghĩ của tác giả trong bài viết không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm):

            Kết thúc bài viết ở phần Đọc hiểu, tác giả viết: “Còn bạn thì sao?”. Vậy, từ chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam và những suy nghĩ của tác giả, em rút ra cho mình bài học gì cho cuộc sống của chính mình? Hãy trình bày trong một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ)

Câu 2 (5.0 điểm):

             Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng (trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân) từ sau khi nhặt được vợ.  Từ đó đánh giá, so sánh phần kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” (SGK Ngữ Văn 11, tập một, Nxb Giáo dục) của nhà văn Nam Cao và phần kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” (SGK Ngữ Văn 12, tập hai, Nxb Giáo dục) của nhà văn Kim Lân.

 

-- Hết –

 

 

Người ra đề và đáp án: Trần Thị Thu Hiền

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018

Môn thi: NGỮ VĂN

 

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

ĐỌC HIỂU

 

 

3.0

1

Các phương thức biểu đạt: nghị luận, biểu cảm

0.5

2

Biện pháp tu từ được sử dụng: điệp cấu trúc: sẽ là dối lòng mình nếu …

0.5

3

 Tác giả cho rằng : “kết quả như vậy thậm chí còn tuyệt vời hơn về lâu dài” vì:

- Nó nhắc nhở tất cả chúng ta công việc còn ngổn ngang những thứ phải làm, cần cố gắng nhiều hơn nữa.

- Kết quả này cũng dạy cho chúng ta cách yêu những điều không hoàn hảo. Trân trọng và nhìn nhận sự cống hiến, chứ không đặt điều kiện tình yêu của mình vào sự tuyệt đối - một thứ quá mong manh.

- Kết quả này cũng dạy cho chúng ta phải học cách vui với những gì mình đạt được, dù không thật sự tuyệt đối.   

- Điều to lớn nhất chúng ta học được ở U23 Việt Nam lần này là với những nỗ lực đến kiệt cùng, với kỷ luật sắt đá, với niềm tin tuyệt đối, và cái tôi của từng cá nhân gạt qua một bên nhường cho tinh thần đồng đội mãnh liệt, họ đã làm được điều kỳ diệu đến không tưởng.

1.0

4

Thí sinh chủ động trình bày suy nghĩ của bản thân (đồng tình hay phản đối) và có những lí giải khoa học, thuyết phục

(Nếu chỉ viết chung chung, không bày tỏ thái độ rõ ràng hoặc chép lại chỉ được tối đa ½ tổng số điểm)

1.0

LÀM VĂN

 

 

 

 

7.0

1

*Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết cách viết đoạn văn nghị luận, viết đúng đoạn văn khoảng  200 chữ.

- Diễn đạt lưu loát, giàu cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp…

Lưu ý: nếu bài viết có cảm xúc, văn phong trong sáng, có hình ảnh, diễn đạt trôi chảy, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt thì có thể cho điểm tối đa; nếu bài viết đáp ứng đủ các nội dung nhưng có hạn chế trong diễn đạt thì tùy mức độ mà giảm số điểm, nhưng không giảm quá ½ tổng điểm

*Yêu cầu về nội dung

Mỗi thí sinh có thể tự rút ra những bài học riêng cho bản thân trong cuộc sống như:

Bài học về cách yêu ngay cả những thứ không hoàn hảo, trọn vẹn.

Bài học về tinh thần đồng đội, sự đoàn kết

Bài học về sự nỗ lực cố gắng không nản chí ngay cả khi chưa đạt tới thành công

Bài học về sự khiêm tốn

Bài học về hành động để vươn tới ước mơ và thành công…

Với mỗi bài học của bản thân, thí sinh cần thực hiện được những yêu cầu cụ thể như sau:

Nêu ra bài học

Giải thích được vấn đề (bài học)

Vai trò ý nghĩa của vấn đề (bài học) trong cuộc sống, lấy dẫn chứng để chứng minh cụ thể

Hành động cụ thể của bản thân để thực hiện

2.0

2

Yêu cầu về kĩ năng

– Trên cơ sở HS nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Vợ nhặt” và những hiểu biết về nhân vật Tràng, tác phẩm “Chí Phèo” và phần kết cảu tác phẩm.

– Biết trình bày bài văn có kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát , không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp…

­­­‑ Hiểu đúng yêu cầu đề ra, biết triển khai vấn đề nghị luận

0.5

 

Yêu cầu về nội dung

4.5

 

a.  Giới thiệu tác giả, tác phẩm

-  Vài nét về Kim Lân

- Tác phẩm: vị trí, hoàn cảnh sáng tác

- Giới thiệu nhân vật Tràng

- Giới thiệu tác giả Nam Cao và phần kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo”

 

 

b. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng từ sau khi nhặt được vợ:

- Ban đầu: Tràng tưởng là đùa, ai ngờ Thị về thật nên Tràng bất ngờ. lo lắng nhưng rồi lòng trắc ẩn, khát khao hạnh phúc khiến Tràng tặc lưỡi chấp nhận đánh cuộc với cái đói, với số phận

- Trên đường đưa Thị về nhà: sung sướng, hạnh phúc tự mãn. Niềm hạnh phúc xua tan ám ảnh của cái chết và đói khát (Thí sinh phân tích cụ thể)

- Về đến nhà:

- Khi giới thiệu Thị với mẹ (bà cụ Tứ): trang trọng, chân tình thể hiện sự quý trọng nâng niu niềm hạnh phúc đơn sơ mà Tràng vừa mới có được

- Sáng hôm sau: hạnh phúc, thấy mình đã thực sự trưởng thành, nghĩ đến tương lai mai sau

- Phần kết: niềm tin và khát vọng thay đổi cuộc sống, hướng đến tương lai ấm no, hạnh phúc, tự do.

=> Kết luận: Tràng tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Thể hiện khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt và tình yêu thương, đùm bọc chia sẻ ngay trong tối tăm đói khát. Nhà văn phê phán xã hội và đồng cảm trân trọng thương yêu người nông dân.

- Nghệ thuât: Phân tích, miêu tả tâm lí chân thực, xúc động, ngôn ngữ giản dị gần gũi, tình huống truyện độc đáo…

c. Đánh giá, so sánh phần kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” (SGK Ngữ Văn 11, tập một, Nxb Giáo dục) của nhà văn Nam Cao và phần kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” (SGK Ngữ Văn 12, tập hai, Nxb Giáo dục) của nhà văn Kim Lân.

- Ý nghĩa phần kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” với hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới trong tâm trí Tràng:

+ Vừa gợi ra cuộc sống đói khát thê thảm của người nông dân vừa gợi liên tưởng tới cách mạng. Người nông dân đã bắt đầu giác ngộ và tự giác đến với cách mạng.

+ Thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả: trân trọng khát vọng sống ngay bên bờ vực của cái chết của người nông dân

+ Thể hiện niềm tin, hy vọng về tương lai. Là kết thúc mở gợi nhiều suy ngẫm lạc quan cho người đọc

- Ý nghĩa phần kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” với cái chết của nhân vật Chí Phèo và hình ảnh cái lò gạch cũ trong tâm trí thị Nở:

+ Gợi ra bước đường cùng, sự quẩn quanh, bế tắc trong cuộc sống và bi kịch bị tha hóa cự tuyệt quyền làm người của người nông dân đương thời.

+ Thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn: Thương yêu đồng cảm với bi kịch của họ, trân trọng khát vọng được sống lương thiện của họ đồng thời lên án, tố cáo xã hội.

+ Truyện kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh mở đầu của tác phẩm: cái lò gạch cũ để gợi ra vòng tròn quẩn quanh, bế tắc của cuộc sống của người nông dân.

- So sánh điểm tương đồng và khác biệt:

+ Điểm tương đồng: Đều là những kết thúc gợi nhiều suy ngẫm liên tưởng và để lại nhiều cảm xúc cho người sau khi tìm hiểu xong các tác phẩm, đều phản ánh chân thực cuộc sống tối tăm của người nông dân để lên án tố cáo xã hội, đều thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc đẹp đẽ của các tác giả.

+ Điểm khác biệt: (Đã nêu ở trên, thí sinh khái quát lại): Do hoàn cảnh xã hội có sự khác biệt, do cách cảm nhận và tài năng sáng tác độc đáo của mỗi tác giả…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d. Nhận xét chung:

Thí sinh nhận xét, đánh giá, khái quát lại vấn đề.

 

 

Khách