Những đứa con trong gia đình (Trích - Nguyễn Thi)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Nguyễn Thi (1928 - 1968) tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, ông sinh ra tại Hải Hậu - Nam Định.

- Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ đi bước nữa nên vất vả, tủi nhục từ nhỏ.

- Năm 1945 ông tham gia cách mạng và gia nhập lực lượng vũ trang.

- Năm 1954: Ông tập kết ra Bắc và công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân đội

- Năm 1962: Trở lại chiến trường miền Nam.

-  Năm 1968: Hy sinh ở mặt trận Sài Gòn. 

- Tác phẩm chính: “Hương đồng nội”(1950), “Truyện và ký”(1978), ...

- Phong cách nghệ thuật: năng lực phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo, văn phong vừa đằm thắm chất trữ tình vừa giàu chất hiện thực; Có khả năng tạo nên những nhân vật có cá tính mạnh mẽ, mang đậm tính cách Nam Bộ.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời

- Viết năm 1966 giữa những tháng ngày ác liệt của chiến tranh chống Mĩ.  

- Sau in trong tập “Truyện và kí” (1978).

b. Bố cục

- Phần 1: (Từ đầu đến "bắt đầu xung phong"): Việt bị thương ở chiến trường, ngất đi rồi tỉnh lại.

- Phần 2: (Còn lại): Kí ức của Việt về câu chuyện hai chị em tranh nhau đi tòng quân.

@1842534@@1842616@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Nhân vật Việt và Chiến

* Những nét tính cách giống nhau

- Hai chị em đều rất trẻ: nên tính tình ngây thơ, hồn nhiên và dễ thương

+ Giành nhau chuyện bắt ếch, đánh tàu giặc, giành nhau đi tòng quân.

+ Hay cãi nhau.

- Cùng sinh trưởng trong một gia đình, cùng hoàn cảnh số phận nên có tâm lí, tính cách giống nhau:

+ Cùng ước nguyện được cầm súng đánh giặc để trả thù cho ba má.

+ Giành nhau đi tòng quân.

+ Cùng ý nghĩ khi khiên bàn thờ sang gửi nhà chú Năm để chị em đi đánh giặc.

=> Cả hai đều giống nhau ở tấm lòng thương yêu cha mẹ, lòng căm thù giặc sâu sắc. Tình cảm nung nấu, hun đúc thành ý chí sắt đá, thành lòng quyết tâm cao.

- Dù còn nhỏ tuổi nhưng hành động của họ thật đáng khâm phục:

+ Hai chị em bắn được tàu chiến của giặc trên sông Đinh Thủy.

+ Khi đi chiến đấu, Chiến là tiểu đội trưởng gương mẫu, Việt phá được xe tăng của địch.

+ Dù bị thương và hôn mê, nhưng Việt vẫn để tay lên cò súng, sẵn sàng chiến đấu.

=> Họ đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan góc, lập được nhiều chiến công.

* Những nét tính cách khác nhau

- Chiến:

+ Chiến có cái gan góc, kiên đinh của người phụ nữ: Ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình từ trưa đến tối, Kiên quyết giành em đi tòng quân.

+ Ngoài khát vọng, mục đích, quyết tâm kiên cường chiến đấu, hành động này còn biểu hiện tấm lòng người chị thương em.

+ Đảm đang tháo vát: sắp xếp chuyện gia đình trước khi hai chị em đi tòng quân.

+ Nét tính cách riêng của người con gái mới lớn hồn nhiên, dễ thương: thích soi gương.

-  Việt:

+ Tính cách hiếu động: thích bắt ếch, bắn chim, câu cá.

+ Tính cách hiếu thắng: đã giành với chị cái gì thì giành cho bằng được.

+ Hôn nhiên vô tư: Tranh chị đi tòng quân, chuyện trong gia đình thì phó mặc cho chị. Trong đêm trước lúc lên đường, Chiến đang bàn tính thì Việt ậm ừ một lúc đã ngáy khò khò.

+ Tính cách trẻ con: Đi bộ đội còn dắt thêm cái ná thun trong người; Đi đánh giặc không sợ giặc, không sợ chết, chỉ sợ ma; Muốn giữ kín chị không cho đồng đội biết vì sợ mất chị.

@1842864@

2. Nhân vật chú Năm

* Chú Năm là kết tinh của truyền thống anh hùng bất khuất đánh giặc, cứu nước:

- Trong bả vai chú còn đầu đàn của khói lửa những ngày chống Pháp.

- Chú hay hò, tiếng hò của chú như một hiệu lệnh, một lời thề, một lời nhắn nhủ.

- Chú giữ gìn cuốn sổ gia đình như một bảo vật.

* Chú Năm là người trọng đạo nghĩa, mang tính cách Nam Bộ rõ nét:

- Thể hiện tình yêu nước và trọng đạo lý trong lời nhắn nhủ Chiến và Việt: “Chuyến này ra đi chân trời, mặt biển, phải học chúng học bạn, đứa nào mà trốn về là tao chặt đầu”

- Sẵn sàng cáng đáng công việc gia đình để hai chị em Chiến yên tâm tòng quân.

- Chú khen Chiến: “Việc nhà nó thu được gon thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thất, đặng bề nước non” . Lời khen mang âm vang của đạo lý cha ông.

=> Dù chỉ được phác họa vài nét nhưng nhân vật chú Năm hiện lên sống động, có linh hồn: Một tâm hồn trung nghĩa, phóng khoáng, chuộng đạo lí, có cá tính riêng và đặc biệt là ở chú kết tinh truyền thống anh hùng đẹp đẽ của gia đình, của dân tộc.

@1842775@

3. Nhân vật người mẹ

* Hình ảnh người mẹ anh hùng:

- Khi chồng bị sát hại đã gan dạ, cứng rắn cầm rổ đi đòi đầu chồng.

- Trước sự hà hiếp của bọn lính giặc, má Việt vẫn hiện lên vững chãi, kiên trung.

- Làm lụng vất vả nhưng vẫn nuôi giấu cán bộ cách mạng và tham gia biểu tình.

-  Một lần chiến đấu bị trúng đạn nhưng vẫn thản nhiên nằm xuống như một chiến sĩ dũng cảm.

* Hình ảnh người mẹ đảm đang, tháo vát

- Đảm đang chăm lo gia đình để chồng yên tâm công tác. Khi chồng mất càng vất vả, lam lũ hơn: “Má ra đi từ khi sáng sớm đến tối mịt mới về nhà mang theo một thúng thóc”.

- Vất vả, lam lũ nhưng không hề than vãn mà tận tụy, chịu thương, chịu khó.

=> Má Việt là một người mẹ đau khổ của đất nước đau thương vì chiến tranh. Nhưng bà lại có những phẩm chất vô cùng tốt đẹp và đáng quý, nổi bật là yêu chồng, thương con, đảm đang tháo vát, bất khuất kiên cường trước tội ác của quân thù. Người mẹ ấy góp phần làm tỏa sáng vẻ đẹp của một gia đình giàu truyền thống anh hùng.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

-  Mang đậm chất sử thi : (đề tài, nhân vật, ngôn ngữ, các chi tiết) cuốn sổ, lòng căm thù giặc, thuỷ chung son sắt với quê hương, …

- Ngôn ngữ mộc mạc, tự nhiên, giầu hình ảnh và đậm chất Nam Bộ

- Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật sinh động, khách quan.

- Nghệ thuật kể truyện theo mạch hồi tưởng của nhân vật Việt tạo sự tự nhiên, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời gian.

2. Nội dung

- Truyện kể về những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với Cách mạng.

- Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

@1842712@