Tuyên ngôn độc lập

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Hồ Chí Minh (19/05/1889 - 02/09/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung.

- Quê quán: Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An.

- Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước

- Người là một vị lãnh tụ tài ba, vĩ đại, người đã đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than.

- Được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

- Quan điểm sáng tác:

+ Coi văn học là một vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

+ Luôn chú trọng tính chân thực và tính dân tộc.

+ Luôn chú ý đến mục đích và đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.

- Tác phẩm chính: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), Nhật kí trong tù,...

- Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng. Nhìn chung, ở mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện, kí đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn và có giá trị bền vững.

+ Văn chính luận: Bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hoá; lí luận gắn với thực tiễn; giàu tính luận chiến; vận dụng có hiệu quả nhiều phương thức biểu hiện.

+ Truyện - kí: Chủ động và sáng tạo trong bút pháp; bộc lộ rõ chất trí tuệ và tính hiện đại.

+ Thơ ca: Có phong cách đa dạng. Khi là những bài cổ thi hàm súc, uyên thâm đạt chuẩn mực cao về nghệ thuật. Khi là những bài thơ hiện đại vận dụng linh hoạt nhiều thể thơ, phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho nhiệm vụ cách mạng.

+ Nhìn một cách bao quát có thể thấy: dù viết về đề tài gì, thể loại và ngôn ngữ nào, tác phẩm của Hồ Chí Minh bao giờ cũng ngắn gọn, giản dị, trong sáng; mọi ý tưởng và hình tượng đều vận động hướng tới cách mạng, ánh sáng, niềm vui và sự sống.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh ra đời

- Ngày 19 - 8 - 1945, chính quyền ở thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân ta. Ngày 23 - 8 - 1945, tại Huế trước hàng vạn đồng bào ta, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25 - 8 - 1945, gần một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn quật khởi đứng lên giành chính quyền. Chỉ không đầy 10 ngày, Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ.

- Cuối tháng 8 - 1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Và ngày 2 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, tự do.

b. Bố cục

- Đoạn 1: (Từ đầu đến "không ai chối cãi được”): Nêu nguyên lí chung của bản tuyên ngôn độc lập.

- Đoạn 2: (Từ “Thế mà" đến "phải được độc lập”): Tố cáo tội ác của thực dân Pháp, khẳng định thực tế lịch sử nhân dân ta đấu tranh giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Đoạn 3: (Còn lại): Lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ nền độc lập.

@1557722@@1557913@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Mục đích của bản Tuyên ngôn Độc lập

- Tuyên ngôn: Bác chính thức tuyên bố trước quốc dân, đồng bào, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khẳng định quyền độc lập, tự do  của dân tộc Việt Nam.

- Tố cáo: Tuyên ngôn độc lập tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt hơn 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

- Khát vọng, ý chí: Đánh đòn phủ đầu đối với những kẻ thù có âm mưu xâm lược và tái chiếm Việt Nam, khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc.

@1558170@

2. Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực

- Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận hùng hồn, bộc lộ ý chí, khát vọng, sức mạnh của con người Việt Nam, có giá trị lịch sử to lơn, phản ánh một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất văn phong chính luận của Hồ Chí Minh - một thể văn thuyết phục người đọc không phải bằng hiện tượng mà bằng những lí lẽ, lập luận chặt chẽ và những luận  cứ xác đáng không thể bác bỏ.

- Bố cục của bài văn đã thể hiện tư duy chính trị, bút pháp nghệ thuật sắc sảo giàu chất trí tuệ, gắn lí luận với thực tiễn.

- Lập luận: Chặt chẽ, Người đã viện dẫn hai bản tuyên ngôn lớn đã đi vào lịch sử của nhân loại để bắt đầu cho lời bài luận của mình về quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Đây là những lập luận được coi là những nguyên lí làm cơ sở cho toàn bản tuyên ngôn.

- Thuyết phục: Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp nêu nguyên lí của quyền con người mà Người dẫn ra hai bản tuyên ngôn nổi tiếng là của Mĩ (1776), Tuyên ngôn dân quyền và quyền của Pháp (1791). Hai bản tuyên ngôn ấy từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hoá của hai dân tộc. Đây là trích dẫn khéo léo, thông minh, vừa đủ sức thuyết phục để có thể khoá chặt mọi vấn đề, đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được.

+ Cách trích dẫn ấy tạo ra tính luận chiến cao cho Tuyên ngôn Độc lập. Bác lấy chính lí lẽ của tổ tiên người Pháp và người Mĩ để nói với người Pháp và người Mĩ hiện đại, chúng không có quyền được chà đạp lên ngọn cờ nhân đạo mà người Pháp, người Mĩ trong truyền thống đã không tiếc công sức xây dựng lên. Ngón võ dân gian "gậy ông lại đập lưng ông" được Hồ Chí Minh sử dụng một cách đắt đĩa. Đây cũng là ngón đòn tâm lí nhằm vào những người Pháp, người Mĩ có lương tri, giúp họ nhận thức rõ hơn cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, của Mĩ ở Việt Nam.

+ Điều đáng nói hơn, lời trích dẫn đó đã tạo ra sự sáng tạo diệu kì trong Tuyên ngôn Độc lập. Bác đã đặt ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau: ba nền độc lập là như nhau, đăng đối và cân xứng. Bác đã khéo léo khơi gợi truyền thống tự hào dân tộc từ trong quá khứ, tạo động lực cho cuộc chiến tranh mới. Từ quyền của con người, Bác nhân lên thành quyền của dân tộc nằm trong ba chữ "suy rộng ra". Các nước đều có quyền tự quyết đối với văn minh của dân tộc mình. Đây là một đóng góp đầy ý nghĩa của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, lời trích dẫn đó như phát súng khỏi đầu cho các nước thuộc địa đứng dậy đấu tranh. Tầm tư tưởng của Bác có sự ảnh hưởng có tích chất nhân loại. Chính vì thế mà tên Người đã trở thành cả một nguồn thơ. Thế giới hát về Người, Việt Nam hát về Người: "Nếu ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, chân lí trên Trái Đất ở nơi nào, mùa xuân ở đâu, xin mời đến thăm cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự hiện diện mẫu mực của một con người vĩ đại trong thời đại của chúng ta." (Nhà văn hoá Cuba Ronedopestre); hay nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Trăm năm thế kỉ trong tên Người Ái Quốc

Bạn muôn đời của thế giới đau thương.

- Lí lẽ:

+ Sau phần lập luận, Hồ Chí Minh đã đưa ra những lí lẽ xác đáng giàu sức thuyết phục: "Thế mà hơn 80 năm nay thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do bình đẳng đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta, hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Câu văn mang tính chất phản đề chắc chắn, xác đáng. Thực dân Pháp không bảo hộ, khai hoá văn minh như luận điệu chúng đưa ra thế giới mà thực chất chúng gieo rắc nhiều tội ác. Với thủ pháp nghệ thuật liệt kê, Hồ Chí Minh đã phơi bày bản chất xâm lược của kẻ thù.

+ Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho dân ta bất cứ quyền tự do dân chủ nào. Chúng xây nhà tù nhiều hơn trường học, chúng tắm những cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu.

+ Về kinh tế, chúng cướp không ruộng đất, hầm mot nguyên liệu. Chúng áp đặt hàng trăm thứ thuế, chúng không cho các nhà tư sản nước ta ngóc đầu lên được.

=> Hồ Chí Minh dùng nhiều hình ảnh cụ thể, sinh động: "nhà tù nhiều hơn trường học", "tắm các cuộc khởi nghĩa " để nêu bộ mặt tàn bạo, độc ác, hèn nhát của thực dân Pháp, xé nát chiêu bài bịp bợm mà Pháp tung ra trên dư luận thế giới. Thực chất của bảo hộ là bán nước ta cho Nhật, chia rẽ tổ quốc ta thành 3 kì.

+ 14 lần điệp từ "chúng" đứng ở đầu câu cùng kiểu câu song hành có tính chất nhấn mạnh tội ác của thực dân Pháp.

-> Bác chốt lại bằng dẫn chứng lịch sử mà không thể chối cãi: "Từ Quảng Trị đến Bắc kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói", Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, khắc sâu bản chất tội ác tày trời của thực dân Pháp, chúng bán nước ta gây bao đau thương, tang tóc cho đồng bào ta.

@1558331@

- Ngôn ngữ:

+ Từ: Cùng với lập luận, lí lẽ là hệ thống ngôn ngữ chính xác giàu sắc thái biểu cảm, Bác đã phản ánh cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Nếu thực dân Pháp bộ lộ tính hèn nhát, chúng thẳng tay khủng bố Việt Minh, thậm chí đến khi thua chạy chúng còn giết số đông tù chính trị ở Yên Bái, Cao Bằng. Nhưng nhân dân ta vẫn giữ thái độ khoan hồng với chúng sau cuộc binh biến ngày 9/3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ.

+ "Giúp" là đối với những kẻ yếu hơn mình, "cứu" là đối với những kẻ khó khăn hoạn nạn cần cứu giúp, "bảo vệ" là đối với kẻ không còn khả năng tự vệ. Bản chất của những từ ấy đã phơi bày tội ác của kẻ thù và nói lên cuộc đấu tranh chính nghĩa, khoan hồng, giàu lòng nhân đạo ở Việt Nam.

+ Cụm từ: "Sự thật là" đứng đầu các câu văn, trạng từ "xoá bỏ hẳn",  "thoát li hẳn", Bác muốn nhấn mạnh một sự thực hiển nhiên: Pháp không còn bất cứ mối liên hệ ở Việt Nam, không còn bất cứ độc quyền, đặc lợi nào ở mảnh đất này, không có lí do để quya trở lại Đông Dương.

+ Câu: Từ đó Người đã nêu cao vị trí, vai trò cuộc đấu tranh của nhân dân ta đứng về phía các nước đồng minh chống lại phát xít đã góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ. Chỉ với một câu văn ngắn: "Pháp chạy Nhật hàng vua Bảo Đại thoái vị" mà ba tầng xiềng xích đã bị xoá bỏ hoàn toàn, cuộc đấu tranh chính nghĩa, vẻ vang, hợp đạo lí của dân ta vì tự do, độc lập nhất định phải được đồng tình, ủng hộ. Nhân dân Việt Nam là người làm chủ xứng đáng đất nước này.

+ Đoạn văn: Xuất phát từ kết quả cuộc đấu tranh để rồi người có lí do tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Có "quyền" đó là nguyên lí. Nguyên lí về quyền con người đã từng nhắc đến trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của lịch sử nhân loại, đó cũng là cái quyền được bàn trên bàn Hội nghị ở Tê-hê-răng và hội nghị Cựu Kim Sơn - 1 cái quyền mà người Việt Nam đương nhiên được thụ hưởng theo công ước quốc tế. Nhưng hơn cả, cái quyền ấy là "sự thật" người Việt Nam đã đứng dậy đấu tranh để thực hiện đúng nguyên lí, đây chính là thành quả của cuộc đấu tranh Cách mạng:

Tự do đã nở hoa hồng

Trong dòng máu đổ trên đồng Việt Nam

(Tố Hữu)

-> Vì nó là kết quả của biết bao máu đã đổ, bao nhiêu tính mạng đã hi sinh trên chiến trường, trong nhà tù và trên máy chém. Chính bởi vậy mà dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập tự do ấy. Lời văn hào hứng, rung động đó là lời tuyên chiến với kẻ thù nào có âm mưu xâm lược và tái chiếm Việt Nam. Dù không muốn nhưng những lời lẽ ấy vẫn phải vang lên trong những giờ phút lâm nguy của lịch sử. Nó đã thức tỉnh và lay động hàng triệu triệu con tim. Tuyên ngôn Độc lập là lời của núi sông, hồn thiêng của cha ông, những lời lẽ ấy sang trọng và kiêu hùng, giàu chất trí tuệ, đanh thép, bút chiến với kẻ thù. Nó cũng là lời "châu ngọc, hàng gấm thêu".

=> Với lập luận chặt chẽ, lí lẽ, ngôn từ, diễn đạt đã khiến Tuyên ngôn Độc lập trở thành áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện được tài năng của người viết chính luận. Tuyên ngôn độc lập là một áng thiên cổ hùng văn của thời đại Cách mạnh vô sản gắn với tên tuổi của người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh. Cũng từ bản tuyên ngôn ấy, đã mở ra một trang sử mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam đi lên từ bấy lâu nay:

   Một sáng Ba Đình vang tiếng dội

   Tôi nói đồng bào nghe rõ không

Từ khi tiếng ấy văng sông núi

          Cách mạng càng dâng đỏ núi sông.

(Gia Ninh, Tiếng nói Ba Đình)

@1558389@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Là một áng văn chính luận mẫu mực.

- Lập luận chặt chẽ.

- Lý lẽ đanh thép.

- Ngôn ngữ hùng hồn.

- Dẫn chứng xác thực, lấy ra từ lịch sử cụ thể.

2. Nội dung

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta.  Đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tư do của nước Việt Nam mới.