Nội dung lý thuyết
Đọc truyện cười sau và trả lời câu hỏi.
CHÀO HỎI
Anh chàng nọ ở nhà vợ tại một vùng quê, được người nhà dặn là phải luôn chào hỏi mọi người xung quanh.
Một hôm, anh ta ra đường và thấy một anh đang đốn cành trên một cây cao, liền ra dấu gọi.
Người kia dừng việc, lật đật trèo xuống, hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Có gì đâu! Bác làm việc vất vả lắm phải không?
(Theo Truyện cười dân gian Việt Nam)
❔ Nhân vật anh chàng rể có tuân thủ đúng phương châm lịch sự không? Vì sao em nhận xét như vậy?
❔ Có thể rút ra bài học gì qua câu chuyện này?
Trả lời:
- Câ hỏi "Bác làm việc vất vả lắm phải không?" trong tình huống giao tiếp khác có thể coi là lịch sự, thể hiện sự quan tâm đến người khác. Nhưng trong tình huống này, người được hỏi bị chàng ngốc gọi xuống từ trên cây câo lúc mà người đó đang làm việc. Rõ ràng chàng ngốc đã làm một việc quấy rối, gây phiền hà cho người khác.
- Có thể rút ra bài học: Cần chú ý đến đặc điểm của tình huống giao tiếp, vì một câu nói có thể thích hợp trong tình huống này, nhưng không thích hợp trong một tình huống khác.
Việc vận dụng các phương châm hội thoại cần phù hợp với đặc điểm của tình huống giao tiếp. (Nói với ai? Nói khi nào? Nói ở đâu? Nói để làm gì?).
VD1: Đọc đoạn đối thoại sau, chú ý những từ ngữ in đậm và trả lời câu hỏi.
An: - Cậu có biết chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo vào năm nào không?
Ba: - Đâu khoảng đầu thế kỉ XX.
❔ Câu trả lời của Ba có đáp ứng nhu cầu thông tin đúng như An mong muốn hay không?
❔ Có phương châm hội thoại nào đã không được tuân thủ?
❔ Vì sao người nói không tuân thủ phương châm hội thoại ấy?
Trả lời:
- Câu trả lời của Ba không đáp ứng nhu cầu thông tin như An mong muốn.
- Phương châm về lượng.
- Vì người nói không biết chính xác máy bay đầu tiên trên thế giới được chế tạo năm nào. Để tuân thủ phương châm về chất (không nói điều mà mình không có bằng chứng xác thực), người nói phải trả lời một cách chung chung như thế.
VD2: Khi bác sĩ nói với một người mắc bệnh nan y về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đó thì phương châm hội thoại nào không được tuân thủ? Vì sao bác sĩ phải làm như vậy? Hãy tìm những tình huống giao tiếp khác mà phương châm đó cũng không được tuân thủ.
Trả lời:
- Bác sĩ không nói sự thật về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, chẳng hạn thay vì nói thật căn bệnh đã đến giai đoạn nguy kịch, không thể chữa được nữa, bác sĩ có thể động viên là nếu cố gắng thì bệnh nhân có thể vượt qua được . Nghĩa là người nói không tuân thủ phương châm về chất vì đã nói điều mình không tin là đúng. Nhưng đó là việc làm nhân đạo và cần thiết. Vì nhờ sự động viên đó mà bệnh nhân có thể lạc quan hơn, có nghị lực hơn để sống khoảng thời gian còn lại của cuộc đời. Như vậy, không phải sự "nói dối" nào cũng đáng chê trách hay lên án.
- Có thể nêu nhiều tình huống tương tự, trong đó phương châm về chất không được tuân thủ. Chẳng hạn, người chiến sĩ không may sao vào tay địch không thể tuân thủ phương châm về chất mà khai thật hết tất cả những gì mà mình biết về đồng đội, về bí mật của đơn vị,...
VD3: Khi nói "Tiền bạc chỉ là tiền bạc" thì có phải người nói không tuân thủ phương châm về lượng hay không? Phải hiểu ý nghĩa câu này như thế nào?
Trả lời:
- Nếu xét về nghĩa tường minh thì câu này không tuân thủ phương châm về lượng, bởi vì nó dường như không cho người nghe thêm một thông tin nào. Nhưng xét về hàm ys thì câu này có nội dung của nó, nghĩa là vẫn bảo đảm tuân thủ phương châm về lượng.
- Tiền bạc chỉ là phương tiện để sống, chứ không phải mục đích cuối cùng của con người. Câu này có ý răn dạy người ta không nên chạy theo tiền bạc mà quên đi nhiều thứ quan trọng hơn, thiêng liêng hơn trong cuộc sống.
Việc không tuân thủ các phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hóa giao tiếp;
- Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hoặc một yêu cầu khác quan trọng hơn;
- Người nói muốn gây sự chú ý, để người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.