Nội dung lý thuyết
VD1: Phân biệt các từ ngữ in đậm với chủ ngữ trong những câu sau về vị trí trong câu và quan hệ với vị ngữ.
a) Nghe anh gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
b) Giàu, tôi cũng giàu rồi.
(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)
c) Về các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ, chúng ta có thể tin ở tiếng ta, không sợ nó thiếu giàu và đẹp [...].
(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)
Trả lời:
- Xác định chủ ngữ trong những câu chứa từ ngữ in đậm:
+ Ở a): Chủ ngữ trong câu cuối là từ anh thứ hai (không phải từ anh được in đậm).
+ Ở b): Chủ ngữ là từ tôi.
+ Ở c) Chủ ngữ là chúng ta.
- Phân biệt các từ in đậm với chủ ngữ:
+ Về vị trí: Các từ in đậm đứng trước chủ ngữ.
+ Về quan hệ với vị ngữ: Các từ in đậm không có qun hệ chủ - vị với vị ngữ.
VD 2: Trước các từ ngữ in đậm nói trên, có ( hoặc có thể thêm) những quan hệ từ nào?
Trả lời:
- Có thể thêm quan hệ từ: đối với, về,...
1. Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
2. Trước khởi ngữ, thường có thể thêm các quan hệ từ: Về, đối với,...
- Khởi ngữ cũng còn được gọi là đề ngữ hay thành phần khởi ý.
- Khởi ngữ có quan hệ trực tiếp đối với một yếu tố nào đó trong phần câu còn lại (đứng sau nó), nhưnh cũng có thể quan hệ gián tiếp với nội dung của phần câu còn lại.
- Khi khởi ngữ có quan hệ trực tiếp với yếu tố nào đó trong phần câu còn lại thì:
+ Yếu tố khởi ngữ có thể được lặp lại y nguyên ở phần câu còn lại.
VD: Giàu, tôi cũng giàu rồi.
+ Yếu tố ở khởi ngữ có thể được lặp lại bằng một từ thay thế.
VD: Quyển sách này tôi đọc rồi. -> Quyển sách này tôi đọc nó rồi.
- Điểm chung của hai trường hợp quan hệ trực tiếp và quan hệ gián tiếp là đều có thể thêm các quan hệ từ như về, đối với vào trước khởi ngữ. Chính những tiếng này cho thấy rõ ràng chức năng của khởi ngữ là nêu đề tài của câu chứa nó.