Nội dung lý thuyết
VD1: Qua ý kiến sau đây, em hiểu tác giả muốn nói điều gì?
Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng để diễn tả rất nhiều ý; hoặc ngược lại, một ý nhưng lại có bao nhiêu chữ để diễn tả. Vì vậy, nếu nói Tiếng Việt của ta có những khả năng rất lớn để diễn đạt tư tưởng và tình cảm trong nhiều thể văn thì điều đó hoàn toàn đúng. Không sợ tiếng ta nghèo, chỉ sợ chúng ta không biết dùng tiếng ta.
(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,Sđd)
Trả lời:
- Qua ý kiến trên, tác giả muốn nói:
+ Tiếng Việt là một loại ngôn ngữ có khả năng rất lớn để đáp ứng nhu cầu diễn đạt của người Việt.
+ Muốn phát huy tốt khả năng của tiếng Việt, mỗi cá nhân phải không ngừng trau đôi ngôn ngữ của mình mà trước hết là trau dồi vốn từ.
VD2: Xác định lỗi diễn đạt trong những câu sau:
a) Việt Nam chúng ta có rất nhiều thắng cảnh đẹp.
b) Các nhà khoa học dự đoán những chiếc bình này đã có cách đây khoảng 2500 năm.
c) Trong những năm gần đây, nhà trường đã đẩy mạnh quy mô đào tạo để đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
❔ Giải thích vì sao có những lỗi này, vì "tiếng ta nghèo" hay vì người viết "không biết dùng tiếng ta". Như vậy để "biết dùng tiếng ta" cần phải làm gì?
Trả lời:
- Trong câu (a), dùng thừa từ đẹp, vì thắng cảnh có nghĩa là "cảnh đẹp" rồi. Trong câu (b), dùng sai từ dự đoán, vì dự đoán có nghĩa là "đoán trước tình hình, sự việc nào đó có thể xảy đến trong tương lại". Vì thế ở đây chỉ có thể dùng những từ như phỏng đoán, ước đoán, ước tính,... Trong câu (c), dùng sai từ đẩy mạnh, vì đẩy mạnh có nghĩa là "thúc đẩy chó phát triển nhanh". Nói về quy mô thì có thể là mở rộng hay thu hẹp, chứ không thể nhanh hay chậm được.
- Có những lỗi này vì người viết không biết chính xác nghĩa và cách dùng của từ mà mình sử dụng. Rõ ràng là không phải do "tiếng ta nghèo", mà do người viết đã "không biết dùng tiếng ta". Như vậy muốn "biết dùng tiếng ta" thì trước hết phải nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ.
Muốn sử dụng tốt tiếng Việt trước hết cần trau dồi vốn từ. Rèn luyện để nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ là việc rất quan trọng để trau dồi vốn từ.
Em hiểu ý kiến sau đây như thế nào?
Từ lúc chưa có ý thức, cho tới lúc có ý thức, chúng ta đã học chữ của Nguyễn Du. Chắc ai cũng đồng ý với tôi rằng nếu chữ nghĩa "Truyện Kiều" mà xoàng xĩnh thôi thì chắc "Truyện Kiều", dù tư tưởng sâu xa đến đâu cũng chưa thể thành sách của mọi người. Tôi càng phục tài học với sức sáng tạo của Nguyễn Du trong chữ nghĩa, khi tôi đọc đến câu thơ ông viết ông đã "ở trong ruộng bãi để học câu hát hay của người trồng dâu". Đó không phải là cách nói bóng, mà đó là một tâm sự, một kế hoạch học chữ, hay là nói theo cách nói của chúng ta ngày nay: Nguyễn Du đã đi vào học lời ăn tiếng nói nhân dân, cơ sở sáng tạo ngôn ngữ của nhà thơ thiên tài đã dựa thẳng vào đấy.
Xin kể hai ví dụ. Câu thơ Nguyễn Du có chữ "áy" (cỏ áy bóng tà...). Chữ "áy" ấy tài giỏi đến độ dù ta không hiểu nghĩa, nó cũng hiện lên sự ảm đạm. Cho tới năm trước, có dịp đi Thái Bình, về huyện Thái Ninh, tôi được biết chữ "áy" là tiếng vùng quê ấy. Quê vợ Nguyễn Du ở Thái Bình, Nguyễn Du đã ở lâu đất Thái Bình, "cỏ áy" có nghĩa là coe vàng úa. Tiếng "áy" ở Thái Bình đã vào văn chương "Truyện Kiều" và trở thành tuyệt vời.
Ví dụ nữa, ba chữ "bén duyên tơ" ở "Truyện Kiều". Thông thường, ta hiểu "bén duyên" có thể gần gũi với câu tục ngữ "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Nhưng không phải. Trong nghề ươm tơ, lúc tháo con tằm lấy tơ thì người ta ngâm tằm vào nồi nước nóng, rồi đem guồng ra, vớt tơ lên quay vào guồng, lúc sợi tơ bắt đầu quay vào guồng, người nghề gọi là "tơ bén". Nếu chỉ viết "bén duyên" không thì còn có thể ngờ, chứ "bén duyên tơ" thì rõ ràng Nguyễn Du của chúng ta đã nghe, học và sáng tạo trên cơ sở công việc của người hái dâu chăn tằm. Nguyễn Du đã trau dồi ngôn ngữ, đêm ngày mài giũa chữ nghĩa kì khu biết chừng nào!
(Theo Tô Hoài, Mỗi chữ phải là một hạt ngọc,
trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sđd)
Trả lời:
- Nhà văn Tô Hoài phân tích quá trình trau dồi vốn từ của đại thi hào Nguyễn Du bằng cách học lời ăn tiếng nói của nhân dân.
- Trong phần trên chúng ta đề cập đến việc trau dồi vốn từ thông qua quá trình rèn luyện để biết đầy đủ và chính xác nghĩa và cách dùng của từ. Còn việc trau dồi vốn từ của nhà văn Tô Hoài đề cập đến được thực hiện theo hình thức học hỏi để biết thêm những từ mà mình chưa biết.
Rèn luyện để biết thêm những từ chưa biết, làm tăng vốn từ là việc thường xuyên phải làm để trau dồi vốn từ.