Năm hết tết đến, đến hẹn lại lên, bà con lại ngồi cãi nhau chuyện ăn Tết Tây hay Tết Tàu. Truyện tranh cãi này, kể ra cũng chẳng mới. Từ 11 năm trước (2006) khi GS Võ Tòng Xuân lần đầu tiên đưa ra đề xuất xóa bỏ Tết Âm lịch, năm nào cũng thấy bà con đem chuyện này ra bàn tán xôn xao mà nghe chừng chưa ngã ngũ. Nhằm cung cấp một cái nhìn khách quan, lan man và vô trách nhiệm cho vấn đề muôn thủa này, mình xin bổ sung một mớ thông tin có thể hữu ích (hoặc không) cho những bạn đủ rảnh rỗi đọc hết bài này có thêm luận điểm đặng mà cãi nhau :
1. Âm lịch không phải là "Âm lịch"
Đa phần mọi người nhầm lẫn Lịch cổ truyền là Âm lịch (Nguyệt Lịch). Chữ Lịch nguyên thủy 曆 (khác với chữ lịch ngày nay đang dùng - 歷 do kiêng tên húy vua Càn Long là Hoàng Lịch) có bộ Nhật (日) cho thấy lịch pháp từ xưa đã gắn liền với mặt trời.
Để làm lịch, con người đã lấy ba đơn vị thời gian quan trọng nhất của thiên văn học để làm lịch đó là: ngày mặt trời, tuần trăng và năm mặt trời:
- Ngày mặt trời là chu kì luân chuyển ngày – đêm được sinh ra do hệ quả của việc Trái Đất tự quay quanh trục nó và được Mặt Trời chiếu sáng. Ngày là đơn vị cơ bản của lịch
- Tuần trăng. Là chu kỳ Mặt Trăng quay quanh Trái theo một quỹ đạo gọi là Bạch Đạo. Một tuần trăng được xác định băng thời gian giữa hai ngày Sóc (ngày không trăng) kế tiếp, khoảng 29,5 ngày. Tuần trăng là cơ sở tạo ra tháng.
- Năm Mặt Trời là chu kì Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời trên một quỹ đạo gọi là Hoàng đạo. Năm mặt trời được xác định nhờ một trong bốn mốc thiên văn đặc biệt sau:
+ Xuân phân (19-21/3) và Thu phân (22-24/9): thời điểm ngày và đêm trên Trái đất bằng nhau
+ Hạ chí (21-22/6): thời điểm ngày dài nhất và đêm ngắn nhất.
+ Đông chí (21-22/12): thời điểm ngày ngắn nhất và đêm dài nhất
Một năm Mặt trời dài khoảng 365,24 ngày, xấp xỉ 12 tuần trăng. Do đó một năm có 12 tháng.
Trong các chu kì trên, Tuần Trăng và năm Mặt Trời có số lẻ ngày, lại không chia hết cho nhau. Để tìm cách cân đối các chu kỳ này, con người đã tạo ra 3 loại lịch khác nhau:
- Nguyệt Lịch (Âm Lịch) chỉ dựa vào chu kỳ của Mặt trăng. Mỗi tháng có số ngày xấp xỉ với tuần Trăng. Tháng thiếu có 29 ngày, tháng đủ có 30 ngày. Một năm Âm lịch có 12 tháng. Một năm Âm lịch ngắn hơn năm Dương lịch 10-12 ngày. Lịch này ngày nay vẫn được các nước theo Hồi giáo sử dụng (Do Hồi giáo phát tích ở sa mạc, ngày nóng như nung có điên mới đi quan sát Mặt trời, trong khi đêm không có mây quan sát Mặt trăng lại rất rõ).
- Dương lịch (Nhật lịch) chỉ dựa vào chu kỳ của Mặt trời. Năm thường có 365 ngày, năm nhuận có 366 ngày.
- Âm - Dương lịch là sự kết hợp giữa Nhật lịch và Nguyệt lịch. Lịch này lấy cốt lõi là Âm lịch, nghĩa là chọn số ngày, tháng xấp xỉ tuần Trăng, nhưng để mùa màng phù hợp với thời tiết, người ta phải đưa thêm yếu tố Dương lịch vào và chọn số tháng để xấp xỉ với năm Mặt Trời, như vậy người ta phải đặt ra tháng nhuận. Lịch cổ truyền Việt Nam thực chất là Âm-Dương lịch
Tính toán Âm-Dương lịch đương nhiên phức tạp hơn hai loại lịch kia. Thực tế, mối tương quan giữa Trái đất – Mặt trời – Mặt trăng thuộc về phạm trù của bài toán ba vật thể (Three-body Problem) đã được chứng minh là một dạng toán hỗn độn (chaos), không thể tìm ra cách giải phổ quát. Âm-Dương lịch, do đó, phải kết hợp tính toán và quan sát thiên thể thường xuyên mà lập ra. Âm-dương lịch pháp chính là tinh hoa văn hóa cổ đại, bao hàm cả toán học, thiên văn học,khí tượng học. Hiểu lịch pháp là thông linh với trời đất, lịch pháp gia thời xưa rất được trọng vọng là vì vậy.
Phép tính Âm-Dương lịch diễn giải ra có thể phức tạp. nhưng nguyên tắc quan trọng nhất chính là lấy ngày Đông chí làm mốc tính toán. Tháng Tý (tháng 11 Âm lịch) bắt buộc phải có ngày Đông chí. Khoảng thời gian giữa hai lần Đông chí là một tuế (歲), bằng thời gian một năm mặt trời. Một năm Âm-Dương lịch gọi là niên (年) năm thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng.
2. Kiến Tý hay kiến Dần
Tính toán độ dài một năm là một chuyện, xác định điểm bắt đầu một năm lại là chuyện khác.
Người xưa có nơi kiến Tý (đón Năm mới vào Đông chí) như người Hy Lạp, để đón cái khí dương mới sinh, mừng đêm bắt đầu ngắn lại, gia súc không còn lo chết rét, cũng là có lý. Có nơi kiến Mão (đón Năm mới vào Xuân Phân) như người La Mã, mừng ngày bắt đầu dài hơn đêm, khí dương tràn ngập, cũng là có lý. Như người Ai cập, Phê-nit-xi (Phoenici) và Ba tư kiến Dậu (đón năm mới vào Thu Phân) để mừng mùa màng bội thu, cũng vẫn có lý. Tùy vào phong thổ, tập quán mà có sự khác biệt.
Ngay ở Trung Quốc, thời điểm đón Năm mới cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ kiến Dần (chọn tháng Giêng làm đầu năm), nhà Thương kiến Sửu (tháng Chạp), nhà Chu kiến Tý (tháng Mười Một). Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng mười (kiến Hợi). Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Giêng (kiến Dần). Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Vậy có đúng là Hán Vũ Đế lấy ngày mình lên ngôi để bắt đầu năm mới, rồi bắt thiên hạ phải theo không? Kể từ Vũ Đế trở đi, trải qua bao triều đại, minh quân thịnh thế cũng có mà hôn quân bạo chúa cũng nhiều, không vị nào dám đổi lịch nữa, là vì sao?
Thứ nhất, Hoàng đế dù đứng đầu thiên hạ nhưng vẫn là Thiên tử, là con trời. Thay trời hoằng hóa, vẫn phải tuân theo luật trời. Lịch pháp là phép tắc của thiên địa, dẫu là Hoàng đế cũng không thể tùy tiện thay đổi. Lại nữa, đại lễ đăng cơ là quốc gia tối đại sự, đương nhiên phải chọn ngày lành tháng tốt. Không phải vì Vũ Đế lên ngôi mà chọn tháng Dần là đầu năm, mà vì tháng Dần là đầu năm, nên Vũ Đế mới chọn làm ngày đăng cơ.
Thứ hai, lịch pháp dùng để phục vụ nông nghiệp. Vũ Đế đổi lịch là để thích ứng với thay đổi về khí hậu và phương thức sản xuất nông nghiệp (người Hán phát triển văn minh lúa nước). Lịch của Vũ Đế được chấp nhận và không bị thay thế vì nó hợp lý, vậy thôi.
Người Việt cổ vốn mừng Năm mới vào tháng Mười Một (kiến Tý). Tháng Mười Một đúng ra là tháng Một (Một, Chạp, Giêng, Hai). Sau thời Hán mới chuyển sang ăn tết tháng Giêng. Cũng không hẳn vì chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mà vì việc này…có lý
Vậy kiến Dần là lý gì ?
Lấy thuyết Thiên Địa mà nói thì Trời mở ở hội Tý, đất kết hội Sửu, người sinh ở hội Dần (Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhơn sanh ư Dần). Lấy một ngày mà nói thì giờ Tý được khí dương, thì giờ Sửu gà gáy; giờ Dần ánh sáng chưa khắp, thì giờ Mão mặt trời mọc. Kiến Tý giống như lấy nửa đêm là bắt đầu một ngày, tuy khí nhất dương đã sinh, nhưng tiết trời vẫn còn lạnh giá, vạn vật vẫn đang say ngủ. Kiến Dần giống như lấy lúc mờ sáng là bắt đầu một ngày, vạn vật bắt đầu thức dậy, nông dân chuẩn bị ra đồng.
Với các nước Bắc bán cầu gần xích đạo như Việt Nam, Trung Quốc, ngày Lập Xuân (4-5/2 dương lịch) là ngày bắt đầu mùa Xuân (đối với các nước ở cao hơn về phía bắc thì ngày bắt đầu của mùa xuân là ngày Xuân phân). Ngày mồng một tháng Giêng (tháng Dần) có thể dao động trong khoảng giữa hai tiết Đại hàn và Vũ thủy, nhưng nói chung nó chủ yếu dao động xung quanh tiết Lập xuân trong phạm vi ±10 ngày.
Xét về mặt thời tiết, khí hậu thì từ ngày lập Xuân trở đi ở miền bắc Việt Nam (tính từ đèo Hải Vân trở ra), do ảnh hưởng giao thời của hai luồng gió mùa đông-bắc và đông-nam, bắt đầu có mưa phùn kéo dài làm độ ẩm của không khí và đất lên cao, cây trồng bắt đầu có đủ lượng nước cần thiết để phát triển, là lúc trời đất giao hòa, vạn vật đổi mới.
Tóm lại người Việt kiến Dần, là phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
3. Tết Ta không phải Tết Tàu
Hay nói đúng hơn là: Tàu ăn Tết theo Ta.
Tết ở Việt Nam đã có từ rất lâu, trước cả Tam Hoàng Ngũ Đế. Tết là từ thuần Việt, vẫn còn lưu lại trong tiếng Tày, Mường (Thết - Tết). Tết là lễ hội nông nghiệp, là đặc sản của văn minh lúa nước. Khi người Hán ở lưu vực Hoàng Hà vẫn dựa vào chăn nuôi du mục thì người Bách Việt ở nam Dương Tử đã biết trồng lúa nước, do đó mới có Tết. Kinh Lễ, Khổng Tử viết: "Ta không biết Tết là gì. Nghe đâu đó là tên của một lễ hội lớn của bọn người Man (Người tộc Bách Việt). Họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó". Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này".
Người Hán về sau tiếp thu (ăn trộm) văn minh lúa nước của tộc Bách Việt, qua đó tiếp thu cả phong tục Tết. Thói đời, thằng ăn trộm lại thích nhận là của mình. Bây giờ nhiều người cũng ngộ nhận là ta học theo nó, rõ nực cười. Cũng như Tết Hàn Thực (3/3 Âm lịch), Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) đều là những ngày lễ nông nghiệp, bọn Tàu học theo rồi gán cho là ngày mất của Khuất Nguyên, Giới Tử Thôi. Ta không hiểu rõ, cũng đòi bỏ.
4. Lịch Ta không phải lịch Tàu
Lịch ra đời do kết quả quan sát thiên văn, nên vị trí quan sát khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau, dù sử dụng cùng hệ thống tính toán. Âm lịch (Lunar Calendar) không cứ phải là Lịch Tàu (Chinese Calendar), Tết Âm lịch (Lunar New Year) không cứ phải là Tết Tàu (Chinese New Year).
Hàn Quốc có lịch Joseon, Nhật Bản đến trước Minh trị Duy tân cũng có lịch riêng là Đại Hòa lịch. Việt Nam từ thời Lý đã đặt ra tư Thiên Giám, sau này là Khâm thiên Giám, chuyên giám sát thiên văn và biên soạn Thông Giám lịch. Các loại lịch này đều có sai biệt với Âm lịch Trung quốc. Chỉ từ năm 1813 vua Gia Long quyết định ban hành lịch Hiệp Kỷ, lịch ta lại giống lịch Tàu. Sau Nghị định Geneve, chính phủ hai miền vẫn sử dụng lịch triều Nguyễn, với múi giờ Việt Nam theo giờ Bắc Kinh (GMT+8).
Đến ngày 8/8/1967, Hội Đồng Chính Phủ VNDCCH ra quyết định số 121/CP, chuyển múi giờ Hà Nội về GMT +7 như ngay nay, trong khi VNCH vẫn sử dụng múi giờ GMT+8. Công bằng mà nói, phần lớn lãnh thổ Việt Nam nằm trong múi giờ GMT+7 (kinh độ 105 đông), đổi như vậy cũng là hợp lý. Tuy nhiên chỉ một giờ chênh lệch này thôi đã làm Âm lịch của ta khác hẳn của Tàu. Cụ thể điểm Sóc tháng Giêng năm Mậu Thân xảy ra ở múi giờ GMT+7 là 23h29 ngày 29/1, còn ở múi giờ GMT+8 là 0h29 ngày 30/1. Kết quả là Bắc Việt ăn Tết sớm hơn Nam Việt (và Trung Quốc) 1 ngày
Việc đổi giờ không chỉ gây khó khăn cho các thầy tử vi, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến lịch sử. Cụ thể là cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra vào đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, với Nam Việt Nam là đêm Giao thừa rạng sáng mùng Một, nhưng với Bắc Việt đã là rạng sáng mùng Hai, đã tính là hết Tết.
Từ năm Mậu Thân 1968 trở đi, lịch ta lại khác lịch Tàu khá nhiều. Chỉ xét riêng ngày Tết thì năm Ất Sửu (1985), Tết Ta sớm hơn Tết Tàu hẳn một tháng. Nguyên nhân là năm Giáp Tý (1984) theo lịch Tàu, tháng nhuận rơi vào tháng 10, nên năm Giáp Tý dài hơn 1 tháng. Còn theo lịch Ta thì tháng nhuận lại rơi vào tháng 2 của năm sau, năm Ất Sửu 1985. Gần đây nhất thì có năm Đinh Hơi (2007), tới đây là năm Canh Tuất (2030) và Quý Dậu (2053), Ta với Tàu lại ăn tết không cùng ngày.
5. Tết Tây, có nhiều hơn một "Tết Tây"
Thứ ta vẫn quen gọi là Tết Tây, chính là tết Dương Lịch. Dương Lịch thực chất là Công Lịch, nghĩa là lịch của các nước Công giáo. Công giáo phát tích ở La Mã, đương nhiên kế thừa lịch La Mã. Người La Mã đón năm mới vào dịp Xuân phân (khoảng 20/3). Tháng Ba với họ mới là tháng Một, nên tháng Chín (September) lại là tháng thứ Bảy (Sept trong tiếng La tinh), tháng Mười là tháng Tám (Oct), tháng Mười Một là tháng Chín (Nov), tháng Mười Hai là tháng Mười (Dec).
Thời Trung cổ, phần lớn lục địa châu Âu, tức các thuộc địa cũ của La Mã, đều ăn Tết theo cách này. Mãi đến năm 1528, Giáo hoàng Gregory XIII cải tiến lịch pháp, tạo ra lịch Gregorian tức Dương lịch ta vẫn dùng ngày nay, thì nhà thờ mới bắt đầu mừng năm mới vào 1/1. Tại sao là 1/1, vì Đức Giáo hoàng phát hiện ra thời điểm này là lúc Mặt trời quan sát được lớn nhất trong cả năm, chọn làm ngày Đầu năm chuẩn quá còn gì. Lúc đấy Giáo hoàng biết thế chứ cũng không giải thích được tại sao (vẫn tin vào hệ Địa tâm thì làm sao giải thích được); chứ bây giờ ta biết, Trái đất quay quanh Mặt trời theo một quỹ đạo hình ê líp, đầu tháng Một là lúc Trái đất đi qua Cận nhật điểm (Solar Perihelion) – điểm gần mặt trời nhất trên quỹ đạo. Khổ nỗi, Đức Giáo hoàng tính lệch mất mấy ngày, Cận Nhật điểm phải là hai tuần sau Đông chí, tức là khoảng 4/1.
Đương thời, chẳng phải ai cũng chịu chấp nhận lịch mới này, nơi thì biểu tình phản đối, nơi thì cứ lịch cũ ta dùng. Mấy người cấp tiến ăn Tết theo lịch mới thì cười nhạo đám người vẫn ăn Tết cổ truyền là dân trí thấp, là bảo thủ, lạc hậu. Tiêu biểu như ở Pháp: người Pháp ngày xưa vẫn ăn Tết liền 2 tuần từ Xuân phân đến 1/4, và trong ngày 1/4 thì kiêng ăn cá để đánh dấu hết Tết (cá là biểu tượng của chúa Jesus). Thế là đám cấp tiến cứ đến ngày này lại thi nhau nấu các món cá nhìn không ra cá rồi lừa đám người thủ cựu ăn, thế là ngày Poisson d'Avril (Cá tháng Tư) ra đời.
Người Nga trước kia cũng kỷ niệm Năm mới vào đầu tháng Tư (thông cảm chứ trước tháng Tư ở Nga vẫn lạnh sun một cơ số thứ ra đấy), thấy cộng đồng Công giáo rủ nhau mừng Năm mới vào 1/1 mới rục rịch làm theo. Khổ nỗi nhà thờ Nga theo Chính tống giáo phương Đông, vẫn kiên quyết dùng lịch cũ Julius chậm hơn 13 ngày so với lịch Gregorian. Thế là mấy anh Nga ngố lại mừng Năm mới vào ngày 14/1. Sau Cách mạng tháng Mười (diễn ra vào 7/11/1917 theo lịch Gregorian nhưng lại là 24/10/1917 theo lịch Julius), chính quyền Sô viết mới đổi sang lịch Gregorian cho đến tận ngày nay. Nhưng dân Nga ăn Tết ngày 14/1 quen rồi, ứ thích bỏ. Thành ra giờ họ cũng ăn Tết 2 lần, một lần vào 1/1 cho nó hội nhập với quốc tế, lần hai vào 14/1 mới là Tết cổ truyền. Ăn Tết hai lần càng vui. Mấy nước thuộc Liên Xô cũ như Georgia, Macedonia, Serbia, Montenegro, Ukraine,… cũng rứa.
6. Chẳng Tết Tây, cũng chẳng phải Tết Tàu
Như đã đề cập ở trên, các dân tộc trên thế giới có nhiều cách để xác định Năm mới. Thế gian này không phải chỉ có mỗi anh Tàu với anh Tây :
- Người Hồi Giáo đón năm mới theo lịch Mặt trăng, sau mỗi năm Dương Lịch lại ăn tết sớm lên khoảng 11 ngày.
- Dân Do Thái đón năm mới theo lịch Hebrew, khoảng tháng 9 hoặc tháng 10.
- Ethyopia mừng năm mới một tuần trước Thu phân (khoảng 13/9).
- Dân Ấn Độ ăn Tết theo lịch Hindu, lấy ngày Mặt trời rời cung Bạch Dương đi vào cung Kim Ngưu làm mốc (kiến Thìn), khoảng 13-14 tháng Tư. Các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn cũng ăn tết vào dịp này như Thái (Tết Songkran), Cam (Tết Chaul Chnam Thmey),…
- Iran đón Năm mới vào Xuân phân (20/3)
Vân vân và mây mây
Ấy là còn chưa kể đến các dịp lễ lớn nhỏ quanh năm, nhiều khi còn rình rang hơn Năm mới. Như mùa phụng vụ của dân Công giáo, từ Chủ nhật Lễ lá đến Chủ nhật Phục sinh. Cách tính thì kết hợp cả Nhật lịch, Nguyệt lịch, lịch tuần nên mỗi năm một khác. Người Hồi giáo thì có nguyên 1 tháng lễ Ramadan, liên hệ làm việc với đối tác Hồi giáo trong tháng này thì bách nhục, đến miếng nước cũng không có mà uống. Nhật Bản thì có Tuần lễ vàng,…
Tính ra số ngày nghỉ lễ trong năm của các nước bạn còn nhiều hơn Việt Nam, thế mà năng suất lao động của họ vẫn cao, dân vẫn giàu, nước vẫn mạnh. Chứ mấy anh Việt Nam có cho ăn tết Tây hay Tết Congo thì vẫn tào lao chi khươn như thường.
7. Kết luận
Chém gió nửa ngày trời, túm cái quần lại thế này:
- Người cổ đại chọn lấy một ngày đặc biệt về mặt thiên văn để đánh dấu năm mới, nhưng mỗi nơi chọn một kiểu để phù hợp với hoạt động nông nghiệp.
- Qua chiều dài lịch sử, có thể có những cá nhân hay tổ chức tìm cách thay đổi ngày đầu năm, nhưng vẫn phải căn cứ vào những thời điểm đặc biệt về thiên văn, chứ không tùy tiện thế nào cũng được.
- Trong quá trình hội nhập văn hóa, mọi thay đổi về lịch pháp luôn vấp phải sự phản đối của người dân. Kiểu gì thì kiểu, những ngày lễ cũ sẽ vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác.
- Tết Ta không phải tết Tàu, và Tây cũng không phải chỉ ăn mỗi Tết Tây.
- Ăn Tết ngày nào chả ảnh hưởng đến năng suất lao động, tất cả là do lối sống.
Thế nên, về chuyện có nên bỏ Tết Âm theo Tết Dương không, thì quan điểm của mình là THẾ NÀO CHẢ ĐƯỢC.
Trong thời đại của biến đổi khí hậu, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời đại mà người lớn bàn chuyện ngày tốt ngày xấu, trẻ con hỏi nhau horoscope hôm nay ra sao mà cắm mặt vào điện thoại thay vì ngước mắt lên bầu trời (mà có ngước thì cũng chẳng nhìn được gì qua lớp sương mù quang hóa) thì ăn Tết ngày nào phỏng có gì quan trọng đâu? Ngày Tết là tàn tích của nền văn minh nông nghiệp đang suy tàn, là hoài niệm về một hệ thống lịch pháp đang dần bị lãng quên, hay rốt cục cũng chỉ là một khái niệm được chấp nhận rộng rãi, kiểu "người ta đi nhiều sẽ thành đường thôi ", cũng đâu ảnh hưởng gì? Đằng nào thì Trái đất vẫn quay, mà kiểu gì thì kiểu, cứ qua một mùa Tết là vật giá lại leo thang chóng mặt. Nghe đâu là lỗi của mấy bà bán rau ngoài chợ đuổi. Mấy bà bán rau ấy mà, quyền lực lắm.
Thế nên, cãi nhau chuyện Tết Ta hay Tết Tây cũng chả khác gì tranh luận chuyện bác Hoàng Kiều yêu em Trinh trong sáng hay trong tối. Nói thế ai hiểu thì hiểu.
Nguồn: ANH NGHIA NGUYEN
Trời đất ơi , mik đã hoa mắt chóng cả mặt thế mak cx khâm phục bn, rảnh quá nhỉ , mak viết để làm gì thế bn dan nguyen chi
hơ....hơ... You rảnh thật đấy nhỉ = =''
\(You\) \(are\) \(free\)!
Ngồi nhìn mà hoa mắt, chóng mặt.
Bn ko bít mỏi tay là j à?
viết thế ko thấy mỏi hay copy đó?
siêng nhỉ?Ngồi đánh máy hết đóng này hay copy đấy?đọc đi đọc lại thì nó có liên quan đến địa lí đấy!chẳng mấy liên quan đến tin học,cái này cũng ko phải câu hỏi nữa đâu
copy đấy ko thấy chữ "Nguồn: ANH NGHIA NGUYEN"