Nêu sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN ?
Nêu sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN ?
1. Về hợp tác chính trị-an ninh
Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong 16 năm tham gia ASEAN, ta đã tham gia đầy đủ và sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, từ chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại của Hiệp hội và có những đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN, từ xác định các mục tiêu và quyết sách lớn đến việc tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và nâng cao vai trò và vị thế của Hiệp hội.
Thông qua đó, ta đã thu được những kết quả to lớn và thiết thực; hỗ trợ đắc lực cho an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của nước ta, tạo hình ảnh một nước Việt Nam đang đổi mới, phát triển năng động, một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm đồng thời là một đối tác tin cậy trong ASEAN và trong cộng đồng quốc tế.
Thực tiễn và kết quả tham gia ASEAN 16 năm qua khẳng định chủ trương gia nhập ASEAN là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Việc tham gia ASEAN là phù hợp với những xu thế lớn của thế giới trong giai đoạn hiện nay cũng như đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới.
Kết quả lớn nhất là đã góp phần quan trọng triển khai tốt chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; giúp tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, hỗ trợ đắc lực cho an ninh và phát triển cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của nước ta.
Về chính trị-an ninh, nhìn tổng thể, ta đã góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á, nhất là qua việc thúc đẩy hình thành ASEAN-10; xây dựng được mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn định, lâu dài và hợp tác toàn diện ngày càng chặt chẽ cả về đa phương và song phương cũng như trong quan hệ giữa các Chính phủ, Quốc hội, Đảng cầm quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Ta đã trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng trong việc xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN cũng như giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, phù hợp với yêu cầu và lợi ích của ta; xác lập được vai trò quan trọng và có uy tín của Việt Nam trong hợp tác ASEAN, góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở Đông Nam Á, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước bên ngoài. Ta cũng có điều kiện xác định lập trường phù hợp của ta và phối hợp lập trường với các nước ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp. Việc thống nhất lập trường chung trong ASEAN, tuy còn có mức độ, nhưng cũng hỗ trợ đáng kể cho ta trong việc xử lý các vấn đề phức tạp, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta ở Biển Đông, Mê-công...
Về cụ thể, năm 1995, Việt Nam tham gia ASEAN, mở đường cho các nước khác ở khu vực là Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma gia nhập trong các năm tiếp theo. Sự kiện này khởi đầu cho một ASEAN mới gồm đủ các quốc gia Đông Nám Á bước sang một thời kỳ mới của quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN và trong bối cảnh khủng hoảng tài chính-tiền tệ của khu vực, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998). Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam mà còn là đóng góp thực chất của một thành viên mới cho sự ổn định của toàn Hiệp hội. Những quyết định của Cấp cao ASEAN 6 đã mở đường cho ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính, tăng cường hợp tác nội khối và đưa ra những đường lối mới cho hội nhập khu vực. Chương trình Hành động Hà Nội thông qua tại Cấp cao ASEAN 6 đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN, đặc biệt định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội trong những năm tiếp theo để thực hiện Tầm nhìn 2020.
Là Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) trong năm đầu của thế kỷ 21, Việt Nam đã phấn đấu hoàn thành trọng trách của mình. Thành công của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 34 (AMM 34) và các Hội nghị liên quan, ASEAN đã chuyển hẳn sang một bước phát triển mới đẩy nhanh hơn tiến trình thực hiện các chương trình kế hoạch được thông qua trong những năm trước.
Trong bối cảnh ASEAN hướng tới xây dựng cộng đồng, Việt Nam đóng vai trò tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng và thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN II tại Bali, In-đô-nê-xia (10/2003), đề ra những định hướng chính lược cho sự phát triển của ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2020 (sau này ASEAN quyết định rút ngắn quá trình này vào năm 2015) với ba trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN, Công đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng văn hóa – xã hội.
Bước sang giai đoạn mới xây dựng Hiến chương ASEAN nhằm tạo khung pháp lý và khuôn khổ thể chế hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia ngay từ đầu vào quá trình hình thành ý tưởng, sau đó là soạn thảo, ký kết, phê chuẩn cũng như triển khai Hiến chương. Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN ký thông qua Hiến chương (11/2007), Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Hiến chương (6/3/2008) và tích cực tham gia vào các hoạt động chung của ASEAN triển khai đưa Hiến chương vào cuộc sống; đồng thời đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng cũng như triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm các Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 2 (2009-2015), được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 (9/2009).
Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần đề cao và giữ vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ôt-xtr ây-lia và Canada (hiện nay là EU), Việt Nam đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác này. Đồng thời, Việt Nam cũng đóng góp tích cực giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Cấp cao Đông Á.. qua đó, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội.
Năm 2010, với trọng trách là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2010, dưới chủ đề Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ Tầm nhìn đến Hành động và với phương châm ‘tích cực, chủ động, và có trách nhiệm, Việt Nam đã hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, đạt được tối đa những mục tiêu đã đề ra, tạo ra sự chuyển biến thực chất và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; đạt nhiều tiến triển cụ thể trong việc triển khai Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội cũng như các kế hoạch quan trọng khác, nhất là về Kết nối ASEAN.
Đồng thời, quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực được tăng cường và nâng cao, thể hiện rõ qua những tiến triển mới và có ý nghĩa của các khuôn khổ hợp tác khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Nhiều quyết định quan trọng góp phần định hình nên một cấu trúc khu vực năng động đã được hiện thực hóa tại Việt Nam như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+) và mời Mỹ và Nga tham gia Cấp cao Đông Á.
Kết quả năm Chủ tịch ASEAN 2010 nói riêng và quá trình 19 năm tham gia ASEAN nói chung một lần nữa khẳng định tầm quan trọng chiến lược và lợi ích lâu dài của Việt Nam khi tham gia ASEAN. Những nỗ lực to lớn và đóng góp quan trọng của Việt Nam cho ASEAN thêm một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của chúng ta coi trọng ASEAN cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương, luôn nỗ lực hết mình vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết ngày càng chặt chẽ hơn.
Nhìn chung lại, trong suốt chặng đường 19 năm kể từ khi trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN và đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình, chung tay, góp sức cùng các nước ASEAN hướng tới xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và phát triển vào năm 2015 vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở ở Đông Nam Á cũng như Châu Á thái bình dương.
2. Về hợp tác kinh tế
Sau 19 năm tham gia ASEAN, quan hệ kinh tế-thương mại của Việt Nam-ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Về thương mại, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với ASEAN hiện đạt 22 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và gấp gần 2 lần tổng giá trị thương mại của Việt Nam với bên ngoài ở thời điểm trước năm 1995. Tốc độ tăng trưởng thương mại của Việt Nam với ASEAN đạt trung bình 15-16%/ năm trong suốt 15 năm qua. Nhiều mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp thuộc thế mạnh của Việt Nam đã trở nên quen thuộc tại nhiều nước ASEAN. Về đầu tư, ASEAN liên tục nằm trong số các nhà đầu tư lớn nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến hết năm 6/2010, Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho 1449 dự án của các nước ASEAN với vốn đăng ký xấp xỉ 44 nghìn tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt trên 12 nghìn tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang các nước ASEAN, tuy còn khiêm tốn, song đang có chiều hướng gia tăng trong những năm tới, đặc biệt tại các thị trường Lào, Campuchia và Myanmar.
Mặc dù là một nước thành viên mới, tham gia sau với trình độ phát triển kinh tế còn chênh lệch lớn so với các nước bạn trong Hiệp hội, song với quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hầu hết các chương trình hợp tác kinh tế của ASEAN trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ, tài chính-tiền tệ, nông-lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện viễn thông, năng lượng, du lịch, hải quan v.v…
Trong khuôn khổ CEPT/AFTA, đến 1/1/2010, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0-5%, chiếm 97,8% số dòng thuế trong biểu thuế, đó có 5488 dòng thuế ở mức thuế suất 0%. Trong điều kiện sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa Việt Nam với hầu hết các nước thành viên ASEAN còn lớn như hiện nay, những nỗ lực thực hiện các cam kết trong AFTA của Việt Nam như vậy được các bạn rất hoan nghênh. Song song với chương trình cắt giảm thuế quan, Việt Nam còn phối hợp với các nước ASEAN triển khai các chương trình công tác nhằm xác định, phân loại và tiến tới dỡ bỏ các hàng rào phí thuế quan. Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN hòan tất 8 Gói cam kết dịch vụ. Các cam kết hiện nay được tiến hành chủ yếu trong 7 ngành ưu tiên là: tài chính, viễn thông, vận tải hàng hải, hàng không, du lịch, dịch vụ kinh doanh và dịch vụ xây dựng.
Các sáng kiến của Việt Nam trong nỗ lực hợp tác kinh tế ASEAN:
a. Sáng kiến Liên kết ASEAN (2000):
Việt Nam là nước chủ trì thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2000 với mục tiêu thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN thông qua việc các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước CLMV hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đến nay, giai đoạn một của Sáng kiến IAI (2002-2008) đã hoàn tất với 134 dự án/chương trình được thực hiện, thu hút 191 triệu đôla Mỹ từ ASEAN-6 và 20 triệu đôla Mỹ từ các nước đối thoại, tổ chức phát triển và các đối tác khác. Các dự án/chương trình tập trung vào 04 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ hội nhập khu vực, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các bên đang thực hiện Khuôn khổ Chiến lược (KKCL) và Kế hoạch Công tác (KHCT) IAI giai đoạn II (2009-2015).
b. Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (2010):
Việt Nam là nước chủ trì xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (KHTT). Bản KHTT được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 (Hà Nội, tháng 10/2010). KHTT được xây dựng trên cơ sở hài hòa hóa các chiến lược/kế hoạch phát triển từng ngành liên quan và trên nền tảng là các liên kết tiểu vùng, đặc biệt là tiểu vùng Mê-Công. Bản KHTT cũng được xây dựng theo hướng mở, kết nối ASEAN với các đối tác trong khu vực trên cơ sở đảm bảo một ASEAN là trung tâm của các mối liên kết trong tương lai tại Đông Á.
c. Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phục hồi và Phát triển Bền vững (2010):
Về hướng liên kết kinh tế ASEAN trong tương lai, Việt Nam đã chủ trì đề xuất HNCC ASEAN 16 (Hà Nội, tháng 4/2010) ra Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phục hồi và Phát triển Bền vững. Theo đó, liên kết kinh tế ASEAN sẽ chú trọng hơn tới tính bền vững với các chính sách tăng trưởng kinh tế ổn định và dài hạn, đảm bảo tính cân bằng về cơ hội và quyền lợi cho các quốc gia và các thành phần kinh tế; thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo; nâng cao vai trò của khu vực tư nhân; đảm bảo an sinh xã hội; và gắn tăng trưởng với vấn đề môi trường.
3. Về hợp tác văn hoá-xã hội
3.1. Hợp tác lao động, phụ nữ, phúc lợi và phát triển xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Hội đồng Cộng đồng Văn hoá xã hội. Về các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEAN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang là đầu mối quốc gia của Việt Nam tại ba diễn đàn lớn của ASEAN: Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM); Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển (AMMSWD) và Đầu mối quốc gia của Uỷ ban phụ nữ ASEAN (ACW).
a) Trong lĩnh vực lao động và việc làm:
- Hợp tác trong ASEAN: Việt Nam đã đăng cai thành công Hội nghị Bộ trưởng Lao động lần thứ 21 vào tháng 5/2010 và đã đưa ra và thực hiện được ba sáng kiến bao gồm: dự án nghiên cứu so sánh luật lao động giữa các nước ASEAN, Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về thanh tra lao động trong ASEAN; tổ chức Hội nghị nguồn nhân lực ASEAN; tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 5 về Quan hệ lao động trong ASEAN với chủ đề “Đối thoại lao động và sửa đổi Luật lao động về khuôn khổ pháp lý và quy tắc liên quan tới quan hệ việc làm” (2013); và Hội thảo về An sinh xã hội và chế độ thai sản cho lao động nữ (2013).
Về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động di cư: Đây được coi là một trong những hoạt động quan trọng song cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quản lý lao động nước ngoài tại các nước. Việt Nam đã tham gia tích cực hoạt động của Nhóm soạn thảo Văn kiện thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW-DT), hướng tới sớm hoàn thành vào năm 2014.
Về phát triển nguồn nhân lực: Thông qua các hoạt động hợp tác với ASEAN trong phát triển nguồn nhân lực, bước đầu Việt Nam đã hình thành và luật hoá việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động trong Luật dạy nghề. Nhằm hướng tới việc công nhận kỹ năng và chứng chỉ nghề lẫn nhau trong khu vực ASEAN, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án Khung trình độ quốc gia.
Năm 2014, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 (10/2014).Việc tổ chức sự kiện trên có tác dụng mạnh mẽ không chỉ với công tác đào tạo nghề mà còn có lợi ích to lớn để nâng cao năng suất lao động cho Việt Nam và góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Hợp tác trong ASEAN với các đối tác: Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động - việc làm trong khuôn khổ này được triển khai trong các vấn đề phát triển nhân lực; an toàn vệ sinh lao động, lao động di cư, phát triền tay nghề; bảo hiểm xã hội, thống kê lao động và nghiên cứu về tác động của quá trình hội nhập ASEAN đối với thị trường lao động.
Hợp tác ASEAN với các đối tác tập trung vào các nội dung cụ thể:
+ Với Nhật Bản: An toàn vệ sinh lao động; Khuyến trợ quan hệ lao động lành mạnh; Tăng cường phát triển nguồn nhân lực.
+ Với Hàn Quốc: Đào tạo cán bộ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực;
+ Với Trung Quốc: An sinh xã hội; Phát triển nhân lực; Lao động di cư;
b) Trong lĩnh vực phúc lợi và phát triển xã hội:
Năm 2007, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phúc lợi xã hội và phát triển tại Hà Nội. Bên cạnh đó, ta đã tích cực tham gia các chương trình/dự án/hoạt động hợp tác nội khối trong các lĩnh vực như: Thành lập Nhóm Các nhà sư phạm, thực hành công tác xã hội ASEAN; Chiến lược cộng đồng về Phòng chống bạo lực gia đình; Sản xuất thiết bị chỉnh hình và phục hồi chức năng tại các nước CLMV; và tăng cường năng lực cho các quan chức chính phủ phụ trách vấn đề người khuyết tật.
Trong các Hội nghị thường niên của ASEAN, Việt Nam luôn tham gia và đóng góp tích cực được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) lần thứ 8 (9/2013), Việt Nam đã đi đầu trong việc xây dựng gồm Tuyên bố ASEAN về Tăng cường An sinh xã hội và Tuyên bố về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN đã được thông qua nhằm trình lên các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23.
- Hợp tác ASEAN+: Hợp tác ASEAN+ trong lĩnh vực phúc lợi xã hội được triển khai qua hai hoạt động chính: Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 6,7,8 về Xã hội Đùm bọc với sự tham dự của các đại diện của các Bộ phụ trách lao động và y tế thảo luận các vấn đề chính sách chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ em đường phố, trẻ em bị buôn bán và lao động trẻ em; và Chương trình ASEAN – Hàn Quốc về Công tác chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi.
c) Uỷ ban Phụ nữ ASEAN:
Năm 1997, tuy là nước thành viên mới, nhưng Việt Nam đã tham gia ngay vào dự án hợp tác chuyên ngành ASEAN về “Mạng lưới đào tạo kỹ năng cho phụ nữ ASEAN”. Thông qua dự án, ta đã thiết lập được mạng lưới về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc tăng cường cơ hội việc làm cho chị em. Ngoài ra, chúng ta còn tích cực và chủ động phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các đầu mối quốc gia khác về tiến độ hoạt động của các chương trình, dự án, nộp các báo cáo, đóng góp cho các văn bản nhiều ý kiến chất lượng và đúng thời hạn.
Từ năm 2007, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Vụ Bình đẳng giới được thành lập trực thuộc Bộ và UBQG vì sự tiến bộ phụ nữ được kiện toàn (Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đồng thời là Chủ tịch UBQG). Có thể nói, năm 2008 là năm nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác này. Việt Nam đăng cai thành công Khóa họp thường niên lần thứ 7 của ACW và nhận chức Chủ tịch ACW giai đoạn 2008 – 2009. Trước khi diễn ra Khóa họp, ta cũng tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua vào năm 2004….
Năm 2010, Uỷ ban thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em được thành lập tại Việt Nam.
Trong năm 2013, Việt Nam đã chủ động và tích cực trong việc triển khai và thực hiện các Dự án trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Ủy ban ACW giai đoạn 2011-2015; xuất bản Ấn phẩm về các Điển hình tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ thai sản tại các nước thành viên ASEAN. Đồng thời, phối hợp xây dựng dự án Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN, dự án được các nước ASEAN thông qua và đã được cơ chế READI Facility của Liên minh Châu Âu khẳng định hỗ trợ cho Lễ ra mắt của Mạng lưới tại Việt Nam, dự kiến vào khoảng tháng 4 năm 2014.
d) Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC)
Việt Nam đã tham gia tích cực trong các hoạt động cấp khu vực của Ủy ban ACWC. Cùng với các hoạt động ở cấp khu vực, các hoạt động của ACWC ở quốc gia cũng được thực hiện nhằm tăng cường đối thoại và tham vấn các bên liên quan, đẩy mạnh quảng bá về ACWC và củng cố mạng lưới ACW. Cụ thể, Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tị nạn tổ chức các cuộc tham vấn trong nước; tập trung chia sẻ các thông tin của hoạt động ACWC ở cấp khu vực, các kinh nghiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy các quyền con người; tham gia đóng góp vào việc xây dựng kế hoạch của ACWC trong ASEAN cũng như thiết lập mạng lưới, xây dựng kết nối giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nhà tài trợ trong lĩnh vực bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em thông qua Hội thảo về “Thúc đẩy Quyền có quốc tịch cho phụ nữ và trẻ em trong việc thực hiện Công ước CRC và CEDAW trong ASEAN: Quan hệ đối tác tiềm năng ACWC – UNHCR” và Hội thảo về “Thúc đẩy Quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN thông qua việc thực hiện hiệu quả các vấn đề chung trong các Kết luận khuyến nghị của Ủy ban CRC và CEDAW tập trung vào các vấn đề của trẻ em gái”; Hội thảo tham vấn nâng cao năng cho mạng lưới ACWC Việt Nam khu vực phía Bắc được tổ chức vào ngày 17-18/6/2013 tại Quảng Ninh và Hội thảo tham vấn và mở rộng Mạng lưới ACWC khu vực phía Nam.
e) Chủ trì Hội đồng Cộng đồng Văn hoá Xã hội:
Với vai trò là Cơ quan điều phối Hội đồng Điều hành Cộng đồng Văn hoá Xã hội tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình hành động trong tuyên bố chung của ba diễn đàn của ASEAN mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang là cơ quan đầu mối. Trong năm 2010, Bộ đã đăng cai thành công Hội nghị Cộng đồng Văn hoá xã hội lần 3 (tháng 4/2010) và dự kiến tổ chức Hội nghị Cộng đồng Văn hoá Xã hội lần 4 vào tháng 8/2010. Nhìn chung, các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng Văn hoá Xã hội, đặc biệt là việc thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá Xã hội đã có những bước tiến nhất định và tại Hội nghị Cộng đồng Văn hoá Xã hội lần 4, Bộ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong Cộng đồng đưa ra hai tuyên bố cấp cao, đó là: Tuyên bố về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN và Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển.
Bộ đã tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức Hội đồng Cộng đồng Văn hoá Xã hội lần 4 diễn ra vào tháng 8/2010 tại Đà Nẵng, đặc biệt là thông qua hai Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao, góp phần vào quá trình thúc đẩy và xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Trong năm 2012 và 2013, Bộ Lao động phối hợp với các Bộ ngành khác đã tiến hành và hoàn thành Báo cáo Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (VHXH) ASEAN tại Việt Nam gửi lên Ban thư ký ASEAN tổng hợp.Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa Xã hội tại Việt Nam đã được sự tham gia tích cực của Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa Xã hội thông qua các cuộc họp định hướng đánh giá, các cuộc họp tham vấn với cơ quan chủ trì Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN tại Việt Nam và 12 cơ quan tham gia Cộng đồng cũng như báo cáo tự đánh giá của các Bộ, ngành.
3.2. Hợp tác giáo dục-đào tạo:
a) Đẩy mạnh quan hệ và tham gia tích cực các hoạt động Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED) và các hoạt động do Ban thư ký SEAMEO phát động:
- Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN về giáo dục và đào tạo chủ yếu thông qua thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED) được tổ chức hàng năm đồng thời với Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEC) và một số hoạt động do Ban Thư ký SEAMEO đề xuất.
- Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, được phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai kế hoạch gia nhập Tổ chức Các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO). Ngày 10/02/1992, tại phiên họp lần thứ 27 của Hội đồng các Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á tổ chức tại Bru-nây, Bộ Giáo dục và Đào tạo CHXHCN Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.
- Với trách nhiệm là một trong những thành viên trong Ủy ban Giáo dục của ASEAN, ngay từ những ngày đầu mới gia nhập, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ sáu của Ủy ban giáo dục và Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về bồi dưỡng các học sinh năng khiếu, góp phần cung cấp nhân tài cho các nước thành viên. Trên cơ sở đó đã hình thành cuộc thi Opympic ASEAN Toán và các môn Khoa học ở bậc tiểu thường niên hàng năm ở các cấp học giữa các nước ASEAN.
- Đặc biệt, năm 2005, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 40 (SEAMEC 40), để lại ấn tượng tốt đẹp cho các nước thành viên ASEAN.
- Bên cạnh tham gia và thể hiện vai trò tích cực trong hoạt động của ASED, Việt Nam cũng chủ động tham gia các dự án do Ban Thư ký SEAMEO phát động, cụ thể như: (1) Dự án Chất lượng và Công bằng trong Giáo dục bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2003; (2) Dự án Thúc đẩy Giáo dục Vệ sinh và Nước dựa trên Giá trị trong các trường học ở Đông Nam Á do SEAMEO và UN HABITAT phối hợp thực hiện. (3) Dự án “Sử dụng tiếng mẹ đẻ làm ngôn ngữ giảng dạy tại các nước Đông Nam Á: Chính sách, Chiến lược và Đường lối thực hiện” do Ban thư ký SEAMEO và Ngân hàng Thế giới phối hợp chủ trì thực hiện, bắt đầu triển khai từ năm 2007.
- Các hoạt động hợp tác với SEAMEO đã đem lại lợi ích thiết thực không chỉ cho giáo dục, đào tạo mà còn cho các ngành khác như nông nghiệp, văn hoá và y tế. Chỉ tính từ 1992 đến hết năm 2009, SEAMEO đã dùng quĩ hỗ trợ đặc biệt để tài trợ cho trên 2000 cán bộ Việt Nam tham gia các hội nghị, hội thảo, các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các Trung tâm khu vực. Đối tượng chủ yếu là cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, giáo viên phổ thông, cán bộ giảng dạy trong các trường đại học thuộc các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hoá & Thông tin, Nông-Lâm nghiệp,... Trong số này có 28 người được đào tạo thành Tiến sỹ và 50 người thành Thạc sỹ (thuộc chuyên ngành Nông nghiệp và Y tế). Ngoài ra, SEAMEO và các Trung tâm thuộc SEAMEO đã giúp Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị khoa học và khoá đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam (dành riêng cho Việt Nam và các nước Đông Dương).
- Về phía mình, Bộ GD&ĐT Việt Nam đang nỗ lực để thể hiện tích cực hơn vai trò của mình trong các hoạt động của SEAMEO. Tháng 10 năm 1996, Trung tâm Đào tạo Khu vực của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO Regional Training Centre-viết tắt là SEAMEO RETRAC) đã ra đời tại thành phố Hồ Chí Minh và chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ trước mắt của Trung tâm là tổ chức các khoá đào tạo về quản lý giáo dục, ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, ... cho các nước Đông Dương và các nước trong khu vực. Tại Hội nghị lần thứ 34 Hội đồng Bộ trưởng giáo dục Đông Nam Á (7-9/2/1999) đã quyết định cho phép Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt nam lấy lĩnh vực quản lý giáo dục là nội dung chính cho các hoạt động chuyên môn của Trung tâm.
b) Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi học thuật, giảng viên, sinh viên và khai thác các chương trình học bổng trong ASEAN:
- Trong 15 năm qua, Bộ GD&ĐT đã đón tiếp hàng trăm đoàn đại biểu của các Chính phủ, Bộ Giáo dục và các Đại học, các tổ chức giáo dục ASEAN tới thăm và làm việc. Thông qua các buổi tọa đàm, các chuyến công tác đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai hàng loạt các chương trình hợp tác, trao đổi giảng viên, sinh viên. Từ năm 2000 đến nay, các trường đại học trọng điểm Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 650 lượt giảng viên, các nhà khoa học đến giảng dạy, trao đổi học thuật và hơn 300 lượt sinh viên, học sinh các nước thành viên đến học tập và giao lưu văn hóa. Đặc biệt, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều nguồn học bổng của các nước ASEAN để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáng kể là:
- Chương trình học bổng dành cho học sinh phổ thông: Kể từ năm 1996 đến nay, Chính phủ Singapore hàng năm đều cung cấp học bổng cho học sinh phổ thông các nước ASEAN sang học tại Singapore. Số học bổng này tăng dần qua các năm và tính đến năm 2009, đã có 256 học sinh phổ thông của Việt Nam được nhận học bổng của Chương trình này. Song song với chương trình học bổng phổ thông, Chính phủ Singapore cũng cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam đi học đại học tại Singapore.
- Ngoài các khóa học dài hạn, sinh viên Việt Nam đã nhận được nhiều học bổng để tham gia các khóa học ngắn hạn, các diễn đàn sinh viên và các hoạt động giao lưu học thuật. Một số chương trình học bổng hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và các tổ chức khu vực được triển khai như: i) Chương trình học bổng của Quỹ Quốc tế Singapore (SIF-ASEAN), trong thời gian từ năm 2000-2009 đã có 22 sinh viên tham gia chương trình; ii) Chương trinh học bổng AUN-ROK - Chương trình trao đổi sinh viên giữa các đại học trong mạng lưới AUN và Hàn Quốc...
c) Xây dựng các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong khu vực – hợp tác trong Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN:
- Năm 2010, với tư cách là một trong những thành viên trụ cột Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đại học thành viên chuẩn bị và đề xuất sáng kiến hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN, tập trung vào Biến đổi khí hậu với hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu như sau:
+ Xây dựng chương trình đào tạo quốc tế Thạc sĩ Biến đổi khí hậu (Master of Climate Change) cho Việt Nam và các nước trong khu vực;
+ Xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học đánh giá, dự báo và khai thác các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cho sự phát triển bền vững của ASEAN. Chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng và hoạch định chính sách, đề ra chiến lược ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu. Cũng với vai trò thành viên trụ cột của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN, Bộ GD&ĐT đã tích cực tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực ASEAN, dự thảo Tuyên bố về phúc lợi của trẻ em và phụ nữ.
d) Tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao học sinh, sinh viên ASEAN:
- Ngoài việc tham gia các cuộc tranh tài về kiến thức khoa học, học sinh và sinh viên Việt Nam cũng rất tích cực tham gia các hoạt động về thể dục, thể thao và văn nghệ như: Đại hội thể thao học sinh, sinh viên ASEAN, được tổ chức tại các nước thành viên Đông Nam Á. Ngoài việc cử đoàn tham dự và đạt giải cao tại các ký Đại hội, năm 2006, Việt Nam đã đăng cai tổ và tổ chức thành công Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè các nước.
- Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động ASEAN, sinh viên Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động, các diễn đàn thường niên của sinh viên, thanh niên khu vực ASEAN như: Diễn đàn Giáo dục của AUN, Diễn đàn văn hóa thanh niên ASEAN, cuộc thi các nhà hùng biện trẻ, Hội thảo vai trò và sự tham gia của sinh viên vào quản trị đại học do AUN tổ chức, Hội nghị ASEAN’s Today World Ngoài ra, nhiều đoàn học sinh Việt Nam cũng đã tham gia các trại hè do các nước ASEAN tổ chức.
e) Hợp tác khu vực trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
Một trong những hoạt động nhiệm vụ trong tâm của Bộ GD&ĐT và cũng là một trong những hoạt động hợp tác thành công của Việt Nam với khu vực ASEAN mà trực tiếp là Mạng lưới các Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network- AUN) đó chính là công tác kiểm định chất lượng (KĐCL). Đây là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và triển khai công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục. Rất nhiều đại học của Việt Nam đã chủ động tổ chức thực hiện và có những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KĐCL với các ĐH đối tác và các cơ sở giáo dục trong (AUN) như: 1) Tham gia Nhóm điều hành dự án "Xây dựng sổ tay đảm bảo chất lượng" của AUN (từ năm 2006); 2) Việt Nam đã tham gia đoàn đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn KĐCL của AUN các chương trình đào tạo tại Đại học Malaya – Malaysia, ĐH Công nghệ Bandung – Indonesia, ĐH Universitas – Indonesia, ĐH Yogykarta – Indonesia, ĐH De La Salle – Philippines. 3) Trong năm 2008–2009, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM đã tổ chức biên dịch Tiêu chuẩn KĐCL của AUN và AUN đã hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ Đánh giá viên KĐCL của AUN cho các cán bộ của Việt Nam.
f) Một số hoạt động khác:Việt Nam hưởng ứng các hoạt động của ASEAN hướng trọng tâm đến việc hợp tác với bên ngoài với những chương trình cụ thể sau:
- Thể chế hoá cơ chế hợp tác ASEAN+3 để có cam kết về nguồn lực tài chính cho việc triển khai chương trình hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2011-2017, bao gồm: hơn 40 dự án được thông qua tại HN Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ nhất (Indonesia, 7/2012). Hiện nay Việt Nam nhận tham gia chủ trì (cùng Thái Lan) dự án Thiết lập Mạng lưới Học tập suốt đời cho các nước ASEAN+3. Hàn Quốc thông qua KOICA đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam triển khai dự án thành lập trường Đại học ASEAN qua mạng (Cyber University), đào tạo nguồn nhân lực cho các nước CLMV thông qua phương pháp học trực tuyến với máy chủ, trung tâm nguồn được đặt tại Việt Nam.
- Triển khai các dự án hợp tác trong khuôn khổ Đông Á (EAS), Úc đã chủ động đề xuất 13 dự án hợp tác phát triển, vận động các nước thành viên ASEAN tham gia chủ trì và thực hiện các dự án trên. VN tham gia 3 dự án là: Nghiên cứu khả thi về khung đảm bảo chất lượng trong giáo dục chuyên nghiệp; Nghiên cứu về hệ thống tương đương bằng cấp giữa các quốc gia trong khu vực; Chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo cho khu vực.
- Trong khuôn khổ ASEAN+3, VN đã tham dự HN về giáo dục đại học tại Nhật Bản (11/2013), trong đó tập trung vào nội dung đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và thúc đẩy việc trao đổi giáo dục đại học (mobility of higher education) trong ASEAN+3.
- ĐH Cần Thơ đã được phê duyệt trở thành thành viên của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN). Đây là trường đại học thứ 3 của VN tham gia mạng lưới này sau ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM..
3.3. Hợp tác thông tin-truyền thông:
Từ trước khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN (năm 1995), quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong lĩnh vực BCVT và CNTT đã được thiết lập thông qua việc tham gia các diễn đàn, chương trình hợp tác chuyên ngành của ASEAN và các dự án đầu tư xây dựng mạng thông tin trong khu vực. Hợp tác về quản lý và khai thác các dịch vụ viễn thông, dịch vụ bưu chính và chuyển phát giữa Việt Nam với các nước ASEAN được liên tục mở rộng, phục vụ kịp thời nhu cầu trao đổi thông tin và liên lạc, phát triển các mối quan hệ kinh tế xã hội và văn hoá giữa Việt Nam và các nước.
Ngay sau khi chính thức trở thành thành viên ASEAN, việc tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam, với nhiều sáng kiến cụ thể đã góp phần tăng cường sự liên kết và nâng cao hiệu quả, làm cho các chương trình hợp tác ASEAN ngày càng đi vào thực chất hơn. Một trong những mốc quan trọng về hợp tác trong ASEAN trong lĩnh vực VT và CNTT là việc các nước thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự Hà Nội (Ha Noi Agenda) tạo khuôn khổ cho việc xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực VT và CNTT một cách toàn diện và hệ thống. Đây là sáng kiến của Việt Nam được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN (TELMIN) lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ BCVT Việt Nam Đỗ Trung Tá. Hiện nay Chương trình nghị sự Hà Nội đang là cơ sở cho việc tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác đã có và xem xét các sáng kiến hợp tác mới trong ASEAN.
a) Trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (BCVT và CNTT):
- Hầu hết các nước ASEAN đều mới trải qua quá trình chuyển đổi ngành, từ độc quyền sang cạnh tranh và xây dựng môi trường chính sách cho sự phát triển của các dịch vụ mới trong xu thế hội tụ các công nghệ và dịch vụ viễn thông, điện tử, tin học và phát thanh truyền hình. Tham vấn về chính sách, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước là những nội dung hợp tác nổi bật trong thời gian qua. Việc phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau về chiến lược và kế hoạch phát triển không chỉ giúp đẩy mạnh sự phát triển của mỗi nước thành viên mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng một không gian điện tử chung trong ASEAN (e-ASEAN), hướng tới việc phát triển các lĩnh vực xã hội điện tử, kinh doanh điện tử và chính phủ điện tử. Đây là các hành động cụ thể thực hiện mục tiêu quan trọng thể hiện trong Hiệp định khung e-ASEAN đã được Nguyên thủ các nước ký kết năm 2004.
- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ và ứng dụng mạng, các nước ASEAN đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp về các vấn đề liên quan đến an toàn an ninh mạng, xây dựng môi trường pháp lý cho giao dịch điện tử, nâng cao khả năng kết nối và tương thích của các mạng thông tin giữa các nước, hợp tác thu hẹp khoảng cách số và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Về phần mình, Việt Nam vẫn đã và đang tích cực tham gia và chủ trì một số chương trình dự án như về xây dựng năng lực, thúc đẩy thương mại hàng hoá và dịch vụ CNTT-TT trong khuôn khổ hợp tác ICT trong ASEAN…
- Bên cạnh các chương trình hợp tác mang tính chuyên môn nêu trên, hiện nay điều kiện và năng lực thực tế đã cho phép chúng ta mở rộng hợp tác với các nước ASEAN cả về lĩnh vực thương mại hàng hoá và đầu tư.
b) Thương mại:
- Trong thời gian qua Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT và VT, các doanh nghiệp đã được đầu tư để hiện đại hoá và nâng cấp năng lực sản xuất. Các sản phẩm như thiết bị đầu cuối viễn thông, các hệ thống truyền dẫn và chuyển mạch, các loại cáp đồng, cáp quang, các loại thiết bị bưu chính… đã có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đã được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
- Gần đây, một số doanh nghiệp của Việt Nam như Tập đoàn BCVTVN (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai các dự án hợp tác đầu tư ra nước ngoài (một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar... ). Bộ TTTT khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tối ưu hoá hiệu quả đầu tư, khai thác thị trường còn nhiều tiềm năng của các nước ASEAN.
c) ICT:
Một trong những dấu mốc quan trọng đối với các hoạt động hợp tác về ICT trong khu vực trên lộ trình hướng tới Một cộng đồng chung ASEAN là việc các nước ASEAN cùng chung tay xây dựng một Kế hoạch tổng thể về phát triển ICT hướng tới 2015. Sau Hiệp định khung e-ASEAN năm 2004, có thể nói Kế hoạch tổng thể ASEAN ICT Master Plan 2015 là một văn kiện có ảnh hưởng lớn và có tính định hướng đối với sự phát triển và các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực ICT, góp phần đưa ngành này trở thành động lực cho sự phát triển chung của Cộng đồng ASEAN. Kế hoạch tổng thể đã được Bộ trưởng các nước phê duyệt vào cuối năm 2010.
Trong giai đoạn hợp tác 2012-2013, Việt Nam đã có 05 dự án mới được phê duyệt và cấp vốn triển khai từ Quỹ ASEAN ICT Fund. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang triển khai có hiệu quả 04 dự án đã được phê duyệttrong giai đoạn 2011-2012.Bên cạnh các đóng góp cụ thể vào lộ trình hiện thực hóa AIM 2015 thông qua các đề xuất dự án, Việt Nam còn tích cực tham gia vào chương trình công tác chung của khu vực cũng như chủ trì nhiều nội dung hợp tác quan trọng về ICT, có thể kể đến như:Chủ trì Nhóm công tác về Tần số trong khuôn khổ Hội đồng các nhà quản lý Viễn thông ASEAN (ATRC); Chủ trì Diễn đàn Chính sách phổ tần ASEAN; Chủ trì điều phối các hoạt động hợp tác về ICT ASEAN-Nhật Bản…
d) Thông tin
- Tham gia điều phối các hoạt động trong khuôn khổ Tiểu ban Thông tin ASEAN, bao gồm việc tiếp tục duy trì tham gia các hoạt động thường xuyên (các dự án thực hiện trong ASEAN và với các nước đối thoại: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,...; tham dự tại các nước: Hội nghị Ủy ban Văn hóa Thông tin 48 tại Brunei, đoàn dự Hội thảo đạo đức báo chí ASEAN tại Thái Lan) và vận động các cơ quan/đơn vị của Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền này.
Năm 2012, Việt Nam đã có 3 dự án chủ động đề xuất (được phê duyệt 2 dự án thực hiện trong năm 2013) và đến năm 2013 số lượng các dự án đề xuất đã tăng lên 8 và được phê duyệt 7 dự án. Năm 2013, Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện 9 dự án trong Tiểu ban Thông tin ASEAN và 9 dự án với các nước đối thoại.
3.4. Hợp tác Y tế:
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập với ASEAN trong các lĩnh vực như y tế dự phòng, lĩnh vực dược và mỹ phẩm, lĩnh vực dịch vụ y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, y dược học cổ truyền... và đã đạt được một số kết quả trong các mảng hoạt động chính sau đây:
a) Lĩnh vực Y tế dự phòng:
- Phòng chống đại dịch cúm ở người:
+ Tham gia các cuộc họp quốc tế chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống cúm A trên người;
+ Dự trữ thuốc Taminflu, bộ phòng chống dịch;
+ Tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống đại dịch trong khu vực;
+ Chia sẻ thông tin thông qua website của ASEAN.
- Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm:
+ Tham gia các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống bệnh dịch tại các nước;
+ Tham gia các đoàn công tác tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, quản lý triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh;
+ Tham gia các khóa đào tạo về báo cáo và giám sát bệnh truyền nhiễm, đánh giá dự án, đào tạo cán bộ về y tế công cộng;
+ Tổ chức các khóa đào tạo về dịch tễ học thực địa ngắn hạn và dài hạn, trao đổi học viên, giảng viên.
- Kiểm dịch y tế biên giới:
+ Tham gia các cuộc họp/hội thảo/hội nghị về phòng chống dịch bệnh lan truyền qua biên giới;
+ Chia sẻ bài học, kinh nghiệm về thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (2005);
+ Tham gia các diễn tập phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm: cúm A(H5N1) và cúm A(H1N1) tại cửa khẩu;
+ Tổ chức tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm dịch y tế biên giới trong phòng chống bệnh truyền nhiễm lan truyền qua cửa khẩu.
b) Lĩnh vực dược và mỹ phẩm:
- Nhóm công tác về Dược phẩm:
+ Trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Công tác về Dược phẩm, thuộc Ủy ban Tư vấn về Tiểu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ-PPWG), hoạt động hợp tác lớn nhất với ASEAN là việc Việt Nam tham gia nhóm hòa hợp của ASEAN về hồ sơ đăng ký thuốc ACTD và các hướng dẫn kỹ thuật có liên quan của ASEAN trong lĩnh vực này. Kể từ khi Thông tư số 22/2009/TT-BYT ngày 24/11/2009 quy định việc đăng ký thuốc có hiệu lực vào ngày 24/05/2010, Việt Nam được coi là đã thực hiện đầy đủ cam kết triển khai ACTD với ASEAN.
+ Thông qua cơ chế hợp tác của ASEAN, nhiều cán bộ của Cục Quản lý Dược đã tham gia các khóa đào tạo của ASEAN về nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý dược, cũng như các hội thảo, diễn đàn quốc tế để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quản lý với các nước ngoài khu vực (VD Hoa Kỳ, EU, v.v.).
- Nhóm công tác về Theo dõi và trao đổi thông tin PMS – ASEAN:
Công tác trao đổi thông tin trong hệ thống về PMS của khối ASEAN bắt đầu được thiết lập từ năm 2006, tuy nhiên công tác này thực sự được triển khai từ năm 2007 và Việt Nam thực hiện từ năm 2008.
- Nhóm công tác về mỹ phẩm:
+ Ngày 02/9/2003, Bộ trưởng Bộ Th¬¬ương mại đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định hoà hợp mỹ phẩm ASEAN, trong đó các điều khoản quy định trong Hiệp định đ¬ược thực hiện đầy đủ từ 01/01/2008, thống nhất cách thức quản lý mỹ phẩm tại các nước ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, hướng tới một thị trường chung của ASEAN, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo an toàn, chất lượng và tính năng có lợi của tất cả các sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường ASEAN, loại bỏ những hạn chế đối với việc kinh doanh mỹ phẩm giữa các quốc gia thành viên thông qua việc hoà hợp các quy định kỹ thuật.
+ Trong công tác hội nhập về lĩnh vực mỹ phẩm, Việt Nam đã tham gia các kỳ họp của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN (ACC), Hội đồng Khoa học kỹ thuật ASEAN (ACSB) tổ chức 2 lần/năm, triển khai, thực hiện các kết luận của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN tại Việt Nam.
c) Lĩnh vực Y dược học Cổ truyền:
- Việt Nam đã tham gia các hoạt động hoà hợp ASEAN về thuốc y học cổ truyền (TM), tham gia các cuộc họp, hội nghị về y học cổ tuyền của ASEAN, đặc biệt là Hội nghị Y học Cổ truyền các nước ASEAN lần thứ nhất.
- Tại Hội nghị này, các nước ASEAN đã thảo luận về các lĩnh vực có khả năng hợp tác trong tương lai. Từ ngày 31/10-2/11/2010, Việt Nam đã chủ trì, tổ chức Hội nghị Y học Cổ truyền các nước ASEAN lần thứ 2 tại Hà Nội.
d) Lĩnh vực An toàn Vệ sinh thực phẩm:
Việt Nam đã tham gia tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản của ASEAN và cử cán bộ tham dự các cuộc họp của Nhóm Công tác về an toàn thực phẩm của ASEAN.
e) Các Thỏa thuận, Hiệp định đã ký kết:
Các Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau về Dịch vụ Điều dưỡng, về Người hành nghề Y và Người hành nghề Nha khoa tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào thị trường dịch vụ khu vực, nâng cao trình độ nguồn nhân lực về điều dưỡng, người hành nghề y và người hành nghề nha khoa, thu hút được các bác sỹ giỏi vào làm việc tại Việt Nam và tạo cơ hội để đưa lao động Việt Nam ra làm việc tại các nước trong khu vực.
Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau trong Thanh tra Thực hành tốt Sản xuất thuốc đối với các cơ sở sản xuất dược phẩm trong khu vực ASEAN tạo điều kiện để loại bỏ các hàng rào kỹ thuật cũng như thúc đẩy, tạo thuận lợi trong thương mại và tạo điều kiện cho việc lưu thông các sản phẩm dược phẩm trong khu vực ASEAN.
Để có được kết quả trên, Bộ Y tế đã tích cực cử các cán bộ tham dự các Phiên họp của Ủy ban Điều phối dịch vụ ASEAN và Nhóm công tác về Dược phẩm của ASEAN để thảo luận, đóng góp ý kiến cho các bản Thỏa thuận nêu trên và trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3.5. Hợp tác tài nguyên và môi trường
3.5.1. Kết quả hợp tác
Tháng 2/1996 ASOEN Việt Nam được thành lập và các nhóm công tác thuộc ASOEN Việt Nam được hình thành. Ngay sau khi thành lập, ASOEN Việt Nam đã hòa nhập và tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động, diễn đàn môi trường trong ASEAN.
Tháng 2/1998, ta đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN không chính thức lần thứ 4. Tại Cuộc họp này, Việt Nam đã đề xuất ra sáng kiến tổ chức diễn đàn môi trường ASEAN để trao đổi kinh nghiệm và các bài học thực tế trong các vấn đề về môi trường.
Năm 1999, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Môi trường ASEAN với tổng số khoảng 750 người tham dự gồm 6 Hội thảo khoa học về môi trường và 01 triển lãm quốc tế về các thành tựu khoa học về môi trường.
Nhận và thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOEN từ cuối năm 2002. Hiện Việt Nam vẫn đang là năm thứ 2 giữ chức Chủ tịch ASOEN theo nhiệm kỳ 3 năm. Trong vai trò Chủ tịch ASOEN, Việt Nam đã chủ trì thành công các cuộc họp ASOEN lần thứ 14 và lần thứ 15.
Năm 2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN không chính thức lần thứ 11, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 7 và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường EAS lần thứ nhất (sáng kiến của Thủ tướng ta).
Trong năm 2013, Việt Nam đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động quan trọng liên quan như: Hội thảo cấp cao Đông Á về Thành phố bền vững môi trường lần thứ 4 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 năm 2013 trong khuôn khổ hợp tác cấp cao Đông Á về Thành phố bền vững môi trường; Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về các công ước đa phương môi trường lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 04-05 tháng 7 năm 2013; Tổ chức thành công Lễ Trao Chứng nhận Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn Di sản ASEAN, nâng tổng số thành 5 Vườn Di Sản ASEAN của Việt Nam; Hội thảo quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học phối hợp với Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) được tổ chức thành công từ ngày 21-22 tháng 11 tại Hà Nội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp tại các Hội nghị quan trọng của ASEAN như Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 24 và Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN phi chính thức lần thứ 14; và tham gia các khóa tập huấn/ hội thảo tăng cường năng lực về các lĩnh vực quản lý chất thải rắn, tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, quản lý môi trường đô thị, biến đổi khí hậu trong khuôn khổ ASEAN+3.
3.6. Hợp tác công vụ
Từ khi tham gia ACCSM, ta đã tham gia đầy đủ, tích cực vào các hoạt động của các ACCSM và có những đóng góp có ý nghĩa. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì, tổ chức thành công ACCSM 11 tại Việt Nam trong nhiệm kỳ 2001-2002 với chủ đề “Nền Công vụ các nước ASEAN vì sự phát triển năng động và bền vững”. Hội nghị đã thông qua các sáng kiến nâng cao hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ, đó là (i) tăng cường cơ chế hợp tác, chia sẻ và trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nước thành viên; (ii) tạo điều kiện và đẩy mạnh hoạt động trao đổi những kinh nghiệm và thực tiễn về cải cách công vụ ở mỗi nước thành viên.
Hiện nay Việt Nam đang chủ trì Trung tâm nguồn ASEAN-Việt Nam về chủ đề quản lý nhân sự với mục tiêu: (i) thực hiện các nghiên cứu trong nước về quản lý biên chế, các chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với công chức, (ii) thực hiện một cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan công vụ của các nước ASEAN trong lĩnh vực này và (iii) phân tích các thông tin nhận được và tổ chức hội thảo nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức trong tiến trình cải cách hành chính và hội nhập ASEAN của Việt Nam.
Năm 2013, Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tham gia hợp tác ASEAN trong lĩnh vực công vụ, công chức theo sự phân công của Chính phủ. Cụ thể, tham dự và đóng góp tích cực tại hai sự kiện chính thức thuộc Hội nghị ASEAN về các vấn đề công vụ (ACCSM) lần thứ 17 tại Myanmar (bao gồm Cuộc họp chuẩn bị và Cuộc họp cấp Chuyên viên cao cấp (SOM). Ngoài ra, Bộ cũng đã cử đại diện tham dự một số hội thảo và khóa đào tạo ngắn ngày về công vụ, công chức được tổ chức tại Thái Lan.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ, với tư cách là cơ quan tham gia trực tiếp trong lĩnh vực này, đã nỗ lực tiếp tục thực hiện mục tiêu của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực công vụ của Việt Nam là góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong ASEAN; để các nước thành viên có cái nhìn đúng đắn về bộ máy hành chính, đội ngũ công chức, chương trình cải cách hành chính mà chúng ta đang tiến hành; học hỏi và tiến tới nghiên cứu áp dụng một số mô hình, phương thức quản lý công vụ có hiệu quả của các nước thành viên; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ theo nhiều hình thức khác nhau để phát triển nguồn nhân lực trong nền công vụ.
3.7. Hợp tác văn hóa
Sau hơn 15 năm tham gia ASEAN (đến 2010), ngành VHTT của VN đã trưởng thành vựợt bậc, ta tham gia trên 100 dự án về VHTT ASEAN, ta cũng chủ động điều phối một số dự án và đạt được chất lượng cao. Năm 1995, VN tham gia vào 18 dự án ASEAN, đến năm 1997, ta tham gia 34 dự án, trong đó có 12 dự án được thực hiện ở VN. Từ 1997 đến 2000, ASEAN đã thực hiện các chương trình phát triển hệ thống ASEAN Web, kênh truyền hình vệ tinh ASEAN, liên hoan nghệ thuật ASEAN, chương trình hữu nghị tuổi trẻ ASEAN, tham gia triển lãm World Expo 2000. Năm 2001, Tiểu ban Thông tin họp tại Hà Nội, ASEAN đã xây dựng nhiều dự án chung về thông tin.
Trong lĩnh vực thể thao, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 (Jakarta, 7-8/5/2011), các nhà Lãnh đạo đã thông qua đề xuất thiết lập Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao (AMMS). Bên cạnh Hội nghị AMMS, Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN về Thể thao cũng được thiết lập nhằm giúp việc và báo cáo lên AMMS. Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, cụ thể là Tổng cục Thể dục Thể thao là cơ quan chủ quản của ta về các vấn đề hợp tác thể dục thể thao trong ASEAN.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia tích cực nhiều hoạt động nhằm tăng cường quan hệ, hiểu biết giữa Việt Nam và các nước thông qua các hoạt động như: giới thiệu văn hoá nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài; tham gia các hoạt động thể dục thể thao khu vực và quốc tế ; các hoạt động giao lưu được tổ chức nhân những ngày lễ lớn và những hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Chẳng hạn như: tham gia Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hàn Quốc từ ngày 03 – 07/9/2013); Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo, Trưng bày và Trình diễn Nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4 tại tỉnh Thái Nguyên từ ngày 15 đến 18/3/2013; tổ chức xây dựng Khu triển lãm “Không gian Văn hóa Việt Nam – ASEAN” tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V, từ ngày 22-26/6/2013; tham gia Hội thảo về “Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa Quốc gia” tại Thái Lan (Đây là một trong những dự án hợp tác của Ủy ban Văn hóa – Thông tin ASEAN); tham gia Hội thảo Nghiên cứu hợp tác phát triển nguồn nhân lực Văn hóa 10+3 lần thứ 8 và Hội nghị Hợp tác Văn hóa ASEAN + 3 lần thứ 2 tại Trung Quốc từ ngày 12-21/5/2013; tham dự và đóng góp tích cực tại Cuộc họp đặc biệt các cán bộ cấp cao về Văn hóa Nghệ thuật (SOMCA) và Hội nghị lần thứ 14 của Tiểu ban Văn hóa (SCC) - Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN-COCI) tại Myanmar từ ngày 16-21/6/2013; tham dự “Lễ hội ASEAN” được tổ chức tại Purwakarta, Indonesia vào ngày 29/6/2013, và “Trại giao lưu nghệ sĩ trẻ Trung Quốc-ASEAN” từ ngày 23/6 – 12/7/2013; và dự Hội nghị lần thứ 48 Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN-COCI) tại Brunei Darussalam từ ngày 18 đến 22/11/2013 …
Trong tháng 4/2014, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa Nghệ thuật ASEAN (AMCA) lần thứ 6 và các Hội nghị liên quan tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
3.8. Hợp tác khoa học-công nghệ
Việt Nam bắt đầu hợp tác về KHCN với ASEAN từ năm 1995, với việc tham gia Khoá họp lần thứ 31 của COST tại Brunei, từ 20-24/3/1995 với tư cách quan sát viên và Khoá họp thứ 32 tại Băng Cốc, Thái Lan, từ 23-25/8/1995 với tư cách thành viên chính thức. Được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia về lĩnh vực hợp tác này, Bộ KHCNMT đã thành lập Uỷ ban KHCN ASEAN của Việt Nam, do một Thứ trưởng làm Chủ tịch, với sự tham gia của nhiều Bộ ngành (Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Khí tượng và Thuỷ văn) và Viện nghiên cứu khoa học.
Việt Nam đã tham gia tích cực và đã có những đóng góp vào các hoạt động, các chương trình khoa học, công nghệ hết sức quan trọng của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng khoa học và công nghệ, Uỷ ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST), các Tiểu ban và Nhóm công tác chuyên môn cũng như Tuần lễ khoa học và công nghệ ASEAN, tham gia nhiều dự án khoa học công nghệ và môi trường hợp tác giữa ASEAN với các bên đối thoại như Canađa, Ôxtrâylia, Niu Dilân, EU, Ấn độ, Hàn quốc, UNDP..., thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ Khoa học ASEAN v.v...
Việt Nam đã chủ trì việc điều hành Tiểu ban ASEAN về Khí tượng và Vật lý địa cầu trong nhiệm kỳ 1996-1999, Tiểu ban ASEAN về KHCN Biển - nhiệm kỳ 1999-2002 Tiểu ban ASEAN về Cơ sở hạ tầng và Tiềm lực KHCN (2002-2005), Tiểu ban công nghệ sinh học (2005-2008). Ta đã đảm nhiệm Chức Chủ tịch ASEAN COST năm 2003. Điều này không những đã tạo điều kiện cho ta nắm vững được thực tế của hoạt động hợp tác KHCN ASEAN, mà còn tạo điều kiện khai thác các khả năng, cơ hội mở ra và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung của toàn khu vực ASEAN. Ta đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, triển lãm qui mô lớn: Tuần lễ KHCN ASEAN, chủ trì hoạt động của một số tổ chức ASEAN, đề xuất và thực hiện nhiều dự án, sáng kiến hợp tác KHCN của ASEAN v.v...
Thời gian qua, hoạt động hợp tác ASEAN chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực như tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, và hoạt động hơp tác KHCN trong ASEAN COST.
Hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp chủ yếu thông qua Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng (ACCSQ). Trong tham gia Ủy ban này, ta đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trong như: Hiệp định khung ASEAN về các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau; Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN về thiết bị điện và điện tử; Hiệp định hài hoà quy chế quản lý thiết bị điện-điện tử của ASEAN; Hiệp định về Hệ thống hoà hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm; Hiệp định về thanh tra GMP đối với các nhà sản xuất dược phẩm…
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Việt Nam tích cực Phối hợp với các nước ASEAN từng bước thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hành động ASEAN về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2011-2015 hướng tới thực hiện các mục tiêu Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tích cực triển khai các sáng kiến mà VN chủ trì và đồng chủ trì với các nước ASEAN khác, tham gia Nhóm Công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC) cũng như các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác của ASEAN về sở hữu trí tuệ…
Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Uỷ ban hợp tác KHCN ASEAN (COST), tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực tại các cuộc họp của Ủy ban như Thảo luận cách thức, nội dung xây dựng chương trình hành động KHCN và đổi mới ASEAN giai đoạn 2015-2020 (APASTI); chủ trì cluster về công nghệ xanh, quản lý nước và an ninh lương thực.
Ngoài ra, ta cũng tham gia cuộc họp tham vấn hợp tác về KHCN ASEAN và các nước Đối thoại ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Nga, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN+3 với các định hướng và nội dung hợp tác tích cực và cụ thể
3.9. Quan hệ đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân:
Trong 15 năm tham gia hợp tác ASEAN, Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình. Tham gia hợp tác trong ASEAN đã góp phần quan trọng trong việc củng cố môi trường hòa bình và an ninh cho sự nghiệp phát triển đất nước, tạo điều kiện cho việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng ta.
a) Về quan hệ đối ngoại Đảng:
Duy trì, củng cố và mở rộng mối quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng của các nước trong ASEAN, nhất là với các đảng cầm quyền và các chính đảng lớn, có vị thế trên chính trường các nước, đồng thời tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương của các chính đảng trong khu vực.
Bên cạnh quan hệ đặc biệt giữa Đảng ta với các Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Nhân dân Campuchia, ta tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ với một số đảng cầm quyền: Đảng hành động nhân dân Xinh-ga-po (PAP) (thiết lập quan hệ chính thức tháng 10/1993); Đảng Dân chủ Thái Lan (DP) (năm 1993); Đảng Tổ chức dân tộc thống nhất Mã Lai (UMNO) (tháng 3/1994); Đảng Golkar In-đô-nê-xi-a (tháng 6/1996); ngoài ra ta có quan hệ tiếp xúc với một số đảng khác như Đảng Dân chủ đấu tranh In-đô-nê-xi-a; Đảng Dân chủ Hồi giáo và Thiên chúa giáo Phi-lip-pin (Lakas-CMD).
Bên cạnh đó, ta tích cực tham gia Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) từ năm 2000 với mục tiêu nhằm thúc đẩy đoàn kết, hợp tác và phát triển trong khu vực. Đến nay ta đã tham gia 10 năm hoạt động của ICAPP với 12 kỳ Hội nghị, thu hút ngày càng lớn số lượng các đảng chính trị tham gia.
b) Về quan hệ đối ngoại nhân dân:
Chú trọng duy trì, phát triển công tác ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân; khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào hợp tác ASEAN, không ngừng mở rộng với các đối tác trong khu vưc.
Đến nay, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta đã phát triển được một mạng lưới rộng khắp với nhiều đối tác trong khu vực trên tất cả các lĩnh vục (hòa bình hữu nghị, xóa đói giảm nghèo cũng như dân chủ tôn giáo nhân quyền), nhanh chóng thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, cơ chế trong ASEAN, mở rộng quan hệ với các cơ chế, tổ chức đa phương mang tính khu vực.
Ta đã tham gia, trở thành thành viên và đóng góp tích cực trong cộng đồng ASEAN, điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ VIệt Nam gia nhập Hội đồng các tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gia nhập Hội đồng Công đoàn ASEAN (ATUC), Hội Cực chiến binh Việt Nam gia nhập Liên đoàn Cựu Chiến binh ASEAN (VECONAC), Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập Liên đoàn Nhà báo ASEAN (CAJ), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gia nhập Hiệp hội Sở hữu trí tuệ ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam gia nhập Hội luật gia các nước ASEAN (ALA)… Trong quá tình hội nhập khu vực, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta đã khẳng định vai trò và vị thế của mình khu đảm đương các trọng trách trong các cơ chế đa phương trong khu vực, từ việc đăng cai tổ chức Đại hội, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên, điều phối viên… của các tổ chức da phương khu vực đến việc tổ chức các diễn đàn lớn song song với các diễn đàn chính thức (tới đây Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đăng cai Diễn đàn nhân dân ASEAN VI)
Đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác: Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân đã tăng cường các hoạt động đối ngoại trong các lĩnh vực từ hòa bình hữu nghị đến hợp tác phát triển, an sinh xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, từ các lĩnh vực, vấn đề truyền thống đến các lĩnh vực, vấn đề mới mang tính thời sự như chống chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân, từ hỗ trợ nạn nhân Da cam/Dioxin đến chống nạn buôn bán người, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, những vấn đề nhạy cảm như dân chủ, tôn giáo, nhân quyền.
3.10. Hợp tác thanh tra:
Ngay từ năm 1995, Thanh tra Chính phủ đã có các hoạt động hợp tác song phương về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng với một số nước ASEAN và sau đó là các hoạt động đa phương trong các diễn đàn quốc tế và khu vực ASEAN.
a) Hợp tác song phương:
- Thanh tra Chính phủ đã ký kết thoả thuận hợp tác với các cơ quan thanh tra, chống tham nhũng của 5 nước trong khu vực, bao gồm: Cơ quan Thanh tra Nhà nước Lào (năm 1995), Bộ Quan hệ với Quốc hội -Thượng viện và Thanh tra Campuchia (năm 2003), Uỷ ban chống tham nhũng Inđônêxia (năm 2007), Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (năm 2010) và Cục Điều tra các Hành vi tham nhũng Singapo (năm 2010) và dự kiến ký kết thỏa thuận hợp tác với các cơ quan có chức năng tương ứng của Thái Lan và các nước còn lại trong khối ASEAN.
- Nội dung hợp tác song phương chủ yếu tập trung vào hợp tác về đào tạo, tập huấn nghiệp vụ; chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng; hỗ trợ kỹ thuật trong khả năng có thể. Cơ chế tổ chức thực hiện các cam kết hợp tác này chủ yếu thông qua hình thức trao đổi đoàn hàng năm - gồm có đoàn đi thăm, làm việc và đoàn đi đào tạo nghiệp vụ. Trên thực tế, trong những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ đã giúp đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho nhiều cán bộ thanh tra của Lào và Campuchia, được Chính phủ và cơ quan thanh tra của Lào và Campuchia đánh giá cao.
b) Hợp tác đa phương:
- Sau một thời gian là quan sát viên, Thanh tra Chính phủ trở thành thành viên chính thức của Thỏa thuận hợp tác đa phương về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á từ tháng 9/2007. Điều đáng chú ý là hoạt động hợp tác đa phương này là do các cơ quan chống tham nhũng của các nước khu vực Đông Nam Á (vốn đều là thành viên của ASEAN) tự khởi xướng từ năm 2004 chứ không phải là hoạt động hợp tác chính thức trong khuôn khổ tổ chức ASEAN. Hiện Thỏa thuận đã có tám thành viên (trong đó bốn thành viên sáng lập từ năm 2004 là Cơ quan Chống tham nhũng Brunei, Uỷ ban Chống tham nhũng Inđônêxia, Cơ quan chống tham nhũng Malaysia, Cơ quan Chống tham nhũng Singapore và bốn thành viên gia nhập năm 2007 là Cơ quan Chống th
hãy nêu những thành tựu về sự hợp tác phát triển kinh tế của các nước ASEAN trong những năm gần đây
Bạn tham khảo ở đây nha Bài 17 : Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)
/ly-thuyet/bai-17-hiep-hoi-cac-nuoc-dong-nam-a-asean.1250/
Câu 1 Nêu lợi ích của việc VN gia nhập ASEAN(càng ngắn gọn gằng tốt ạ)
Câu 2 dự vào bảng số liệu sách giáo khoa trang 61 vẽ biểu đồ biểu thị GDP bình quân đầu người của các nước Sin-ga-po,Bry-nây,VN,Cam-pu-chia năm 2001
Câu 1 : Lợi ích của việc Việt Nam gia nhập ASEAN :
- Nâng cao vị thế và tạo thế đứng vững chắc trên trường quốc tế, có tiếng nói trong việc định hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới thông qua những cuộc thương lượng và đàm phán, từ đó có điều kiện bảo vệ các quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ theo hướng có lợi cho quốc gia.
- Có điều kiện khai thác nhiều tiềm năng thông qua việc hợp tác đa dạng với nhiều đối tác để mở rộng và ổn định thị trường, tiếp cận nguồn vốn quốc tế, tạo môi trường hấp dẫn để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp cận nhanh sự chuyển giao khoa học – công nghệ trên diện rộng và tham gia tích cực vào việc phân công lao động quốc tế.
- Có điều kiện thúc đẩy tiến trình cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế linh hoạt và năng động hơn theo hướng nâng cao hiệu quả. Cụ thể là đẩy nhanh quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, xoá bỏ cơ chế còn mang tính bao cấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của các thành phần kinh tế.
- Nâng cao khả năng nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các quy tắc ứng xử theo chuẩn mực quốc tế, góp phần nhanh chóng đưa nền kinh tế của nước ta tiến lên phát triển ngang tầm quốc tế.
- Có điều kiện thực hiện tốt các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực trong việc duy trì an ninh thế giới, giữ vững và ổn định an ninh quốc gia để phát triển.
Câu 1 : -kinh tế VN có cơ hội hội nhập với kinh tế thế giới
-thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp thu khoa học kĩ thuật tiên tiến
-thu hẹp khoảng cách giữa các nước về trình độ phát triển
-học hỏi tiếp thu trình độ quản lí
-giao lưu văn hóa giữa các dân tộc
Câu 2:
- Biểu đồ:
Biểu đồ tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của một số nước Đông Nam Á năm 2001
- Nhận xét:
+ GDP/người giữa các nước ASEAN không đều.
+ Nước có GDP/người cao nhất là Xin-ga-po (20740USD), tiếp theo là Bru- nây (12300USD), Ma-lai-xi-a (3680USD), Thái Lan (1870USD).
+ Các nước có GDP/người thấp dưới 1000USD là Phi-líp-pin (930USD), In-đô- nê-xi-a (680USD), Việt Nam (415ƯSD), Lào (317USD), Cam-pu-chia (280USD).
+ GDP/người của Xin-ga-po gấp 74 lần GDP/ngƯời của Cam-pu-chia, gấp 65,4 lần GDP/người của Lào, gấp gần 50 lần GDP/người của Việt Nam...
các nước Đông Nam Á có thuận lợi và khó khăn gì trong việc hợp tác ?
Thuận lợi:- Các nước ASEAN có vị trí địa lí thuận lợi cho phát triển kinh tế, cũng như thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác giao lưu kinh tế
- xã hội giữa các quốc gia. Ba nước Inđônêxia, Malaixia, Xingapo đã lập tam giác tăng trưởng kinh tế Xigiôri từ năm 1989.
- Tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các nước, xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ từ Việt Nam sang Campuchia, Thái Lan, Malaixia và Xingapo; từ Mianma qua Lào tới Việt Nam. Xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây với các quốc gia: Mianma, Thái Lan, Lào, Việt Nam.
- Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, việc khai thác các nguồn tài nguyên, thiên nhiên và nguồn nhân lực cũng đòi hỏi các nước ASEAN phải có sự hợp tác.
- Phối hợp cùng nhau bảo vệ và khai thác nguồn lợi sông Mê Công. Hợp tác trong khai thác nguồn lợi thềm íục địa và Biển Đông.
Khó khăn: vào cuối những năm 90 của thế kỉ XX, các nước ASEAN gặp một số khó khăn như khủng hoảng kinh tế, xung đột tôn giáo, thiên tai.
Các nước đông nam á có thuận lợi và khó khăn gì trong hợp tác và phát triển??
THUẬN LỢI:
- Vị trí gần gũi, đường giao thông về cơ bản là thuận lợi.
- Truyền thống văn hóa, sản xuất có nhiều nét tương đồng.
- Lịch sử đấu tranh, xây dựng đất nước có những điểm giống nhau, con người dễ hợp tác với nhau.
KHÓ KHĂN
- Do ngôn ngữ không thống nhất.
Nêu những cơ hội và thách thức của việt nam khi gia nhập asean ???
- Thời cơ:
+ Trong kinh tế: thu hút vốn và kĩ thuật của các quốc gia tiên tiến trong khu vực, phát triển du lịch dịch vụ;
+ Về văn hóa giáo dục: Được giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa các nền văn hóa truyền thống độc đáo, tiếp cận nền giáo dục ở các quốc gia tiên tiến;
+ Về an ninh - chính trị: chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đảm bảo ổn định chính trị của khu vực.
- Thách thức:
+ Chênh lệch về mức sống và tăng trưởng;
+ Khác biệt về chế độ chính trị;
+ Lai căng về văn hóa, dung nhập tệ nạn xã hội;
+ Cạnh tranh với các nước đã có nền kinh tế phát triển hơn... + Nguy cơ mất bản sắc dân tộc
Cơ hội:
ASEAN là cửa ngõ đầu tiên và then chốt cho tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam. Thông qua ASEAN chúng ta đã được mở rộng không gian hợp tác với các nước trên thế giới nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng. Được giao lưu hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục... , tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại của các nước tiên tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ra thế giới.
Do nước ta nằm ở vị trí chiến lược, cộng với nguồn tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào, tình hình chính trị ổn định đã giúp ta thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của các nước bạn và trên trên thế giới. Qua đó các nhà đầu tư đã tạo được nhiều việc làm cho người dân, đồng thời nâng cao mức sống của người dân Việt Nam.
Sự thiết lập Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) sẽ làm tăng nhanh mức độ tin cậy và ý thức cộng đồng trong ASEAN, thúc đẩy hợp tác chính trị - an ninh nội khối lên tầm cao mới.
Thách thức:
1. Nguy cơ tụt hậu
Sự tồn tại một hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của nền sản xuất xã hội còn nhiều lạc hậu, bao gồm cả những vấn đề còn rất nan giải như hệ thống máy móc, thiết bị chủ yếu là ở các thế hệ cũ, hệ thống giao thông - dịch vụ tài chính, ngân hàng... cùng với quá trình đô thị hoá tuy đã khá hơn nhiều so với trước song vẫn còn khấp khểnh chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển bền vững ở nước ta.
2. Năng lực cạnh tranh còn thấp, chậm được cải thiện.
Do các nước trong khu vực ASEAN có nền văn hóa tương đồng nhau nên có nhiều sản phẩm giống nhau. Năng lực quản lý doanh nghiệp còn yếu. Nhiều doanh nghiệp nhà nước tồn tại được là nhờ có sự bảo hộ, trợ cấp của Nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ còn lớn. Xét về tiêu chí cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá như giá cả, chất lượng, mạng lưới tổ chức tiêu thụ và uy tín doanh nghiệp thì sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam cũng còn thua kém hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
3.Trình độ lao động còn thấp và hiện tượng “chảy máu chất xám”
Nước ta có rất nhiều nhân tài nhưng chúng ta chưa có chính sách đào tạo, thu hút nhân tài cụ thể nên đã xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”, những người có trình độ đã bị các công ty nước ngoài thu hút về làm việc còn các công ty của ta vẫn chưa thuyết phục được họ.
4.Nguy cơ phá hoại Xã hội Chủ nghĩa và phai nhạt bản sắc dân tộc
Khi mở của hội nhập thì nền văn hóa phương Tây xâm nhập vào Việt Nam càng nhiều, ảnh hưởng vào nước ta dưới nhiều dạng hình thức khác nhau, các loại hình văn hoá phẩm đồi truỵ lôi kéo, dụ dỗ người dân vào con đường lệch lạc trong cách sống, dẫn đến dễ bị tha hoá, biến chất thành những con người ích kỷ, thực dụng nên gây ra nhiều tệ nạn xã hội hòng chống phá chế độ Xã hội chủ nghĩa, đường lối đúng đắn của Đảng, của Nhà nước ta.
5. Tình trạng môi trường thiên nhiên ngày càng xấu hơn, hiên tai, dịch bệnh do đó càng gia tăng mạnh, chủ nghĩa khủng bố vẫn đang là hiểm hoạ lớn nhất của thế giới không riêng gì Việt Nam... Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp giải quyết triệt để, nếu không thì nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới.
- Hội nhập dễ bị “hòa tan”, đánh mất bản sắc và truyền thống của dân tộc.
Mục tiêu hợp tác của hiệp hội các nước đông nam á đã thay đổi qua thời gian như thê nào?
- Trong 25 năm đầu, Hiệp hội được tổ chức như một khối hợp tác về quân sự.
- Cuối thập niên 70, đầu 80 xu thế hợp tác kinh tế xuất hiện và ngày càng trở thành xu hướng chính.
- Đến năm 1998 đặt ra mục tiêu: “Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều”.
- Các nước hợp tác với nhau trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên và ngày càng hợp tác toàn diện, cùng khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.
Nêu những biểu hiện thể hiện sự hợp tác của các nước ASEAN
Biểu hiện:
-Các nước phát triển giúp đỡ các nước kém phát triển hơn.
-Tăng cường trao đổi hàng hóa.
-Xây dựng các tuyến giao thông.
-Phối hợp khia thác và bảo vệ sông Mê Kông.
-Đoàn kết, hợp tác giải quyết những khó khănchung.
Biểu hiện sự hợp tác của các nước ASEAN :
- Tam giác tăng trưởng kinh tế XI-GIÔ-RI;
- Nước phát triển hơn giúp các nước chậm phát triển đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong khu vực và để xuất khẩu;
- Tăng cường trao đổi hảng hóa giữa các nước;
- Xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ qua các nước;
- Phối hợp khai thác, bảo vệ lưu vực sông Mê Công.
Tình hình phát triển ở ASEAN????
- M.n giúp e trong hnay nhé. mai e thy rồi hichic
Thầy cô và các bff trên học 24 ơi. giúp mk vs
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên hình thành cộng đồng, ASEAN đã triển khai các biện pháp trong lộ trình tiếp tục xây dựng và củng cố cộng đồng trên cả ba trụ cột. Cộng đồng Chính trị- An ninh đã đưa vào thực hiện 165/290 dòng hành động; Cộng đồng Kinh tế đã xây dựng và thông qua các chương trình hành động cụ thể của hầu hết các ngành, cũng như có được các thỏa thuận thông qua các tuyên bố của các khuôn khổ về hội nhập và hợp tác.
Một loạt các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy thương mại, an ninh lương thực, khởi động doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như trong các lĩnh vực quan trọng như là phát triển hợp tác giữa các khu kinh tế đặc biệt hay là trong các lĩnh vực về minh bạch hóa thông tin về các dòng thuế mà các nước thành viên còn áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp khi nghiên cứu, quyết định đầu tư, buôn bán với các nước ASEAN cũng như cơ chế giải quyết các khiếu nại của các doanh nghiệp trong ASEAN liên quan đến các vấn đề xuyên biên giới trong việc thực hiện các hiệp định kinh tế của ASEAN.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội đã xây dựng và thông qua được kế hoạch hoạt động cụ thể của hầu hết các ngành cũng như đạt được các kết quả cụ thể phục vụ hội nhập và hợp tác, một loạt các lĩnh vực ưu tiên như quản lý thiên tai, cứu trợ nhân đạo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, giáo dục, lao động.
Trong lĩnh vực đối ngoại, trong năm 2016, ASEAN đã có những thành tựu đáng kể. ASEAN và Nga, ASEAN và Mỹ đã có thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và trong quan hệ kinh tế đối ngoại thì ASEAN cũng đã có thỏa thuận với Liên minh kinh tế Á-Âu, cũng như với Canada về khả năng tiến tới hiệp định khu vực về thương mại tự do. Một điểm sáng nữa trong năm 2016 là trong bối cảnh tình hình quốc tế, thậm chí là tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngay ở trong khu vực của chúng ta thì ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tm của mình tại các thể chế khu vực cũng như trong việc điều tiết quan hệ đối ngoại với các đối tác.
Chúc bạn hok tốt
Em hãy trình bày mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của ASEAN
- Mục tiêu họat động :
Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nổ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định khu vực.
- Nguyên tắc hoạt động:
+ Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
+ Không sử dụng và đe doa bằng vũ lực với nhau.
+ Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
+ Hợp tác phát triển có hiệu quả trong kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Mục tiêu họat động :
Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nổ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định khu vực.
- Nguyên tắc hoạt động:
+ Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
+ Không sử dụng và đe doa bằng vũ lực với nhau.
+ Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
+ Hợp tác phát triển có hiệu quả trong kinh tế, văn hóa, xã hội.