"Truyện Kiều" của Nguyễn Du có nhiều nhân vật, nhân vật nào cũng để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó phai mờ. Nguyễn Du - người nghệ sĩ bậc thầy - dưới ngòi bút của ông các nhân vật đều có dáng vẻ, tính cách và số phận cụ thể, riêng biệt. Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, phần mở đầu của tác phẩm, Nguyễn Du đã ca ngợi vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều, mỗi người có một vẻ đẹp riêng và cùng dự cảm về số phận tương lai khác nhau của họ.
Vân và Kiều, hai chị em ruột, cả hai đều rất đẹp; dáng điệu cốt cách mảnh mai, yểu điệu, tinh thần trắng trong như tuyết:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Một vẻ đẹp đã đạt độ hoàn hảo nhất: “mười phân vẹn mười”, nhưng hai chị em “mỗi người một vẻ”, không ai giống ai.
Tả vẻ đẹp của Vân, nhà thơ rất kiệm lời chỉ bốn câu thơ với phương pháp đặc tả đã vẽ lên chân dung cụ thể và sinh động. Thúy Vân tiêu biểu cho vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của người phụ nữ Á Đông:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Vẻ đẹp đó toát lên một nhân cách đoan trang, đứng đắn:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Nụ cười tươi như hoa hé nở, giọng nói thốt lên trong trẻo nghe như tiếng ngọc chạm vào mâm vàng. Thúy Vân có cái hạnh phúc rất lớn được tạo hoá ban phát cho một sắc đẹp mà rất nhiều người phụ nữ khác hằng ước ao:
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Bằng cách so sánh với vẻ đẹp thiên nhiên vốn có, nhà thơ đã ca ngợi mái tóc của Vân óng mượt đến nỗi mây cũng thua, làn da của nàng trắng ngần, tuyết phải chịu nhường. Một sắc đẹp mà thiên nhiên, đất trời đều chịu “thua”, chịu “nhường”, không đố kị, ghét ghen. Con người đó ắt hẳn có một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc.
-- Để xem được đầy đủ nội dung còn lại, mời quý thầy cô và các em vui lòng đằng nhập vào HỌC247 để dowload tài liệu về máy --
Kiều hiện thân của sự kết hợp sắc - tài, tạo hoá đã ban cho nàng không chỉ sắc đẹp tuyệt vời mà còn một tài năng hơn người. Hiếm có người phụ nữ đa tài như vậy, trên các lĩnh vực nghệ thuật: Thơ ca, hội họa, âm nhạc, nàng tỏ ra một người tài hoa rất mực:
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Kiều có đầy đủ phẩm chất của người nghệ sĩ, một năng lực cảm nhận nghệ thuật nhạy bén, một tâm hồn phong phú, tinh tế, nhưng có lẽ tài năng của Kiều được biểu hiện tập trung ở ngón đàn:
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Tiếng đàn gắn liền với số phận của đời nàng, trong tác phẩm, nhiều lần nhà thơ tả tiếng đàn của Kiều, mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm trạng tiếng đàn khác nhau: Khi nỉ non, ai oán, khi “như khóc như than”, khi “bốn giây giỏ máu năm đầu ngón tay”...
Nàng lựa khúc đàn “bạc mệnh”, như một sự xui khiến của số phận:
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
Kiều tài sắc nên mệnh bạc. Trong xã hội cũ, người phụ nữ có sắc có tài phải chịu nhiều đau khổ: “Hồng nhan đa truân”. Kiều có sắc có tài hơn người nên chịu số kiếp long đong.
Thúy Kiều, Thúy Vân, hai hình tượng nhân vật được ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du khắc họa sinh động. Cũng như những nhà thơ cổ điển khác, Nguyễn Du sử dụng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng để miêu tả nhân vật, nhưng những nhân vật của ông trong “Truyện Kiều” đều có tính cách riêng, số phận riêng. Chị em Thúy Kiều, hai cô gái mà nhà thơ rất mực yêu mến trân trọng, ông dồn hết tâm lực, tình cảm để ca ngợi tài sắc của họ và xót xa, phẫn nộ biết chừng nào khi vẻ đẹp đó bị xã hội vùi dập, chà đạp.
Tham khảo:
Từ một tác phẩm bình thường của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du, với thiên tài nghệ thuật của mình, đã tạo nên “Truyện Kiều” bất hủ, niềm tự hào của văn học Việt Nam. Trong những đặc sắc về nghệ thuật của Nguyễn Du, có nghệ thuật tả người. Đoạn Nguyễn Du tả tài sắc chị em Thúy Kiều có thể được coi là một đoạn thơ tiêu biểu của nghệ thuật ấy.
Chỗ tài tình của Nguyễn Du là, khi ông tả người, tả vẻ ngoài của con người nhưng chính là ông tả bản chất con người với những đặc sắc bên trong của nó và dự báo cả số phận mai sau của họ. Tả chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du bắt đầu từ cái rất chung, giới thiệu những nét chung nhất của họ:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân,
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Cả hai chị em, Thúy Kiều và Thúy Vân đều đẹp, cái đẹp trọn vẹn của vẻ đẹp theo lí tưởng của xã hội và thời đại. Họ mang cái cốt cách thanh cao của cây mai và cái tinh thần trắng trong của tuyêt. Tuy thế, dẫu “mười phân vẹn mười”, cái đẹp của hai chị em vẫn là “mỗi người một vẻ”. Chính nhà thơ đã chuẩn bị miêu tả riêng, so sánh và phân biệt cho ra “mỗi người một vẻ” ấy. Nhà thơ bắt đầu từ Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mấy thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Qua đoạn trên, ta không thể biết được một cách tỉ mỉ, cụ thể về nhan sắc Thúy Vân nhưng ta lại biết được nhan sắc ấy thật tuyệt trần. Tất cả đều trọn vẹn, tất cả đều đạt tới mức cao nhất yêu cầu của xã hội về nhan sắc. Đó là một vẻ đẹp mà với những từ “trang trọng”, “đầy đặn”, “nở nang”, “đoan trang”, “mây thua”, “tuyết nhường”, luôn luôn tạo cho người xung quanh một tình cảm trân trọng, yêu mến, độ lượng. Đó là một vẻ đẹp dễ dàng được xa hội công nhận.
Tả Thúy Vân chỉ bốn dòng thế là đủ, Nguyễn Du chuyển sang tả Thúy Kiều:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làm thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Hóa ra, khi tả Thúy Vân, Nguyễn Du đã bắt đầu tả Thúy Kiều, Thúy Vân trở thành điểm tựa để Nguyễn Du đặt đòn bẩy mà nâng Thúy Kiều lên chỗ tuyệt vời. Kiều có tất cả những gì Thúy Vân có nhưng ở mức độ sắc sảo hơn, mặn mà hơn. Tả Thúy Vân, nhà thơ chỉ nói đến sắc. Thúy Kiều thì “tài sắc”, và cả “tài” lẫn “sắc” đều “lại là phần hơn”.
Tả Thúy Kiều, Nguyễn Du cũng dùng phương pháp ước lệ, với những thành ngữ quen thuộc “làn thu thuỷ” để chỉ đôi mắt, “nét xuân sơn” để chỉ đôi lông mày; tuy thế với nhưng từ ngữ “ghen”, “hờn” gắn cho tạo vật, nhà thơ đã cho thấy nhan sắc Thuý Kiều là nhan sắc độc đáo, kì lạ, vượt lên trên sự bình thường. Đó là nhan sắc hiếm có trên đời, như một của quý ít khi xuất hiện, thường được tôn sùng và cũng thường bị đố kị, lúc nào cũng gây ra sóng gió cho mình.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài dành họa hai.
Đã giới thiệu tài sắc hơn đời của Thúy Kiều, đã tả sắc của nàng như thế, Nguyễn Du tiếp tục bằng việc tả tài của nàng:
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm,
Cung thương, lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương,
Khúc nhà tay tựa nên chương
Một thiên “bạc mệnh” lại càng não nhân.
Tài của Kiều là cái tài toàn diện của nghề phong lưu: cầm, kì, thi, họa, mà tài nào cũng ở mức tuyệt đỉnh, trọn vẹn. sắc đã hiếm có, tài lại hiếm có hơn. Thúy Kiều đúng là người hiếm ở đời. Người hiếm có như thế thì có thể gặp tột cùng hanh phúc, hoặc có thể tột cùng đau khổ. Mà Kiều thì chắc là sẽ đau khổ bởi vì “hoa ghen” với nàng, “liễu hờn” với nàng kia mà! Tả tài sắc Thúy Kiều, thật ra Nguyễn Du đã dự báo cho thân phận của nàng.
Thúy Kiều và Thúy Vân đúng là “mười phân vẹn người” nhưng lại “mỗi người một vẻ”. Đảo lộn trình tự, nói về em trước rồi mới nói đến chị, Nguyễn Du đã tập trung vào nhân vật chính của tác phẩm. Không đi vào chi tiết, Nguyễn Du chỉ nói lên cái thần của nhân vật bằng những nét tiêu biểu nhất, đó chính là điều đặc sắc trong nghệ thuật tả người của Nguyễn Du.