Học đối phó là một trong những mối quan tâm được đặt lên hàng đầu không chỉ với nhà trường mà còn ở trong ngành giáo dục Việt Nam. Hiện tượng này hiện vẫn đang tồn tại và lan rộng ra.Học đối phó được hiểu là một cách học của học sinh nhằm mục đích qua một kì thi hoặc một môn học nào đó. Tuy nhiên những kiến thức học sinh đó tiếp thu được là rất ít, hoặc gần như là không có.Xét về một khía cạnh nào đó, nó đem lại những lợi ích nhất thời với học sinh. Học sinh sẽ chỉ cần dành khoảng thời gian ngắn cho việc học mà vẫn đạt một mức điểm vừa đủ để bản thân không bị đánh trượt môn. Tuy nhiên về lâu dài, nó là một phương pháp học tiêu cực. Lượng kiến thức của học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ bị thu hẹp và hạn chế. Khi nó trở thành một thói quen, đặc biệt là ngay từ những kiến thức nền tảng, thì sau này học chuyên sâu, học sinh đó sẽ khó nắm bắt được một cách tối đa. Hệ quả là, với kinh nghiệm non yếu cùng với kiến thức kém học sinh đó sẽ gặp vô vàn khó khăn khi bước vào đời.Lí do dẫn đến hiện tượng này có thể là do thực trạng của việc học quá tải. Sau một ngày học hành vất vả tại trường, các phụ huynh còn cho con em tham gia cá lớp học phụ đạo, đi học thêm, học gia sư, … Việc học dàn trải, học nhiều khiến học sinh không có nhiều thời gian để hoàn thành bài tập, tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, là ý thức của chính mỗi bản thân người học sinh. Việc ham chơi, ưa tụ tập bạn bè … dẫn tới việc học sinh không muốn dành nhiều thời gian cho việc học. Hơn nữa, không tự xác định được học để làm gì và học như thế nào khiến học sinh lâm vào cảnh chán học và học không có mục đích.Để có thể giải quyết một cách triệt để dc những hiện tượng trên, thì ngay từ phía phụ huynh cần có những định hướng, quan tầm nhiều hơn về việc học hành cho con em mình. Ngoài ra, học cũng nên cho con em mình những khoảng thời gian riêng cho những hoạt động ngoại khóa. Phía nhà trường cũng cần có những biện pháp làm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh.Học sinh là thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước. Việc ngăn chặn, bài trừ học đối phó là góp phần cho đất nước phát triển giàu mạnh, có thể sánh ngang cùng bạn bè quốc tế.
Tham khảo:
I, MỞ BÀI
Có thể chọn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng cả hai cần phải đảm bảo giới thiệu được vấn đề cần nghị luận: Học đối phó.
Ví dụ:
Mở bài số 1: Người ta nói, được đến trường mỗi ngày là một niềm vui bởi ta được tiếp thu thêm bao kiến thức. Nhưng không ít học sinh ngày nay lại cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến trường và lựa chọn học đối phó cho qua - một phương pháp học không hề tốt.
Mở bài số 2: Ngày nay, giáo dục nhiều nơi đang rơi vào tình trạng đau đầu và bế tắc. Nguyên nhân là bởi không ít học sinh đang lựa chọn học đối phó - một cách học hại mình, hại đất nước tương lai.
II, THÂN BÀI
Giải thích khái niệm
Học đối phó là gì? → Đó là tình trạng học sinh học trên tinh thần không tự nguyện, như là bị ép buộc, học qua loa chỉ để vượt qua một kì thi, một bài kiểm tra…
Biểu hiện: Học sinh về nhà làm bài tập bằng cách tìm kiếm trên mạng, chép vào trong vở, không quan tâm nó giống hay khác, cứ chép cho đủ bài là được. Hay như ngày mai kiểm tra, thi thì chọn bừa một bài có khả năng ra, hay vội vã đọc nhanh đọc vội để có thể qua môn an toàn…
Bàn luận vấn đề (Tác hại)
Học đối phó sẽ khiến học sinh bị hổng kiến thức vô cùng lớn. Bởi lượng kiến thức mỗi ngày đều tăng dần lên, nếu bỏ qua một bên, nó sẽ trở thành một núi khổng lồ và không thể nào học nhanh được. Hổng kiến thức, khi đối mặt với những kì thi lớn mở rộng, sẽ không thể đạt được kết quả cao. Đồng thời, không có kiến thức sẽ không thể thực hành hay tiếp tục con đường học tập xa hơn nữa, cao hơn nữa.
Dẫn chứng: Đã có rất nhiều trường hợp học sinh bỏ bê việc học, học qua loa những năm cấp 2, cấp 3 để rồi đến kì thi vào cấp 3, Đại học, họ không thể đỗ vào những trường mình đăng kí. Bế tắc, tuyệt vọng, đau khổ, nhiều người tìm đến cái chết như một sự giải thoát, nhốt mình lại trong căn phòng riêng để rồi mắc bệnh về tâm lý…
Tình trạng học đối phó cũng không thể đem lại kết quả cao được cho bản thân người học. Cứ học mãi như thế, kết quả càng kém dần sẽ dẫn đến tâm lý chán chường, mệt mỏi, muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Như vậy học sinh càng đang làm mất dần đi cơ hội của mình, đánh mất khoảng thời gian để bản thân rèn luyện tư duy sáng tạo…
Không chỉ vậy mà còn ảnh hưởng đến cả một tập thể, cộng đồng. Một người học đối phó thì sẽ lan rộng ra nhiều hơn. Một xã hội sẽ không thể nào đi lên được nếu toàn những con người học đối phó, khi ấy hiền tài sẽ ở đâu? Trong các trường học, để khuyến khích học sinh học tập, nhà trường có tổ chức thi đua học tập giữa các lớp. Chỉ cần 1 thành viên kém thôi cũng ảnh hưởng rất nhiều đến điểm số, làm mất danh hiệu thi đua...
Rút ra bài học nhận thức và hành động
Nguyên nhân: Đó là do việc học trên lớp không gây được hứng thú cho học sinh nên mới xảy ra tình trạng không nghe giảng và học đối phó. Cũng do giáo viên không mấy sát sao toàn bộ các thành viên trong lớp, có người còn bỏ qua nên mới để tình trạng học đối phó ăn sâu hơn. Học sinh cũng chưa có ý thức rằng việc học là học cho bản thân mình sau này…
Biện pháp và bài học rút ra: Giáo viên cần chú ý đến lớp hơn, tìm ra cách giảng dạy gây hứng thú cho học sinh. Mỗi học sinh cũng cần phải chú ý nghe giảng, không hiểu thì phải hỏi ngay thầy cô bạn bè, sắp xếp thời gian học ở nhà hợp lí…
III, KẾT BÀI
Nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề học đối phó.
Ví dụ: Học tập là việc vô cùng quan trọng đối với mỗi người, cung cấp cho ta hành trang kiến thức để bước vào đời. Vì vậy, đừng vì lười biếng mà học đối phó cho qua, rồi bạn sẽ thấy tiếc nuối.
Nêu khái niệm học đối phó là gì?
Cách học qua loa, chiếu lệ nhằm mục đích đối phó sự kiểm tra, rà soát của giáo viên và phụ huynh.
Những biểu hiện phổ biến của việc học đối phó:
Sắp đến giờ kiểm tra, thi cử mới bắt đầu lo học bài. Chỉ soạn bài, làm bài về nhà nếu giáo viên có kiểm tra vở bài tập, bài soạn. Chép bài tập của bạn để qua mắt giáo viên. Thường lo ra, làm việc riêng, không chú ý nghe giảng trong những tiếc học có giáo viên dễ tính. Quay cóp trong giờ kiểm tra để nâng cao số điểm vì “chưa kịp” học bài.Nguyên nhân của học đối phó:
Học sinh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Giáo viên chưa có biện pháp khơi gợi nhu cầu tìm kiếm, sở hữu kiến thức của học sinh. Tiết học chưa sinh động khiến học sinh dễ nhàm chán, lo ra. ...Nêu những tác hại của việc học đối phó:
Thành tích đạt được của học sinh chỉ mang tính đại khái, không thực tế. Kiến thức được lưu giữ một cách qua loa khiến người học chóng quên, không đạt được mục đích học tập, không tích lũy được kiến thức. Ảnh hưởng nhân phẩm của người học (thường xuyên gian lận trong học tập, thiếu trung thực). Bị hỏng nhiều kiến thức khiến việc học sau này ngày càng khó khăn. Không nắm vững kiến thức khiến người học không thể ứng dụng được kiến thức đã học cho công việc, cuộc sống trong tương lai.Đưa ra lời khuyên, biện pháp để tránh tình trạng học đối phó của học sinh sinh viên:
Nhà trường, phụ huynh nên có biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức học tập giúp học sinh hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc học tập trong định hướng tương lai, nghề nghiệp. Có các hoạt động bồi dưỡng, phát huy khả năng, hứng thú học tập cho học sinh. Khiến các bài giảng trở nên sinh động hơn để thu hút học sinh học tập.Nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công, được bạn bè quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều góc khuất, nhiều vấn đề nan giải chưa giải quyết được. Có những hành động dù là nhỏ của học sinh nhưng lại gây ra hậu quả xấu đối với tương lai. Hiện tượng học đối phó là một trong những hiện tượng như vậy.
Học đối phó là gì? Là tình trạng học sinh học bài không trên tinh thần tự nguyên, học chỉ để thi, chỉ để qua một kì kiểm tra, và cuối cùng chữ thầy lại trả cho thầy. Đây là một hiện tượng xảy ra rất nhiều ở học đường, rất khó kiểm soát. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên hệ quả khó lường, học sinh hổng kiến thức cơ bản nặng, học xong là quên hết, không lưu lại một thứ gì trong đầu.
Hầu hết học sinh đang có suy nghĩ học để vừa lòng cha mẹ, thầy cô, học để được lên lớp, để đạt điểm cao. Chứ các em chưa nghĩ học để làm gì cho mình sau này. Chính suy nghĩ này mới dẫn đến tình trạng các em học đối phó một cách cứng nhắc như vậy.
Biểu hiện của việc học đối phó này rất phổ biến như làm bài tập ở nhà theo kiểu đối phó, chép lời giải ở sách mẫu, chép đủ, chép hết để sáng mai lên lớp thầy cô kiểm tra. Hoặc ngày mai có kiểm tra, thì tối nay bắt đầu thức đêm, cày kiến thức, để mong sao ngày mai không bị điểm kém. Khi thi xong thì coi như kiến thức cũng theo gió trời mà bay. Một khi đã đối phó thì sẽ không trên tinh thần tự nguyện, tự giác học.
Học sinh học đối phó nhưng giáo viên vẫn chưa có biện pháp để ngăn chặn hoặc xử lý để không tái diễn lần sau. Giáo viên vẫn cứ làm lơ, coi như không có chuyện gì, chính vì thế mà lối học này mới ăn sâu vào tiềm thức của các em như vậy.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em học đối phó, sau này ra xã hội, đi làm, lối sống này sẽ chi phối rất nhiều. Làm đối phó cho qua chuyện, cho xong việc dẫn đến tình trạng làm ẩu, không hoàn thành tốt công việc. Đây là một điều rất đáng tiếc
Chỉ vì lối học đối phó mà sẽ dẫn đến hệ lụy xấu cho các em trong tương lai sau này. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
Để giải quyết tình trạng học đối phó thực sự không phải đã rơi vào bế tắc. Điều này cần xuất phát từ chính bản thân các em phải xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn để có thể nghiêm túc hơn trong học tập. Giáo viên cần đi sâu giảng bài, kiểm tra bài, cần kiểm tra về chất chứ không nên chỉ kiểm tra lượng.
Giáo dục Việt Nam cần phải có biện pháp “rắn” để mang đến môi trường học tập lành mạnh cho các em. Phải làm sao cho suy nghĩ học đối phó ấy không tồn tại nữa. Như thế các em sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.