Bác Hồ là một nghệ sĩ dưới thế giới quan của một nhà chính trị gia, cùng với đó là hoàn cảnh đất nước ta đang trong cuộc chiến khốc liệt với các thế lực thù địch, vì vậy mà góc nhìn của Bác Hồ, cũng là những tâm tư của Bác luôn hướng về dân, làm sao để dân được ăn no, học đủ; về dân tộc, làm sao cho dân tộc được độc lập tự do, vượt qua được ách áp bức của bọn thực dân đế quốc. “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
2. Về nội dung, chủ đề
Bác Hồ dành trọn ngọn bút để viết về dân tộc và nhân dân; thiên nhiên cũng là một chủ đề không thể thiếu của Bác – thiên nhiên là khởi nguồn cảm hứng thơ ca, và từ thiên nhiên Bác gửi gắm lại những tâm tư của mình về “nỗi nước nhà”. Cùng với đó những nét họa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng gan dạ, lí tưởng, khát vọng:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
(Cảnh khuya)
Giữa chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến gian khổ, bài “Cảnh khuya” như một bức tranh thủy mặc trong sáng, thanh cap, bộc lộ tâm trạng đau đáu của vị lãnh tụ suốt đời vì nước vì dân.
3. Giọng điệu độc đáo
Độc giả khi đọc các tác phẩm của Bác ắt phải trầm trồ với giọng điệu mà Bác xoay chuyển linh hoạt trong mỗi thể loại. Có khi hào sảng khí thế, hùng hồn đanh thép, tuyên bố dõng dạc với thế giới về sự độc lập tự do của dân tộc ta khi Bác viết trong các tác phẩm văn chính luận:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữu vững quyền tự do ấy” (Tuyên ngôn độc lập 1945) Chính sự đanh thép ấy đã làm cho từng câu chữ của Bác như cây kiếm sắc nhọn, đâm trực diện vào sự hống hách của đế quốc; đông thời, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin lớn lao vào tương laic ho đông bào ta.
Đối với truyện và kí, Bác lại vận dụng giọng trào phúng, đầy châm biếm và mỉa mai, đem lại tiếng cười sâu cay đến chua chát. Trong “Vi hành”, Bác Hồ đã có một câu rằng: “Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình,..” sự cay đắng ngấm trong câu văn “vui nhất” khi nhắc tới vị vua Khải Định.
Còn ở thơ ca, giọng thơ của Bác luôn nhe nhàng, hài hòa, đúng như tâm thế của một con người yêu thiên nhiên và luôn hòa mình với thiên nhiên. Giọng thơ chứa chan chất tình trước thiên nhiên nhưng lại cũng rất trẻ trung, lạc quan:
“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
(Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi)
4. Nghệ thuật độc đáo
Với vốn kiến thức về nghệ thuật uyên thâm, trong từng tác phẩm, Bác luôn thấm đượm những nét đặc sắc, và cái riêng của mình. Đó là cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị, sử dụng linh hoạt các thủ pháp và bút pháp nghệ thuật khác nhau, thể hiện nhuần nhị và sâu sắc nhất “tinh hoa của dân tộc, khí phách của non sông”. Tuy nhiên, trong mỗi thể loại văn học, Bác sẽ có cách thể hiện khác (Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh) :
+ Văn chính luận: lập luận chặt chẽ, lĩ lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, tính luận chiến và đa dạng về bút pháp. Lời văn giàu hình ảnh, giọng điệu ôn tồn thân mật như đưa lẽ phải thấm vào lòng người, đó là sự khéo léo kết hợp cả tình và lí.
+ Truyện và kí: bút pháp hiện đại, sáng tạo, tính chiến đấu mạnh mẽ, nghệ thuật trào phúng sắc bén.
+ Thơ ca: thơ của Bác là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và bút pháp hiện đại.
Màu sắc cổ điển: thể thơ (thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát,…), bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình, nhân vật trữ tình hài hòa, gắn bó với thiên nhiên.
Bút pháp hiện đại: tinh thần chiến sĩ trong thi sĩ, nhân vật trong thơ Bác là người chiến sĩ cách mạng chủ động, hăng say, sẵn sang chiến đấu, vượt qua khó khăn; mạch thơ, hồn thơ luôn hướng đến ánh sáng của Đảng,niềm tin về tương lai độc lập tự do cho đất nước.
Bác Hồ đã từng quan niệm rằng: “Tôi nghĩ rằng một tác phẩm văn chương không phải cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như một tác phẩm hay và biên soạn tốt” (trích Hồ Chí Minh toàn tập). Thế mới vỡ lẽ về phong cách nghệ thuật của chủ tịch Hồ Chí Minh!
Tham khảo:
Hồ Chí Minh coi văn học nghệ thuật là vũ khí chiến đấu lợi hại, phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn – chiến sĩ “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
(Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)
Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện thực phong phú của đời sống cách mạng và phải giữ gìn tình cảm chân thật, chú ý phát huy cốt cách dân tộc. Về nghệ thuật, Người có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, viết giản dị, dễ hiểu, không cầu kì, xa lạ, nhưng phải đề cao tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quy định nội dung và hình thức tác phẩm: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết như thế nào?”. Người đã vận dụng phương châm đó theo nhiều cách khác nhau, vì thế những tác phẩm của Người chẳng những có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực mà còn có hình thức nghệ thuật sinh động, đa dạng. Ở mỗi thể loại, Hồ Chí Minh luôn tạo ra những nét phong cách riêng, độc đáo, và hấp dẫn.
Với thể loại chính luận: Người viết ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầu thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp. Là văn chính luận nhưng thấm đượm tình cảm, cảm xúc và giàu hình ảnh. Giọng điệu đa dạng khi ôn tồn, tha thiết, thấu tình đạt lí, khi đanh thép, mạnh mẽ hùng hồn.
Truyện và kí rất hiện đại. Thể hiện tính chất mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén. Tiếng cười trào phúng tuy nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay. Còn thơ ca rất sâu sắc, tinh tế, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn. Có những bài thơ mang phong cách giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, mang màu sắc dân gian nhằm mục đích truyền bá cách mạng, lại có những bài viết theo cảm hứng thẩm mỹ, phong cách phương Đông cổ điển kết hợp với bút pháp hiện đại.
Nhìn chung, phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh rất phong phú, đa dạng và thống nhất, thể hiên sự hài hòa của người cầm bút.
Chúc bạn học tốt!