Văn mẫu lớp 8

Đạt Đinh

Em hãy thuyết minh về một danh lam ,thắng cảnh ở quê hương em (ninh bình)

giúp mk vs...

hehe

Lưu Hạ Vy
15 tháng 2 2017 lúc 15:28

Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Ngày nay dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi ( 42 năm ) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

Theo sử sách thì cố đô Hoa Lư và đôi câu đối đền Vua Đinh thì ta thấy rằng: Hoa Lư xưa là 1 cung điện nguy nga, tráng lệ không kém gì Thành Trường An “ Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo – Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An ”…. Nếu nhìn về mặt địa lý ta sẽ hiểu vì sao khi lên Ngôi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô bởi: Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.

Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.

Kinh thành Hoa Lư xua gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. 3 vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, 2 vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư…. Đến năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố Đô được coi là một căn cứ địa quân sự hết sức quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới các triều đại: Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn…..

Ngày nay hình ảnh của Cô Đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố Đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “ Cố Đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh – Vua Lê ”.

Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình

Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Với khoảng cách 100km tính từ Hà Nội và sự thuận tiện của hệ thống giao thông thì bạn chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi Ôtô… Đến đây và được nghe những câu chuyện về các vị vua được kể một cách giản dị, thành kính và đầy tự hào của các thuyết minh viên tại đểm chắc chắn sẽ khiến chi bạn có cảm giác tự hào về lịch sử nước nhà. Bên cạnh đó bạn có thể kết hợp việc thăm Hoa Lưu với một số thắng cảnh nổi tiếng khác ở Ninh Bình như: KDL Bái Đính – Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Nhà Thờ Đá Phát Diệm hoặc Thung Nham, Vân Long…

Bình luận (1)
Thảo Phương
16 tháng 2 2017 lúc 12:46
Đền Hùng nằm ở phía tây bắc Hà Nội, cách Thủ đô chưa đầy 90km. Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng hay còn được gọi là núi Cả, núi Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hi Cương, Hi Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiêu Sơn,...). Núi có độ cao 175m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Theo truyền thuyết, ba đỉnh núi này là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Phong cảnh nơi đây mới hùng vĩ làm sao! Ở đó núi non trùng điệp, rừng cây bạt ngàn xanh tốt. Vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thây dòng sống Lô hiền hoà, trong vắt, những xóm làng ẩn hiện trong vườn cây trái như một bức tranh đầy màu sắc. Từ núi Nghĩa Lĩnh có thế’ quan sát được cả một vùng rất rộng của trung tâm Bắc Bộ với ngã ba Hạ, nơi sông Lô đổ nước vào sống Hồng, với các dãy núi Tam Đảo, Ba Vì và các dãy đồi lượn sóng xen kẽ giữa những cánh đồng tốt tươi, những vùng quê trù phú của vùng trung du.

Toàn bộ khu di tích gồm 4 đền, 1 chùa và một lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất đẹp mắt. Cao nhất là Đền Thượng, thấp nhất là Đền Giếng. Các Đền được xây dựng theo một kiến trúc cổ kính. Sau khi qua cổng chính của khu di tích, qua 225 bậc đá, là lên đến đền Hạ. Ở khu vực Đền Hạ có chùa Thiên Quang và cây Thiên Tuế 700 tuổi; gần đó có đền Ngọc và giếng Ngọc. Từ Đền Hạ theo 168 bậc đá nữa là Đền Trung và lên tiếp 102 bận nữa thì lên Đền Thượng và có lăng vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ.

Cổng đền được xây theo kiểu vòm cuốn. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, bốn góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ; giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh-hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hố là hiện thân vật canh giữ thần.

Qua cổng chính là Đền Hạ. Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Ngay chân Đền Hạ là nhà bia, trên đỉnh có đắp hình, nậm rượu. Nơi đây đặt bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Gần Đền Hạ có ngôi chùa Thiên Quang thiền tự. Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Bác Hồ ngồi nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ. Chùa có một gác chuông được xây dựng vào thế kỉ XVII. Tiếp đến là Đền Trung. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.

Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để cử hành những buổi lễ thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Tiếp đến là Lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng hình vuông, tầng dưới bốn góc đắp bốn con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc”. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, hai bén cửa đều đắp kì lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bàng đá. Trong lãng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài, có mái mui luyện.

Từ Đền Thượng, đi tham quan một đoạn nữa là đến Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh), tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lí qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên dược nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời, cổng Đền Giếng có kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn.

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn). Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.

Ngay dưới chân núi là Bảo tàng Hùng Vương. Trong Bảo tàng có nhiều hiện vật, tranh ảnh, tượng lớn khắc hoạ chủ đề: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

Vào những ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cờ, hoa, biểu ngữ được trang hoàng khắp mọi nơi. Cờ bay đỏ những cành cây, đỏ những mặt hồ. Trong những ngày lễ, Đền Hùng càng đông khách thập phương đến tham quan và thắp hương, tưởng nhớ ghi dấu công ơn của các vua Hùng.

Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử — văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!

Trẩy hội Đền Hùng là truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong rất nhiều những ngày hội được tổ chức trên khắp đất nước, hội đền Hùng vẫn được coi là hội linh thiêng nhất bởi đó là nơi mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và truyền thống oai hùng, hiển hách của cha ông.
Bình luận (0)
Trần Thị Ngọc Trâm
18 tháng 2 2017 lúc 14:51

Ở Ninh Bình nhé :

Tam Cốc - Bích Động, còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như "vịnh Hạ Long trên cạn" hay "Nam thiên đệ nhị động" là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc được Thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Tam Cốc – Bích Động thuộc cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100km về phía Nam.Cảnh sắc ở đây không chi đượm mùi Thiền mà còn gợi nhớ, còn ghi những dấu tích lịch sử hơn nghìn năm về trước: nơi trú quân của Đinh Bộ Lĩnh trong những năm tháng đánh dẹp “nhị thập sứ quân”, nơi Thái hậu Dương Vân Nga du xuân cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.

Thiên nhiên Tam Cốc – Bích Động là điểm du lịch nổi tiếng cho những du khách muốn tẩy sạch “bụi trần”. Cái thú là đến với Tam Cốc bằng thuyền con. Tam Cốc gồm có ba hang: hang cả, hang Hai và hang Ba. Hang nào cũng lung linh huyền ảo sắc màu với hàng nghìn nhũ đá với bao huyền tích. Cảnh rồng cuộn hổ quỳ, cảnh tiên nga tắm mát, cảnh tiều phu gánh củi, cảnh ngư õng râu tóc bạc phơ ngồi trên thạch bàn câu cá, cảnh đàn công vũ hội, v.v… thấp thoáng, ẩn hiện trên vòm hang vách động, như dẫn hồn du khách vào thế giới Bồng Lai. Sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vào vách hang lúc nghe rì rào róc rách, lao xao rì rào hòa cùng tiếng gió thì thầm thì thào như tiếng thần Núi từ cõi linh thiêng từ ngàn xưa vọng về.

Hang Cả là hang đẹp nhất của Tam Cốc. Con thuyền nan nhè nhẹ luồn vào hang Cả dài 127 mét. nằm trong lòng một trái núi lớn; hai bên hai dãy núi tựa dãy trường thành che chắn dòng sông uốn khúc, nước xanh trong. Cửa hang rộng hơn 20 mét. vách hang uốn vòng cung vòm hang, về mùa hè, không khí trong hang mát lạnh, ai cũng cảm thấy khoan khoái, thư thái cả tâm hồn.

Qua hang cả, ta nhìn thấy một màu xanh bao la của đồng lúa. Xa xa bên sườn non, từng đàn dê hiền lành nhởn nhơ ăn lá cây. Vách núi cheo leo, lủng lẳng những nhành phong lan, hoặc đỏ hồng, hoặc tím biếc, hoặc trắng phau như đàn bướm sặc sỡ đang dập dờn bay.

Đi tiếp ta sẽ đến hang Hai, hang Ba, như lần bước vào cõi thâm u tĩnh lặng của thần Sông, thần Núi. Du khách bâng khuâng tự hỏi: “Có phải nơi đây Thái hậu Dương Vân Nga mừng đón Lê Đại Hành đại phá giặc Tống từ ải Bắc trở về..?” Suối Tiên chính là đây, cách hang Cà non 4km. Dòng suối trong vắt có thể nhìn thấu đến tận đáy. Từng đàn cá nhỏ và dài nối đuôi nhau bơi lượn, ẩn hiện giữa bao lớp rong rêu. Tắm nước suối Tiên, da thiếu nữ sẽ ánh lên màu ngà ngọc. Hoa súng tím hồng lơ thơ nhô lên làm cành Suối Tiên thêm hữu tình, thơ mộng.

Từ suối Tiên ta đến thăm Bích Động. Nam thiên đệ nhị động là đây. Bích Động nghĩa đen là Động Xanh. Xanh trời, xanh ruộng, xanh suối, xanh núi, xanh hang, xanh động mênh mông

Bích Động có ba ngôi chùa được xây cất, tôn tạo trên sườn non vách núi: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Qua Thạch Kiều uốn cong, du khách nhìn thấy một cây si xanh biếc bốn mùa mọc trên một mỏm đồi, được gọi là Bánh Dày. Theo truvền thuyết, ai đói khổ đến ôm gốc cây si này sẽ được ấm no.

Từ chùa Hạ leo qua khoảng 60 bậc đá thì đến chùa Trung, ngôi chùa bán mái. Chính diện nằm thụt vào vách núi, hang sâu. Tường chùa được xây toàn bằng lá. Một chiếc khánh đá rất to có từ xa xưa.

Vượt qua hơn 30 bậc đá nữa, ta sẽ tới chùa Thượng. Tể tướng Nguyễn Nghiêm thân phụ của thi hào Nguyễn Du, từng lưu lại văn thơ: “Núi đá, vườn cây tới đình chùa”.

Các chùa ở Bích Động có nhiều mộ tháp bằng đá nhấp nhô trong vuờn chùa. Có rất nhiều tượng Phật rất cổ kính quý giá. Vườn chùa xanh um, cây ăn trái, hàng trăm loài hoa đẹp đua sắc khoe hương quanh năm. Bích Động có 5 ngọn núi bao quanh, chầu về gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Chỉ một tiếng chuông chùa ngân lên tức thì có năm tiếng chuông từ vách núi Ngũ Nhạc Sơn vọng lại.

Du khách nào may mắn đến vãn cảnh Bích Động hái được vài đóa Sơn Kim Cúc bé xíu như chiếc cúc vàng; đem về nhà ướp vào trà, pha nước suối Tiên, chỉ một chén nhỏ mắt sẽ sáng lên.

Và cảm xúc sẽ trở nên tròn đầy nếu du khách tinh ý lựa chọn ghé thăm nơi đây giữa mùa lúa chín- khi những hạt vàng cong mình trĩu xuống dòng sông. Đứng trên độ cao hơn trăm mét, phóng mắt ngắm nhìn dòng sông Ngô Đồng và những bóng thuyền đang chở “vàng” đi xuôi ngược, chắc chắn nét hương lúa, hồn người hòa quyện vào thiên nhiên ấy sẽ để lại ấn tượng không bao giờ quên trong lòng du khách.

Bình luận (1)
Nguyễn Trần Thành Đạt
15 tháng 2 2017 lúc 15:12

Một nghìn năm đã trôi qua, những cung điện dát vàng dát bạc thời Tiền Lê không còn nữa; chỉ còn lại một tòa thành rộng 300 ha, nằm trọn vẹn trong xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thành Hoa Lư được chia làm hai khu vực: thành Nội và thành Ngoại. Khu thành Ngoại rộng 300 ha, bao gồm các thôn Yên Thượng, Yên Thành hiện nay. Khu thành Nội rộng tương đương với khu thành Ngoại là địa phận thôn Chi Phong, xã Trường Yên, tương truyền là nơi ở và làm kho.

Xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng đã khéo lợi dụng địa thế tự nhiên hiểm trở ở đây để xây thành đắp luỹ. Thành Hoa Lư nằm trên một khoảng đất khá bằng phẳng trong dãy núi đá vôi của huyện Hoa Lư. Dải núi đá vôi bao bọc xung quanh tạo thành bức tường thành thiên nhiên vô cùng kiên cố. Chỉ có mặt đông và đông bắc là không có núi che kín. Giữa các khoảng trống của hai quả núi, Đinh Tiên Hoàng đã cho đắp những dãy thành đất tạo thành một bình diện gần tròn. Hiện nay ở xã Trường Yên còn lại dấu vết và địa danh của mười tường thành như: tường Đông, tường Vàu, thành Dền, thành Bồ, thành Bin...

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Anh Nhật
Xem chi tiết
Em
Xem chi tiết
Opicaso Miner
Xem chi tiết
Tâm Lê Minh
Xem chi tiết
Trang Mi
Xem chi tiết
Phạm Khánh Huyền
Xem chi tiết
Huỳnh Hoàng Phúc
Xem chi tiết
phan đạt
Xem chi tiết
trân minh đức
Xem chi tiết