Thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay
Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam. Nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các KCN, làng nghề. Tại các lưu vực sông, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng, như ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, hệ thống sông Đồng Nai. Trong đó phổ biến là ô nhiễm hữu cơ tại các lưu vực sông như sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...; ô nhiễm chất dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước dưới đất tại vùng Đồng bằng Bắc bộ như: khu vực Hà Đông, Hoài Đức (Hà Nội), Ý Yên, Trực Ninh (Nam Định), thành phố Thái Bình,...
Đối với môi trường không khí, tại các điểm, nút giao thông, các công trình khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 tăng 1,07 lần. Còn tại Hà Nội, nếu không có giải pháp nào thì nồng độ phát thải bụi mỗi năm có thể đạt 200mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Cùng với ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm đất đai đang trở nên đáng báo động. Nhất là trong những năm gần đây, do nền kinh tế nước ta phát triển đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều đô thị và thành phố được hình thành thì tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Nước thải từ các nhà máy và khu dân cư đô thị làm ô nhiễm nguồn nước, nước bị ô nhiễm thì đất cũng bị ô nhiễm nặng nề - môi trường đất ngày càng ô nhiễm. Tại các vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các vùng tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng như Thái Nguyên, Đồng Nai, ô nhiễm đất do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt thể hiện rõ nhất, hàm lượng kim loại nặng trong đất có xu hướng gia tăng. Và theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu thì mức độ ô nhiễm môi trường đất vào năm 2020 sẽ tăng lên từ 2-3 lần so với hiện tại và các chỉ số ô nhiễm sẽ tịnh tiến với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hoá. Nếu không có những giải pháp chính sách và quản lý thì chất lượng môi trường đất của Việt Nam sẽ bị suy giảm đến mức báo động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của cộng đồng.
Tại các khu vực khai thác khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh như thải đất đá và nước thải mỏ, phát tán bụi thải, quặng xỉ ngấm xuống nguồn nước hoặc phát tán ra môi trường; làm thay đổi hệ sinh thái rừng, suy thoái và ô nhiễm đất nông nghiệp. Ngoài ra, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, giảm hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt tại khu vực tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản. Và hậu quả của ô nhiễm môi trường từ những hoạt động khai thác khoáng sản đã quá rõ ràng.
Về đa dạng sinh học, thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới với những kiểu hệ sinh thái tự nhiên, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, đa dạng sinh học nước ta đang bị suy giảm nhanh, tốc độ tuyệt chủng các loài cao. Trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Trong thời gian từ 2011-2015, đã phát hiện và xử lý 3.823 vụ vi phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã với 58.869 các thể động vật hoang dã và 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được phát hiện. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tạo ra những thành quả cho đất nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng cũng đã tạo ra không ít áp lực đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, không gian sinh tồn của các loài bị thu hẹp, chất lượng môi trường sống bị thay đổi do tác động của các hoạt động khai thác, đánh bắt, do phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy điện, khu đô thị...
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường tại các khu vực như đô thị, nông thôn và các làng nghề cũng đang ở mức báo động. Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh tạo ra sức ép về nhà ở, nước sinh hoạt, năng lượng, dịch vụ y tế và song song với nó là lượng chất thải (nước, rác thải) tăng, giảm diện tích cây xanh, diện tích nước mặt, tăng mật độ giao thông và lượng khí thải, bụi chì do đó cũng tăng theo. Kết quả quan trắc môi trường không khí đô thị do cơ quan bảo vệ môi trường thực hiện cho thấy, hầu hết các đô thị Việt Nam đều bị ô nhiễm không khí trầm trọng, nhất là ô nhiễm bụi, ô nhiễm khí SO2, CO, NO2… và tiếng ồn.
Vấn đề thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải y tế và rác thải rắn công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các đô thị cũng ngày càng khó khăn. Ước tính, mỗi năm toàn quốc thải ra khoảng 13 triệu tấn rác, trong đó khu vực đô thị là 7 triệu tấn/năm, chiếm 55,8%, tuy nhiên, chỉ có khoảng 60-70% chất thải rắn được thu gom và xử lý. Việc thu gom và xử lý chất thải đô thị được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, mới chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố có bãi chôn lấp được thiết kế xây dựng hợp vệ sinh, nhưng hầu hết đều chưa đồng bộ, nên vẫn gây ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí khu vực lân cận. Về hệ thống cống thoát nước thải tại các khu đô thị cũng không đúng tiêu chuẩn, không có bất kỳ một hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải không được xử lý trước khi đổ vào hệ thống thoát nước chung và đổ vào các dòng sông, nên gây ô nhiễm môi trường rất trầm trọng.
Nếu khu vực đô thị đang đối mặt với thách thức về ô nhiễm không khí, ứ đọng rác thải công nghiệp thì ở nông thôn lại đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, nhà vệ sinh hoặc ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ các làng nghề; ô nhiễm môi trường đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học. Theo thống kê, mỗi năm ở khu vực nông thôn phát sinh hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu – loại rác thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp ra môi trường… làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Việc lạm dụng phân bón hoá học, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu không tuân thủ quy trình kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly làm phát sinh và gia tăng các khí CH4, H2S, NH3 gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu vực chuyên canh nông nghiệp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình kỹ thuật như Đông Anh (Hà Nội), Hiệp Hoà (Bắc Giang), Yên Định (Thanh Hoá), Tây Nguyên (Đức Trọng, thành phố Đà Lạt). Theo đó, nhiều bệnh dịch đã lây lan nhanh chóng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân dân.
Bên cạnh đó, tình trạng thoái hoá đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ví dụ như rửa trôi, xói mòn, hoang hoá, phèn hoá, mặn hoá, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất. Ngoài ra, môi trường ở các làng nghề nông thôn nước ta hiện nay cũng đang đối mặt với nạn ô nhiễm nghiêm trọng. Với hơn 5.000 làng nghề, hoạt động sản xuất nghề nông thôn, bên cạnh những tác động tích cực là tạo việc làm cho hơn chục triệu lao động thì mức độ ô nhiễm và tỷ lệ người mắc bệnh ở đây cũng có xu hướng ngày càng tăng, tuổi thọ của người dân cũng giảm và thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Nhiều làng nghề chưa xử lý được vấn đề rác và nước thải, gây mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường sinh thái nông thôn. Thậm chí, nhiều địa phương xảy ra hiện tượng tận dụng các ao hồ, vùng trũng để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.
Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cho kết quả khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất.
Bên cạnh những vấn đề môi trường nêu trên là sự xuất hiện ngày càng nhiều xung đột về môi trường. Trong thời gian qua, các vụ xung đột môi trường ở nước ta ngày càng nhiều, tập trung vào một số lĩnh vực, địa bàn, đối tượng chủ yếu như: xung đột trong tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: đất đai, nguồn nước, rừng... đồng thời chất thải của quá trình sản xuất, tiêu dùng ngày càng có xu hướng gia tăng và có những tác động tiêu cực đến đời sống người dân và an ninh trật tự xã hội.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, đồng thời với dòng người từ nông thôn đổ về các đô thị, trong khi đó việc quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp đã làm nảy sinh xung đột, mâu thuẫn trong cộng đồng, khu dân cư ngày càng nhiều, có khi gay gắt. Vấn đề giải quyết nạn thiếu nước sạch vào mùa hè, nạn úng lụt vào mùa mưa, nước thải, chất thải rắn, độc hại ở đô thị không được xử lý làm ô nhiễm môi trường; việc lấn chiếm vỉa hè, hồ ao, kênh rạch, nơi công cộng, không gian chung để xây dựng, cơi nới nhà cửa, làm nơi buôn bán, dịch vụ… trở thành những vấn đề bức xúc ở các thành phố lớn, các khu đô thị.
Những xung đột môi trường diễn ra trong quá trình phát triển các KCN, làng nghề. Ở nhiều nơi, các nhà máy được xây dựng, hoạt động từ trước khi đô thị phát triển. Đến nay, khu dân cư, nhà ở của dân được xây dựng xung quanh nhà máy, nhiều nhà máy đã cũ nát, công nghệ lạc hậu, từ đó nảy sinh xung đột do chất thải, nước thải, ô nhiễm môi trường không khí, nước, tiếng ồn. KCN, KCX tuy được xây dựng cách xa khu dân cư nhưng vì tại một số KCN, KCX chưa coi trọng đúng mức công tác BVMT cho nên vẫn ảnh hưởng xấu, gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực xung quanh. Gần đây, một số vụ việc ô nhiễm môi trường liên quan đến các dự án công nghiệp ở một số tỉnh đã đe dọa xung đột môi trường.