Tháng 2 năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Người sống và làm việc trong những điều kiện hết sức gian khổ.
Mùa xuân, trời vẫn còn rét, Bác đã ngoài năm mươi tuổi mà phải sống trong một cái hang rất nhỏ, muốn ra vào phải trèo lên chui xuống, tăm tối và ẩm ướt được gọi là hang Cốc Bó, thuộc thôn Pác Bó, huyện Hà Quang, tỉnh Cao Bằng. Đời sống vật chất rất kham khổ, thỉnh thoảng mới được ăn cơm, còn toàn cháo ngô, rau măng ... Hàng ngày, Bác từ hang xuống bờ suối làm việc ở một chiếc bàn đá thiên tạo gồm những viên đá chồng lên nhau trông giống một cái bàn. Không chỉ lãnh đạo cách mạng chung, Bác còn phải trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ. Một trong những tài liệu ấy là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô mà Bác dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Thời kỳ này, cách mạng Việt Nam đang ở giai
đoạn chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ lớn để giành độc lập tự do cho đất nước.
Với một tinh thần lạc quan, một nụ cười hóm hỉnh, tươi vui, Bác Hồ đã làm thơ về những ngày gian khổ đó với những cảm xúc giản dị, ngôn ngữ, hình ảnh mộc mạc, gần gũi:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Với hai câu thơ đầu, một không gian, thời gian được mở ra. Câu thơ tả sự đi lại, sinh hoạt hàng ngày của Bác ở Pác Bó, một cuộc sống không chỉ cần giữ bí mật mà còn rất vất vả, ở thì ở hang, làm việc thì bêa suối. Lời thời cân đối, đều đặn: sáng tối, ra, vào, ra suối, vào hang: Sự đều đặn dó thể hiện một nếp sông, một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Cháo bẹ là cháo ngô, rau măng là loại măng rừng dùng làm thức ăn. Thật đạm bạc, sơ sài. vẫn sẵn sàng: có thể hiểu là cháo bẹ rau măng lúc nào cùng đủ đầy, cần là có ngay, hoặc: dù cháo bẹ rau măng (ý nói gian khổ) nhưng tình thần cách mạng vẫn luôn sẵn sàng. Câu thơ toát lên niềm lạc quan với nụ cười hồn nhiên vượt lên trên gian khổ, khó khăn.
Có một phong vị cổ điển truyền thống ẩn sau nụ cười hồn nhiên đó. Nghệ thuật trào lộng để cười cợt khinh khi những thiếu thốn về vật chất đã từng có trong thơ cổ khi Nguyễn Khuyên viết:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Hay khi Nguyễn Bỉnh Khiêm tự hào về cuộc sống vật chất đơn sơ, giản dị:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Nụ cười vượt lên trên gian khổ ấy là nét truyền thống lạc đạo vong bần của không ít nhân sĩ bao đời, những con người có tâm hồn thẳng ngay, trong sạch, tự nguyện rời bỏ thế sự, quay lưng lại chốn công danh đầy rẫy xấu xa trở về với thiên nhiên, cây cỏ, ruộng đồng, để giữ trọn tấm lòng thanh cao của mình. Từ chối cái sang giàu mà nhơ bẩn để lấy cái nghèo túng mà trong sạch, hay nói cách khác, đổi cái giàu về vật chất để lấy cái cao sang về đạo lí, tinh thần. Chính cái cao sang về tinh thần đã khiến người xưa ngạo nghễ, khinh thường cái nghèo về vật chất.
Không rời xa truyền thống đó, Bác Hồ của ta vui với cái nghèo của cuộc đời cách mạng, bởi cuộc sống vật chất hiện tại của Bác, có đơn sơ, khó khăn đến mấy nhưng cuộc sống tinh thần lại là cuộc sống lí tưởng, cuộc sống vì tương lai dân tộc, một lí tưởng cao đẹp khiến con người có thể bất chấp vui đùa với gian khổ, khó khăn.
Nhưng, dường như hai câu đầu của bài thơ không chỉ ẩn nụ cười với gian khổ mà còn bộc lộ một niềm vui sâu kín, hòa mình với cảnh thiên nhiên phóng khoáng trong một phong thái ung dung, nhàn nhã, tự chủ. Hai câu thơ vừa mang hàm nghĩa thực nhưng tự nhiên còn chứa đựng một ý nghĩa vượt lên trên cái cụ thể: có vẻ đây như là cảnh sống của một kẻ du nhàn chốn rừng núi, đang vui thú với lâm tuyền. Mà đâu phải Bác Hồ chỉ viết một lần về điều đó:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hú chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay ...
Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê hoa văn núi chiếu nghiêng soi ...
Sự hòa hợp gần gũi với thiên nhiên, với một đời sống giản dị, thanh sạch lại là một nét đặc thù làm tâm hồn phong phú của Bác. Bởi Bác Hồ đã từng khẳng định: ‘kBác chỉ có một ham muốn là nước nhà độc lập, đồng bào ấm no, còn thích thú riêng của Bác thì chỉ muốn một gian nhà cỏ, cuốc vườn, câu cá”.
Người và cảnh hòa hợp tạo nên một nhịp điệu sinh hoạt đều đặn. Từ sự đều đặn ấy toát lên một phong thái tự chủ khiến ta cứ nghĩ Bác sống nơi đây như một khách du nhàn, như một nhà hiền triết, một vị đạo sĩ, một tiên ông ẩn dật nào đó, sáng ra bờ suối hái thuốc, đánh cờ, giảng đạo, chiều lại về hang động tu luyện vậy.
Rồi hình ảnh chiếc bàn đá chông chênh nữa. Nó như là một chi tiết cụ thể làm phong phú thêm khung cảnh chốn thiên nhiên, rừng suối, nơi con người sống, làm việc hòa vào thiên nhiên, nơi con người như nhập hẳn vào thiên nhiên rũ hết bụi trần, chẵng khác gì cái thạch bàn rêu phong của Nguyền Trãi:
Côn Sơn suối chảy rì rầm - Ta nghe như tiếng đàn cầm bẽn tai
Côn Sơn có đá rêu phơi Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Nhưng Bác Hồ giống mà lại khác Nguyễn Trãi và các bậc dĩ nhân. Giống ' như ở' phong thái ung dung, ở tư cách tiên phong đạo cốt, ở niềm vui thú sống hòa với thiên nhiên, ở sự vượt lên coi thường gian khổ. Khác ở chỗ người xưa lui về chốn lâm tuyền là để lánh xa cõi đời nhơ bẩn, là sự quay lưng với hiện thực, dù sao cũng mang ít nhiều khí vị thoát ly, còn Bác là người cách mạng (người đang tập hợp lực lượng để chống đế quốc phong kiến, giành độc lập tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân), việc ở chốn núi rừng hoàn toàn do điều kiện hoạt động bí mật tạo nên, dù có ở núi rừng nhưng vẫn là đang dấn thân vào hiện thực xã hội, bởi làm cách mạng là tiến hành công cuộc cải tạo xã hội tích cực nhất.
Chính vì vậy, từ khung cảnh rừng suối, từ cảnh rau cháo đơn sơ như của kẻ đang ẩn dật, vui những thú vui xa đời, thoát tục, ý thơ vụt đưa con người sang đời sống hoạt động cách mạng. Bác Hồ đâu phải là ẩn sĩ mà là một chiến sĩ. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng - Câu thơ khắc họa một dáng tạo hình: Bàn đá chông chênh. Ai đã từng đến thăm Pác Bó, sẽ thấy chiếc bàn đá gồm nhiều viên đá ghép lại này bên bờ suối Lê-nin, là nơi Bác thường làm việc. Lúc này, Bác đang dịch cuốn sử Đảng Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam. Hai ý trái ngược được đặt bên nhau: Hình ảnh bàn đá chông chênh tạo một thế không ổn định, không vững vàng, còn nhóm từ dịch sử Đảng lại gồm những thanh trắc, mạnh, trầm như rắn đúc lại, chắc như một lời tuyên bố đanh thép. Nghệ thuật đối chọi hình ảnh, âm điệu này rất có công hiệu trong việc thể hiện bản lĩnh tự chủ, tin tưởng vào mình của con người.