Viết: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Ở lớp 6, em đã được tìm hiểu và thực hành cách viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ. Trong phần Viết của bài học này, em sẽ tiếp tục được học cách viết một đoạn văn như thế.

YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐOẠN VĂN GHI LẠI CẢM XÚC VỀ MỘT BÀI THƠ BỐN CHỮ HOẶC NĂM CHỮ

  • Giới thiệu được bài thơ và tác giả. Nêu được ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
  • Diễn tả được cảm xúc về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt chú ý tác dụng của thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ trong việc tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.
  • Khái quát được cảm xúc về bài thơ.

PHÂN TÍCH BÀI VIẾT THAM KHẢO

Đồng dao mùa xuân - một bài thơ xúc động về người lính

THỰC HÀNH VIẾT THEO CÁC BƯỚC

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn bài thơ

Có thể chọn bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ viết về những đề tài như tình cảm gia đình, tình yêu con người, thiên nhiên, đất nước,... Điều quan trọng là bài thơ ấy để lại trong em nhiều ấn tượng, cảm xúc.

b. Tìm ý

Em hãy thực hiện những tao tác sau đây để tìm ý:

- Đọc bài thơ nhiều lần để có được cảm nhận chung về bài thơ.

- Nêu cảm xúc về nét đặc sắc của bài thơ trên các phương diện: chủ đề, cảm xúc của nhà thơ, thể thơ, vần, nhịp, yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,...

- Ghi lại cảm xúc chung của em về bài thơ.

c. Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm được thành dàn ý, gồm các phần như sau:

Dàn ý

- Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.

- Thân đoạn: Nêu cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Kết đoạn: Khái quát cảm xúc về bài thơ.

2. VIẾT BÀI

Dựa vào dàn ý đã lập, em hãy viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết, hãy lưu ý:

- Đoạn văn cần có đầy đủ ba phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn.

- Các câu trong đoạn tập trung thể hiện nội dung chính của đoạn, sử dụng các từ ngữ liên kết.

- Lựa chọn từ ngữ phù hợp để thể hiện cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,...).

- Trình bày đúng hình thức đoạn văn: viết lùi đầu dòng chữ đầu tiên của đoạn văn, chữ cái đầu phải được viết hoa, kết thúc đoạn văn bằng dấu chấm câu.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Hãy rà soát bài viết của em theo những yêu cầu ở cột trái và gợi ý chỉnh sửa ở cột phải.

Yêu cầuGợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được tác giả và bài thơ; nêu được ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.Nếu còn thiếu, hãy bổ sung.
Diễn tả được những cảm xúc chung về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.Đối chiếu với mục tìm ý xem đoạn văn đã nêu được cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ chưa. Nếu còn thiếu hoặc diễn đạt chưa rõ, chưa phù hợp, hãy bổ sung, điều chỉnh.
Khái quát được cảm xúc về bài thơ.Đọc lại phần cuối của đoạn văn, kiểm tra xem đã khái quát được cảm xúc về bài thơ chưa. Hãy bổ sung nếu còn thiếu.
Đảm bảo yêu cầu về chính tả và diễn đạt.Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,... và chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi.

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mưa của Nguyễn Diệu:

Nguyễn Diệu là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ đã gây ấn tượng sâu sắc cho em là bài thơ Mưa. Bài thơ gây ấn tượng cho em bởi nội dung hấp dẫn, thú vị và nghệ thuật đặc sắc. Về nội dung, bài thơ viết về đề tài thiên nhiên. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh những hạt mưa rơi tí tách và qua đó thể hiện tâm trạng vui tươi, hồn nhiên đón nhân hạt mưa của nhân vật "em". Hình ảnh hạt mưa rơi được tác giả miêu tả giống như một đội quân "Hạt trước hạt sau/ Không xô đẩy nhau/ Xếp hàng lần lượt" để đến với mặt đất, làm tươi mát cho cuộc đời. Hạt mưa được nhân hóa rất tinh nghịch, hồn nhiên làm đẹp cho cảnh vật "Mưa vẽ trên sân/ Mưa dàn trên lá/ Mưa rơi trắng xóa/ Bong bóng phập phồng". Nhà thơ miêu tả mưa như một bạn nhỏ đang vui vẻ, sung sướng đùa nghịch vẽ trên sân, đùa nhau trên lá và cùng tan vào cảnh vật. Em đặc biệt ấn tượng với hình ảnh "Mưa nâng cánh hoa/ Mưa gọi chồi biếc/ Mưa rửa sạch nhà". Hình ảnh thơ cho em thấy sự xuất hiện của mưa đã khơi gợi sức sống cho vạn vật. Mưa đến gọi chồi biếc thức dậy, làm cảnh vật quang đãng, mát mẻ hơn. Khổ thơ cuối cùng, tác giả đã thể hiện tình cảm đối với những hạt mưa. Mưa chính là người bạn thân thiết đem đến niềm vui, hạnh phúc cho cuộc đời. Bài thơ sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ. Trong đó, nổi bật nhất là biện pháp tu từ điệp ngữ: "mưa; mưa rơi; mưa là..." để thể hiện tâm trạng cảm xúc, tình cảm đối với hạt mưa. Để viết nên bài thơ này, tác giả sử dụng thể thơ bốn chữ dễ đọc dễ nhớ, ngôn từ chọn lọc giản dị, thể hiện sự hồn nhiên cùng hình ảnh thơ gần gũi để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Qua bài thơ, có thể thấy, tác giả có sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế và là người vô cùng yêu thiên nhiên, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Tóm lại, Mưa là một bài thơ hay, đặc sắc khiến em không thể nào quên.

Hạt mưa