Thực hành tiếng Việt

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

NGHĨA CỦA TỪ NGỮ

1. Em có nhận xét gì về cách dùng từ gặp trong nhan đề bài thơ Gặp lá cơm nếp?

Việc dùng từ gặp trong nhan đề Gặp lá cơm nếp là khá hợp lí. Từ gặp ở đây cho thấy việc chủ thể trữ tình trông thấy lá cơm nếp là một chuyện tình cờ. Nếu sử dụng từ bắt gặp hay phát hiện, số tiếng của nhan đề sẽ bị thay đổi, không còn tạo được nhạc tính và chất thơ như gặp lá cơm nếp. Tác giả dùng từ gặp để thể hiện tình cảm, thái độ vui mừng, trìu mến của người lính. Gặp lá cây cơm nếp như gặp lại người bạn cũ.

2. Nêu cách hiểu của em về cụm từ thơm suốt đường con trong khổ thơ sau:

Mẹ ở đâu, chiều nay

Nhặt lá về đun bếp

Phải mẹ thổi cơm nếp

Mà thơm suốt đường con.

=> Ý nghĩa của cụm từ thơm suốt đường con ở đây:

  • Mùi hương của cơm nếp phảng phất theo dọc con đường mà người con hành quân.
  • Mùi hương của cơm nếp phảng phất dọc con đường. Từ “thơm” không còn đơn thuần chỉ mùi hương dễ chịu - đối tượng cảm nhận của khứu giác nữa – mà đã trở thành một biểu tượng cho hương vị quê nhà, tình cảm gia đình trìu mến, thần thương theo mỗi bước chân của người lính, hiện hữu trong nỗi nhớ, tâm tưởng của người con, cứ bám lấy người con trên những chặng hành quân.

3. Ta thường gặp những cụm từ như mùi vị thức ăn, mùi vị trái chín, mùi vị của nước giải khát,... Nghĩa của từ mùi vị trong những trường hợp đó có giống với nghĩa của từ mùi vị trong cụm từ mùi vị quê hương hay không? Vì sao?

Nghĩa cả mùi vị trong những trường hợp đó vừa giống, vừa không giống với nghĩa của mùi vị trong cụm từ mùi vị quê hương. Vì:

- Giống ở chỗ, mùi vị quê hương cũng bao gồm mùi vị thức ăn, trái chín, nước giải khát,...

- Khác ở chỗ các cụm từ mùi vị thức ăn, mùi trái chín, mùi vị của nước giải khát … là từ chỉ hơi toả ra từ vật, có thể nhận biết được bằng mũi. Vị cũng là một danh từ chỉ thuộc tính của sự vật, có thể nhận biết bằng lưỡi. Mùi vị trong những cụm từ mùi vị thức ăn, mùi vị trái chín, mùi vị của nước giải khát,... đều có nghĩa trên. Còn cụm từ mùi vị quê hương, từ mùi vị vừa mang nghĩa chỉ hương vị cụ thể, riêng có của quê nhà, vừa mang nghĩa trừu tượng, chỉ một sắc thái đặc trưng của quê hương, của một vùng miền. 

4. Nêu nhận xét về cách kết hợp giữa các từ trong hai dòng thơ Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương. Theo em, hiệu quả của cách kết hợp đó là gì?

Cách kết hợp giữa các từ ngữ trong hai dòng thơ trên tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các câu. Từ “đất nước” kết hợp với từ “mẹ già” trong mối tương quan ngang hàng, tạo nên dòng cảm xúc sâu xa, lắng đọng mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc. Cả mẹ già và đất nước đều quan trọng và đều gợi nên những nỗi nhớ, niềm thương trong lòng người quân nhân.

BIỆN PHÁP TU TỪ

5. Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những câu sau và nêu tác dụng:

a. Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống... 

- Điệp ngữ: lặp lại từ “không, gấp rãi”

=> Tác dụng:

+ Từ không: nhấn mạnh cảm xúc buồn, nuối tiếc vì mất mát một cái gì đó - một thứ rất mơ hồ, khó gọi thành tên.

+ Từ gấp rãi: nhấn mạnh hành động khẩn trương, gấp gáp của nhân vật “tôi” khi phải chứng kiến bước đi vội vã của thời gian.

b. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không.

- Biện pháp tu từ: so sánh.

=> Tác dụng: làm cụ thể hóa âm thanh của gió, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho gió, khiến gió cũng giống như con người.

6. Trong những câu sau, biện pháp tu từ nhân hóa mang lại hiệu quả gì?

a. Trời lúc nào cũng mát liu riu, nắng thức rất trễ, tầm tám giờ sáng mới thấy mặt trời ngai ngái lơi lơi, nắng không ra vàng không ra trắng, mây cụm lại rồi rã từng chùm trên đầu.

=> Biện pháp tu từ nhân hóa có tác dụng làm cho các sự vật, hiện tượng thiên nhiên cũng trở nên có hồn, như con người. Từ đó làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

b. Để rồi một sớm mai, bỗng nghe hơi thở gió rất gần.

=> Biện pháp tu từ nhân hóa có tác dụng làm cho gió cũng có hơi thở, sức sống như con người, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho không gian mà gió đến. Giúp người đọc cảm nhận được tình yêu quê hương, sự gắn bó của tác giả với những cảnh sắc thiên nhiên của quê hương.