Thực hành đọc hiểu: Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội (2)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Chuẩn bị

Đọc trước văn bản Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội (2); tìm hiểu thêm về những câu tục ngữ có đề tài và nội dung tương tự.

II. Khám phá văn bản

1. Tục ngữ về thiên nhiên, lao động

Câu 1: Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.

- Ráng mỡ gà: màu sắc phía chân trời do mặt trời chiếu vào mây tạo thành sắc vàng như màu mỡ gà.

=> Khi trên trời xuất hiện ráng có sắc vàng giống màu mỡ gà tức là trời sắp có bão, người dân cần chủ động phòng chống bão, giữ gìn nhà cửa, tài sản. Đây là kinh nghiệm quan sát hiện tượng tự nhiên để dự báo báo của ông cha ta.

- Nghệ thuật: gieo vần lưng.

Câu 2: Nhất thì, nhì thục.

- Thì: thời vụ.

- Thục: đất đai phù hợp với cây trồng.

=> Câu tục ngữ nêu ra hai yếu tố quan trong của việc làm nông. Đó là thời vụ và đất đai. Trong đó, yếu tố thời vụ có vai trò quan trọng nhất. Người nông dân cần gieo trồng kịp thời vụ để đảm bảo năng suất cây trồng. Yếu tố thứ hai là cần làm đất cẩn thận, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt nhất. Đây là kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của người dân.

- Nghệ thuật: liệt kê, đối, gieo vần lưng.

Câu 3: Mống đông vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật.

- Mống: đoạn cầu vồng phía chân trời.

- Vồng: cầu vồng.

=> Câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm dự báo các hiện tượng thiên nhiên của ông cha ta. Khi thấy một đoạn chân cầu vồng hoặc cầu vồng ở phía tây tức là sắp xảy ra hiện tượng mưa bão, con người cần chủ động phòng chống những hiện tượng thời tiết xấu.

- Nghệ thuật: gieo vần lưng.

Câu 4: Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông.

- Chạng vạng: lúc trời vừa mờ tối.

- Rạng động: lúc trời vừa hửng sáng.

=> Đây là kinh nghiệm trong lao động của con người. Người đi đánh bắt tôm cá muốn bắt được nhiều tôm thì nên đi vào lúc chập tối; muốn bắt được nhiều cá nên đi câu vào lúc hửng sáng.

- Nghệ thuật: điệp ngữ, giéo vần lưng.

2. Tục ngữ về con người, xã hội

Câu 5: Đói cho sạch, rách cho thơm.

- Đói, rách: chỉ sự khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn trong cuộc sống.

- Sạch, thơm: chỉ sự trong sạch, ngay thẳng, nhân cách, phẩm chất tốt đẹp.

=> Câu tục ngữ khuyên nhủ con người dù ở trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, khó khăn, vất vả cũng phải giữ tấm lòng trong sạch. Con người phải có lòng tự trọng, không được để bị hoàn cảnh khách quan chi phối. Đó chính là lời răn dạy về việc lựa chọn cách sống của mỗi người.

- Nghệ thuật: ẩn dụ, đối.

Câu 6: Chết trong còn hơn sống đục.

- Trong: trong sạch, cao đẹp, đúng với những chuẩn mực đạo đức.

- Đục: xấu xa, nhục nhã, hèn hạ, trái với luân thường đạo lí để bản thân được hưởng lợi.

=> Câu tục ngữ phản ánh lối sống tốt đẹp của con người. Mỗi người cần phải có lẽ sống đúng đắn. Chúng ta nên thà chọn cái chết vì một lí tưởng cao đẹp, vĩ đại, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp của bản thân mình còn hơn phải sống hèn nhát, nhục nhã. Qua câu tục ngữ, ông cha nhắn nhủ bài học về lối sống ngay thẳng, trong sạch, không được sống luồn cúi, làm trái lương tâm, ích kỉ, chỉ vì lợi ích của bản thân mình.

- Nghệ thuật: ẩn dụ, đối.

Câu 7: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

- Mài sắt: kiên nhẫn làm một việc gì đó.

- Kim: đạt được kết quả mình mong muốn.

=> Câu tục ngữ mượn việc làm một cây kim để bàn về một phẩm chất rất quan trọng của con người. Để làm ra một cây kim, chúng ta cần kiên trì, bền bỉ mài một thanh sắt. Trong cuộc sống cũng như vậy, khi làm một việc nào đó, con người cần biết kiên trì, nhẫn nại. Nếu chúng ta chịu khó rèn luyện, cố gắng vươn lên thì nhất định sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả như ý. Câu tục ngữ gửi gắm một bài học sâu sắc còn nguyên giá trị trong mọi thời đại.

- Nghệ thuật: đối, ẩn dụ.

Câu 8: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

- Ăn quả: hưởng thụ thành quả lao động.

- Trồng cây: lao động để làm ra những giá trị tốt đẹp.

=> Câu tục ngữ có nghĩa là khi thưởng thức quả ngọt cần nhớ đến ơn người đã gieo trồng, chăm sóc để có quả ngọt cho chúng ta hưởng thụ. Qua câu tục ngữ, ông cha nhắc nhở con người cần phải có lòng biết ơn, trân trọng công lao người đã làm ra những thành quả tốt đẹp mà mình đang được hưởng thụ. Đây chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà mỗi người cần biết kế thừa và phát huy.

- Nghệ thuật: ẩn dụ.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Câu tục ngữ về thiên nhiên, lao động đúc kết những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong lao động và dự đoán trước các hiện tượng tự nhiên để từ đó phục vụ cho cuộc sống, công việc lao động của con người.

- Câu tục ngữ về con người, xã hội gửi gắm những bài học về phẩm chất đạo đức, lối sống để từ đó, con người hoàn thiện bản thân hơn.

2. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc.

- Những hình ảnh sinh động, gần gũi với cuộc sống.

- Các câu có vần nhịp, dễ đọc, dễ nhớ.