Đọc hiểu văn bản: Tục ngữ về thiên nhiên, lao động và con người, xã hội (1)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

@2144798@

- Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, hàm súc, thường có vần điệu, có hình ảnh, nhằm đúc kết kinh nghiệm về thế giới tự nhiên và đời sống con người.

- Tác dụng: Việc sử dụng tục ngữ giúp cho lời ăn tiếng nói thêm sâu sắc, sinh động, có tính biểu cảm cao.

II. Khám phá văn bản

1. Tục ngữ về thiên nhiên, lao động

a. Tục ngữ về thiên nhiên

Câu 1: Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

- Đêm hôm trước, khi quan sát bầu trời, nếu thấy "mau sao" tức là nhiều sao thì ngày hôm sau sẽ nắng; trời "vắng sao" nghĩa là ít sao thì ngày hôm sau sẽ mưa.

=> Câu tục ngữ phản ánh kinh nghiệm dự đoán mưa nắng của người dân: Trời nhiều sao tức là ít mây, như vậy hôm sau trời sẽ nắng. Trời ít sao tức là bầu trời nhiều mây, thường có mưa. Tuy nhiên đây là dự đoán theo kinh nghiệm nhìn các hiện tượng tự nhiên, không phải lúc nào cũng chính xác. Câu tục ngữ là kinh nghiệm dự đoán thời tiết để con người sắp xếp công việc hợp lí.

- Nghệ thuật: hai vế câu đối nhau.

Câu 2: Mưa tháng Ba hoa đất,

Mưa tháng Tư hư đất.

- Tháng ba, thời tiết nắng hạn. Nếu có mưa vào tháng ba, đất đai, ruộng đồng sẽ tươi tốt. Nhờ vậy mà mùa màng bội thu. Hoa đất có nghĩa là đất tốt, đẹp, phù hợp để trồng trọt. Như vậy, mưa tháng ba làm có lợi cho đất.

- Tháng tư là giai đoạn thu hoạch. Lúc này, nếu mưa nhiều, làm cho đất ngập úng sẽ giảm sản lượng cây trồng.

=> Câu tục ngữ thể hiện kinh nghiệm của nhân dân trong trồng trọt.

- Nghệ thuật: đối.

b. Tục ngữ về lao động 

Câu 3: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

- Câu tục ngữ liệt kê ra những yếu tố quan trọng của quá trình sản xuất nông nghiệp: nước, phân bón, sự chăm chỉ của con người, giống cây.

=> Trong nông nghiệp, bốn yếu tố trên rất quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là nước, cây cối cần có nước tưới tiêu; thứ hai là cần có phân bón; thứ ba cần sự chăm chỉ, cần cù chăm bẵm, vun trồng, chăm sóc của con người; cuối cùng là cần có giống cây tốt. Bốn yếu tố đó quyết định mùa màng bội thu. Câu tục ngữ gửi gắm kinh nghiệm trong lao động sản xuất để con người vận dụng đem lại một mùa màng năng suất cao.

- Nghệ thuật: liệt kê.

Câu 4: Tấc đất tấc vàng.

- Tấc đất có giá trị giống như một tấc vàng.

=>  Câu tục ngữ đề cao giá trị của đất. Đối với người nông dân, mảnh đất có ý nghĩa vô cùng to lớn, là công cụ, phương tiện nuôi sống con người. Qua đó, ông cha nhắc nhở con người phải biết quý trọng, bảo vệ đất đai. Đồng thời phê phán những con người không biết giá trị của đất đai, lãng phí đất.

- Nghệ thuật: so sánh.

Câu 5: Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.

- Câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm trong lao động, sản xuất: việc nuôi lợn nhàn nhã, người nuôi không phải quá tất bật, nên có thời gian nghỉ ngơi; còn việc nuôi tằm đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc, người nuôi tằm phải luôn túc trực để thêm lá dâu, đặc biệt vào thời kì tằm nhả tơ, nó ăn rất khỏe và nhanh, vì vậy người nuôi không có thời gian thảnh thơi để ăn cơm mà phải "ăn cơm đứng". Câu tục ngữ phản ánh nỗi vất vả của người nông dân và thể hiện sự trân trọng đối với sản phẩm truyền thống.

- Nghệ thuật: đối.

2. Tục ngữ về con người, xã hội

Câu 6: Cái răng, cái tóc là góc con người.

- Răng, tóc là những bộ phận trên cơ thể con người.

- Góc là để chỉ một mặt, khía cạnh về tính cách, phẩm chất của con người.

=> Mỗi bộ phận nhỏ trên cơ thể con người như răng, tóc đều thể hiện những tính cách, phẩm chất của con người ấy. Qua đó, ông cha ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chỉn chu ngoại hình, chú ý chăm chút vẻ bề ngoài gọn gàng, từ đó tạo được thiện cảm với mọi người.

- Nghệ thuât: hoán dụ.

Câu 7: Một mặt người bằng mười mặt của.

- Câu tục ngữ so sánh con người với của cải: con người có giá trị hơn nhiều của cải. Qua đó, ông cha đề cao giá trị của con người. Câu tục ngữ khuyên mọi người hãy biết yêu quý, bảo vệ con người. Của cải quý giá nhưng do con người làm ra, nếu không có con người cũng không có của cải. Đồng thời, câu tục ngữ cũng phê phán những người con trọng của cải hơn giá trị con người.

- Nghệ thuật: hoán dụ, so sánh.

Câu 8: Thương người như thể thương thân.

- Câu tục ngữ khuyên con người cần phải biết yêu thương, quan tâm, tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ với những người xung quanh giống như trân trọng chính bản thân mình.

=> Câu tục ngữ đề cao tinh thân nhân đạo.

- Nghệ thuật: so sánh.

Câu 9: Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao.

- Một cây: số ít, chỉ ít người.

- Ba cây: số nhiều, tập thể.

=> Ít người khó có thể làm nên việc gì. Nếu nhiều người đoàn kết cùng nhau sẽ làm nên việc lớn. Câu tục ngữ khuyên nhủ con người cần biết sống đoàn kết với nhau. Nếu không đoàn kết, chúng ta chỉ có đơn lẻ, khó có thể làm được việc gì lớn lao. Ngược lại, khi con người đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn đạt được thành công.

- Nghệ thuật: đối, ẩn dụ.

Câu 10: Học ăn, học nói, học gói, học mở 

- Ăn, nói, gói, mở là cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. 

=> Câu tục ngữ khuyên con người phải biết ăn uống thanh lịch, nói năng nhã nhặn, khéo léo, đúng mực để hoàn thiện bản thân về mọi mặt, từ đó trở thành người thành công.

- Nghệ thuật: liệt kê, điệp ngữ.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Những câu tục ngữ đúc kết những kinh nghiệm quý báu của nhân dân ta trong quá trình lao động, sản xuất để truyền lại cho thế hệ sau. 

- Những câu tục ngữ về con người, xã hội tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người, gửi gắm những lời khuyên, bài học về lối sống, những phẩm chất đạo đức con người cần phải rèn luyện và phát huy.

2. Nghệ thuật

- Câu nói ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, có vần nhịp.

- Hình ảnh giản dị, dễ hiểu.

- Sử dụng những biện pháp nghệ thuật phong phú.