Viết: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật

Nội dung lý thuyết

1. Định hướng

a. Các em đã học phân tích đặc điểm nhân vật và yêu cầu viết kiểu văn bản này trong Bài 4 (Ngữ văn 7, tập 1); ở đây chủ yếu thực hành viết bài phân tích nhân vật gắn với các văn bản trong phần đọc hiểu truyện ngụ ngôn.

b. Để viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong truyện ngụ ngôn, các em cần chú ý:

@2131639@ @2131704@

- Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là sự vật hoặc các con vật được nhân hóa, có đặc điểm như người (ví dụ: các bộ phần của cơ thể con người trong truyện Bụng và Răng, Miệng, Tay, Chân hay con ếch trong truyện Ếch ngồi đáy giếng). Cũng có khi nhân vật là con người như anh thợ mộc trong truyện Đẽo cày giữa đường,...

- Nêu nhận xét về đặc điểm nhân vật và phân tích, làm sáng tỏ đặc điểm ấy thông qua những chi tiết tiêu biểu chứ không phải chỉ kể lại câu chuyện về nhân vật.

- Lập dàn ý cho bài viết.

- Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật theo dàn ý.

2. Thực hành

Bài tập: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn "Đẽo cày giữa đường".

a. Chuẩn bị

- Xem lại nội dung đọc hiểu truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

- Xác định đặc điểm nhân vật mà em định viết bài văn phân tích.

b. Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

  • Truyện viết về sự kiện gì, có những nhân vật nào, ai là nhân vật chính?

Truyện viết về việc đẽo cày của một anh thợ mộc. Trong truyện có anh thợ mộc và những người qua đường. Trong đó, anh thợ mộc là nhân vật chính.

  • Nhân vật chính là người như thế nào? (Nêu các đặc điểm của nhân vật và các biểu hiện cụ thể trong tác phẩm).

Nhân vật chính là một người không có kinh nghiệm, chính kiến của bản thân, ai nói gì anh ta cũng thấy đúng và làm theo.

  • Em có nhận xét, đánh giá gì về nhân vật? (Nêu lên những cảm xúc, suy nghĩ về đặc điểm của nhân vật,...).

Em thấy anh thợ mộc cần biết lắng nghe một cách chọn lọc những ý kiến của người khác, cần biết suy nghĩ để đạt được kết quả mình mong muốn, không nên lắng nghe người khác một cách thụ động, không có chủ kiến.

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

  • Mở bài: Giới thiệu đặc điểm nổi bật của nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.
  • Thân bài: 
    • Lần lượt phân tích và làm sáng tỏ từng đặc điểm của nhân vật người thợ mộc thông qua các chi tiết cụ thể trong tác phẩm (hoàn cảnh, cử chỉ, hành động, ý nghĩ,...).
      • Anh thợ mộc chưa từng đẽo cày bao giờ, không biết làm như thế nào. => Anh ta là người chưa có hiểu biết. Anh ta cũng không chủ động tìm hiểu về hình dáng, đặc điểm của chiếc cày trước khi làm khiến cho anh ta không có chủ kiến của bản thân mình.
      • Khi có người khác góp ý, mỗi người có một ý kiến, ai bảo gì anh ta cũng làm theo. => Anh ta là người không có chủ kiến của bản thân, không có bản lĩnh, luôn bị động, thay đổi theo ý kiến người khác.
      • Kết quả là bao nhiêu gỗ của anh ta cuối cùng cũng hỏng hết. => Cuối cùng anh ta chẳng đạt được kết quả mong muốn. 
    • Nêu nhận xét của em về nhân vật người thợ mộc.
      • Phê phán người thợ mộc không có chính kiến.
  • Kết bài: Qua việc phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc, nêu lên ý nghĩa hoặc bài học sâu sắc.
    • Đó chính là bài học cho anh thợ mộc, cũng là bài học cho mọi người: Khi làm việc gì cần xem xét, có chủ định của bản thân. Mỗi người cần biết lắng nghe có chọn lọc, không nên bị động phụ thuộc vào ý kiến người khác.

c. Viết

- Dựa vào dàn ý đã lập, viết thành bài văn theo yêu cầu của đề.

- Chú ý phân biệt yêu cầu viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật với việc chỉ kể lại câu chuyên về nhân vật (Xem lại phần Nói và nghe ở Bài 4 trong sách Ngữ văn 7, tập 1, trang 97).

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

- Kiểm tra lại xem bài viết đã đầy đủ và đúng trình tự được nêu ở dàn ý chưa.

- Tự phát hiện và biết cách sửa các lỗi về viết như:

+ Lỗi về ý: thiếu ý (ý sơ sài, chưa nêu hết được những điều cần viết); ý lộn xộn (các ý không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí); lạc ý (nêu các ý không liên quan đến nội dung bài yêu cầu); ý tản mạn (nêu các ý không tập trung vào nội dung chính của bài viết);...

+ Lỗi về diễn đạt (dùng từ, viết câu), chính tả,...