Đọc hiểu văn bản: Cây tre Việt Nam

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Thép Mới (1925 - 1991), tên khai sinh là Hà Văn Lộc.

- Là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng. Tác phẩm của ông giàu chất trữ tình, cảm hứng nổi bật là ca ngợi tình thần yêu nước của nhân dân ta.
- Một số tác phẩm như: Cây tre Việt Nam, Hiên ngang Cu-ba, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin, Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam…

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre, bộ phim thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

b. Thể loại

Tùy bút.

c. Phương thức biểu đạt

Biểu cảm kết hợp miêu tả và tự sự.

d . Bố cục

4 phần:

- Phần 1. Từ đầu đến “chí khí như người”.

- Phần 2. Tiếp theo đến “ chung thủy”.

- Phần 3. Tiếp theo đến “ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

- Phần 4. Còn lại.

@2318527@

II. Khám phá văn bản

1. Vẻ đẹp của cây tre

- Hình ảnh cây tre:

  • Hình dáng:

    • Mọc thẳng, xanh tốt ở mọi nơi.

    • Dáng vươn mộc mạc và thanh cao.

    • Mầm măng non mọc thẳng.

    • Màu xanh của tre tươi, nhũn nhặn.

  • Phẩm chất:
    • Tre cứng cáp, dẻo dai, vững chắc.
    • Luôn gắn bó, làm bạn với con người trong mọi hoàn cảnh.
    • Thẳng thắn, bất khuất, cùng con người chiến đấu, giữ làng, giữ nước.

=> Tác giả đã sử dụng những từ ngữ miêu tả đặc sắc, gợi hình gợi cảm: xanh tốt, thẳng, tươi, cứng cáp, dẻo dai... và biện pháp nhân hóa cây tre: giản dị, thanh cao, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, bất khuất... Qua đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp của cây tre từ hình dáng đến đặc tính của loài cây thân thuộc nhưng lại gợi đến tính cách, phẩm chất của con người của con người Việt Nam và bộc lộ niềm tự hào, tình yêu mãnh liệt của mình với cây tre, và con người Việt Nam.

2. Cây tre gắn bó với cuộc sống con người Việt Nam

a. Trong lao động và cuộc sống hàng ngày.

- Tre trùm lên âu yếm bản làng, xóm, thôn.

- Dưới bóng tre, toàn bộ đời sống của con người được hiện ra:

  • Những mái đình, mái chùa cổ kính.
  • Người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang...
  • Tre thành nôi ru êm những giấc ngủ trưa hè, là nguồn vui tuổi thơ: chiếc thuyền lá tre, que chuyền que chắt.
  • Tre là nhịp bắc cho tình yêu đôi lứa với tuổi già hút thuốc làm vui thì có chiếc diếu cày...
  • Sự gắn bó suốt đời: từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay.

=> Tác giả khẳng định mối quan hệ gắn bó của cây tre với cuộc sống của con người Việt Nam và từ đó ca ngợi nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc với thái độ tự hào, trân trọng.

@2318625@ @2318691@

 b. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc

- Hoàn cảnh: Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay.

=> Khó khăngian khổ của cuộc kháng chiến chống giặc.

- Vai trò, sức mạnh: tre là tất cả, tre là vũ khí.

  • Vị thế của tre: vũ khí, đồng chí chiến đấu, cái chông tre sông Hồng.
  • Hành động dũng cảm quên mình của tre: chống lại sắt thép quân thù; tre xung phong vào xe tăng; tre hi sinh để bảo vệ con người.
  • Đánh giá vẻ đẹp: anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu.

=> Tác giả thể hiện tình yêu, sự biết ơn của con người với tre; bày tỏ tình yêu nước, niềm tự hào về sức mạnh dân tộc trong kháng chiến vĩ đại.

​@2318776@

c. Trong tương lai

- Khẳng định: “sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa”, nhưng tre vẫn là một hình ảnh vô cùng thân thuộc, bởi: Tre vẫn là bóng mát, Tre vẫn mang khúc tâm tình,...

  • Tre đã gắn với con người Việt Nam qua rất nhiều thế hệ. Hình ảnh của tre là thân thuộc. Hình ảnh có sự kế tiếp, từ đời này sang đời khác truyền cho nhau. Tin tưởng vào truyền thống văn hóa: uống nước nhớ nguồn.
  • Tre có sức sống mãnh liệt, ở đâu cũng có thể sống được.
  • Tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

=> Cây tre gắn bó với con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Vẻ đẹp, khí chất của cây tre cũng là vẻ đẹp,  khí chất của con người Việt Nam

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Văn bản ca ngợi vẻ đẹp, sự gắn bó của cây tre đối với con người, đất nước Việt Nam từ xưa đến nay.

- Qua đó, nhà văn bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam và  truyền thống văn hóa dân tộc.

2. Nghệ thuật

- Lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu  thấm đẫm chất trữ tình.

- Cách sử dụng các biện pháp tu từ như điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ,...