Đọc hiểu văn bản: Người ngồi đợi trước hiên nhà

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Huỳnh Như Phương (1955), quê ở Quảng Ngãi.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Trích trong "Thành phố - những thước phim quay chậm" - Huỳnh Như Phương.

b. Thể loại

Tản văn.

c. Phương thức biểu đạt

Tự sự kết hợp với biểu cảm.

d. Bố cục

3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến "đôi người đôi ngả.".

- Phần 2: Tiếp đến "để tìm mộ phần của dượng.".

- Phần 3: Còn lại.

​@2319249@@2319311@

II. Khám phá văn bản

1. Hoàn cảnh chia tay của dì dượng Bảy.

- Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được kí kết, những con người ở đây chuyển ra Bắc sinh sống và làm việc.

- "Không khí làng quê chùng xuống vì tình cảnh kẻ Bắc người Nam."

=> Hoàn cảnh chiến tranh chia cắt con người. Chiến tranh đẩy những gia đình vào cảnh li tán, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, mắt dẫm lệ chưa rõ ngày gặp lại.

- Trong cái hoàn cảnh ấy, gia đình nhà ngoại của "tôi" cũng phải chia xa những người thân yêu: ông ngoại, hai người con trai và hai người con rể. Trong đó có dượng Bảy. Dì và dượng Bảy mới lấy nhau được một tháng. Dượng Bảy là người mồ côi. Họ mới có được hạnh phúc không lâu thì dượng Bảy phải tập kết ra Bắc, "đôi người đôi ngả".

=> Trong bối cảnh chung của đất nước, dượng Bảy cũng như bao người khác gánh trên vai trách nhiệm với tổ quốc. Dượng Bảy lên đường để lại người thân, gia đình ở phía sau và cuối cùng, dượng Bảy cũng không thể trở về trong ngày đất nước được giải phóng. Chiến tranh chia cắt hạnh phúc lứa đôi, đẩy con người vào hoàn cảnh côi cút, cô đơn.

2. Dì dượng Bảy trong những năm tháng chiến tranh

- Trong những năm tháng chiến tranh, dượng Bảy vẫn tìm cách liên lạc với gia đình:

  • "Thỉnh thoảng một lá thư gói trong bọc ni lông bé tí chuyển đến nhà tôi giữa đêm khuya mang theo tin tức của dượng như một niềm hi vọng đáp lại nỗi trông chờ mòn mỏi của dì."
  • "Gần cuối cuộc chiến tranh, tin tức của dượng về nhà thường xuyên hơn."
  • "... dượng nhờ người báo tin cho gia đình và gửi tặng dì tôi một chiếc nón bài thơ mua được trên đường hành quân." 

=> Chiến tranh chia cắt con người nhưng không thể chia cắt được tình cảm họ dành cho nhau. Trong suốt những năm tháng chia xa, dì dượng Bảy luôn hướng về nhau. Dì kiên nhẫn chờ dượng Bảy suốt hai mươi năm trời với niềm tin dượng sẽ quay trở về. Còn dượng Bảy cũng vô cùng yêu thương gia đình, luôn nhớ đến gia đình, hướng về gia đình. Họ luôn dành cho nhau những tình cảm đẹp đẽ nhất, không gì có thể chia cắt.

- Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của rất nhiều con người: ông ngoại "tôi", ba của "tôi" và cả dượng Bảy - "dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn, chỉ mươi ngày trước khi chiến tranh ngưng tiếng súng"

=> Tác giả bộc lộ niềm đau xót trước sự hi sinh của dượng Bảy. Dì bảy luôn mong ngóng sự trở về của dượng, "mỏi mắt nhìn ra đường cái" nhưng mãi vẫn không có tin tức và cuối cùng "mãi đến năm 1975 mới nhận giấy báo tử". Chiến tranh không chỉ chia cắt con người mà còn cướp đi mạng sống của những người thân yêu, đẩy họ vào đau khổ tột cùng.

3. Cuộc sống của dì Bảy khi hòa bình

- Dù khi chồng đã mất, dì Bảy vẫn không rung động trước bất cứ ai.

- Dì Bảy ở lại chăm sóc bà, trông coi nhà thờ giữa khu vườn ít bàn tay vun sới.

- Khi bà ngoại mất, dì về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ. Dì sống cô đơn một mình, cứ vào chiều muộn dì lại ra ngồi trước hiên nhà nhìn con đường kéo dài như nỗi chờ mong trong vô vọng.

=> "Tôi" thương cảm cho hoàn cảnh cô đơn của dì Bảy. Dì Bảy là người rất yêu thương chồng nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi gia đình của dì, đẩy dì vào hoàn cảnh cô đơn lẻ bóng. Cuộc sống cô đơn, thiếu vắng người đàn ông trụ cột vào những ngày bão lụt chẳng biết trông vào đâu. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, dì vẫn một lòng chung thủy với người chồng đã mất. Dì Bảy là tiêu biểu cho con người mang những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, kiên cường, âm thầm hi sinh tuổi trẻ, nén những tình cảm cá nhân để góp sức vào sự nghiệp lớn lao của cả dân tộc.

- Tác giả trực tiếp nhắc tên và địa chỉ của dì Bảy để nhấn mạnh đây là câu chuyện có thật, đã xảy ra. Từ đó, tác giả lên án chiến tranh đã chia cắt con người, cướp đi tính mạng của những người thân yêu nhất, đẩy những người ở lại vào hoàn cảnh cô đơn, lẻ loi.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Văn bản kể về câu chuyện dì Bảy - người phụ nữ có chồng tham gia chiến tranh và đã hi sinh trên chiến trường. Qua câu chuyện, tác giả bộc lộ niềm thương cảm đối với số phận của con người trong chiến tranh đồng thời, lên án chiến tranh đã chia cắt con người, cướp đi những người thân yêu nhất của họ.

2. Nghệ thuật

- Kết hợp phương thức tự sự và biểu cảm nhằm bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của người kể chuyện.

- Giọng kể giàu cảm xúc.