Viết: Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Định hướng

a. Bài học này tiếp tục rèn luyện cách viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc mà các em được làm quen từ Bài 3 (sách Ngữ văn 7, tập một). Do sự việc luôn gắn với con người, cũng như đặc điểm của con người thường thể hiện qua sự việc nên phần Viết ở Bài 3 hướng trọng tâm vào yêu cầu biểu cảm về một con người, còn bài này tập trung vào yêu cầu biểu cảm về một sự việc. Về ngữ liệu, yêu cầu thực hành ở Bài 3 gắn với truyện khoa học viễn tưởng, còn bài này gắn với tùy bút và tản văn. Tuy vậy, ở cả hai bài, các em cũng có thể viết về những con người hay sự việc có thực trong đời sống.

Tham khảo đoạn trích viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân sự việc ông ra đi, "về với đất mẹ Quảng Bình":

TIẾN BIỆT VỊ ĐẠI TƯỚNG LỖI LẠC

(SGK Ngữ văn 7, tập hai - Trang 67, 68)

@2433794@

b. Để viết bài văn biểu cảm về một sự việc, các em cần chú ý:

- Xác định được sự việc cần viết bài văn biểu cảm.

- Giới thiệu tóm tắt về sự việc ấy.

- Nêu lên tình cảm, cảm xúc và thái độ của em trước sự việc ấy: vui, buồn, căm giận, xót thương, trân trọng, kính phục, ngợi ca, phê phán,...

- Lập dàn ý cho bài viết.

- Viết bài văn theo một dàn ý hợp lí.

2. Thực hành

Bài tập: Viết bài văn biểu cảm về sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy trong bài tản văn "Người ngồi đợi trước hiên nhà" của tác giả Huỳnh Như Phương. 

a. Chuẩn bị

- Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà.

- Tìm hiểu thêm thông tin về những sự việc cao đẹp của người phụ nữ trong cuộc sống nói chung và đức hi sinh của người phụ nữ trong thời kì chống Mỹ cứu nước nói riêng.

b. Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

  • Câu chuyện về "người ngồi đợi trước hiên nhà" có sự việc gì đáng chú ý?

=> Câu chuyện về "người ngồi đợi trước hiên nhà" kể về dì Bảy - người phụ nữ kiên cường, thủy chung dù dượng Bảy đã hi sinh.

  • Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy thể hiện cho những đức tính nào của người phụ nữ Việt Nam?

=> Sự hi sinh thầm lặng của Bảy thể hiện những đức tính yêu thương chồng, sống tình nghĩa, thủy chung.

  • Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy để lại trong em những tình cảm, suy nghĩ gì?

=> Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy khiến em cảm thấy khâm phục, ngưỡng mộ, trân trọng. Chính nhờ có những người phụ nữ như dì Bảy làm hậu phương vững chắc cho những chiến sĩ đã đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc như này nay

  • Xã hội cần phải ứng xử như thế nào với những người như dì Bảy?

=> Xã hội cần biết bày tỏ lòng biết ơn đối với những người như dì Bảy.

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

  • Mở bài: Nêu ấn tượng chung về những sự việc cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và của nhân vật dì Bảy ở bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà (Huỳnh Như Phương).

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, có rất nhiều những con người không tiếc máu thịt, tuổi xuân vì sự nghiệp lớn lao của cả dân tộc. Chiến tranh đã lùi dần xa nhưng những nỗi đau mà nó để lại vẫn còn nguyên vẹn như vậy. Có những người con đã nằm lại mãi nơi chiến trường. Chiến tranh để lại những nỗi đau dai dẳng cho con người. Một trong những nỗi đau đó là sự cô đơn, mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng của những người có chồng, có con đi chiến trận. Dì Bảy trong bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà là một người phụ nữ như vậy.

  • Thân bài: Lần lượt trình bày nội dung bài viết theo một trình tự nhất định. Ví dụ:
    • Tóm tắt câu chuyện về người phụ nữ chờ chồng hai chục năm trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương: dì Bảy có chồng đi tập kết ra Bắc. Vợ chồng dì bảy mới lấy nhau vỏn vẹn có một tháng. Dì kiên nhẫn chờ chồng mình suốt 20 năm trời đến ngay cả khi dì biết chồng mình đã bỏ mạng ở chiến trường dì vẫn một lòng chung thủy không hề rung động trước bất kì ai.
    • Phát biểu cảm xúc, tình cảm, thái độ của em trước sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy: Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát nó mang lại vẫn luôn hiện hữu bởi nó đã cướp đi người thân yêu nhất của dì Bảy. Họ mang những nỗi đau kéo dài dai dẳng, cô quạnh suốt cuộc đời. Họ âm thầm hi sinh. Và chính những hi sinh thầm lặng của dì đã góp phần làm nên những trang lịch sử chói lọi cho dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.
    • Sự việc ấy đã nói lên tính cách và phẩm chất của dì Bảy: Qua sự hi sinh ấy, dì Bảy hiện lên là một người phụ nữ kiên trung, giàu tình yêu thương, thủy chung, son sắt.
    • Phát biểu suy nghĩ về sự hi sinh thầm lặng, cao cả của những người phụ nữ trong các cuộc kháng chiến và trách nhiệm của xã hội trong việc ứng xử với những người như dì Bảy: Thế hệ trẻ ngày nay cần biết ơn những hi sinh của thế hệ trước, quan tâm đến những nỗi đau, mất mát của họ...
  • Kết bài: Nêu lên suy nghĩ và bài học của cá nhân em về sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy và phẩm chất của người phụ nữ trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà.

c. Viết

Viết bài văn biểu cảm theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng các từ ngữ thể hiện những suy nghĩ, thái độ và tình cảm, cảm xúc của em một cách trung thực.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo việc kiểm tra, chỉnh sửa các lỗi về viết đã nêu ở Bài 6, phần Viết, mục d (trang 14).