Nội dung lý thuyết
Đề bài : Phân tích đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.
Bài làm
Mỗi lần ngồi lật dở và đọc từng trang “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng tôi không đọc bằng mắt nữa mà để cho trái tim tự đọc, tự cảm nhận và tự rung động. Văn của ông rất sâu, rất sắc bởi nó cứa vào lòng người niềm thương cảm chân thành nhất. Đoạn“Trong lòng mẹ” trích trong “Những ngày thơ ấu” có lẽ là trích đoạn có sức lay động và ám ảnh người đọc nhất về tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt. Bằng ngòi bút tinh tế và tình cảm sâu đậm Nguyên Hồng đã dẫn người đọc khám phá văn chương của mình bằng trái tim.
Nguyên Hồng không thêu dệt một câu chuyện bi lụy ở đâu đó quanh chúng ta mà ông trải lòng lên trang giấy bằng chính cuộc đời, bằng chính tuổi thơ cùng cực, cay đắng và nước mắt của mình.
“Trong lòng mẹ” nằm ở chương IV của “Những ngày thơ ấu” kể về cuộc sống cơ cực, thiếu thốn tình yêu thương của bé Hồng. Hằng ngày Hồng chịu sự ghẻ lạnh, đay nghiến và mỉa mai của người cô bên nhà “thầy”. Bên cạnh đó còn là hình ảnh người mẹ nghèo tiều tụy với một tình yêu thương con vô bờ bế.
Bé Hồng sinh ra là kết quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Bố là một kẻ nghiện ngập, chết mòn trên bàn thuốc phiện để lại cho mẹ con Hồng một cuộc sống tù túng cực độ cùng những cay nghiệt bên nhà nội, cuối cùng mẹ Hồng phải tha hương cầu thực, bỏ lại Hồng một mình sống với bà cô.
Nguyên Hồng mở đầu bằng cách kể nhẹ nhàng, nhiều chua xót “Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen. Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về”. Một chuỗi tuổi thơ cay đắng mở đầu bằng “chiếc khăn tang” trắng, gợi lên trong lòng người đọc nhiều chua xót. Bé Hồng vẫn luôn mong ngóng người mẹ phương xa trở về trong ngày dỗ đầu của thầy. Tác giả được biết mẹ đang “bán bóng đèn và bán vàng hương ở chợ”, mẹ làm tất cả để mưu sinh để kiếm sống và để trở về.
Bé Hồng sống với bà cô cay nghiệt, ghẻ lạnh, luôn dùng những lời độc địa nhất để kể về mẹ của bé, để bôi thêm muối vào tâm hồn đứa tre thơ đang quá thiếu thốn tình mẫu tử. Bà cô là hiện thân của một xã hội phong kiến độc áo, nhiều hủ tục, nhiều cay đắng và bé hồng là hiện thân của những người ở dưới đáy cùng xã hội, chịu đựng sự chà đạp và bất công nhất. Trong một lần bà cô ấy gọi Hồng đến và nói “Mày có muốn vào Thanh hóa thăm mẹ mày không”, một câu hỏi chứa đầy hàm ý xấu khiến trái tim đứa bé ấy toan run rẩy và toan gật đầu đồng ý. Người đọc nhận ra một sự đấu tranh nội tâm đầy mâu thuẫn và kiềm chế đến tột cùng “tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm tôi rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực”. Lời lẽ ấy của bé Hồng như một mũi dao đâm thẳng vào tim người đọc, bởi suy nghĩ của một đứa bé sống trong cảnh bị đọa đầy lại có thể sâu sắc như vậy. Bé Hồng đã phải trải qua một cuộc sống nhiều đắng cay nên buộc phải lớn, buộc phải trưởng thành.
Tâm lý của bé Hồng trong đoạn hội thoại này chất chứa yêu thương đối với người mẹ nghèo đáng thương. Nỗi khổ của mẹ, những hủ tục phong kiến ấy đã đè bẹp một người phụ nữ góa chồng, đẩy bà ấy đến bước đường cùng. Bé càng thương mẹ nhiều hơn, chỉ mong được gặp mẹ là đủ. Bằng cách xây dựng tâm lý cực kỳ tinh tế, Nguyên Hồng đã khiến người đọc không kìm được cảm xúc. Bởi vậy khi nghĩ về mẹ “tôi chỉ im lặng, cúi đầu, khóa mắt cay cay”, nén cảm xúc vào bên trong, không để nó bật ra trước mắt bà cô độc ác này, vì thể nào nếu khóc bà cô sẽ càng mỉa mai và châm biếm hơn.
Khi bà cô nhắc đến từ “em bé”, cô bảo rằng mẹ đã phải lén lút sinh em bé sau khi chưa đoạn tang chồng, cô bảo rằng mẹ là người đàn bà xấu xa. Nhưng bé Hồng bỏ mặc ngoài tai những lời nói cay nghiệt đó, vẫn yêu và thương mẹ vô cùng.
Hình ảnh người mẹ qua lời kể bà cô khiến bé hồng nghẹn đắng, chua chát “Mẹ tôi ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi, thấy thế bà ta thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ tôi vội quay đi, lấy nón che”. Đặc biệt ở suy nghĩ tiếp theo, tác giả đã diễn tả cực kỳ thành công tâm lý của nhân vật “giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Sự kìm nén cảm xúc bấy lâu nay khiến cho một đứa bé không thể chịu đựng được, đành phải để nó thoát ra bằng suy nghĩ đanh thép và cứng rắn như vậy. Ngôn ngữ gần gũi, đơn giản nhưng có góc cạnh sắc nhọn đã lột tả hết tâm lý của một đứa trẻ bị kìm kẹp.
Có thể nói đoạn trích này tác giả đã diễn tả cực kỳ thành công tâm lý nhân vật bé Hồng bằng hàng loạt động từ mạnh, ngôn ngữ sắc cạnh, phép đối lập đắc địa nhất. Đến phần thứ hai, giọng văn trở nên dịu nhẹ đi vì nó tái hiện lại cảnh gặp gỡ đầy cảm động giữ mẹ và bé Hồng sau bao nhiêu xa cách. Đây chính là mạch cảm xúc chính, là cao trào thắt nút tình cảm được mở bung ra để yêu thương ùa về.
Chỉ một tiếng gọi “Mợ! Mợ! Mợ ơi” khi thấy một người đàn bà giống mẹ mà tình yêu trong bé Hồng đã chực trào ra. Yêu thương từ lâu được kìm nén giờ đây có dịp được bật ra thành tiếng. Tiếng gọi của bé Hồng lúc ấy khiến người đọc đứt từng khúc ruột, đứt từng mạch cảm xúc. Sự liên tưởng của bé hồng khi tưởng tưởng ra viễn cảnh nếu đó không phải là mẹ thật hay, thật thú vị “cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc. Xe chạy chậm chậm”. Phải thật sâu, thật tinh tế thì tác giả mới có thể liên tưởng phong phú và đúng đắn như vậy. Có lẽ vì đợi chờ yêu thương quá lâu, quá nhiều nên cái lầm lẫn phút chốc có thể khiến cho người ta rơi vào tuyệt vọng.
Khoảnh khắc bé Hồng được sà vào lòng mẹ thật cảm động. Tác giả đã dùng những lời lẽ đẹp nhất, ngọt ngào nhất để diễn tả lại khoảnh khắc hiếm hoi,cảm động đó “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Câu văn này đã khiến không ít người run rẩy vì thương yêu vô bờ bến của tình mẫu tử.
Cuộc gặp gỡ định mệnh, và tình cảm cũng trở nên sâu và nặng hơn. Có thể nói người đọc đến đây đã thở phào nhẹ nhõm vì tình mẫu tử cuối cùng cũng được đền đáp. Không có sức mạnh nào hơn sức mạnh của tình mẫu tử, không có ai ngăn cản được mẹ và con đoàn tụ.
Bằng cách viết nhẹ nhàng và sâu lắng, cách diễn tả tâm lý cực kỳ sâu sắc và hơn hết bằng tình yêu thương vô bờ bến Nguyên Hồng đã khiến người đọc “ôm tim mình” mà khóc. “Trong lòng mẹ” luôn để lại trong lòng người những rung động ngọt ngào và chân thành nhất.