Đề bài : Cảm nhận của em về bé Hồng qua chương "Trong lòng mẹ" - "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng

Nội dung lý thuyết

Đề bài : Cảm nhận của em về bé Hồng qua chương "Trong lòng mẹ" - "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng

Bài làm

       Năm 1937, trong bài thơ " Mồ côi", Tố Hữu viết :

                                            Con chim non rũ cánh

                                            Đi tìm tổ bơ vơ

                                            Quanh nẻo rừng hiu quạnh

                                            Lướt mướt dưới dòng mưa....

      Một năm sau, trên tuần báo " Ngày nay", hồi kí " Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng ra mắt bạn đọc. Nhân vật bé Hồng trong cuốn hồi kí cũng là " một con chim non rũ cánh". Bố nghiện ngập, gia đình sa sút trở nên bần cùng. Bố chết chưa đoạn tang, người mẹ trẻ lại chửa đẻ với người ta, "nợ nần cùng túng quá" , phải bỏ nhà, bỏ quê vào Thanh Hóa kiếm ăn lần hồi. Bé Hồng mồ côi, bơ vơ sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng bên nội. Đến trường thì bị thầy giáo phạt quỳ một cách vô lí oan uổng; đêm Nô -en thì bị người ta hắt hủi đuổi ra khỏi nhà thờ, em lủi thủi đi dưới làn mưa gió lạnh lẽo....

     Đọc "Trong lòng mẹ", ta bắt gặp một cậu bé Hồng rất đáng thương, đáng yêu; trong đau khổ, trái tim thương yêu của em vẫn dành cho người mẹ một cách đằm thắm trọn vẹn.

     Mồ côi bố, cái mũ trắng của bé Hồng còn " quấn băng đen"; mẹ tha phương cầu thực mãi chưa về. Sống trong cảnh ăn cơm trực bên gia đình nhà nội, chú còn bị người cô nanh ác, hiểm độc nói xấu mẹ mình. Mẫn cảm và thông minh, bé Hồng đã phát hiện ra " những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch" của bà cô tàn nhẫn. Mặc dù đã non một năm, mẹ không gửi cho một lá thư, không nhắn lời hỏi thăm, không gửi cho con một đồng quà nào. nhưng trái tim của em đối với người mẹ đau khổ vẫn trọn vẹn. Bà cô cố ý gieo vào lòng ngây thơ của em " những hoài nghi" để em " khinh miệt và ruồng rẫy mẹ"...Bé Hồng là một đứa con hiếu thảo, cảm thông với cảnh ngộ " góa chồng, nợ nần cùng túng quá phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực" của mẹ mình.. Em quyết không để " những rắp tâm tanh bẩn" của bà cô xâm phạm đến " tình thương yêu và lòng kính yêu mẹ"

    Bao nhiêu nước mắt của bé Hồng đã chảy xuống trước những lời cay độc của bà cô : "Mợ mày phát tài lắm...", " vào mà thăm bé chứ", mợ mày " ngồi cho con bú ở bên rổ bóng đèn...., ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi..." , gặp người quen thì " quay đi, lấy nón che".. Mỗi lời nói và giọng cười của bà cô làm cho bé Hồng  vô cùng tủi nhục, đau đớn. Lúc thì em " cúi đầu xuống đất", lòng " thắt lại"; khóe mắt "cay cay". Lúc thì nước mắt " ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ". Có lúc, cổ họng em " nghẹn ứ khóc không ra tiếng". Bé Hồng rất thương mẹ, em đã cảm thông với mẹ chưa đoạn tang chồng mà chửa đẻ với người khác. Em không trách mẹ mà "căm tức" sao mẹ vì " sợ hãi những thành kiến tàn ác" mà xa lìa đứa con thơ. Lòng thương mẹ của bé hồng vô cùng mãnh liệt. Càng thương mẹ bao nhiêu em càng căm ghét, ghê tởm những cổ tục bấy nhiêu : " Giá như những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mà thôi"

     Phần đầu chương " Trong lòng mẹ", qua nhân vật bà cô độc địa, xấu xa, hình ảnh bé Hồng càng trở nên đáng yêu, đáng trọng. Những dòng nước mắt của em chứa chan bao tình thương mẹ, một người mẹ đau khổ mà đôn hậu.

     Phần cuối chương "Trong lòng mẹ" nói lên niềm sung sướng của bé Hông được gặp lại mẹ hiền sau một năm dài xa cách. Đến ngày giỗ đầu của bố, em chẳng viết thư cho mẹ thì mẹ cũng về. Thương mẹ nhiều, nhớ mẹ lắm, tin yêu mẹ nên bé Hồng mới có linh cảm khi " chợt thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ" mình, liền chạy theo gọi rối rít :" Mợ ơi ! Mợ ơi ! Mợ ơi!...". Nỗi khao khát gặp mẹ của bé Hồng khác nào người bộ hành giữa sa mạc khao khát "một dòng suối chảy dưới bóng râm"...Như một cảnh dạt dào niềm vui. Xe chạy chầm chậm. Mẹ cầm nón vẫy con. Con chạy kịp, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi. Vui sướng cảm động, con trèo lên xe mà " ríu cả chân lại". Mẹ kéo tay con, xoa đầu con " nức nở", mẹ cũng "sụt sùi". Đã bao lâu rồi bé Hồng lại được nghe lời yêu thương của mẹ hiền : " Con nín đi ! Mợ đã về với các con rồi mà". Bao cử chỉ thân thương trìu mến hòa quyện tình mẹ con. Mẹ "xốc nách con" lên xe, rồi lấy vạt áo nâu " thấm nước mắt" cho con. Con ngắm nhìn gương mặt mẹ. Mẹ " không còm cõi xơ xác" như người cô đã nói. Gương mặt mẹ " vẫn tươi sáng", đôi mắt mẹ " trong", " nước da mịn làm nổi bật mầu hồng của hai gò má". Một mùi "thơm tho lạ thường" phả ra từ quần áo, từ hơi thở ở khuôn miệng xin xắn nhai trầu của mẹ. Con vô cùng sung sướng được " đầu ngả vào cánh tay mẹ...thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng dưng lại mơn man khắp da thịt mình".

       Từ miêu tả cụ thể những chi tiết, tình tiết của hai mẹ con gặp lại nhau sau một năm dài xa cách, bé Hồng với tâm hồn trong sáng ngây thơ và giàu lòng hiếu thảo, em đã thổ lộ niềm vui sướng hạnh phúc của đứa con được sống trong lòng mẹ : "Phải bé lại, phải lăn vào lòng mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ... mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng". Sự êm dịu ấy đã được khơi nguồn từ tình mẫu tử bao la. Câu nói ấy của bé Hồng đã đem đến cho ta nhiều chân cảm. Bé Hồng mồ côi, hiếu thảo, rất thương yêu mẹ mới dạt dào chân cảm ấy.

      "Trong lòng mẹ" là những trang hồi kí cảm động. Nhân vật bé Hồng trong đau khổ xa cách mẹ, trong cay đắng khi bà cô nói xấu mẹ, trong niềm vui sướng hạnh phúc tột độ được gặp lại mẹ hiền, được mẹ vỗ về an ủi, đều sáng bừng lên một trái tim yêu thương thiết tha, chân thành, những " rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại" (Thạch Lam). Giọt nước mắt của bé Hồng là giọt nước mắt của một đứa con hiếu thảo. Trong bi kịch gia đình, bi kịch tuổi thơ, em càng thương mẹ hơn bao giờ hết.

      Đoạn văn ghi cảnh bé Hồng gặp lại mẹ là hay nhất, cảm động nhất. Bé Hồng là hình ảnh đáng thương và đáng yêu trong bài ca " Trong lòng mẹ".