Nội dung lý thuyết
Tam thức bậc hai đối với \(x\) là biểu thức có dạng \(f\left(x\right)=ax^2+bx+c\), trong đó \(a,b,c\) là các hệ số, \(a\ne0\).
Ví dụ: +) \(f_1\left(x\right)=2x^2-3x+5\) ;
+) \(f_2\left(x\right)=\dfrac{1}{2}x^2-2x+\dfrac{3}{4}\) ;
+) \(f_3\left(x\right)=-x^2-\dfrac{x}{3}+\dfrac{5}{3}\) ; ...
Ví dụ: Xét Parabol \(y=f\left(x\right)=x^2-5x+4\):
Nhận xét: \(\Delta=b^2-4ac=\left(-5\right)^2-4.1.4=9>0\)
Parabol có đỉnh \(I\left(\dfrac{5}{2};-\dfrac{9}{4}\right)\), nghịch biến trên khoảng \(\left(-\infty;\dfrac{5}{2}\right)\), đồng biến trên khoảng \(\left(\dfrac{5}{2};+\infty\right)\);
Với \(x=1\) hoặc \(x=4\) thì \(f\left(x\right)=0\) ;
Với \(1< x< 4\) thì \(f\left(x\right)< 0\), đồ thị hàm số nằm phía dưới trục hoành ;
Với \(x< 1\) hoặc \(x>4\) thì \(f\left(x\right)>0\), đồ thị hàm số nằm phía trên trục hoành.
Người ta đã chứng minh được định lí về dấu của tam thức bậc hai như sau:
Cho \(f\left(x\right)=ax^2+bx+c\) (\(a\ne0\)), \(\Delta=b^2-4ac\).
Nếu \(\Delta< 0\) thì \(f\left(x\right)\) luôn cùng dấu với hệ số \(a\), với mọi \(x\in R\).
Nếu \(\Delta=0\) thì \(f\left(x\right)\) luôn cùng dấu với hệ số \(a\), trừ khi \(x=-\dfrac{b}{2a}\).
Nếu \(\Delta>0\) thì \(f\left(x\right)\) cùng dấu với hệ số \(a\) khi \(x< x_1\) hoặc \(x>x_2\), trái dấu với hệ số \(a\) khi \(x_1< x< x_2\) trong đó \(x_1,x_2\left(x_1< x_2\right)\) là hai nghiệm của \(f\left(x\right)\).
Chú ý: Trong định lí trên ta có thể thay biệt thức \(\Delta=b^2-4ac\) bằng biệt thức thu gọn \(\Delta'=\left(b'\right)^2-ac\).
Minh hoạ bằng hình học:
Với \(a>0\):
\(\Delta< 0\) | \(\Delta=0\) | \(\Delta>0\) |
Với \(a< 0\):
\(\Delta< 0\) | \(\Delta=0\) | \(\Delta>0\) |
Ví dụ 1: Xét dấu của tam thức \(f\left(x\right)=-x^2+3x-5\).
Giải:
Ta có: \(\Delta=3^2-4.\left(-1\right).\left(-5\right)=-11< 0\), hệ số \(a=-1< 0\)
Do đó \(f\left(x\right)< 0\) với mọi \(x\).
Ví dụ 2: Lập bảng xét dấu của tam thức \(f\left(x\right)=2x^2-5x+2\).
Giải:
Ta có: \(\Delta=\left(-5\right)^2-4.2.2=9>0\), hệ số \(a=2>0\)
\(f\left(x\right)\) có hai nghiệm phân biệt \(x_1=\dfrac{1}{2}\), \(x_2=2\).
Theo định lí về dấu của tam thức bậc hai ta có bảng xét dấu:
\(x\) | \(-\infty\) \(\dfrac{1}{2}\) \(2\) \(+\infty\) |
\(f\left(x\right)\) | + \(0\) - \(0\) + |
Tương tự như tích, thương của nhị thức bậc nhất, ta cũng có thể xét dấu tích, thương của các tam thức bậc hai.
Ví dụ 3: Xét dấu biểu thức \(f\left(x\right)=\dfrac{2x^2-x-1}{x^2-4}\).
Giải:
Ta lần lượt xét dấu của tam thức \(g\left(x\right)=2x^2-x-1\) và \(h\left(x\right)=x^2-4\) sau đó lập bảng xét dấu.
Xét \(g\left(x\right)=2x^2-x-1\):
Ta có: \(\Delta=\left(-1\right)^2-4.2.\left(-1\right)=9>0\), hệ số \(a=2>0\), \(g\left(x\right)\) có 2 nghiệm phân biệt là \(x_1=-\dfrac{1}{2}\) và \(x_2=1\).
Do đó: Với \(x< -\dfrac{1}{2}\) hoặc \(x>1\) thì \(g\left(x\right)>0\), với \(-\dfrac{1}{2}< x< 1\) thì \(g\left(x\right)< 0\).
Xét \(h\left(x\right)=x^2-4\):
Ta có: \(\Delta=0^2-4.1.\left(-4\right)=16>0\), hệ số \(a=1>0\), \(h\left(x\right)\) có 2 nghiệm phân biệt là \(x_1=-2\) và \(x_2=2\).
Do đó: Với \(x< -2\) hoặc \(x>2\) thì \(h\left(x\right)>0\), với \(-2< x< 2\) thì \(h\left(x\right)< 0\).
Từ đó ta có bảng xét dấu:
\(x\) | \(-\infty\) \(-2\) \(-\dfrac{1}{2}\) \(1\) \(2\) \(+\infty\) |
\(g\left(x\right)=2x^2-x-1\) | + \(|\) + \(0\) - \(0\) + \(|\) + |
\(h\left(x\right)=x^2-4\) | + \(0\) - \(|\) - \(|\) - \(0\) + |
\(f\left(x\right)\) | + \(|\)\(|\) - \(0\) + \(0\) - \(|\)\(|\) + |
Kết luận: \(f\left(x\right)>0\) khi \(x< -2\) hoặc \(-\dfrac{1}{2}< x< 1\) hoặc \(x>2\) ;
\(f\left(x\right)< 0\) khi \(-2< x< -\dfrac{1}{2}\) hoặc \(1< x< 2\) ;
\(f\left(x\right)=0\) khi \(x=-\dfrac{1}{2}\) hoặc \(x=1\) ;
\(f\left(x\right)\) không xác định khi \(x=-2\) hoặc \(x=2\).
Bất phương trình bậc hai ẩn \(x\) là bất phương trình dạng \(ax^2+bx+c< 0\) (hoặc \(ax^2+bx+c\le0\), \(ax^2+bx+c>0\), \(ax^2+bx+c\ge0\)), trong đó \(a,b,c\) là các số thực đã cho, \(a\ne0\).
Ví dụ: +) \(2x^2+x-3< 0\) ;
+) \(\dfrac{1}{3}x^2-2x+\dfrac{2}{5}\ge0\) ;
+) \(x^2-25\le0\) ; ...
Giải bất phương trình bậc hai \(ax^2+bx+c< 0\) thực chất là tìm các khoảng mà trong đó \(f\left(x\right)=ax^2+bx+c\) cùng dấu với hệ số \(a\) (trường hợp \(a< 0\)) hoặc trái dấu với hệ số \(a\) (trường hợp \(a>0\)).
Ví dụ 4: Giải các bất phương trình:
a) \(-2x^2+3x+5>0\) ;
b) \(-3x^2+7x-4< 0\) ;
c) \(9x^2-24x+16\ge0\).
Giải:
a) Xét tam thức \(f\left(x\right)=-2x^2+3x+5\) có:
\(\Delta=3^2-4.\left(-2\right).5=49>0\) , hệ số \(a=-2< 0\)
Tam thức có 2 nghiệm là \(x_1=-1\), \(x_2=\dfrac{5}{2}\)
Do vậy tam thức luôn dương với mọi \(x\in\left(-1;\dfrac{5}{2}\right)\),
Vậy bất phương trình \(-2x^2+3x+5>0\) có tập nghiệm là \(\left(-1;\dfrac{5}{2}\right)\).
b) Xét tam thức \(f\left(x\right)=-3x^2+7x-4\) có:
\(\Delta=7^2-4.\left(-3\right).\left(-4\right)=1>0\) , hệ số \(a=-3< 0\)
Tam thức có 2 nghiệm phân biệt là \(x_1=1\), \(x_2=\dfrac{4}{3}\)
Do vậy tam thức luôn âm với mọi \(x\) thuộc khoảng \(\left(-\infty;1\right)\) hoặc \(\left(\dfrac{4}{3};+\infty\right)\)
Vậy bất phương trình \(-3x^2+7x-4< 0\) có tập nghiệm là \(\left(-\infty;1\right)\cup\left(\dfrac{4}{3};+\infty\right)\).
c) Xét tam thức \(f\left(x\right)=9x^2-24x+16\) có:
\(\Delta'=\left(-12\right)^2-9.16=0\) , hệ số \(a=9>0\)
Tam thức có nghiệm kép \(x_1=x_2=\dfrac{4}{3}\)
Do đó \(f\left(x\right)>0\) với mọi \(x\ne\dfrac{4}{3}\) ; \(f\left(x\right)=0\) với \(x=\dfrac{4}{3}\)
Như vậy bất phương trình \(9x^2-24x+16\ge0\) nghiệm đúng với mọi \(x\).
Ví dụ 5: Tìm các giá trị của tham số \(m\) để phương trình sau có 2 nghiệm trái dấu:
\(2x^2-\left(m^2-m+1\right)x+2m^2-3m-5=0\) (*)
Giải:
Gọi \(x_1,x_2\) là 2 nghiệm của phương trình (*)
Theo hệ thức Vi-ét ta có: \(x_1.x_2=\dfrac{c}{a}\)
Để \(x_1,x_2\) trái dấu nhau khi và chỉ khi \(a\) và \(c\) trái dấu, tức là \(m\) phải thoả mãn điều kiện \(2\left(2m^2-3m-5\right)< 0\)
\(\Leftrightarrow2m^2-3m-5< 0\)
Xét tam thức \(f\left(m\right)=2m^2-3m-5\) ta có:
\(\Delta=\left(-3\right)^2-4.2.\left(-5\right)=49>0\), tam thức có 2 nghiệm phân biệt là \(m_1=-1\) và \(m_2=\dfrac{5}{2}\), hệ số \(a=2>0\)
Do đó \(f\left(m\right)< 0\Leftrightarrow-1< m< \dfrac{5}{2}\)
Kết luận: Vậy phương trình đã cho có 2 nghiệm trái dấu khi và chỉ khi \(-1< m< \dfrac{5}{2}\).