§3. Tích của vectơ với một số

Nội dung lý thuyết

1. Định nghĩa

Cho số \(k\ne0\) và vectơ \(\overrightarrow{a}\ne\overrightarrow{0}\). Tích của vectơ \(\overrightarrow{a}\) với số \(k\) là một vectơ, kí hiệu là \(k\overrightarrow{a}\), cùng hướng với \(\overrightarrow{a}\) nếu \(k>0\), ngược hướng với \(\overrightarrow{a}\) nếu \(k< 0\) và có độ dài bằng \(\left|k\right|\left|\overrightarrow{a}\right|\).

Ta quy ước \(0\overrightarrow{a}=\overrightarrow{0}\)\(k\overrightarrow{0}=\overrightarrow{0}\).

Người ta còn gọi tích của vectơ với một số là tích của một số với một vectơ.

Ví dụ 1: Cho \(G\) là trọng tâm của tam giác \(ABC\)\(D\) và \(E\) lần lượt là trung điểm của \(BC\) và \(AC\). Khi đó ta có:  \(\overrightarrow{GA}=\left(-2\right)\overrightarrow{GD}\)  ;

               \(\overrightarrow{AD}=3\overrightarrow{GD}\)  ;

               \(\overrightarrow{DE}=-\dfrac{1}{2}\overrightarrow{AB}\)  ; ...

Ví dụ 2: Cho vectơ \(\overrightarrow{a}\) có \(\left|\overrightarrow{a}\right|=4\). Tìm số thực \(x\) sao cho vectơ \(x\overrightarrow{a}\) có độ dài bằng 1 và cùng hướng với \(\overrightarrow{a}\).

Giải:

Ta có: \(\left|x\overrightarrow{a}\right|=1\Leftrightarrow\left|x\right|.\left|\overrightarrow{a}\right|=1\Leftrightarrow\left|x\right|.4=1\Leftrightarrow\left|x\right|=\dfrac{1}{4}\)

Lại có vectơ \(x\overrightarrow{a}\) cùng hướng với \(\overrightarrow{a}\) nên \(x>0\)

Suy ra \(x=\dfrac{1}{4}\) là giá trị cần tìm.

 

@1943593@

2. Tính chất

Với hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) bất kì, với mọi số \(h\) và \(k\), ta có:

          \(k\left(\overrightarrow{a}+\overrightarrow{b}\right)=k\overrightarrow{a}+k\overrightarrow{b}\) ;

         \(\left(h+k\right)\overrightarrow{a}=h\overrightarrow{a}+k\overrightarrow{a}\)  ;

          \(h\left(k\overrightarrow{a}\right)=\left(hk\right)\overrightarrow{a}\) ;

          \(1.\overrightarrow{a}=\overrightarrow{a}\)\(\left(-1\right)\overrightarrow{a}=-\overrightarrow{a}\).

3. Trung điểm của đoạn thẳng và trọng tâm của tam giác

     a) Nếu \(I\) là trung điểm của đoạn thẳng \(AB\) thì với mọi điểm \(M\) ta có \(\overrightarrow{MA}+\overrightarrow{MB}=2\overrightarrow{MI}\) ;

     b) Nếu \(G\) là trọng tâm của tam giác \(ABC\) thì với mọi điểm \(M\) ta có \(\overrightarrow{MA}+\overrightarrow{MB}+\overrightarrow{MC}=3\overrightarrow{MG}\).

 

@1943534@

4. Điều kiện để hai vectơ cùng phương

Điều kiện cần và đủ để hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) (\(\overrightarrow{b}\ne\overrightarrow{0}\)) cùng phương là có một số \(k\) để \(\overrightarrow{a}=k\overrightarrow{b}\).

Thật vậy, nếu \(\overrightarrow{a}=k\overrightarrow{b}\) thì hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) cùng phương.

Ngược lại, giả sử \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) cùng phương. Ta lấy \(k=\dfrac{\left|\overrightarrow{a}\right|}{\left|\overrightarrow{b}\right|}\) nếu \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) cùng hướng và lấy \(k=-\dfrac{\left|\overrightarrow{a}\right|}{\left|\overrightarrow{b}\right|}\) nếu \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) ngược hướng. Khi đó ta có \(\overrightarrow{a}=k\overrightarrow{b}\).

Nhận xét: Ba điểm phân biệt \(A,B,C\) thẳng hàng khi và chỉ khi có số \(k\) khác 0 để \(\overrightarrow{AB}=k\overrightarrow{AC}\).

Ví dụ 2: Cho tam giác \(ABC\). Tìm vị trí của điểm \(M\) sao cho \(\overrightarrow{MA}+\overrightarrow{MB}+2\overrightarrow{MC}=\overrightarrow{0}\).

Giải:

Gọi \(G\) là trọng tâm của tam giác \(ABC\)

Theo tính chất về trọng tâm tam giác ta có \(\overrightarrow{MA}+\overrightarrow{MB}+\overrightarrow{MC}=3\overrightarrow{MG}\)

Do đó: \(\overrightarrow{MA}+\overrightarrow{MB}+2\overrightarrow{MC}=\overrightarrow{0}\)

       \(\Leftrightarrow\) \((\overrightarrow{MA}+\overrightarrow{MB}+\overrightarrow{MC})+\overrightarrow{MC}=\overrightarrow{0}\)

       \(\Leftrightarrow\) \(3\overrightarrow{MG}+\overrightarrow{MC}=\overrightarrow{0}\)

       \(\Leftrightarrow\) \(\overrightarrow{MC}=-3\overrightarrow{MG}\)

Suy ra \(\overrightarrow{MC}\) và \(\overrightarrow{MG}\) là hai vectơ cùng phương, ngược hướng (do \(-3< 0\)) và \(\left|\overrightarrow{MC}\right|=\left|-3\right|.\left|\overrightarrow{MG}\right|\) hay \(MC=3.MG\)
Như vậy điểm \(M\) là điểm nằm trên đoạn thẳng \(GC\) (giữa \(G\) và \(C\)) sao cho \(MC=3.MG\) (hình vẽ)

5. Phân tích một vectơ theo hai vectơ không cùng phương

Cho \(\overrightarrow{a}=\overrightarrow{OA}\) và \(\overrightarrow{b}=\overrightarrow{OA}\) là hai vectơ không cùng phương và \(\overrightarrow{x}=\overrightarrow{OC}\) là một vectơ tuỳ ý. 

Kẻ \(CA'\)//\(OB\) và \(CB'\)//\(OA\).

Khi đó \(\overrightarrow{x}=\overrightarrow{OC}=\overrightarrow{OA'}+\overrightarrow{OB'}\)

Vì \(\overrightarrow{OA'}\) và \(\overrightarrow{a}\) là hai vectơ cùng phương nên có số \(h\) để \(\overrightarrow{OA'}=h\overrightarrow{a}\) 

Vì \(\overrightarrow{OB'}\) và \(\overrightarrow{b}\) là hai vectơ cùng phương nên có số \(k\) để \(\overrightarrow{OB'}=k\overrightarrow{b}\)

Vậy \(\overrightarrow{x}=h\overrightarrow{a}+k\overrightarrow{b}\).

Khi đó ta nói vectơ \(\overrightarrow{x}\) được phân tích (hay còn được gọi là biểu thị) theo hai vectơ không cùng phương \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\).

Người ta chứng minh được mệnh đề sau:

Cho hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) không cùng phương. Khi đó mọi vectơ \(\overrightarrow{x}\) đều phân tích được một cách duy nhất theo hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\), nghĩa là có duy nhất cặp số \(h\)\(k\) để \(\overrightarrow{x}=h\overrightarrow{a}+k\overrightarrow{b}\).

Bài toán: Cho tam giác \(ABC\) với trọng tâm \(G\). Gọi \(I\) là trung điểm của đoạn thẳng \(AG\) và \(K\) là điểm nằm trên đoạn thẳng \(AB\) sao cho \(AK=\dfrac{1}{5}AB\).

     a) Hãy phân tích \(\overrightarrow{AI}\)\(\overrightarrow{AK}\)\(\overrightarrow{CI}\)\(\overrightarrow{CK}\) theo \(\overrightarrow{a}=\overrightarrow{CA}\)\(\overrightarrow{b}=\overrightarrow{CB}\) ;

     b) Chứng minh rằng ba điểm \(C,I,K\) thẳng hàng.

Giải:

a) Gọi \(AD\) là trung tuyến của tam giác \(ABC\).

Ta có: \(\overrightarrow{AD}=\overrightarrow{CD}-\overrightarrow{CA}=\dfrac{1}{2}\overrightarrow{b}-\overrightarrow{a}\)

Do đó: \(\overrightarrow{AI}=\dfrac{1}{2}\overrightarrow{AG}=\dfrac{1}{3}\overrightarrow{AD}=\dfrac{1}{3}.\left(\dfrac{1}{2}\overrightarrow{b}-\overrightarrow{a}\right)=\dfrac{1}{6}\overrightarrow{b}-\dfrac{1}{3}\overrightarrow{a}\) ;

           \(\overrightarrow{AK}=\dfrac{1}{5}\overrightarrow{AB}=\dfrac{1}{5}\left(\overrightarrow{CB}-\overrightarrow{CA}\right)=\dfrac{1}{5}\left(\overrightarrow{b}-\overrightarrow{a}\right)\) ;

           \(\overrightarrow{CI}=\overrightarrow{CA}+\overrightarrow{AI}=\overrightarrow{a}+\left(\dfrac{1}{6}\overrightarrow{b}-\dfrac{1}{3}\overrightarrow{a}\right)=\dfrac{1}{6}\overrightarrow{b}+\dfrac{2}{3}\overrightarrow{a}\) ;

           \(\overrightarrow{CK}=\overrightarrow{CA}+\overrightarrow{AK}=\overrightarrow{a}+\dfrac{1}{5}\left(\overrightarrow{b}-\overrightarrow{a}\right)=\dfrac{1}{5}\overrightarrow{b}+\dfrac{4}{5}\overrightarrow{a}\).

b) Từ cách phân tích trên ta có: \(\overrightarrow{CI}=\dfrac{1}{6}\overrightarrow{b}+\dfrac{2}{3}\overrightarrow{a}\) ; \(\overrightarrow{CK}=\dfrac{1}{5}\overrightarrow{b}+\dfrac{4}{5}\overrightarrow{a}\)

Suy ra \(\overrightarrow{CK}=\dfrac{6}{5}\overrightarrow{CI}\). Từ đó suy ra ba điểm \(C,I,K\) thẳng hàng.

 

@1943476@