Văn mẫu lớp 9

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
•๖ۣۜUηĭɗεηтĭƒĭεɗ

Thuyết minh về con trâu Việt Nam

Diệu Huyền
12 tháng 9 2019 lúc 23:52
Tham khảo DÀN Ý

I. Mở bài:
– Giới thiệu chung về hình ảnh con trâu trên đồng ruộng, làng quê Việt Nam.
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc, đặc điểm của loài trâu:
– Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
– Là động vật thuộc lớp thú, lông trâu có màu xám, xám đen; thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn; bụng to; mông dốc; đuôi dài thường xuyên phe phẩy; bầu vú nhỏ; sừnghình lưỡi liềm…
– Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con…
2. Lợi ích của con trâu:
a. Trong đời sống vật chất:
– Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày, bừa, giúp người nông dân làm ra hạt lúa, hạtgạo.
– Là tài sản quý giá của nhà nông.
– Cung cấp thịt; cung cấp da, sừng để làm đồ mĩ nghệ…
b. Trong đời sống tinh thần:
– Trâu là người bạn thân thiết với tuổi thơ của trẻ em ở nông thôn một buổi đihọc, một buổi đi chăn trâu: thổi sáo, đọc sách, thả diều, đánh trận giả khi chăntrâu…
*Bổ sung hai câu thơ của nhà thơ Giang Nam viết về tuổi thơ chăn trâu:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
– Con trâu với lễ hội ở Việt Nam:
+ Hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng.
+ Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên.
+ Là biểu tượng của Sea Game 22 Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam.
+ …
III. Kết bài:
– Khẳng định lại vai trò của con trâu trong đời sống người nông dân ở làng quêViệt Nam.
– Nêu suy nghĩ, tình cảm của bản thân.

momochi
13 tháng 9 2019 lúc 10:30

Bạn có thể tham khảo bài văn này nhé:

Bao đời nay, hình ảnh con trâu lầm lũi kéo cày trên đồng ruộng là hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi đối với người nông dân Việt Nam. Vì thế, đôi khi con trâu đã trở thành người bạn tâm tình của người nông dân:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cất cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công...”
Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu rừng là tổ tiên của các loài trâu nhà, sinh ở vùng Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa thấp ẩm, hiện còn tồn tại ở miền Trung nước ta. Khoảng 5- 6 ngàn năm trước, trâu đã thuần hóa cùng với sự ra đời nền văn minh lúa nước. Người Việt cổ đã biết săn bắt trâu, thần hóa chúng để giúp con người trong việc cày cấy.
Trâu là động vật thuộc lớp thú, màu da thường là màu đen với lớp lông mao bao phủ toàn thân. Da trâu rất dày, có lông tơ như chiếc áo choàng. Thấp thoáng trong bộ áo đẹp đẽ là một làn da căng bóng mỡ. Trâu có một cái đuôi dài, thường xuyên phe phẩy như cái quạt của con người để đuổi ruồi và muỗi. Hai tai dài cũng trợ giúp cho cái đuôi rất nhiều. Tai trâu khá thính, nó giúp trâu nghe ngóng được những tiếng động xung quanh. Người nông dân có thể nhận biết sự lành, dữ ở loài trâu một phần nhờ đôi sừng trên đầu. Trâu có đôi sừng dài, uốn cong hình lưỡi liềm, giúp trâu làm dáng và tự vệ chống lại kẻ thù. Trâu có một đặc điểm rất nổi bật là không có hàm răng trên, có thể vì vậy mà trâu phải nhai lại thức ăn. Không như các động vật khác, trâu có một kiểu ngủ rất đặc biệt.Hai chân trước của trâu gập vào trong, đầu ghé lên đó để ngủ.
Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con. Trâu nuôi con bằng sữa tiết ra từ tuyến vũ. Trâu con gọi là nghé, nghé sơ sinh nặng khoảng 22-25kg. Khi mới sinh ra khoảng vài giờ đến một ngày, nghé có thể đứng thẳng, vài hôm sau có thể mở mắt, đi lại theo mẹ.Nghé lớn rất nhanh, nghé chưa có sừng, lớn lên sừng mới nhú dần ra nhưng các bộ phận bên ngoài chắc khác gì mẹ trâu.
Trâu là một động vật rất có ích, là người bạn của nông dân,”Con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Ngày xưa không có máy cày, trâu phải làm việc nặng nhọc, Trên con đường làng sáng tinh mơ hay giữa trưa hè nắng lửa, trâu vẫn cần cù nhẫn nại, mải miết làm việc cùng với người nông dân làm ra hạt lúa, hạt gạo. Trâu không chỉ kéo cày giúp con người trồng lúa, trồng hoa màu, mà còn là gia sản của người nông dân.Chẳng phải các cụ ta đã nói : “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đó sao? Thật vậy, trâu có tầm quan trọng không nhỏ trong đời sống người nông dân. Điều đó cũng đã đi vào văn học dân gian với những câu ca dao quen thuộc:
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay”.
Đến mỗi làng quê Việt, bạn cũng có thể được thưởng thức món thịt trâu xào sả ớt hay nấu với lá lốt, lá trưng. Thịt trâu có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Đặc sản đấy! Trâu cũng có thể cung cấp sữa cho con người. Mỗi con trâu có thể cho 400 – 500 lít sữa trong một chu kì vắt. Da trâu tuy không tham gia vào việc làm ra những sản phẩm độc đáo như giày dép, túi xách như một số loài da khác vì đặc điểm da trâu cứng nhưng có thể làm mặt trống. Những chiếc trống gắn bó thân thiết với học sinh, với nhà trường và các lễ hội. Sừng trâu cũng có thể làm tù và, đồ thủ công mĩ nghệ. Phân trâu là phân bón rất tốt cho cây trồng.
Không chỉ gắn bó với người nông dân, trâu còn góp phần tạo nên những kỉ niệm đẹp tuổi thơ ở khắp mọi vùng quê đất Việt. Trâu là người bạn thân thiết với trẻ em nông thôn một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu. Nhà thơ Giang Nam trong bài “Quê hương” đã là người trong cuộc để nói với lũ trẻ chăn trâu:
Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Trong lúc các chú trâu thong thả gặm cỏ hay đầm mình trong dòng mương mát rượi, thì lũ trẻ bày trò chơi trận giả. Cũng có lúc ta gặp cảnh thật yên bình, yên ả: các cậu bé, cô bé chăn trâu nằm nghỉ ngơi trên lưng trâu ngắm cảnh diều sáo vi vu trên bầu trời. Hình ảnh tuyệt vời của trẻ thơ chăn trâu được các nghệ nhân đưa vào tranh Đông Hồ.Nhìn tranh, ta lại nhớ câu thơ của nhà vua Trần Nhân Tông trong “Thiên trường vãn vọng”: “Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết”. Và cũng có thể, trên cánh đồng lúa, ta còn bắt gặp những em bé nông thôn vừa chăn trâu, vừa học bài.Thời thơ ấu ở làng quê thật đẹp biết bao!
Ngày nay, khi nông thôn đổi mới, máy móc nhiều cũng là lúc trâu được nghỉ ngơi . Còn nhớ những ngày người nông dân phải kéo cày thay trâu thì mới thấy cái giá trị khi có trâu. Trâu đã là biểu tượng của SEA Games 22 Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam . Biểu tượng “trâu vàng” mặc quần áo cầu thủ đón các vận động viên là sự tôn vinh trâu Việt Nam, tôn vinh người nông dân lao động.Trâu còn là một vật linh thiêng vì nó là một trong mười hai con giáp.Cứ mỗi năm vào mùa hè ở Đồ Sơn lại tổ chức hội chọi trâu để tìm con trâu khỏe nhất. Và trong chúng ta rất ít người biết về sự tích sông Kim Ngưu…
Biết bao thế kỉ đã trôi qua, có lẽ từ khi nền văn minh lúa nước của người Việt khởi nguồn thì loài trâu cũng đã trở thành báu vật của người nông dân. Trên nền bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt, bên những cánh đồng xanh tốt, thẳng cánh cò bay, dưới lũy tre làng luôn có hình ảnh quen thuộc của con trâu hiện diện. Chúng ta chăm sóc và bảo vệ trâu chính là ta đã giữ gìn một biểu tượng văn hóa truyền thống của người Việt.

Thảo Phương
13 tháng 9 2019 lúc 17:58

A. Mở bài:

Trâu là một loại động vật chủ yếu dùng vào việc kéo cày. Trâu là người bạn của nhà nông từ xưa đến nay.

B. Thân bài:

- Ngoại hình:

Trâu đực tầm vóc lớn, câu đối, dài đòn, trước cao phía sau thấp, rất khoẻ và hiền. Trâu cái tầm vóc vừa cũng to nhưng chưa bằng con đực, rất linh hoạt và hiền lành không kém.

- Các bộ phận:

Trâu to lớn, khoẻ mạnh, thân hình cân đối. Đầu: Trâu đực đầu dài và to nhưng vừa phải, trâu cái đầu thanh và dài. Da mặt trâu khô, nổi rõ các mạch máu. Trán rộng phẳng hoặc hơi gồ. Mắt to tròn, lanh lẹ, có mí mắt mỏng, lông mi dài rất dễ thương. Mũi kín, lúc nào cũng bóng ướt. Mồm rộng, có răng đều, khít, không sứt mẻ. Tai trâu to và phía trong có nhiều lông. Đặc biệt là cặp sừng thanh, cân đối, đen, ngấn sừng đều. Cổ và thân: Cổ trâu dài vừa phải, liền lạc, ức rộng, sâu. Lưng trâu dài thẳng nhưng cũng có con hơi cong. Các xương sườn to tròn, khít và cong đều. Mông trâu to, rộng và tròn. Chân: Bốn chân thẳng to, gân guốc, vững chãi. Hai chân trước của trâu thẳng và cách xa nhau. Bàn chân thẳng, tròn trịa, vừa ngắn và vừa to. Các móng khít, tròn, đen bóng, chắc chắn. Chân đi không chạm khoeo, không quẹt móng và hai chân sau đi đúng dấu bàn chân trước hoặc hơi chồm về phía trước. Đuôi: To, thon ngắn, cuối đuôi có một túm lông để xua ruồi muỗi. Da trâu mỏng và bóng láng. Lông đen mướt, thưa, cứng và sát vào da.

- Khả năng làm việc:

Trâu rất khoẻ và siêng năng, cần cù, thông minh, kéo cày giúp người nông dân ngoài đồng suốt cả ngày từ sáng sớm tinh mơ. Trâu chẳng nề hà công việc nặng nhọc.

- Đặc tính, cách nuôi dưỡng:

Trâu rất dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, tính nết lại hiền lành. Hàng ngày, cho trâu uống nước sạch đầy đủ (mỗi con khoảng 30 -> 40 lit nước cho một con). Nếu trâu làm việc ban ngày nên cho trâu ăn đủ ba bữa chính sáng, trưa và tối. Sau khi đi làm về không nên cho trâu ăn ngay mà nên cho trâu nghỉ ngơi, sau đó tắm rửa sạch sẽ, khoảng 30 phút sau cho trâu uống nước có pha ít muối rồi mới cho ăn. Mùa nắng, khi làm việc xong thì không cho trâu uống nước ngay, cho nghỉ ngơi khoảng 15 đến 20 phút rồi cho từ từ uống. Chăm sóc trâu cũng rất dễ dàng. Nên xoa bóp vai cày của trâu sau khi kéo cày xong. Tắm rửa và cho nghỉ ngơi đều đặn. Mỗi buổi làm việc trâu cần nghỉ hai lần, mỗi lần khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ. Nếu trâu làm việc liên tục 5 -> 6 ngày phải cho trâu nghỉ một ngày. Trong thời gian làm việc nếu thấy trâu có dấu hiệu mệt, sức khoẻ giảm sút, nên cho trâu nghỉ 4 – 5 ngày và bồi dưỡng cỏ tươi, cám, cháo …

C. Kết bài:

Ngày nay, nước ta tuy có máy móc nhưng trâu vẫn là một con vật rất cần thiết cho nhà nông. Trâu vẫn là người bạn không thể thiếu của nhà nông không gì có thể thay thế. Ông cha ta đã nhận xét “Con trâu là đầu cơ nghiệp” là như thế.

minh nguyet
15 tháng 9 2019 lúc 8:52

Tham khảo:

Con trâu là hình ảnh gắn liền với làng quê Việt Nam, với những khóm tre, với đồng ruộng và với người nông dân chân lấm tay bùn. Từ bao đời nay, khi nhắc đến hình ảnh con trâu chúng ta lại nghĩ đến vai trò to lớn của nó đối với nông nghiệp Việt Nam, đó là biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ, chất phác của con người Việt Nam.

Cha ông ta vẫn truyền tai nhau rằng "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Đối với những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì con trâu chính là gia tài đáng giá hơn cả.

Về nguồn gốc xuất xứ của trâu tại Việt Nam có rất nhiều tài liệu, tuy nhiên chưa có một tài liệu nào chính xác nói đến sự ra đời của trâu là như thế nào. Tùy vào điều kiện thiên nhiên địa lí mà trâu ở mỗi vùng miền lại có những đặc tính sinh trưởng khác nhau. Ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới gió mùa nên trâu có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, hay còn gọi là trâu đầm lầy.

Trâu có hai loại: Trâu đực và trâu cái. Chúng có đặc tính giống nhau nhưng về hình dáng, kích thước thì khác nhau một chút, tuy nhiên không đáng kể. Trâu đực thường to và cao hơn trâu cái, sừng to và dày hơn, đôi chân chắc nịch, lúc chạy rất nhanh. Đầu của trâu đực nó hơn trâu cái một chút.

Tuy với những sự khác nhau như vậy nhưng đặc tính của trâu là hiền lành, chậm chạp, nặng nề. Mỗi con trâu trưởng thành có khối lượng từ 200kg đến 500kg tùy vào sức khỏe của mỗi con. Một đặc điểm rất dễ nhận dạng của trâu chính là không có hàm răng trên. Trâu thuộc động vật nhai lại, sức nhai của trâu rất bền.

Sừng của trâu dài và cong cong, rất chắc chắn nhưng cấu tạo bên trong đều rỗng tuếch. Chân của trâu rất chắc, ngắn, mập, lúc bước đi thường chệnh choạng ra hai bên. Sức chịu đựng của trâu rất dẻo dai, nó có thể chở được rất nhiều đồ đạc. Tấm thân của trâu dường như rất chắc chắn, da của nó rất dai. Ngày xưa cha ông ta vẫn làm áo bằng da trâu. Thường thì lông trâu thường có màu đen, nhưng có một số con trâu có màu vàng nhạt, đó là do giống lai.

Trâu là người bạn thân thiết của nhà nông, từ công việc cày bừa, kéo lúa, kéo ngô, chở hoa màu...đều đến "lượt" của nó. Sức trâu rất dẻo dai, nó có thể làm quần quật cả ngày không biết mệt. Nhưng sức ăn của nó cũng rất nhiều, ăn cỏ, ăn cám...và đặc biệt khi uống nước thì trâu uống rất nhiều. Thời tiết thay đổi cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trâu nên vào mùa hè người nông dân thường cho trâu ra ao tắm tầm 30 phút hằng ngày, vào mùa đông thì giữ ấm cho trâu bằng việc lót rơm rạ ở chuồng cho trâu nằm. Trâu là động vật sinh con và nuôi con bằng sữa, mỗi năm nó sẽ sinh ra một con nghé con.

Đối với người nông dân thì con trâu chính là cơ ngơi mà họ có nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ là cực kì cần thiết. Người nông dân nếu thiếu đi con trâu thì sẽ không làm được gì vì nó có sức kéo, sức cày bừa, sinh đẻ...Bên cạnh đó trâu còn là con vật linh thiêng trong các lễ hội chọi trâu lớn. Thịt trâu ăn rất ngon, thơm và bổ dưỡng. Sừng trâu, da trâu còn dùng để làm các trang sức, quần áo cho con người.

Đặc biệt sự xuất hiện của trâu trong Seagame 22 tại Việt Nam thực sự là biểu tượng, là niềm tự hào của nhân dân việt nam. Nó mang ý nghĩa biểu trưng cho sự cần cù, chăm chỉ, cần mẫn, hiền lành của người nông dân. Một hình ảnh đáng trân trọng.

Trâu cũng gắn liền với nhiều kỉ niệm tuổi thơ của trẻ em nông thôn, theo các em lớn lên từng ngày.

Thật vậy, mặc dù hiện nay xuất hiện nhiều loại máy móc, phương tiện hiện đại nhưng trâu vẫn luôn là hình ảnh không thế thay thế được của người nông dân. Nó luôn là người bạn đáng tin cậy và hiền lành nhất. Hơn hết nó chính là nét đẹp của con người Việt Nam.

Lê Yến Nhi
23 tháng 9 2019 lúc 0:03

Bài tham khảo (còn 1 số chỗ chưa đầy đủ bn bổ sung thêm vào):

“Con trâu đen lông mượt

Cái sừng nó vênh vênh

Nó cao lớn lênh khênh

Chân đi như đập đất”

Có ai về những vùng quê chuyên canh tác lúa sẽ dễ dàng nhận ra họ nhà trâu chúng tôi. Cảnh trâu cày bừa trên đồng ruộng, trâu thơ thẩn gặm cỏ ở bãi đất ven sông, trâu kéo xe trên con đường làng là một trong những nét đẹp của bức tranh thanh bình ở làng quê Việt Nam.chuồng trâu được xây chắc chắn cạnh nhà người nông dân cũng đủ thấy sự gắn bó thân quen của chúng tôi với con người.

Trâu vốn thuộc họ Bò, phân bộ Nhai lại, nhóm Sừng rỗng. Nghe kể lại, tổ tiên chúng tôi là loài trâu rừng được thuần hoá, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trọng lượng trung bình của loài trâu là khoảng 350kg đến 450 nên thân hình rất vạm vỡ, lưng rộng như tấm phản nhỏ, bốn chân vững chãi, khoẻ mạnh để nâng đỡ thân hình lực lưỡng đó. Chúng tôi khoác trên người bộ lông màu xám hoặc xám đen. Do sống ở vùng nhiệt đới lại quen với công việc tay lấm chân bùn trên đồng ruộng nên lông trâu thưa và ngắn để lộ nước da đen bóng. Trên đầu trâu có đôi sừng cong cứng như hình lưỡi liềm . Đôi sừng đó góp phần làm tăng thêm vẻ oai vệ cho trâu vừa là vũ khí lợi hại khi bị kẻ khác tấn công.

Tuy vóc dáng thô kệch nhưng chúng tôi rất hiền lành lại biết phụ giúp người nông dân trong công việc đồng áng. Lực kéo trung bình của trâu trên ruộng từ 0,36 mã lực đến 0,40 mã lực. Vào mùa vụ, cứ sáng tinh mơ, ông mặt trời chưa thức dậy thì các bác nông dân đã dắt trâu ra đồng cày ruộng. Bước xuống ruộng, chúng tôi đứng ngoan ngoãn để cho chủ mắc ách vào vai . Khi lưỡi cày cắm sâu vào đất , theo hiệu lệnh của bác nông dân với nhịp roi tre khe khẽ trên mông, chúng tôi gò lưng, kéo cày. Dưới sức kéo của trâu, lưỡi cày lật đất thành từng luống thẳng tắp. Đến đầu bờ bên kia, trâu dừng lại, chờ chủ nhấc cày lên rồi quay đầu tiếp tục công việc. Hết công việc cày ruộng thì đến công việc bừa đất. Trâu kéo những chiếc trục bừa dài trên bai mét có gắn những bánh xe răng cưa giúp cho đất thêm tơi xốp. Công việc cày bừa rất nặng nhọc. Chiếc áo nâu của người nông dân ướt đẫm còn lưng trâu thì cũng bóng nhẫy mồ hôi. Nhờ có trâu mà người nông dân bớt phần vất vả. Cho nên lúc nghỉ ngơi, các bác nông dân thường cho thưởng cho trâu một bó cỏ tươi non. Tình nghĩa gắn bó giữa người nông dân và con trâu rất sâu sắc :

“ Trâu ơi, ta bảo trâu này,

Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây, trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

Sống gần gũi với những người dân lương thiện, quanh năm tay lấm chân bùn, cần mẫm chăm chỉ trong nghề trồng lúa, chúng tôi yêu mến họ rất nhiều và có những kỉ niệm không sao quên được. Ngoài công việc đồng áng, chúng tôi còn được tham dự những lễ hội mang tính truyền thống ở làng quê Việt Nam. Chúng tôi rất thích lễ hội chọi trâu được tổ chức ở Đồ Sơn ( Hải Phòng) vào ngày mồng mười tháng tám âm lịch:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mùng mười tháng tám chọi trâu thì về

Đó là dịp để cho các đấu sĩ trâu biểu dương sức mạnh của mình. Ngay từ đầu năm, các làng xã đã chuẩn bị cho việc chọn trâu với các tiêu chuẩn : thân hình vạm vỡ, cổ dài, đầu nhỏ, sừng cứng, xoáy tròn…Trước khi thi đấu phải làm lễ trình trâu với đức tôn thần, trong đoàn diễu hành có phường bát nhạc, có một đoàn trai tráng khoẻ mạnh trong đồng phục đỏ dắt theo những chú trâu tham dự trận đấu. Đến giờ thi đấu, từng đôi trâu được đưa vào sới. Lúc đầu, hai đấu thủ còn gườm nhau như thể đánh giá đối thủ rồi lao vào nhau với những đòn chí mạng, nào là dùng đầu húc, lúc thì đôi sừng xoắn vào nhau , bốn chân trâu choãi ra lấy thế, hất tung đất cát. Cuộc đấu càng quyết liệt thì không khí nơi diễn ra thi đấu càng sôi nổi, náo nhiệt, tiếng reo hò, cổ vũ vang lên khắp nơi. Chú trâu thắng cuộc cùng chu nhận vòng nguyệt quế và giải thưởng trong niềm vui sướng hân hoan.

Còn đối với tuổi thơ ở nông thôn, loài trâu chúng tôi cũng có nhiều kỉ niệm. Ngay từ nhỏ, các chú đã biết giúp đỡ cha mẹ trong việc chăn trâu. Các chú bé thường dắt chúng tôi đến những bãi cỏ tươi non . Vừa nhai cỏ, trâu tôi thích thú ngắm nhìn những gương mặt thơ ngây, nước da rám nắng đang cười giòn giã, nắc nẻ với những trò chơi đuổi bắt, đánh trận giả… Nắng lên, các chú bé đội chiếc nón lá, nhìn xa như những cái nấm di chuyển trông thật ngộ nghĩnh. Lúc chiều về, khi trâu đã no cỏ, các chú dẫn trâu về nhà. Trên con đường đất gồ ghề, tiếng chân trâu gõ lộp độp, tiếng hát nghêu ngao của các chú bé “ Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ …” là hình ảnh khó quên về làng quê Việt Nam trong lòng họ nhà trâu chúng tôi

Ngẫm nghĩ, họ nhà trâu chúng tôi đã gắn bó với người nông dân trong một thời gian dài đối với một nước có nền nông nghiệp là chủ yếu như Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào về điều đó. Dù hiện nay, với đà phát triển của khoa học kĩ thuật, máy cày, máy bừa đã thay thế cho sức trâu, nhưng chúng tôi không buồn đâu . Ngày nào loài người còn cần đến trâu thì chúng tôi sẽ phục vụ hết lòng cho con người.

Quỳnh Kelly
28 tháng 9 2019 lúc 7:58

Tôi,một loài vật thân quen của con người.Nói thật nhé với bác nông dân tôi là một thành viên đầy sức mạnh và giúp ích cho họ rất nhiều.Cứ chiều chiều hình ảnh của tôi trên cánh đồng luôn là bức tranh đẹp để các nhà thơ tha hồ sử dụng bút pháp mà mài dũa thành thành tác phẩm tuyệt vời.Nói tới đây chắc các bạn biết tôi là ai rồi chứ.Đúng rồi tôi chính là con trâu thân thiện của làng quê yên bình,cứ việc gì mọi người cần mà vừa với sức tôi thì tôi đều làm tất.

Tôi tự hào rằng mình tồn tại rất lâu về trước,bởi thế tôi mới có thể giúp đỡ dân mình trong trong khoảng thời gian nước nhà bị đô hộ.

Tôi luôn được ca ngợi với thân hình to khoảng 3 đến 5 tạ,da đen óng mượt phải đến mấy anh trai tráng mới có thể đối đầu với sức mạnh của 1 con trâu như tôi.Chân là sự kết hợp rất hài hòa với mình tôi,nhờ có 4 chân chắc khỏe nên tôi trụ được một cách vững bền,rồi với những cái móng cứng cỏi như gang thép tôi có thể đi mọi địa hình dù nền xi măng hay đồng ruộng tôi đều không ngại vượt qua.Mắt tôi tinh lắm với lông mi dài ở phía trên và dưới mắt để tôi có thể bảo vệ được mắt mình.Hai tai và sừng nhắc đến mà thấy thích,bởi cái vẻ thân thiện nên tôi có cái tai cũng thuộc dạng tầm cỡ,cứ vẩy vẩy một cách vô cớ thôi,sừng tôi dài lắm nhưng nó không dùng để hại người mà là thứ toát lên vẻ uy mãnh trong tôi rằng tôi không thua kém gì ai cả.Cả cái đuôi nữa nó luôn vẩy đi rồi vẩy về khi tôi rải bước chân trên đường làng để tỏ ra sự hứng thú của bản thân cho 1 ngày làm việc mới đấy.

Tôi làm việc rất miệt mài từ sáng tới tối bởi giống trâu Việt Nam chúng tôi sinh ra tính vốn không lười biếng nên cứ khiêm mấy khoảng nặng nhọc vô mình mà thử sức.Sáng sớm tinh mơ tôi đã bắt đầu rướn tấm thân to khỏe khi nghe tiếng anh gà gáy sau rặng tre làng.Thế là bác nông dân dắt tôi ra đồng để kéo chiếc cày lớn.Tôi cùng họ đi hết từ thửa này rồi đến thửa nọ,khi bác nắng trưa đến nhảy nhót trên cánh đồng sôi động thì cả người lẫn vật cùng nhường chỗ cho bác bởi chúng tôi đã mệt nhử làm sao đọ lại với sức khỏe tưới tắn của một nhân tố tóm gọn cả đất trời,họ ăn và tôi cũng ăn,ngồi dưới gốc đa họ thủ thỉ với tôi làm tôi cứ vui mãi chẳng ngừng nên nặng nhọc mấy tôi cứ cố gắng vượt qua.Thế nhưng buổi chiều tà lại là khoảng thời gian thích nhất,đó là khoảnh khắc sau khi tôi làm xong việc được cùng đám trẻ trong làng vui chơi,đứa thì ngồi trên lưng tôi thổi sáo,đứa thì thả diều đằng xa,chiếc diều chao liệng làm mắt tụi nhọ cứ quay tít tròn xoe.Mấy cu thổi sáo cậu trông ngọng ngịu nhưng vui tai,cái tiếng sáo âm được âm chăng hồn nhiên hết biết,đôi lúc bỏ sáo vắt ngang bụng mà đọc bài thơ mới học:"Trâu ơi ta bảo trâu này trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...".Tối đến buông màn đen huyền ảo khắp trốn tôi kéo về những đống củi to hoặc những thứ khác.Đây là lúc tôi được nghỉ ngơi thật sự,nằm dài trên nền đất nghĩ tới niềm vui vẻ trong ngày hôm nay mà mong ngày mai mau tới để tôi được giúp đỡ mọi người,được vui chơi trên cánh đồng làng quê.

Tôi là thế đấy tôi luôn mong mỏi có thể giúp đỡ được nhiều hơn cho người nông dân.Được làm bạn với họ trên cánh đồng chính là những kỉ niệm đẹp nhất của cuộc đời tôi.


Các câu hỏi tương tự
Tam Nguyen
Xem chi tiết
Yuu~chan
Xem chi tiết
yoona
Xem chi tiết
Trần Thị Trà Giang
Xem chi tiết
Hồng Ngọc
Xem chi tiết
Đỗ Minh Nguyệt
Xem chi tiết
Quỳnh Chi
Xem chi tiết
Lê Song Tuệ
Xem chi tiết
Ly Trần
Xem chi tiết