Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.
Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn trên?
Câu 2. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành
phần ấy.
Câu 3. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy.
Câu 4. Nêu nội dung văn bản trên.
BÀN TAY YÊU THƯƠNG
Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp Một vẽ về điều gì làm các em thích nhất trong đời. Cô giáo thầm nghĩ : " Chắc rồi các em lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển truyện tranh". Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của một em học sinh tên là Đu-lớt : bức tranh vẽ một bàn tay.
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán : "Đó là bàn tay của bác nông dân". Một em khác cự lại : "Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật....". Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả bức tranh. Đu-lớt cười ngượng nghịu : "Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!".
Cô giáo ngẩn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi cô thường dùng bàn tay để dắt Đu-lớt bước ra sân, bởi em là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không đuợc xinh xắn như các trẻ khác, gia cảnh của em từ lâu đã trở nên rất khó khăn. Cô chợt hiểu ra ….
(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ - 2004)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Xác định một lời dẫn trực tiếp trong văn bản.
Câu 3: Bằng một câu văn, em hãy viết tiếp điều cô giáo chợt hiểu ra.
Câu 4: Thông điệp rút ra từ văn bản trên.
Câu 5: Từ câu chuyện Bàn tay yêu thương, hãy viết một đoạn văn bộc lộ suy nghĩ của mình về ý nghĩa của câu chuyện.