Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Có một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào một vị trí quản lý tại một công ty lớn. Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân ông Giám đốc phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Giám đốc phát hiện ra một điều từ CV của chàng trai trẻ rằng trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc. Từ trường Trung học cho đến khi vào Đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào mà chàng trai này không đạt được danh hiệu xuất sắc.
Ông Giám đốc hỏi: “Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không?”. “Không bao giờ”, chàng trai trả lời.
Ông Giám đốc bèn hỏi tiếp: "Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”. Chàng trai trẻ trả lời: "Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?” Ông Giám đốc hỏi. Chàng trai trẻ bèn trả lời: “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.
Ông Giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.
Ông Giám đốc hỏi:” Vậy trước đây có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”. “Chưa bao giờ”, chàng trai trẻ trả lời, “Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi.” Ông Giám đốc nghe thấy vậy bèn nói: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.
Chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình vào công ty này rất cao. Anh ta liền vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, bà bèn đưa hai bàn tay mình ra cho chàng trai. Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình. Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ mình thật là nhăn nheo, hơn nữa hai bàn tay còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được bà mẹ khẽ rùng mình mỗi khi chàng trai rửa chúng trong nước.
Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta ở trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh ta. Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của bà mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu.
Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại công ty phỏng vấn. Ông Giám đốc nhận thấy nước mắt còn đọng trên khóe mắt của chàng trai trẻ bèn hỏi: "Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”. Chàng trai trả lời: "Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại”.
"Vậy anh hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?”- Ông Giám đốc hỏi.
Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt:
Thứ nhất: Tôi hiểu được nhờ có mẹ mà tôi có được ngày hôm nay.
Thứ hai: Tôi hiểu được kiếm tiền vất vả đến như thế nào.
Thứ ba: Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình.
Ông Giám đốc nói: “Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình. Xin chúc mừng. Anh đã được tuyển”.
(Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2004)
Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2: Trong văn bản, đôi bàn tay của người mẹ được miêu tả như thế nào?
Câu 3: Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình. Đó là “công việc” gì và tại sao anh ta lại khóc?
Câu 4: Sáng hôm sau đến công ty, khi ông Giám đốc hỏi, “chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt”. Ý nghĩa của những giọt nước mắt đó?
1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
2. Đôi bàn tay người mẹ được miêu tả nhăn nheo, chằng chịt những vết sẹo và chai sạn.
3. Chàng trai làm khóc trong lúc rửa tay cho mẹ. Anh khóc vì đến lúc bấy giờ mới nhận ra những vất vả, hi sinh của mẹ mà bấy lâu vẫn vô tâm
4. Giọt nước mắt hối hận. Giọt nước mắt thức tỉnh.