tk:
Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính – ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí.
Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách để làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật đó là tình huống ông Hai đột ngột nghe tin dữ: Làng Chợ Dầu của ông theo giặc lập tề.
Cái tin ấy đến với ông vào một buổi trưa giữa lúc tâm trạng ông đang rất phấn chấn vì nghe được nhiều tin ta đánh thắng giặc trên tờ báo ở phòng thông tin. Cai tin ấy quá đột ngột, khiến ông sững sờ đến nỗi “cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông đã cố gắng gặng hỏi để hi vọng cái tin ấy là không đúng sự thật. Nhưng người đưa tin lại kể rành rọt quá và khẳng định là họ vừa mới từ dưới ấy lên, nên ông không thể nào nghi ngờ gì nữa. Từ lúc ấy, ông Hai rơi vào tình trạng đau đớn, tủi hổ ngày càng nặng nề. Trước càng tự hào, hãnh diện bao nhiêu về cái làng của mình thì nay ông Hai lại càng đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu. Suốt ngày ông không bước ra đến ngõ. Ông chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng tai nghe động tĩnh bên ngoài: “Một đám đông tụm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông… là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi!”… Tác giả đã diễn tả rất cụ thể và sâu sắc cái tâm trạng nặng nề đến thành một nỗi sợ sệt luôn ám ảnh trong tâm trí ông Hai.
Không khí nặng nề bao trùm cả gia đình ông từ khi có cái tin ấy. Cả nhà, từ ông Hai, bà Hai đến lũ trẻ con đều sống trong tâm trạng nặng nề, nơm nớp, không ai dám nói to, trẻ con cũng không dám cười đùa. Lòng tự hào về làng quê của ông đã bị tổn thương nặng nề. Nỗi tủi hổ vì là dân của cái làng Việt gian theo Tây đè nặng khiến ông Hai không dám ló mặt ra ngoài, đến cả bên bác Thứ ông cũng không dám sang. Tình thế của ông Hai và gia đình càng khốn đốn hơn khi mà mụ chủ nhà đã ngỏ ý không cho nhà ông ở nhờ nữa mà nghe nói đã có lệnh không chứa chấp những người của cái làng Chợ Dầu theo Tây. Nhưng chính trong tình thế ấy mới càng bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê đã thống nhất với lòng yêu nước của một người nông dân bình thường như ông Hai. Trong lúc dường như đã tuyệt vọng tất cả đường sinh sống, ông Hai thoáng có ý nghĩ: “Hay là quay về làng?”. Nhưng ông đã gạt ngay ý nghĩ ấy, bởi vì làng bây giờ đã theo Tây, bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, là cam chịu trở lại với kiếp nô lệ nhục nhã mà chỉ mới nghĩ đến ông đã thấy rung mình. Bởi thế mà ông Hai đã tự xác định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
Sự mở rộng và thống nhất của tình yêu quê hương trong tình yêu nước và tình cảm giai cấp là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kì kháng chiến đã chú trọng làm nổi bật.