Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 24
Số lượng câu trả lời 5
Điểm GP 0
Điểm SP 1

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


Quà của bà
Bà tôi bận lắm, cặm cụi công việc suốt ngày. Nhưng chả lần nào đi chợ mà bà không tạt vào thăm hai anh em tôi, cho chúng tôi khi thì tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Ăn quà của bà rất thích, nhưng ngồi vào lòng bà nghe bà kể chuyện còn thích hơn nhiều.
Gần đây, bà tôi không được khoẻ như xưa nữa. Đã hai năm nay, bà bị đau chân. Bà không đi chợ được, cũng không đến chơi với các cháu được. Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi : khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na, hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra. Chiều qua, đi học về, tôi chạy đến thăm bà. Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu !
Bà ơi bà ! ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho bố cháu, mẹ cháu và anh cháu... Cháu biết rồi, bà ơi... Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, bà nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái. Rồi bà rửa, bà ngâm muối, bà phơi. Bà gói thành từng gói nhỏ, bà đợi các cháu đến, bà cho...

CÂU HỎI

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể loại nào?.

Câu 2: Xác định trạng ngữ trong câu sau: “Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái.

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!"

Câu 4: Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua văn bản trên?

Câu 5: Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ), nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà và tình cảm của nhân vật “tôi đối với bà.

BẦU TRỜI CỦA NGƯỜI CHA - Nguyễn Quang Thiều

Bữa cơm tối của người cha tàn tật thường kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. My vừa cho cha ăn vừa dỗ dành ông như dỗ một đứa trẻ ốm yếu. Trong chiếc ghế mây rách có lót một cái ruột gối cũ, ông run rẩy như một con chim non mới mọc lông măng. Người cha trệu trạo nhai từng thìa cơm. Trán, cổ và hai thái dương trắng xanh của ông túa mồ hôi. Ðôi môi ông vất vả ngậm thìa cơm như con chim non phải giữ con mồi khỏe bằng cặp mỏ mềm của mình. Thời gian đầu, cứ mỗi khi bón cơm cho cha My lại khóc. Người cha cũng khóc không thành tiếng. Hai năm trở lại đây cô không khóc nữa. Thay vào đó, cô nhí nhảnh kể cho cha cô nghe những chuyện đại loại như cây hoa trà ông trồng giờ đang trổ nụ, những chậu xương rồng nhiều loại của ông mọc thêm rất nhiều nhánh, hay buổi sáng nào đó trong vườn nhà xuất hiện một con chim lạ, giọng con chim rất trong và mảnh như tơ nhện. Cô cứ kể những chuyện như thế cho tới khi người cha ăn xong thìa cơm cuối cùng. Ðặt cái bát sang một bên, và lúc nào ngay sau đó cô cũng nói với người cha: "Ba đã hoàn thành nhiệm vụ. Con quyết định tặng huân chương cho ba". Người cha cố ngước mắt nhìn con và cười. Và chỉ có cô mới biết là ông đang cười.

Ngày nào cũng vậy, bữa ăn thường kết thúc vào lúc những tia nắng cuối cùng trong ngày tan biến trong vòm lá bên cửa sổ. Và mảnh trời nhỏ nhìn qua ô cửa sổ ngả sang mầu dâu chín. Hai cha con My ngồi im lặng bên nhau. Cô đặt những ngón tay gầy và hơi lành lạnh của người cha trong bàn tay nhỏ nhắn của cô. Cả hai cha con cô ngồi như bất động nhìn về phía mảnh trời nơi có những ngôi sao bé bỏng và ướt át thường hiện lên rất sớm vào những đêm không mây.

Bóng tối của đêm thường bắt đầu ùa kín những góc nhà, rồi sau đó lan vào gầm giường và gầm bàn ghế. Khi bóng tối đã ùa kín căn phòng thì là lúc hình như hai cha con nghe rõ hơn tiếng gió đi qua những tán cây ngoài vườn. Trong bóng đêm rộng lớn và bí ẩn trùm xuống, những tiếng xào xạc quen thuộc bỗng trở lên huyền bí như từ những ngôi sao xa xăm vọng về. Cũng lúc ấy, My thấy những ngón tay của người cha ấm dần lên. My khẽ ngước mắt nhìn cha. Trên gương mặt bệnh tật của ông hắt mờ mờ một thứ ánh sáng từ đâu đó. My nhận thấy đôi mắt cha cô như tối hơn và cũng như rạng rỡ hơn. Những giây phút như thế cô không dám thở mạnh. Cô biết cha cô đang bước từng bước mê dại trong ý nghĩ lạ lùng về phía vòm trời kia. Rồi ông khóc. Và chỉ có My mới biết được cha mình đang khóc.

"Ba đi nghỉ đi BA. BA NGỒI LÂU QUÁ RỒI". CÔ NÓI VÀ ÐỨNG DẬY BẬT ÐÈN. ÁNH sáng tràn ngập căn phòng. Ðâu đó trên tường có bóng một con gián thấy ánh sáng vội chạy vào một khoảng tối gần đó. My đỡ người cha lên giường và bắt đầu bài xoa bóp chân tay cho cha theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khoảng chín giờ tối cô buông màn cho cha. "Con chúc ba ngủ ngon", cô nói và hôn lên trán người cha lúc nào cũng như lấp dấp mồ hôi. Sau đó cô tắt đèn và đứng một hồi lâu trong bóng tối bên giường cha. Khi cô quay ra cửa thì giật mình nhận ra có người đang đứng tựa vào một bên cánh cửa.

"Mẹ đây", bóng người nói.

"Mời mẹ sang phòng bên", My nói sau một lát im lặng.

"Mẹ vội. Mẹ muốn nói chuyện với con một chút", người đàn bà nói.

"Có chuyện gì không mẹ?", My hỏi, giọng cô như quá mệt mỏi.

"Mẹ đến chỉ để nói với con chuyện công việc của con thôi. Mẹ đã xin cho con làm họa sĩ trình bày ở một tờ báo đang thịnh hành, lương KHỞI ÐIỂM KHOẢNG DĂM TRĂM NGÀN. NHƯ THẾ... SẼ ÐỠ CHO CON. Ý con thế nào?".

"Con vẫn dạy vẽ và tiếng Anh cho bọn trẻ con cùng phố. Tiền thu nhập cũng đủ chi tiêu. Vả lại... ba con con cũng không đòi hỏi gì nhiều lắm".

"Nhưng còn công việc của con, còn tương lai của con", bà mẹ ngập ngừng.

"Tương lai của con ư? - My khẽ bật cười - Cái đó thì mẹ khỏi lo. Còn công việc... con cũng đang làm việc đấy chứ".

"Không, con phải đi làm. Mẹ đã tốn khá nhiều tiền để xin chỗ làm cho con".

"Mẹ làm thế để làm gì - My chau mày - Nếu con đi làm thì ai trông coi ba".

"Ðấy cũng là điều mẹ muốn nói với con - Giọng bà mẹ chợt hồ hởi - mẹ sẽ bỏ tiền ra thuê người chăm sóc cho ông ấy, con đừng lo".

"Chẳng ai có thể chăm sóc ba con bằng con cả - My nói và thở dài - không ai có thể hiểu được ba, ngay cả...".

Cô định nói: "Ngay cả chính mẹ", nhưng cô lại thôi.

"Sao lại không có ai chăm sóc được ông ấy. Chỉ cần trả công khá một tí là khối kẻ tranh việc, mà có phức tạp gì đâu. Mỗi ngày cho ăn hai bữa, đổ bô vài lần và giặt một bộ quần áo mỏng".

Trong bóng tối hiên nhà, My nhìn mẹ cô im lặng, mãi lâu sau cô mới nói: "Mẹ về đi, hôm nay con mệt lắm". Nói xong, cô bước xuống chiếc sân nhỏ. Bà mẹ lặng lẽ bước theo. My mở cổng và có ý để bà mẹ đi về.

Bước đến cổng, mẹ cô dừng lại trước mặt cô và nói: "Con phải suy nghĩ cho kỹ đi. Mẹ lo cho con".

"Cảm ơn mẹ", My nói và lại bật cười khe khẽ. Cô đóng cửa và vội vã đi vào trong nhà.

Hơn một tháng trở lại đây, mẹ cô thường đến thăm cô vào buổi tối. Bà thường đứng ngoài cửa buồng cha cô và lặng lẽ nhìn vào. Bà đứng đó đợi My cho đến khi My đã buông màn cho người cha đi ngủ. Lần nào bà cũng nói đến chuyện công việc của cô. Và lần nào My cũng chỉ đứng trong hiên nhà trong bóng tối mệt mỏi nói chuyện với mẹ cô. Cuối cùng lúc nào cô cũng nói với mẹ cô câu: "Con mệt lắm, mẹ về đi", rồi bước ra mở cổng.

Có tiếng xe máy nổ và xa dần. My chậm rãi bước vào nhà. Căn phòng nhỏ của cô chưa BẬT ÐÈN VÀ ÐẦY MÙI THUỐC VẼ. Ở góc phòng cạnh cửa sổ mở ra vườn, tấm toan trắng hắt sáng mờ mờ. My lần từng bước trong bóng tối đến trước giá vẽ và ngồi xuống. Cô đưa những ngón tay nhỏ chạm khẽ lên mặt toan. Hơn một năm nay cô đã đợi chờ những mảnh mầu kỳ diệu từ đâu đó sau tấm toan hiện về. Nhưng mỗi lần vẽ xong cô lại càng thấy thất vọng hơn. Cô đã điên khùng rạch nát không biết bao nhiêu tấm toan. Và cũng đã bao nhiêu lần cô gục khóc trên giá vẽ. Cô khóc không phải vì sự thất bại trong nghệ thuật. Nói đúng hơn, chưa bao giờ cô đeo đuổi một thành công nào đó trong nghệ thuật. Cô chỉ vẽ như cô cần phải vẽ. Cô khóc về sự bất lực trong tình yêu của cô đối với người cha bệnh tật.

Cha cô vốn là một phi công lái máy bay quân sự trong chiến tranh. Sau giải phóng ông chuyển sang lái máy bay dân sự. Sau mỗi chuyến bay trở về, ông say đắm kể cho mẹ con cô nghe về những vùng trời ông đã đi qua. Ông quen thuộc những vùng trời tưởng như vô định ấy như mảnh vườn nhỏ của gia đình ông, hoặc như làng quê ông bên bờ sông Hàn. Nhiều đêm, những câu chuyện của người cha đã đưa cô đến những vùng trời ấy trong giấc mơ.

Cô gặp những đứa bé trong suốt vừa bay vừa hát bên những bông hoa lạ.

"Hoa này là hoa gì, bạn nhỉ?", cô hỏi.

"Hoa Anh My", những đứa bé đồng thanh nói như hát.

"Ôi! Cùng tên với mình đấy - Cô thích thú kêu lên - Thế những con chim vàng óng kia là chim gì?".

"Chim Tao Linh đấy".

"Tao Linh à, mình chưa bao giờ nghe nói đến loài chim này - Cô hơi nghiêng đầu và nhíu mày. Rồi cô nhoẻn miệng cười và nói - Ba mình cũng hay bay qua đây, các bạn có biết không?".

"Ba của bạn à? - NHỮNG ÐỨA BÉ HỎI VÀ NHÌN NHAU - À, chúng mình nhớ rồi. Ba của bạn cười giống bạn lắm. Ông đến đây và thường quỳ trước những bông Anh My. Mặt ông hơi ngửa lên, đôi mắt khép nhẹ và say đắm trong tiếng hót của bầy Tao Linh. Nhưng ông đã...".

Lũ trẻ nói đến đó chợt im lặng và nhìn nhau khác thường.

"Ba bạn đã... đã mang hương hoa Anh My và tiếng hót Tao Linh về mặt đất. Lẽ ra lúc này thì chưa nên, nhưng không sao đâu, bạn đừng lo", lũ trẻ an ủi My.

"Thế ba mình...", My định hỏi tiếp một câu thì chợt nghe một tiếng nổ. Những đứa bé vụt biến mất. My tỉnh giấc.

Ngọn đèn ngủ vẫn tỏa ánh xanh nhạt trong nhà. Qua màn, My nhìn thấy ba mẹ cô đang ngồi quay ra cửa. Trên nền nhà có những mảnh cốc vỡ.

"Tôi không chịu nổi cuộc sống như thế này nữa rồi", mẹ cô tức tưởi nói.

"Anh chưa làm một điều gì xúc phạm đến em cả. Anh không hiểu vì sao lâu nay em luôn luôn cảm thấy khó chịu khi anh về".

"Anh không hề nghĩ đến cái gia đình này. Anh cần những vùng trời của anh. Anh mang về cho mẹ con tôi những gì từ đấy. Những mây, sao, gió máy của anh không thể bán lấy tiền được".

"Anh nghĩ gia đình mình rất hạnh phúc. Sinh hoạt cũng không thiếu thốn lắm".

"Hạnh phúc - Mẹ cô bĩu môi - Anh đến nhà đồng nghiệp anh mà anh không thấy ngượng à. Họ cũng bay như anh. Sau những chuyến bay họ mang về cho vợ con họ những thứ cụ thể. Còn anh chỉ thấy mang về cho vợ con anh những thứ ngớ ngẩn, hão huyền, hết sức vô dụng".

"Em im đi. Em khác xưa quá nhiều rồi đấy".

"Tôi không khác gì xưa cả. Chẳng qua anh không nhận ra sự thật của cuộc đời này mà thôi".

Mẹ cô nói và đứng phắt dậy đi sang phòng bên. Ba cô lắc đầu và đốt thuốc hút.

Sau lần ấy, sau mỗi chuyến bay trở về, ba cô lặng lẽ và hay thở dài. Ông không còn háo hức kể về những chuyến bay của ông như trước nữa. Một hôm cô hỏi người cha.

"Sao ba không kể cho con nghe về chuyến bay của ba?".

Người cha cúi xuống nhìn cô. Rồi như quên hết mọi phiền muộn, ông lại say sưa kể cho cô nghe về một vùng trời nào đó của ông. Phòng bên cạnh, mẹ cô vứt mạnh những vật gì đó và mắng chửi cay nghiệt con mèo hoa tội nghiệp. Người cha ngừng câu chuyện đang kể cho cô con gái của ông. Ông bước sang phòng mẹ cô. Và cô nghe thấy tiếng ba cô rất nhỏ.

"Em làm gì thế? Em có biết anh đang nói chuyện với con không?".

"Con My lớn rồi. Nó sắp ra trường và phải đi làm. Cần phải giáo dục cho nó biết những điều cụ thể của cuộc đời mà nó sẽ đón nhận, chứ không phải những điều lảm nhảm vô bổ".

"Chính cô đang phá hoại tâm hồn của con, cô biết không. Trước hết con người phải có một tâm hồn đẹp, rộng lượng và biết tha thứ, chứ không phải là một con người tham lam ích kỷ hay thù vặt".

"Vâng, tôi tham lam, tôi ích kỷ và hay thù vặt. Nhưng thưa anh, tôi còn biết lo toan trước mỗi bữa ăn của con, còn anh, anh viển vông và điên rồ quá rồi".

"Như vậy - Cha tôi chợt im lặng rất lâu - như vậy chẳng còn gì cho chúng ta có thể nói chuyện với nhau được nữa".

Nói xong ba cô bỏ đi ra khỏi nhà, mãi khuya ông mới trở về.

Một buổi sáng ít ngày sau đó, người cha phờ phạc nói với cô: "Ba và mẹ đã quyết định chia tay nhau. Chắc con cũng tự biết trước điều này". My nấc lên khi nghe người cha nói vậy. Cô bỗng thấy hoảng sợ và cô đơn khủng khiếp. Buổi tối đó, cô đến trước mẹ cô. Cô ngồi xuống trước mẹ rất lâu và nói.

"Mẹ nghĩ lại đi, mẹ ạ".

"Con ranh con - Mẹ cô trừng mắt giận dữ - Mày cũng nhiễm cái thói mơ mộng vô bổ của ba mày rồi đấy. Cuộc đời sẽ dạy cho mày biết".

Rồi ba mẹ cô ra tòa và lặng lẽ chia tay nhau. Mẹ cô về ở với bà ngoại cô và lấy một người đàn ông khác sau đó năm tháng.

My ở lại với người cha và gấp rút chuẩn bị cho năm học cuối cùng ở trường Mỹ thuật. Người cha vẫn thỉnh thoảng xa nhà với những chuyến bay. Ông ít kể về những chuyến bay của ông. Nhưng vào những buổi hoàng hôn, ông thường ngồi im lặng trên chiếc ghế bành bọc vải nhung nhìn qua cửa sổ.

Khi My vừa kết thúc năm học cuối cùng thì cha cô bị tai nạn giao thông và bị liệt nửa người. Biết bệnh tình của người cha khó có thể hồi phục. My quyết định ngừng xin việc làm. Cô mở lớp dạy vẽ và tiếng Anh cho bọn trẻ con cùng phố để kiếm tiền sinh sống và tiện có thời gian chăm sóc cha. Ðêm đêm cô thường phải thức giấc nhiều lần để trở mình cho cha và giúp ông tiểu tiện, và ngày ngày, khi hoàng hôn từ từ buông xuống, ông lại yêu cầu cô đỡ ông ngồi vào chiếc ghế bành bọc vải nhung để nhìn về phía vòm trời nho nhỏ qua ô cửa sổ. Khi bóng tối đã trùm kín căn phòng thì người cha thì thầm: "Vùng trời... vùng trời, cha muốn trở lại... vùng trời". Những lúc ấy, giọng người cha lạ lùng và xa xăm. Cô cảm thấy rùng mình và thương cha vô hạn.

Một đêm trong căn phòng của cô đầy mùi thuốc vẽ, trong đầu cô lóe lên ý nghĩ mang lại cho người cha vùng trời của ông về trên toan. Sau ý nghĩ ấy, cô lao vào giá vẽ. Cô vẽ trong sự hoảng sợ mộng mị và mơ hồ về người cha. Và suốt hơn một năm qua cô đã vẽ, đã thất vọng và đã khóc.

Ðêm đêm, cô đứng lặng hàng tiếng đồng hồ bên cửa sổ nhìn mãi vào vùng trời có những ngôi sao bé bỏng, ướt át và đầy bí ẩn kia. Cô như thoáng nghe thấy tiếng nói thì thầm của những ngôi sao và những vầng mây bạc trong những đêm sáng trăng. Cô nghe thấy cả tiếng bầy kiến gọi nhau trên những song cửa sổ trong cuộc hành trình muôn đời không ngủ của bầy kiến. Cô nghe thấy cả tiếng con chuột lơ đễnh rơi từ giàn gấc xuống vườn. Một cảm giác lãng đãng và bạc trắng lan tỏa khắp cơ thể cô. Cô lao vào giá vẽ và vẽ cho đến khi tưởng chừng như kiệt sức. Ðể rồi sáng sau tỉnh giấc, cô lại khóc cho những mảng mầu lạnh lẽo và bất động.

Mấy ngày trước, vào một buổi sáng có nắng, cô mang chiếc va-li đựng những đồ lặt vặt của người cha ra phơi. Trong va-li cô thấy cuốn nhật ký của người cha. Cô cầm cuốn nhật ký bước vào hiên nhà ngồi xuống và đọc.

"Ðêm qua mình tỉnh giấc mà Lan (tên mẹ cô) không hay biết gì. Hình như chưa bao giờ Lan mất ngủ. Lan vẫn đẹp và đầy sức sống như ngày mới cưới. Và... Lan chưa bao giờ hiểu mình. Sao những đêm tỉnh giấc mình hay nghe thấy những tiếng gì đó mơ hồ gọi mình. Mình thấy cô đơn".

"Mình đã sống một tuổi thơ đầy cô đơn và ốm yếu. Không quên nổi những chiều mưa mờ mịt bên bờ sông Hàn. Ba đi thuyền chưa về. Má cũng đi chợ xa bán cá. Ngôi nhà lá nhỏ bên sông lúc nào cũng tối và đầy mùi ẩm ướt của mùa mưa. Mình ngồi thu lu trong góc nhà. Ðói và tủi. Rồi ba má mất sớm, mình theo một người bác đi thuyền. Ðã bao nhiêu buổi chiều mình ngồi khóc nức nở trong mưa trên mui thuyền".

"Cái mình cần là hơi ấm của con người. Nhưng đời sống càng đầy đủ thì con người càng xa nhau. Cái mà những người đang sống quanh mình tìm kiếm là đồng tiền. Ðồng tiền hết sức cần thiết. Nhưng vì nó mà con người lao vào như rồ dại, cắn xé lẫn nhau, nghi ngờ nhau và căm thù nhau".

"Sao từ ngày cưới nhau đến giờ, Lan chưa một lần thức dậy trong đêm và thì thầm những điều gì đấy với mình. Lan giày vò mình vì những chuyện gia đình như sắm sửa, xây cất. Lan bực tức với những người giàu hơn và tỏ vẻ khinh bỉ những người đói kém. Mình đã từng đói khát và tủi nhục. Nhưng mình không thể sống được khi chỉ nghĩ đến cái dạ dày căng tròn và lầy nhầy".

"Những lần bay qua những vùng trời vô tận, sao mình cứ ước được bước ra khỏi khoang lái. Tất cả những gì trong khoảng mênh mông của vũ trụ mà mình cảm nhận được lại làm cho mình yên tâm tin mình khi đi trên mặt đất. Những cơn mê làm mình hạnh phúc và muốn khóc. Mình thèm khát được ngồi im lặng trong hoàng hôn và vùi bàn tay trong mái tóc đẹp lạ lùng của Lan. Lan không bao giờ ý thức được trong bóng tối. Lan quá rành rọt với những thứ mà có thể đếm được dưới ánh sáng đơn giản".

Ðêm nay hình như trời trong hơn. Có lẽ cũng đã khuya. My áp mặt vào những song gỗ cửa sổ. Bỗng cô nghe thấy tiếng cha gọi. Cô vội vã đẩy cửa bước sang phòng người cha.

"Có con rắn... đang quấn... chân ba".

Nghe người cha nói, My hốt hoảng lật chiếc chăn dạ mỏng và sờ soạng đôi ống chân người cha. "Không có gì đâu ba ạ. Chắc ba mê ngủ đấy", My nói và ngồi xuống mép giường bóp chân cho cha.

"Nó bò đi rồi hả con?" - người cha thì thào.

My không nói được. Cô gật đầu, khi người cha trở lại giấc ngủ, cô đứng dậy tắt đèn và trở lại phòng mình. Cô bước trang nghiêm và quyết liệt đến bên giá vẽ. Cô nhìn xuống và nhìn ra cửa sổ. Những ngôi sao như đang bay về. Hình như đêm nay có trăng non. Những song gỗ cửa sổ ánh lên. Cô ngửi thấy hương Anh My, tiếng hót của bầy Tao Linh, tiếng ríu rít của bầy trẻ trong suốt như pha lê. Cô thấy đôi mắt người cha căng lên như hai tấm toan chờ đợi.

"Con, My đâu... con... " - người cha gọi.

My lảo đảo bước sang phòng cha. Cô bật đèn.

"Ba gọi con ư?".

"Ba thấy người nóng quá. Hôm nay mẹ con có đến không?"

"Có ba ạ" - Cô trả lời sau một thoáng lưỡng lự.

"Mẹ bảo gì con không?".

"Mẹ đến thăm ba" - Cô cố gắng nói.

"Có bao giờ con thấy mẹ khóc không?".

"Dạ...".

"Ba thấy... nóng quá, mà, mà lạ lắm. Mẹ có khóc hả con? Mẹ đến thăm ba sao không nói cho ba hay. Lan... có khóc...".

"Ba ngủ đi ba. Mai con sẽ mượn cái xe đẩy để đưa ba ra Hồ Tây".

My kéo tấm chăn dạ mỏng đắp ngực người cha. Rồi cô trở về phòng mình và ngồi xuống trước giá vẽ. Cô thấy người nóng lên ghê gớm. Cô cầm lấy bút vẽ. Cô bật hai ngọn đèn dùng để vẽ đêm mà ba cô đã mua cho cô.

Ðến gần trưa hôm sau My mới tỉnh dậy. Khi vẽ xong cô kiệt sức và gục xuống sàn nhà. Cô mở mắt ngơ ngác. Nắng tràn ngập ô cửa sổ phòng cô. Cô nhìn vào bức tranh và kinh ngạc. Cô nhận thấy có bóng cha cô trong suốt đang bay trong đó. Cô nhớ đến cha. Cô vội chạy sang phòng cha. Người cha nằm yên lặng. Gương mặt ông như đang trôi trong vô tận.

Người cha đã trút hơi thở cuối cùng khi My vẽ xong nét vẽ cuối cùng.

My quỵ xuống bên mép giường. Hình như cô nghe thấy người cha hổn hển hỏi: "Có bao giờ con nghe thấy mẹ khóc không?". Ðôi môi cô mấp máy như trả lời: "Mẹ sẽ khóc, ba ạ".

CÂU HỎI:

1. Văn bản trên thuộc thể loại gì? Chỉ ra ngôi kể của văn bản trên.

2.Vì sao, hai năm trở lại đây My không khóc nữa mà lại nhí nhảnh kế cho cha cô nghe những chuyện đại loại như cây hoa trà ông trồng giờ đang trố nụ, những chậu xương rồng nhiều loại của ông mọc thêm rất nhiều nhánh ?

3. My muốn vẽ những gì ? Vì sao My điên cuồng vẽ, rồi lại khóc?

4. My hay nói với mẹ câu gì? Vì sao cô nói như vậy ? Điều đó cho em cảm nhận gì về nhân vật My?

5. Nhân vật người cha xuất hiện trong hoàn cảnh nào? Khi là phi công, ông có niềm yêu thích nào? Khao khát ở hiện tại của người cha ra sao?

6. Chỉ ra trạng ngữ trong câu sau và nêu tác dụng của việc mở rộng trạng ngữ trong câu: “Khi người cha trở lại giấc ngủ, cô đứng dậy tắt đèn và trở lại phòng mình"

7. Khi My biết cha mình bị tai nạn và không có khả năng phục hồi, My đã có quyết định gì?

8. Theo em, chi tiết hình ảnh nào trong truyện ngắn này đắt giá nhất ? Chi tiết hình ảnh đó đã tác động tới cảm xúc, suy nghĩ của em như thế nào ?

9. Em hãy kể lại một việc làm thể hiện tình yêu sâu sắc đối với cha/mẹ/ông, bà bằng 1 đoạn văn dài 1/2 trang vở.

CỦ KHOAI NƯỚNG

Sau trận mưa rào vòm trời như được rửa sạch, trở nên xanh và cao hơn. Đã chớm hè nhưng trời vẫn lành lạnh, cái lạnh làm người ta hưng phấn và chóng đói. Thường Mạnh đi học về là đi thả trâu. Tối mịt cậu rong trâu về, đầu tưởng tượng đến một nồi cơm bốc khói nghi ngút.

Nhưng từ giờ đến tối còn lâu và cậu cần phải tìm được một việc gì đó trong khi con trâu đang mải miết gặm cỏ. Cậu bèn ngồi đếm từng con sáo mỏ vàng đang nhảy kiếm ăn trên cánh đồng màu đã thu hoạch. Thỉnh thoảng chúng lại nghiêng ngó nhìn cậu, ý chừng muốn dò la xem “anh bạn khổng lồ” kia có thể chơi được không. Chợt Mạnh phát hiện ra một đám mầm khoai đỏ au, mập mạp, tua tủa hướng lên trời. Kinh nghiệm đủ cho cậu biết bên dưới những chiếc mầm là củ khoai lang sót. Với bất cứ đứa trẻ trâu nào thì điều đó cũng tương đương với một kho báu. Nó bị sót lại từ trước Tết và bây giờ nó sẽ rất ngọt. Để xem, anh bạn to cỡ nào? Không ít trường hợp bên dưới chỉ là một mẩu khoai. Nước miếng đã kịp tứa khắp chân răng khi cậu tưởng tượng đến món khoai nướng. Ruột nó trong như thạch. Những giọt mật trào ra, gặp lửa tạo một thứ hương thơm chết người, nhất là khi trời lại lành lạnh thế này. Thật may là mình đem theo lửa - cậu lẩm bẩm. Sợ niềm hy vọng đi veo mất nên cậu rón rén bới lớp đất mềm lên. Khi cậu hoàn toàn tin nó là một củ khoai thì cậu thọc sâu tay vào đất, sâu nữa cho đến khi những ngón tay cậu ôm gọn củ khoai khá bự, cậu mới từ từ lôi nó lên. Chà, thật tuyệt vời. Nó không chỉ đơn thuần là củ khoai sót. Nó y như quà tặng, một thứ kho báu trời đất ban riêng cho cậu.

Mạnh đã có việc để làm, mà lại là một việc làm người ta háo hức. Trong chốc lát đống cành khô bén lửa và đợi đến khi nó chỉ còn lớp than hồng rực Mạnh mới vùi củ khoai vào. Cậu ngồi im lắng nghe một sự dịch chuyển vô cùng tinh tế dưới lớp than, cùi trắng muốt đang bị sức nóng ủ cho thành mật. Từng khoảnh khắc với Mạnh lúc này trở nên vô cùng huyền diệu. Rồi có một mùi thơm cứ đậm dần, cứ quánh lại, lan tỏa, xoắn xuýt. Cậu nhớ lại có lần bà kể, nhờ đúng một củ khoai nướng mà ông cậu thoát chết đói và sau đó làm nên sự nghiệp. Chuyện như cổ tích nhưng lại có thật. Nào, để xem sau đây cậu sẽ làm nên công trạng gì.

Chợt cậu thấy có hai người, một lớn, một bé đang đi tới. Ông già ôm theo bọc tay nải còn cậu bé thì cứ ngoái cổ lại phía làng. Cậu nhận ra hai ông cháu lão ăn mày ở xóm bên. Hôm nay, chẳng có phiên chợ sao ông cháu lão cũng ra khỏi nhà nhỉ. Vài lần giáp mặt cậu bé và thấy mặt mũi nó khá sáng sủa. Bố mẹ nó chết trong một trận lũ quét nên nó chỉ trông cậy vào người ông mù lòa. Mạnh lén trút ra tiếng thở dài khi ông cháu lão ăn mày đã đến rất gần. Có thể thấy rõ cánh mũi lão phập phồng như hà hít tìm thứ mùi vị gì đó. Cậu bé vẫn câm lặng, thỉnh thoảng lén nhìn Mạnh.

- Mùi gì mà thơm thế - ông cậu bé lên tiếng - Hẳn ai đang nướng khoai. Ngồi nghỉ một lát để ông xin lửa hút điếu thuốc đã cháu.

Ông lão lần túi lấy gói thuốc lào. Thằng bé giúp ông tháo khỏi lưng chiếc điếu nhỏ xíu. Mùi khoai nướng vẫn ngào ngạt và Mạnh đành ngồi chết gí, không dám động cựa. Chỉ khi ông lão nhờ, cậu mới cúi xuống thổi lửa. Chà, ông cháu lão mà ngồi dai là củ khoai cháy mất. Đã có mùi vỏ cháy. Lửa sẽ lấn dần vào cho đến khi biến củ khoai thành đen thui mới thôi. Dường như đoán được nỗi khó xử của Mạnh, ông lão bảo:

- Tôi chỉ xin lửa thôi...

Mạnh như bị bắt quả tang đang làm chuyện vụng trộm, mặt đỏ lên. Nhưng ông lão mắt lòa không thể nhìn thấy còn cậu bé ý tứ nhìn đi chỗ khác.

- Thôi, chào cậu nhé. Ta đi tiếp đi cháu!

Ông lật đật đứng dậy, bám vào vai cậu bé, vội vã bước. Cậu bé lặng lẽ nhìn Mạnh như muốn xin lỗi vì đã làm khó cho cậu. Cái nhìn đĩnh đạc của một người tự trọng, không muốn bị thương hại khiến Mạnh vội cúi gằm xuống. Ôi, giá như có ba củ khoai, chí ít cũng là hai củ. Đằng này chỉ có một... Mạnh thấy rõ tiếng chân hai ông cháu xa dần. Nhưng chính khi ấy, khi củ khoai nóng hổi, lớp vỏ răn lại như từng gợn sóng nằm phơi ra trước mắt Mạnh, thì nỗi chờ đón háo hức lúc trước cũng tiêu tan mất. Giờ đây củ khoai như là nhân chứng cho một việc làm đáng hổ thẹn nào đó. Dù Mạnh có dối lòng rằng mình chẳng có lỗi gì sất nhưng cậu vẫn không dám chạm vào củ khoai... Hình như đã có người phải quay mặt đi vì không dám ước có được nó. Có thể ông nội cậu đã từng nhìn củ khoai nướng cho ông làm nên sự nghiệp bằng cái cách đau đớn như vậy.

Mặc dù rong trâu về từ chiều nhưng mãi tối mịt Mạnh mới vào nhà. Giờ đây mới là lúc cậu sống trọn vẹn với cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá. Cậu nhắm mắt lại mường tượng giây phút cậu bé kia mở gói giấy báo ra. Nửa củ khoai khi đó sẽ khiến cậu ta liên tưởng đến phép lạ, có thể lắm chứ! Và rồi cậu thấy lâng lâng đến mức chính mình tự hỏi liệu đây có phải là giấc mơ?
CÂU HỎI:

1. Câu chuyện xảy ra vào thời điểm nào trong năm? Xác định ngôi kể của văn bản?

2. Chỉ ra trạng ngữ trong câu sau và nêu công dụng: “Sau trận mưa rào vòm trời được rửa sạch, trở nên xanh và cao hơn.”?

3. Chỉ ra biện pháp tu từ trong câu sau và nêu tác dụng: “Những giọt mật trào ra, gặp lửa tạo ra một thứ hương thơm chết người, nhất là khi trời lại lành lạnh thế này.”?

4. Tìm các chi tiết gợi tả hành động, thái độ của Mạnh đối với hai ông cháu lão ăn mày khi khoai sắp chin? Tại sao Mạnh có thái độ và hành động như vậy?

5. Vì sao, tá giả khẳng định ông cháu người ăn mày là người tự trọng? Em có đồng ý với điều đó không?

6. Tại sao khi tiếng bước chân hai ông cháu xa dần, “nỗi chờ đón háo hức lúc trước” của Mạnh cũng tiêu tan mất?

7. Cuối cùng Mạnh quyết định làm gì với củ khoai nướng? Nếu em là nhân vật cậu bé Mạnh trong câu chuyện, em có cư xử với hai ông cháu lão ăn mày như nhân vật trong truyện đã làm hay không, vì sao?

8. Vì sao Mạnh vừa hổ thẹn rồi lại được trở về “sống trọn vẹn với cmar giá ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá”?

9. Ghi lại một cách ngắn gọn tâm trạng của em sau khi sau khi làm được một việc tốt. (5-7 câu)

10. Yếu tố nào đã làm nên kết thúc bất ngờ cho câu chuyện? Qua câu chuyện này, tác giả muốn gửi gắm điều gì? (trả lời 5-7 câu văn nối tiếp nhau).

11. Em hãy kể lại một trải nghiệm của bản thân: về một việc làm khiến mình hân hoan, tự hào vì đã hành động đúng. (bằng một đoạn văn dài 2/3 trang vở)

" Tiếng chim kêu
“Một đêm mưa phùn ẩm ướt và tối tăm về cuối tháng chạp, hai anh em chúng tôi đi nghỉ sớm. Nằm trên giường, trùm chăn lên tận cằm, chúng tôi cùng nhau nói chuyện phiếm để đợi giấc ngủ.
Trong căn phòng yên lặng, chỉ nghe rõ tiếng tí tách thong thả và đều đều của chiếc đồng hồ treo trên tường. Nhưng thỉnh thoảng một cơn gió đưa đến văng vẳng những tiếng ếch nhái kêu ở cánh đồng quê ở chung quanh nhà.
Ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ để dưới đất, chiếu lên trần và tường nhà những bóng tối kỳ dị, hơi lung lay. Còn chiếc màn đỏ rộng treo ở giữa nhà thì tối sẫm lại, rủ những nếp vải mỏng manh và tha thướt. Bên kia chiếc màn ấy, là giường của bà tôi và chị tôi nằm. Vào hồi nữa đêm, chúng tôi sực thức dậy: gió thổi ào ào trong các lá cây và đập mạnh các tàu lá chuối, từng luồng chớp loáng qua cửa sổ. Một lát thì mưa rào đổ xuống mái nhà. Anh tôi bảo:
– Có lẽ là một trận bão to.
– Bão thì càng thích.
Mà thích thật. Tưởng tượng không có cái khoan khoái êm ấm nào bằng cái thú đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ở ngoài. Đêm lúc bấy giờ lạnh hơn, lại càng làm cho mình thấy cái ấm trong chăn là dễ chịu. Tiếng mưa reo to và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần.
Hai anh em chúng tôi vừa cuộn kín trong chăn cho ấm vừa nói chuyện. Chúng tôi nghĩ đến, rồi thương hại những người lữ khách vào giờ này hãy còn trên đường vắng, ướt như chuột lột và run như cầy sấy, đi vội vàng để tìm một chỗ trú thân. Chúng tôi lại ái ngại cho những nhà nghèo bên hàng xóm, giờ này vợ chồng con cái đều phải dậy để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem cái chậu thau hứng những chỗ dột nước.
Khi người ta yên ấm trong một căn phòng nhà gạch chắc chắn, không sợ mưa gió về phần mình, thì người ta dễ có lòng thương đối với những người xấu số hơn.
Chúng tôi đương ở vào cái tâm tình tốt đẹp ấy, thì bỗng nhiên anh tôi sẽ thích tay vào bảo im rồi nói khẽ:
– Có nghe thấy gì không?
Tôi lắng tai: qua tiếng gió, tiếng mưa ở ngoài, tôi nghe thấy có tiếng chiêm chiếp như tiếng con chim kêu. Tôi bảo anh tôi:
– Tiếng chiêm chiếp như tiếng chim kêu phải không?
– Phải rồi. Tôi nghe thấy từ lúc nãy.
Hai chúng tôi lại chăm chú nghe: tiếng chiêm chiếp khe khẽ và yếu ớt hình như ở chiếc cửa sổ phía đầu cái màn đỏ đưa lại. Tôi hỏi anh tôi:
– Quái, không biết con chim nó đến đây kêu làm gì nhỉ?
Anh tôi chợt nghĩ ra:
– Thôi phải rồi, chắc hẳn là một con chim bị mưa gió đánh bạt đến đây trú.
– Tội nghiệp, chắc ở ngoài ấy nó rét lắm.
Chúng tôi tưởng tượng ngay ra một con chim ướt át, xù lông ra vì rét, đến chỗ cửa sổ đòi vào vì nó thấy ánh sáng trong phòng ấm áp chiếu ra. Câu chuyện con chim gáy một hôm tránh bão tuyết, đến gõ cửa vợ chồng người cày ruộng, được hai vợ chồng nâng niu và rắc bánh cho ăn, câu chuyện ấy mà hồi nhỏ chúng tôi đã đọc trong quyển “Bài Tập Đọc” bây giờ lại thoáng qua trong trí nhớ, làm chúng tôi đem lòng thương con chim kia vô hạn, và muốn cứu vớt nó.
Tôi bảo anh tôi:
– Hay là chúng ta mang nó vào trong này cho nó ấm.
– Mang thế nào được.
– Sao lại không được! Ta cứ việc mở cửa sổ dụ nó vào có khó gì. Chứ nếu để nó ở ngoài ấy thì nó chết mất.
– Ừ, phải đấy.
(…..) Chúng tôi lại nghe thấy tiếng vẫn cái tiếng chiêm chiếp ban nãy bây giờ hình như yếu ớt hơn. Anh tôi bảo:
– Thôi, chú dậy đem con chim vào đi.
Tôi ngần ngại:
– Dậy bây giờ rét lắm, anh ạ.
Rét gì mà rét. Chú cứ mạnh bạo ra thì không rét đâu.
Hình như để trái với lời anh tôi nói, một cơn gió mạnh lọt vào phòng làm lay động chiếc màn. Tôi rùng mình nói:
– Rét lắm, ra bây giờ thì chết cóng.
Rồi tôi kéo chăn trùm kín cổ. Anh tôi cũng kéo chăn lên, rồi bảo tôi:
– Chú lười lắm. Có ra kia mở cánh cửa sổ mà cũng không chịu khó.
Bên kia màn, tiếng ú ớ của chị Hai lại nổi lên, thành thử tôi không biết câu trả lời của anh tôi ra thế nào. Một lát mới thấy anh tôi nói:
– Chú có thương nó, bảo mang nó vào thì ra mở chứ.
Tôi lúc bấy giờ đã buồn ngủ lắm, mắt đã díp lại, bèn quay mặt vào trong rồi bảo:
– Thôi, mặc kệ nó anh ạ.
Anh tôi gắt:
– Thế thì còn nói chuyện!
Rồi anh tôi quay lưng về phía tôi, kéo chăn trùm kín đầu, co chân ngủ, không nói gì nữa. Tôi còn lắng tai nghe tiếng chiêm chiếp của con chim con như thiết tha gọi. Rồi một lát tôi cũng ngủ nốt.
Sáng hôm sau, khi chúng tôi tỉnh dậy, đã thấy chị Hai đứng phích nước ở đầu bàn. Khi thấy chúng tôi ngồi dậy, chị nhìn chúng tôi mỉm cười hỏi:
– Có phải tối qua hai chú cãi nhau về con chim không?
Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Tôi hỏi:
– Chị cũng biết à? Lúc bấy giờ chúng tôi thấy chị nói mê mãi kia mà.
Chị Hai phá lên cười, đầu ngả về đằng sau, hai bàn tay che miệng, vì chị mới nhuộm răng. Chị cười như nắc nẻ, khiến chúng tôi không hiểu ra sao. Sau chị vừa cố nén cười vừa nói:
– Hai chú có biết cái tiếng chiêm chiếp ấy ở đâu ra không? Đó là tiếng cây tre ở đầu nhà bị gió lay đấy. Tôi nằm ở gần nên nghe rõ. Đến khi thấy hai chú thương hại con chim, định mang nó vào mà sưởi, tôi buồn cười suýt nữa bị sặc. Mà định nói bảo cho chú biết là không phải thì lại vướng thuốc nhuộm răng trong mồm, không nói được. Thành ra ú ớ như người nói mê vậy.
Chị tôi kể xong lại cười. Chúng tôi nghĩ đến cái nhầm tưởng hôm qua, cũng buồn cười nốt. Ba chúng tôi cười mãi chảy cả nước mắt.
Sau anh tôi ngừng lại vui vẻ nói:
– Thế mà chúng em cứ tưởng có một con chim đáng thương nó đến gọi cửa.

CÂU HỎI:

1. Người kể chuyện trong truyện thuộc ngôi thứ mấy? Dựa vào đâu để em nhận biết được điều này?

2. Câu chuyện của hai anh em diễn ra trong không gian và thời gian như thế nào?

3. Đoạn văn “Hai anh em chúng tôi… những chỗ dột nước” đã thể hiện cảm xúc gì của hai anh em? Giải thích vì sao nhân vật có cảm xúc đó.

4. Chỉ ra trạng ngữ trong câu sau và cho biết công dụng của việc mở rộng trạng ngữ: “Một đêm mưa phùn ẩm ướt và tối tăm về cuối tháng chạp, hai anh em chúng tôi đi nghỉ sớm.”

5. Em hãy trình bày (kể lại) ngắn gọn nội dung câu chuyện. Phẩm chất nào của con người được nhà văn để cập trong truyện? Ý nghĩa giáo dục của tác phẩm?

6. Đặt mình vào tình huống của hai anh em trong câu chuyện (được yên ấm trong căn phòng của mình khi ngoài trời đang mưa to, gió lớn), em sẽ nghĩ tới ai? Hãy chia sẻ những suy nghĩ của minhf bằng một đoạn văn ngắn (8 – 10 dòng).

7. Trong cuộc sống thường ngày, tình yêu thương được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Em sẽ thể hiện tình cảm này với gia đình, bạn bè như thế nào? Cho ví dụ cụ thể?