Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Nội , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 3
Số lượng câu trả lời 38
Điểm GP 3
Điểm SP 44

Người theo dõi (12)

Đang theo dõi (3)


Câu trả lời:

Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã đi vào lòng dân với bao tình cảm thân thương. Ở Người có biết bao nhiêu điều cần phải học tập. Nhưng đối với tôi, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là sự giản dị và tấm lòng yêu thương con người, yêu thương nhân dân của Bác.

Lối sống giản dị, tinh tế của Người có những điểm độc đáo mang tính nhân đạo sâu sắc, khó tìm thấy ở bất cứ người nào khác. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới có một vị lãnh tụ lấy chiếc nhà sàn nhỏ bên ao làm nơi sống và làm việc của mình. Người ở đó với một tư trang ít ỏi, một chiếc valy con với đôi dép cao su, vài bộ áo quần. Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc với những món ăn dân tộc không chút cầu kỳ như rau luộc, cà muối, cá kho… Với Bác, nếp sống giản dị, thanh đạm ấy cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện bản lĩnh kiên cường, tinh thần lậc quan, yêu đời trước khó khăn, vất vả. Nói về phong cách ấy, thiết nghĩ không có từ ngữ nào hơn là nhắc lại mấy câu thơ của Người: Sáng ra bờ suối, tối vào hang Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng Cuộc đời cách mạng thật là sang. Không những thế, trong quan hệ ứng xử với mọi người, Bác gần gũi, thân tình như người bác, người cha, người anh, không hề có sự phân cách giữa lãnh tụ với người dân. Bác tặng kẹo cho trẻ thơ, tặng lụa cho cụ già, vỗ tay bắt nhịp hát kết đoàn. Chuyện kể rằng, trong một lần về thăm quê, khi mọi người đến rất đông, Bác đã ngồi xuống thềm nhà ân cần thăm hỏi, chuyện trò. Vậy nên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”. Đặc biệt, tôi ghi sâu ấn tượng về cách nói và cách viết của Bác. Bác là người thông tuệ, không chỉ ngôn ngữ dân tộc mà còn nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bác là nhà chính trị, nhà ngoại giao sắc sảo, là nhà văn, nhà thơ từng viết những áng văn, vần thơ tuyệt tác, vậy mà bao giờ Người cũng lấy sự giản dị, trong sáng làm đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể xướng họa thơ Đường với các vị khoa bảng hay với các đồng chí Trung Quốc; có thể bàn về những vấn đề chuyên sâu của khoa học, nghệ thuật với những nhà trí thức, nhưng khi nói, khi viết cho đồng bào chưa có điều kiện học nhiều chữ, Người không dùng bất cứ một từ ngữ khó hiểu nào. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại bốn, năm lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra thì phải chữa lại”. Đó chính là lối làm việc của Bác. Lối làm việc đó chính là thể hiện thái độ tôn trọng quần chúng, đồng thời cũng là ý thức trách nhiệm rất cao của người cầm bút, cầm bút là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Giản dị là đức tính cơ bản của đạo đức Hồ Chí Minh mà lớp cán bộ trẻ chúng tôi cần phải học tập. Bởi có giản dị mới thực hiện được “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công, vô tư”, mới chống được quan liêu, lãng phí; có giản dị mới gần được dân, sát dân, hiểu dân, học tập dân để phục vụ tốt nhân dân. Sự giản dị bắt nguồn từ một con người “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc” thì sự giản dị ấy đáng kính, đáng quý biết bao, giản dị bởi vì yêu thương con người, giản dị bởi thương nhân dân bao đời khổ cực vẫn còn đang kháng chiến trường kỳ. Với lối sống bình dị ấy đã tạo nên một nhân cách lớn, một con người vĩ đại, con người ấy suốt một đời canh cánh một mối lo, lo làm sao cho dân mình được đủ ăn, đủ mặc, được học hành, được hưởng tự do, hạnh phúc, một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nhân dân, cho đất nước như nhà thơ Tố Hữu từng viết: Ôi, lòng Bác vậy cứ thương ta Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa Chỉ biết quên mình cho hết thảy Như dòng sông chảy nặng phù sa.. Phẩm chất và đạo đức đó mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ và nhân dân soi vào. Hôm nay, chúng ta học theo Bác, làm theo Bác chính là học tập và rèn luyện để có một cái Tâm trong sáng. Yêu Bác, học Bác để lòng ta trong sáng hơn, để lòng ta hòa chung với những tâm tư, trăn trở, nỗi niềm của nhân dân, của dân tộc.

Câu trả lời:

Năm nào cũng thế, cứ mỗi dịp Tết đến, mẹ lại cho tôi tới chợ để sắm Tết. Những ngày này, chợ Tết bao giờ cũng rất đông vui , náo nhiệt. Nhưng chợ Tết năm nay để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất

Sáng sớm, hai mẹ con tôi đã đến chợ. Phía đông, mặt trời còn ngái ngủ sau lớp mây hồng phơn phớt. Vậy mà, chợ đã khá đông rồi. Có lẽ ai cũng muốn nhanh chân lựa những món hàng còn mới. Từng tốp, từng tốp người quang gánh kĩu kịt, tíu tít đổ về chợ. Tiếng trò chuyện râm ran khiến cả khu chợ ồn ào, náo nhiệt khác với ngày thường. Ngay lối vào chợ là hàng bán lá dong. Lá dong được xếp thành từng đống lớn gọn ghẽ, xanh mươn mướt. Cạnh đó là những bó ống dang để chẻ lạt, gói bánh chưng. Kế đó là dãy bán măng khô, nấm hương, mộc nhĩ,… và các loại cây thuốc quý như cam thảo, sa nhân, hồi, quế – những đặc sản mang hương vị của núi rừng. Các cô bán hàng, giọng ngọt như đường, đon đả chào mời khách mua hàng. Bên trái chợ là khu bán hoa quả. Những quả chuối vàng ruộm, mập mạp, đều đặn trông như những ngón tay đang khum khum xoè ra. Quả bưởi to, tròn màu nắng ấm, còn nguyen cuống lá xanh. Những rổ cam ngọt lành, quả hồng xiêm màu nâu xám. Còn nữa là chùm nho tím với những quả treo lúc lỉu, mọng nước… Tất cả đều được cô bán hàng sắp xếp nhìn thật vui mắt. Chếch sang một chút là nơi bán rau, đủ các loại cây nhà lá vườn. Củ su hào còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối, chín căng mọng xếp vào từng giỏ lớn cạnh những bó hành dọc xanh, củ trắng nõn nà. Tất cả đều tươi xanh roi rói. Đi tiến lên chút nữa là quầy bán bánh kẹo. Những hộp mứt, hộp kẹo, bánh được trang trí với nhiều hình dạng và màu sắc sặc sỡ trông thật bắt mắt. Những thỏi kẹo sôcôla hay những gói bánh trứng càng vì thế mà ngon lành hơn. Những lon bia, chai rượu cũng được tô điểm mới lạ, đẹp hơn mọi ngày. Mẹ tôi vào lựa hai chai rượu một gói bánh về chuẩn bị thắp hương. Bước ra khỏi quầy bánh kẹo, tôi và mẹ đến xem quần áo tại một cửa hàng đối diện. Những tấm thổ cẩm, những tấm vải dệt rực rỗ sắc màu làm tôi hoa cả mắtKẻ mua, người bán ồn ào, tấp nập. Mấy cô gái trẻ ướm thử những thứ mình định mua rồi quay ra nhìn nhau cười khúc khích. Mẹ chọn cho tôi và Đạt mỗi đứa một bộ để diện đi chơi Tết. Chen giữa dòng người, hai mẹ con tôi như bị cuốn đi trong nhuẽng tiếng chào mời tíu tít. Luồn lách mãi mới đến được hàng hoa. Vươn lên tán lá dày, xanh mát là hàng chục bông hồng đua nhau toả hương khoe sắc. Chúng khoác lên mmình bộ dạ hội đỏ thắm, cao sang cùng những viên kim cương điểm xuyết cho tà áo rực rỡ. Cạnh đó là những bông cúc gắn liền với mùa thu trong sáng, dịu êm. Những bông hoa vàng tươi, kiêu hãnh chao nghiêng theo làn gió nhẹ khoe những cánh vàng e ấp, mịn màng. Chúng như mời gọi các nàng ong, nàng bướm tụ hội. A, kia rồi! Cây bích đào duyên dáng với hàng ngàn, hàng vạn chồi non, lộc biếc như vô vàn những ánh nến lấp lánh ẩn hiện dưới nắng sớm. Nép sau tà áo xanh mơn mởn, những cánh hoa phơn phớt hồng đầu tiên đã hé nở, chào đón Tết đến. Cạnh đó là nơi bán đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ để trang trí nhà cửa, cầu cho mọi nguời năm mới tốt lành.

Chợ Tết năm nay còn bán cả cá cảnh. Những chú cá vàng, cá đen múa lượn, khoe vẻ kiều diễm của mình trong làn nước trong lành. Gần cuối chợ là nơi bán gia súc. Những chú lợn con bị nhốt trong rọ, nghếch mõm ngó người mua. Đàn gà nhép lông mượt như tơ, liếp chiếp trong lồng, nhớn nhác nhìn cảnh lạ. Lũ vịt bị trói chân thành từng cặp, lâu lâu lại đập cánh phành phạch rồi kêu“cạc… cạc” ầm ĩ. Chị mái mơ “cục ta… cục tác” hồi lâu khi bị lạc đàn. Rồi anh chàng lợn tinh vi cũng hùa theo“ụt…ịt”. Tất cả làm khu chợ càng trở nên huyên náo. Ôi, nhanh thật! Vậy là đã đến cửa hàng cuối cùng của chợ. Đó là hàng bán câu đối và tranh Tết. Trên những dải lụa đỏ thắm, mềm mại là những vần thơ bay bướm mà thấu tình người. Những bức tranh gà, tranh lợn, tranh cá chép trông trăng được người dân nơi tôi rất thích thú. Người ta mua chúng về để nhà cửa thêm đẹp và sang trọng, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Quả là một thú vui tao nhã. Giờ đây, chợ đã đông nghìn nghịt và hai mẹ con tôi cũng đã xem xong hết các mặt hàng. Tôi và mẹ nhanh chân rảo bước về nhà với chiếc làn nặng trĩu đồ đạc. Chợ Tết năm nay vui quá!

Niềm vui ở chợ Tết theo bước chân mẹ con tôi đến tận nhà. Tôi mong rằng chợ Tết năm sau mình sẽ được ngắm nhìn nhiều điều mới lạ hơn nữa.