Định hướng cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2015

Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung, thay cho hai kỳ thi như các năm trước: thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Nhiều bạn học sinh băn khoăn, khi một kỳ thi chung mà thực hiện hai nhiệm vụ cùng một lúc, chứng nhận tốt nghiệp cho học sinh học hết trung học phổ thông và làm cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, thì đề thi sẽ như thế nào. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra một số nhận định và xu hướng về cấu trúc chung đề thi cho kỳ thi chung này để các bạn học sinh tham khảo và có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm 2015.

Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện là trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, phải tạo được cho học sinh môi trường học tập và thi cử một cách thuận lợi để phát huy năng lực sở trường riêng của cá nhân theo định hướng nghề nghiệp hoặc học lên. Ngay từ năm học này, việc thi, kiểm tra đánh giá môn học sẽ theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.

Đề thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.  Trong đó, học sinh chú ý đề thi sẽ có các phần như: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nếu các em nắm vững kiến thức vận dụng được những kiến thức đó trong bài thi chắc chắn các em sẽ dễ dàng vượt qua và đạt được điểm thi cao trong kỳ thi sắp tới.

Các môn thi tự luận là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý với thời gian làm bài 180 phút; các môn thi trắc nghiệm là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ với thời gian thi 90 phút. Giống như đề thi ĐH, CĐ năm ngoái, đề thi quốc gia sẽ gồm các câu hỏi thống nhất, không còn chia thành hai phần bắt buộc và tự chọn. Đặc biệt, trong kỳ thi quốc gia, đề thi Ngoại ngữ năm 2015 sẽ quay trở lại cấu trúc như cũ với hình thức trắc nghiệm (thời gian 90 phút) mà không còn câu hỏi viết luận như năm 2014.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề thi quốc gia năm 2015 sẽ không tách riêng phần dành cho xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ. Chỉ có một đề thi và có thêm câu hỏi nâng cao để đủ phân loại thí sinh, làm cơ sở căn cứ vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Và đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. Giải đáp thêm vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong năm đầu tiên thực hiện kỳ thi quốc gia chung, những thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (TOEFL, IELTS,...) được miễn thi tốt nghiệp, còn các chứng chỉ khác sẽ được nêu rõ trong quy chế (Bộ GD&ĐT sẽ ban hành trong thời gian tới). Bộ GD&ĐT sẽ thành lập trung tâm ngoại ngữ quốc gia để cấp chứng chỉ xét miễn thi. Như vậy, không phải chứng chỉ Ngoại ngữ nào cũng được vào diện miễn thi tốt nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mặc dù có kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng nhiều trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh riêng theo các phương thức khác nhau. Liên quan đến chuyện nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng, thì kỳ thi quốc gia thay đổi như thế nào? Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các Cụm thi tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro điểm thi cao mà vẫn trượt ĐH như quy định của kỳ thi “3 chung” trước đây.

Đề thi sẽ phân hoá trình độ thí sinh và hướng tới 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ).

Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình học ở THPT như các kỳ thi năm 2014. Vì vậy, các em yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, nhằm tạo thuận lợi cho các em có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành học phù hợp.

Năm 2015, kỳ thi quốc gia được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6./.

Khách