Nội dung lý thuyết
- Đoạn trích thuộc phần gia biến và lưu lạc, mở đầu kiếp đoạn trường của người con gái họ Vương.
- Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Cha và em bị bắt giam. Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và em. Mụ mối đưa người khách đến. Đoạn thơ viết về đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, cuộc mua bán được ngụy trang dưới hình thức lễ vấn danh.
- Về diện mạo, cử chỉ: vẻ ngoài thì chải chuốt mà lố lăng, không phù hợp, tuổi ngoài 40 mà vẫn "mày râu nhẵn nhịu áo quần bảnh bao", cách nói năng thì cộc lốc, vô lễ: "Hỏi tên, rằng... - Hỏi quê, rằng...". Câu trả lời nhát gừng, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi, đó chỉ là lời nói của kẻ vô học hoặc hợm của, cậy tiền. Cử chỉ, thái độ thì bất lịch sự đến trơ trẽn, hỗn hào: "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng". Ghế trên là ghế ở vị trí trang trọng, dành cho các bậc cao niên, bậc huynh trưởng đáng kính. Kẻ đi hỏi vợ là hàng con cái mà lại "ngồi tót" thì thật chướng mắt, vô lễ.
- Về bản chất, Mã Giám Sinh là điển hình của bản chất con buôn lưu manh với đặc tính hỉa dối, bất nhân và vì tiền:
+ Giả dối từ lai lịch xuất thân mù mờ, giới thiệu là khách phương xa (viễn khách) mà lại xưng quê "cũng gần". Đến tướng mạo, tính danh cũng giả dối, tuổi tác đã nhiều nhưng lại cố tô vẽ cho trẻ, ra vẻ thư sinh phong lưu, lịch sự mà "trước thầy sau tớ lao xao" rất láo nháo, ô hợp.
+ Bản chất bất nhân, vì tiền của Mã Giám Sinh bộc lộ qua cảnh mua bán Thúy Kiều. Bất nhân trong hành động, trong thái độ đối xử với Kiều như một đồ vật đem bán, cân đong, đo đếm cả nhan sắc và tài hoa: "Đắn đo cân sắc, cân tài". Bất nhân trong tâm lý lạnh lùng, vô cảm trước hoàn cảnh của Kiều và tâm lí mãn nguyện, hợm hĩnh: "Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong". Bản chất vì tiền trong hành động mặc cả, keo kiệt: "Cò kè bớt một thêm hai". Nếu trước đó, khi giành "ghế trên", Mã vội vàng "ngồi tót" thì lúc mua Kiều, hắn lại hết sức chậm rãi, tính toán chi li, hết "đắn đo", hết "thử tài" lại "cò kè", "thêm","bớt". Câu thơ "Cò kè bớt một thêm hai" gợi cảnh kẻ mua người bán đưa đẩy món hàng, túi tiền được cởi ra, nâng lên, đặt xuống.
=> Mã Giám Sinh hiện lên qua ngôn ngữ miêu tả trực diện của tác giả. Hình ảnh nhân vật phản diện được miêu tả bằng nét bút hiện thực, hoàn chỉnh cả về diện mạo và tính cách. Nhân vật Mã Giám Sinh được khắc họa cụ thể, sinh động, đồng thời mang lại ý nghĩa khái quát về một loại người giả dối, vô học, bất nhân.
- Nàng xót xa vì gia đình bị tai bay vạ gió mà mình phải bán mình, phải dứt bỏ mối tình với Kim Trọng để lúc này nàng tự thấy hổ thẹn, tự coi mình là người bội ước.
- Giờ đây, đứng trước một kẻ như Mã Giám Sinh làm sao nàng không đau đớn, tái tê khi rơi vào tay hắn.
- Nàng đau khổ đến câm lặng, hành động như một cái máy, những bước chân tỷ lệ thuận với những hàng nước mắt.
- Đau đớn, tủi nhục, ê chề, Kiều là hiện thân của những con người đau khổ, là nạn nhân của thế lực đồng tiền.
- Tác giả tỏ thái độ khinh bỉ và căm phẫn sâu sắc bọn buôn người, đồng thời tố cáo thế lực đồng tiền chà đạp lên con người.
+ Miêu tả Mã Giám Sinh với cái nhìn mỉa mai, châm biếm.
+ Lời nhận xét: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”, thể hiện sự chua xót, căm phẫn, tố cáo thế lực đồng tiền chà đạp lên con người. Đồng tiền biến nhan sắc thành món hàig tủi nhục, biến kẻ táng tận lương tâm thành kẻ mãn nguyện, tự đắc. Thế lực đồng tiền cùng với thế lực lưu manh, thế lực quan lại đã hùa vào với nhau tàn phá gia đình Kiều, tàn phá cuộc đời Kiều.
- Nguyễn Du thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước thực trạng con người bị hạ thấp, chà đạp. Nhà thơ như hóa thân vào nhân vật để nói lên nỗi đau đớn, tủi hổ của Thúy Kiều.
1. Nghệ thuật
Nghệ thuật tả người (nhân vật phản diện) tả thực, từ dẫn dắt ngoại hình để làm nổi bật bản chất nhân vật.
2. Nội dung
- Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một bức tranh hiện thực về xã hội đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du. Tác giả đã phơi bày và lên án thực trạng xã hội xấu xa, con người bị biến thành hàng hóa, đồng tiền và những thế lực tàn bạo chà đạp lên tất cả.
- Nhà thơ thương cảm, xót xa trước thực trạng con người bị hạ thấp, bị chà đạp.