Kiều ở lầu Ngưng Bích- Nguyễn Du

Nội dung lý thuyết

I. Tìm hiểu chung

Kiều ở lầu Ngưng Bích

1. Vị trí đoạn trích

- Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm ở phần Gia biến và lưu lạc của truyện Kiều.

- Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú Bà mắng nhiếc, Kiều quyết định không chịu tiếp khách làng chơi, không chịu chấp nhận cuộc sống lầu xanh. Đau đớn, tủi nhục, phẫn uất nàng quyết định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn bèn lựa lời khuyên giải, dụ dỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả nàng cho người tử tế. Tú Bà đưa Kiều ra sống riêng ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng để thực hiện âm mưu mới đê tiện, tàn bạo hơn.

2. Bố cục

Đoạn trích chia làm 3 phần:

- 6 câu thơ đầu: Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều.

- 8 câu tiếp: Nỗi nhớ thương Kim Trọng và thương nhớ cha mẹ của nàng.

- 8 câu cuối: Tâm trạng âu lo, đau buồn của Kiều thể hiện qua cách nhìn cảnh vật.

@91411@

II .Đọc - hiểu văn bản

1.  6 câu thơ đầu: Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều

- Ngưng Bích (tên lầu): đọng lại sắc biếc.

- Khóa xuân: khóa tuổi xuân lại, ý nói cấm cung. Cho thấy Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng.

- Nàng trơ trọi giữa không gian mênh mông, hoang vắng. Câu thơ sáu chữ, chữ nào cũng gợi lên sự rợn ngợp của không gian: "Bốn bề bát ngát xa trông".

- Cảnh "non xa" , "trăng ngần" như gợi lên hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi giữa mênh mang trời nước. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mù mịt. Cái lầu chơi vơi ấy giam một thân phận trơ trọi, không một bóng người, không sự giao lưu giữa người với người.

- Hình ảnh "non xa", "trăng ngần", "cát vàng", "bụi hồng" có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều.

- Cụm từ "mây sớm đèn khuya" gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Thời gian cũng như kìm hãm con người. Sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều "thui tủi quê người một thân". Nàng chỉ còn biết làm bạn với "mây sớm đèn khuya". Nàng rơi vào hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối.

@91412@@91413@

  2. 8 câu tiếp: Nỗi thương nhớ Kim Trọng, thương nhớ cha mẹ

 a. Nỗi nhớ Kim Trọng

- Không phải Kiều không thương nhớ cha mẹ, nhưng sau gia biến, nàng coi như đã làm trọn bổn phận làm con với cha mẹ. Bao nhiêu việc xảy ra, giờ đây một mình ở lầu Ngưng Bích, nàng nhớ về người yêu trước hết (nàng coi mình đã phụ tình Kim Trọng).

- Nhớ cảnh thề nguyền.

- Hình dung Kim Trọng đang mong đợi.

- Nỗi nhớ không gì có thể làm phai nhạt.

- Ân hận, giày vò vì đã phụ tình chàng Kim.

- Câu thơ "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai" có hai cách hiểu: tấm lòng son là tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi, hoặc tấm lòng son của Kiều bị vùi dập hoen ố, biết bao giờ gột rửa được. 

b. Nỗi nhớ mẹ cha

- Nàng thương cha mẹ khi sáng, khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong sự đỡ đần.

- Nàng xót xa lúc cha mẹ tuổi già sức yếu mà nàng không được tự tay chăm sóc và hiện thời ai người trông nom.

+ Xót người tựa cửa hôm mai=> gợi hình ảnh người mẹ tựa cửa trông đợi tin con.

+ Quạt nồng ấp lạnh: mùa hè, trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ, mùa đông trời lạnh giá thì nằm trước trong giường (ấp chiếu chăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ nằm đã ấm sẵn. Câu này có ý nói Thúy Kiều lo lắng không biết ai sẽ phụng dưỡng cha mẹ.

+ Sân Lai: Sân nhà lão Lai tử: theo truyện xưa thì Lai Tử là một người con rất hiếu thảo. tuy đã già rồi mà còn nhảy múa ở ngoài sân để cha mẹ vui.

- Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà tất cả đã thay đổi mà sự đổi thay lớn nhất là "gốc tử đã có người ôm", nghĩa là cha mẹ ngày thêm một già yếu. Cụm từ "cách mấy nắng mưa" vừa nói thời gian cách xa bao mùa mưa nắng, vừa nói lên được sức mạnh tàn phá của thiên nhiên, của nắng mưa đối với cảnh vật và đối với con người. Lần nào khi nhớ về cha mẹ, Kiều cũng "nhớ ơn chín chữ cao sâu" và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy của cha mẹ.

=> Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất, nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ. Kiều là người tình thủy chung, người con hiếu thảo, người có tấm lòng vị tha đáng trọng.

@91414@@91415@

.       3. 8 câu cuối: Tâm trạng buồn lo của Kiều

- Diễn tả tâm trạng của Kiều, Nguyễn Du đã chọn cách biểu hiện "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này". Mỗi biểu hiện của cảnh chiều tà bên bờ biển, từ cánh buồm thấp thoáng, cánh "hoa trôi man mác" đến "nội cỏ rầu rầu", tiếng sóng ầm ầm, đều thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều: sự cô đơn, thân phận vô định, nỗi buồn tha hương, lòng thương nhớ người yêu, cha mẹ và sự bàng hoàng lo sợ.

- Cảnh lầu Ngưng Bích được nhìn qua tâm trạng của Kiều: cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ. Ngọn gió cuốn mặt duềnh và tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là cảnh tượng hãi hùng, như báo trước dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều.

- Cụm từ "buồn trông" mở đầu câu thơ sáu chữ, tạo âm hưởng trầm buồn. "Buồn trông" đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng. 

@91416@@91417@

III.Tổng kết

1.  Nghệ thuật

- Bút pháp miêu tả tài tình (tả cảnh ngụ tình), khắc họa tâm lý nhân vật, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, điệp ngữ liên hoàn, đối xứng, hình ảnh ẩn dụ.

- Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật: diễn biến tâm trạng được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

2.  Nội dung

 Nỗi buồn nhớ sâu sắc của Kiều khi ở Lầu Ngưng Bích  chính là tâm trạng cô đơn lẻ loi, ngổn ngang nhiều mối, đau đớn vì phải dứt bỏ mối tình với chàng Kim, xót thương cha mẹ đơn côi, tương lai vô định.