Đề bài : Cảm nhận về bài thơ "Rằm tháng Giêng" - Hồ Chí Minh

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
4 coin

Đề bài : Cảm nhận về bài thơ Rằm tháng Giêng.

Rằm tháng giêng là một trong những bài thơ đặc sắc trong thơ ca kháng chiến chống Pháp của chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người sáng tác ở chiến khu Việt Bắc. Bài thơ đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp đẽ về khung cảnh thiên nhiên cũng như tâm hồn, tình cảm của Bác dành cho đất nước.
Đọc bài thơ, tôi vô cùng thích thú vì được chiêm ngưỡng khung cảnh đêm trăng rằm tháng giêng trên sông qua ngòi bút tài hoa của Người. Câu đầu của bài thơ thật tự nhiên:
“ Kim dạ nguyên tiêu, nguyệt chính viên”
Câu thơ giúp ta hình dung được bầu trời cao rộng, vầng trăng sáng. Bản dịch của Xuân Thủy là “ lồng lộng” tuy đẹp nhưng đã đánh mất đi cái vẻ tròn đầy của trăng. Còn trong nguyên tác chữ Hán, hình ảnh trăng lại được gợi lên qua ba từ “ nguyệt chính viên” . Cụm từ này giúp ta hình dung vầng trăng đã tròn lại ở thời điểm giữa tháng nên đầy đặn, tròn trĩnh hơn. Sức tỏa sáng của trăng làm cho cảnh vật từ trời cao đến dòng sông, mặt nước đều sáng lên vẻ tươi mới, trẻ trung, xuân sắc. Ánh trăng chan chứa tràn ngập không gian. Quả là một đêm rằm thật đẹp. Khung cảnh đêm rằm tháng giêng còn được hiện lên thật đẹp qua hình ảnh:
“ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên”
Điệp ngữ “ xuân” lặp lại ba lần được đặt cạnh nhau gợi sức sống của mùa xuân ngập tràn, đầy ắp không gian vũ trụ. Dòng sông, mặt nước như được tiếp liền với bầu trời. Thật tiếc ở bản dịch thơ người dịch làm mất đi một từ xuân: “ Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân” nên phần nào làm giảm đi sức sống mùa xuân đang tràn đầy. Hai câu thơ đầu thật đẹp giúp ta hình dung một không gian rộng lớn, bát ngát, ngập tràn ánh trăng và sức sống của mùa xuân.
Nếu như hai câu đầu cuốn hút tôi khiến tôi say sưa thưởng ngoạn cảnh đêm rằm thì hai câu cuối đã làm tôi vô cùng xúc động trước tâm hồn, tình cảm cao đẹp của Người. Ý thơ đột ngột chuyển đổi:
“ Yên ba thâm sứ đàm quân sự,”
Câu thơ đưa tôi trở lại thực tế của những năm 1947- 1948 trong cuộc kháng chiến. Bác không đón trăng trong khung cảnh bình thường như bao thi sĩ khác để có thể ngâm một bài thơ về trăng. Bác đón trăng trên khói sóng của một dòng sông kín đáo và bí mật để bàn việc đánh giặc. Cụm từ“ đàm quân sự” giúp tôi hình dung Bác cùng với các cán bộ của Đảng đang ngồi trên thuyền bàn bạc công việc của kháng chiến, của đất nước. Thật xúc động biết bao! Bởi trước thiên nhiên, trăng nước tươi đẹp ấy, Bác kính yêu của chúng ta vẫn vì dân, vì nước quên cả nghỉ ngơi. Người vẫn chủ động trong công việc, vững vàng đưa con thuyền Cách mạng đến bờ thắng lợi. Mải mê công việc, không biết trăng xuống khi nào, khi trở về nguyệt đã “ mãn thuyền”, con thuyền ấy đã đầy ắp ánh trăng:
“ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
Kết thúc bài thơ là một hình ảnh đẹp, đầy thi vị. Bác Hồ của chúng ta đã tiếp thu và sáng tạo ý thơ của người xưa. Nhà thơ Trương Kế ở Trung Quốc đời Đường có viết:
“ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
Hay là nhà thơ Nguyễn Công Chứ:
“ Gió trăng chứa một thuyền đầy
Cửa kho vô tận biết ngày nào vơi”
Cái hay cái mới trong câu thơ của Bác chính là ở chỗ: câu thơ cho người đọc thấy trước mắt mình hình ảnh con thuyền từ nơi thâm xứ bơi ra vùng ánh sáng, trở thành thuyền trăng, trôi trên sông trăng giữa bầu trời xuân. Hình ảnh thật đẹp, lung linh, huyền ảo ngập tràn ánh trăng vàng. Đó có thể là ánh sáng từ vầng trăng tròn hay ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Bác; hay ánh sáng tương lai thắng lợi của cuộc kháng chiến và cũng rất có thể rằng đó chính là ánh sáng xuất phát từ lòng yêu thiên nhiên đất nước của Bác.
Cả bài thơ, màu sắc cổ điển và hiện đại đã được kết hợp hài hòa, tinh tế. Bài thơ ngắn gọn, xinh xắn mà hàm súc biết bao! Tôi rất thán phục tài năng nghệ thuật của Bác.
“ Rằm tháng giêng” là một bài thơ Đường luật tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh, xứng danh là một bài thơ tuyệt bút của văn học hiện đại Việt Nam. Bài thơ đã khép lại nhưng âm hưởng của nó vẫn còn mãi trong tôi. Ánh trăng đêm rằm tháng giêng ấy sẽ còn tỏa sáng mãi tới mai sau. Và bài thơ cũng vậy, sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.

Danh sách các phiên bản khác của bài học này. Xem hướng dẫn
Trúc Giang đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (8 tháng 8 2021 lúc 20:19) 0 lượt thích

Khách