Bài 12. Vùng Đồng bằng sông Hồng (phần 1)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Có diện tích hơn 21 nghìn km2 (chiếm 6,4% diện tích cả nước); gồm 11 các tỉnh, thành phố.

- Vùng Đồng bằng sông Hồng giáp với Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và nước láng giềng Trung Quốc; phía đông có vùng biển rộng thuộc vịnh Bắc Bộ với nhiều đảo như đảo Cô Tô, Cái Bầu (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng),...

- Đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ; có các tuyến đường ô tô, đường sắt, đường biển, cảng hàng không, cửa khẩu giúp kết nối với các vùng trong nước và thế giới thuận lợi. Trong vùng có Thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là động lực thu hút nguồn lực, thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a. Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

- Địa hình và đất:

+ Phần lớn diện tích vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ => Thích hợp trồng cây lương thực (nhất là cây lúa), cây thực phẩm và cây ăn quả.

+ Khu vực đồi núi có đất feralit => Thích hợp cho phát triển rừng, cây công nghiệp, cây dược liệu.

+ Ngoài ra, ven biển còn có đất mặn, đất phèn; một số nơi có đất xám trên phù sa cổ cũng có thể khai thác cho sản xuất

- Khí hậu:

+ Vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nhiệt độ trung bình năm trên 23°C, lượng mưa dao động từ 1 500 - 2 000 mm/năm, trong năm có một mùa đông lạnh.

+ Nhìn chung, khí hậu thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển quanh năm, tạo điều kiện để xen canh, tăng vụ, đặc biệt có thế mạnh trồng cây ưa lạnh.

- Nguồn nước:

+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc với hai hệ thống sông lớn là hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình; nhiều hồ, vùng trũng => Thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

+ Vùng có một số nguồn nước khoáng ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình => Có thể khai thác cho công nghiệp sản xuất đồ uống và phát triển du lịch.

- Sinh vật:

+ Có tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng.

+ Rừng có ở khu vực đồi núi, ven biển, trên một số đảo.

+ Ở đây có các vườn quốc gia như Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Xuân Thuỷ, Bái Tử Long và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Châu thổ sông Hồng với nhiều loài động vật và thực vật quý hiếm.

+ Ở các hệ thống sông và vùng biển có nhiều loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao.

b. Vấn đề phát triển kinh tế biển

Biển là thế mạnh để phát triển kinh tế của vùng.

- Có vùng biển rộng lớn với nhiều đảo và quần đảo; đường bờ biển kéo dài từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với nhiều vũng vịnh, cửa sông => Thuận lợi để xây dựng cảng biển, phát triển giao thông vận tải đường biển, nổi bật là ở Hải Phòng và Quảng Ninh.

- Có nhiều cảnh đẹp, nhất là ở vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà,... ngoài ra còn có các khu dự trữ sinh quyển thế giới => Là cơ sở để phát triển du lịch biển.

- Có nhiều hải sản thuận lợi cho việc khai thác; ven bờ và ven các đảo thuận lợi cho nuôi trồng hải sản.

- Ngoài ra, vùng biển Quảng Ninh còn có tiềm năng về cát thủy tinh, ti-tan; Thái Bình có tiềm năng về khí tự nhiên (Tiền Hải); một số nơi trong vùng phát triển nghề làm muối,...

- Hiện nay, ở Đồng bằng sông Hồng đã hình thành một số khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng),...

- Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Hồng cũng gây ra một số vấn đề về ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên => Cần chú trọng phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.