Bài 12. Vùng Đồng bằng sông Hồng (phần 1)

Mở đầu (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 158)

Hướng dẫn giải

- Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư và nguồn lao động đến phát triển kinh tế - xã hội:

+ Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên: địa hình đồng bằng, đất phù sa, địa hình đồi núi đất feralit, ven biển có đất mặn, đất phèn, một số nơi có đất xám trên phù sa cổ; khí hụa nhiệt đới ẩm gió mùa, có một mùa đông lạnh; mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều hồ, vùng trũng, nguồn nước khoáng; tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều loài thủy sản giá trị kinh tế cao.

+ Dân cư và nguồn lao động: dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, thành phần dân tộc đa dạng, nguồn lao động dồi dào, trình độ lao động ngày càng nâng cao. Dân dông gây sức ép lên các vấn đề xã hội, lao động tập trung ở các thành phố gây khó khăn cho giải quyết việc làm.

- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế của vùng:

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: chiếm tỉ trọng nhỏ, xu hướng giảm

+ Công nghiệp: hình thành sớm nhất cả nước, phát triển mạnh, tổng sản phẩm đóng góp 35% GRDP vùng, cơ cấu ngành đa dạng.

+ Dịch vụ: đóng góp 42,1% GRDP vùng, đa dạng hoạt động dịch vụ, nhiều lĩnh vực khác nhau.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 158)

Hướng dẫn giải

- Diện tích hơn 12 nghìn km2, chiếm 6,4% diện tích cả nước; gồm các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

- Giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; nước làng giềng Trung Quốc; phía đông có vùng biển rộng thuộc vịnh Bắc Bộ với nhiều đảo như Cô Tô, Cái Bầu (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng),…

- Là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ; có các tuyến đường ô tô, đường sắt, đường biển, cảng hàng không, cửa khẩu giúp kết nối với các vùng trong nước và thế giới thuận lợi. Có Thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là động lực thu hút nguồn lực, thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 2.a (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 160)

Hướng dẫn giải

- Địa hình và đất: phần lớn địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ, thích hợp trồng cây lương thực (nhất là cây lúa), cây thực phẩm và cây ăn quả. Khu vực đồi núi có đất feralit thích hợp cho phát triển rừng, cây công nghiệp, cây dược liệu. Ven biển có đất mặn, đất phèn; một số nơi có đất xám trên phù sa cổ, có thể khai thác cho sản xuất nông nghiệp.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 23°C, lượng mưa từ 1500 - 2000 mm/năm, có một mùa đông lạnh. Thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển quanh năm, tạo điều kiện xen canh, tăng vụ, thế mạnh trồng cây ưa lạnh.

- Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2 hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình; nhiều hồ, vùng trũng, thuận lợi sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nguồn nước khoáng ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình có thể khai thác cho công nghiệp sản xuất đồ uống và phát triển du lịch.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 2.b (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 160)

Hướng dẫn giải

- Vùng có vùng biển rộng lớn, nhiều đảo và quần đảo; đường bờ biển kéo dài từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với nhiều vũng vịnh, cửa sông thuận lợi để xây dựng cảng biển, phát triển giao thông vận tải đường biển, nổi bật là ở Hải Phòng, Quảng Ninh.

- Vùng biển có nhiều cảnh đẹp, nhất là ở vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà,… các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Là cơ sở để phát triển du lịch biển.

- Có nhiều hải sản thuận lợi cho khai thác; ven bờ và ven các đảo thuận lợi cho nuôi trồng hải sản. Tiềm năng về cát thủy tinh, ti-tan; Thái Bình có tiềm năng về khí tự nhiên; một số nơi phát triển nghề làm muối,…

- Hình thành một số khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng),…

- Việc phát triển kinh tế biển gây ra một số vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên. Do vậy, cần chú trọng phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 3.a (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 161)

Hướng dẫn giải

Phân tích đặc điểm dân cư vùng Đồng bằng sông Hồng.

- Quy mô và gia tăng dân số: quy mô dân số lớn, năm 2021 là 23,2 triệu người, chiếm 23,6% cả nước. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao (1,07% năm 2021).

- Cơ cấu dân số: nhóm người dưới 15 tuổi chiếm khoảng 25%, từ 15 đến 64 tuổi chiếm khoảng 65%, người từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 10% dân số vùng (2021).

- Phân bố dân cư: năm 2021, mật độ dân số vùng là 1091 người/km2, cao gấp 3,7 lần cả nước. Dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn nhiều hơn ở thành thị.

- Thành phần dân tộc: có nhiều dân tộc cùng chung sống là Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Mường,…

Ảnh hưởng của dân cư đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng.

- Dân số đông tạo nên thị trường tiêu thụ rộng lớn, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Dân số đông cũng gây sức ép tới chỗ ở, giáo dục, y tế, môi trường,…

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 3.b (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 161)

Hướng dẫn giải

- Số lượng: nguồn lao động dồi dào, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có khoảng 11,4 triệu người, chiếm gần 50% tổng số dân toàn vùng (2021).

Chất lượng: có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trình độ lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đứng đầu cả nước.

Phân bố: tỉ lệ lao động khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ ngày càng tăng (chiếm khoảng 86% tổng số lao động toàn vùng năm 2021). Lao động có trình độ cao tập trung ở các đô thị, nhất là Hà Nội và Hải Phòng.

- Nguồn lao động dồi dào và có trình độ cao là cơ sở thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lao động tập trung đông ở các thành phố cũng gây khó khăn cho vấn đề giải quyết việc làm.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 3.c (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 162)

Hướng dẫn giải

Vấn đề đô thị hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

- Đô thị được hình thành từ rất sớm. Thành Cổ Loa là đô thị đầu tiên của nước ta được xây dựng ở vùng này (từ thế kỉ III TCN). Suốt một thời gian dài, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, trình độ đô thị hóa thấp.

- Từ khi thực hiện Đổi mới đất nước, tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Tỉ lệ dân thành thị tăng và cao hơn trung bình cả nước. Có mạng lưới đô thị dày đặc, quy mô đô thị mở rộng; có Hà Nội là đô thị đặc biệt.

- Xu hướng đô thị hóa: hình thành các đô thị hiện đại, đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị vệ tinh, vùng đô thị,… chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng.

- Đô thị hóa góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao đời sống người dân trong vùng.

- Tuy nhiên, sự tập trung đông dân cư vào các đô thị lớn gây một số khó khăn cần giải quyết như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông,…

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 4 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 162)

Hướng dẫn giải

- Vị thế đặc biệt quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế,…

- Năm 2021, tổng sản phẩm của Hà Nội chiếm khoảng 41% GRDP toàn vùng Đồng bằng sông Hồng, khoảng 12% GDP cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và có trị giá xuất khẩu đứng hàng đầu cả nước.

- Có sức lan tỏa, thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Trong tương lai, Hà Nội phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 5.a (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 165)

Hướng dẫn giải

Sự phát triển và phân bố ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản:

- Nông nghiệp:

+ Trồng trọt: vùng sản xuất cây lương thực lớn thứ 2 cả nước, chủ yếu là cây lúa. Diện tích và sản lượng lúa xu hướng giảm, năng suất lúa đứng hàng đầu cả nước do trình độ thâm canh cao, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Địa phương trồng lúa nhiều: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương,… Thế mạnh trồng cây thực phẩm, nhất là cây vụ đông như khoai tây, su hào, cải bắp, cà chua, cà rốt,… ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây ăn quả xu hướng mở rộng diện tích, hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung như nhãn Hưng Yên, vải thiều Hải Dương,…

+ Chăn nuôi: chú trọng phát triển, phương thức chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn ngày càng phổ biến. Lợn và gia cầm là những vật nuôi quan trọng, đàn lợn chiếm khoảng 1/5, đàn gia cầm chiếm khoảng ¼ tổng số đàn của cả nước (2021). Địa phương nuôi nhiều lợn và gia cầm là Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định,…

- Thủy sản: hoạt động khai thác và nuôi trồng được đẩy mạnh, sản lượng thủy sản tăng liên tục. Phương tiện khai thác ngày càng hiện đại, nuôi trồng công nghiệp ngày càng phổ biến. Địa phương khai thác và nuôi trồng nhiều thủy sản là Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.

- Lâm nghiệp: diện tích rừng và sản lượng gỗ khai thác còn ít. Quảng Ninh có diện tích rừng và sản lượng gỗ khai thác lớn nhất. Gỗ được khai thác trong các rừng trồng sản xuất, chủ yếu phục vụ khai thác mỏ. Rừng được chú trọng bảo vệ, nhất là ở các vườn quốc gia, các khu dự trữ sinh quyển. Rừng phòng hộ ven biển và rừng sản xuất được mở rộng,… Nghề trồng dược liệu ở khu vực đồi núi ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu nhập cho người dân; các cây dược liệu giá trị kinh tế cao là ba kích, trà hoa vàng,…

Diện tích lúa ở Đồng bằng sông Hồng có xu hướng giảm.

- Diện tích lúa ở Đồng bằng sông Hồng có xu hướng giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả; xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở,…

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 5.b (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 166)

Hướng dẫn giải

- Công nghiệp hình thành sớm nhất cả nước, phát triển mạnh trong thời kì thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2021, tổng sản phẩm đóng góp khoảng 35% GRDP vùng.

- Cơ cấu ngành đa dạng, nổi bật là công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm (hầu hết các địa phương); sản xuất đồ uống (Hà Nội, Hải Phòng,…); dệt và sản xuất trang phục (Hưng Yên, Nam Định,…); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính (Bắc Ninh, Hà Nội,…); sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình,…); nhiệt điện (Quảng Ninh, Thái Bình,…), khai thác than (Quảng Ninh); sản xuất vật liệu xây dựng (Ninh Bình, Hà Nam,…).

- Mức độ tập trung công nghiệp vào loại cao nhất cả nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài với những thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điện tử, phương tiện vận tải,… Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng là những trung tâm công nghiệp lớn của vùng.

- Sự phát triển công nghiệp làm cho kinh tế vùng thay đổi tích cực, tuy nhiên dẫn đến nguy cơ suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Đây là những thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững của vùng. Hiện nay công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh,…

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)