Bài 10. Hi Lạp và La Mã cổ đại

Câu hỏi mở đầu (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 44)

Hướng dẫn giải

Ăng ghen nói: “Không có cơ sở của văn minh Hy Lạp thì không có châu Âu hiện đại.” Câu nói này đánh giá cao nền văn minh cổ đại Hy Lạp và La Mã là do:

- Trong dòng chảy của lịch sử văn minh phương Tây cổ đại, hai nền văn minh Hy Lạp và La Mã giữ vai trò nền tảng cho sự hình thành và phát triển của những cư dân gốc du mục, cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ từ các thành bang nhỏ bé. Do có cùng một phong cách nên hai nền văn minh này được gọi chung là nền văn minh Hy-La.

- Khác với các quốc gia cổ địa ở phương Đông, chủ yếu được hình thành ở những khu vực gần các con sông, thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp; còn văn minh phương Tây cổ đại được hình thành và phát triển trên những khu vực có điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, phức tạp – không thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp nhưng bù lại có sự trợ giúp tuyệt vời của biển đảo. Từ đó hình thành những con đường giao thương trên biển, hải cảng, tàu bè,… thúc đẩy giao lưu buôn bán giữa các nước; đồng thời mang những thành tựu văn hóa, văn minh truyền bá khắp thế giới.

- Sự phát triển của kinh tế thương nghiệp hàng hải đã tạo ra một nền kinh tế giàu mạnh cho các quốc gia phương Tây cổ đại. Đặc biệt là sự phát triển cực thịnh của chế độ chiếm nô và phương thức sản xuất mới đạt đến đỉnh cao của chế độ nó trong xã hội phương Tây cổ đại.

- Sự giàu mạnh về kinh tế chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy khát vọng mở rông lãnh thổ và ảnh hưởng đến các quốc gia khác.Văn minh Hy –La không chỉ đặt nền tảng vững chắc cho văn minh cổ đại mà còn là nền tảng xuyên suốt chiều dài lịch sử cho sự phát triển của các nước châu Âu đến nay.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Câu hỏi 1 mục 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 45)

Hướng dẫn giải

Hy Lạp cổ đại là một quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải, có vị trí địa lý rất quan trọng trong việc giao thương giữa phương Đông và phương Tây. Lãnh thổ Hy Lạp cổ đại bao gồm ba phần: phần Hy Lạp lục địa, Hy Lạp quần đảo và Hy Lạp Tiểu Á. – Hy Lạp lục địa tương ứng với lãnh thổ Hy Lạp ngày nay, là vùng đất ở nam bán đảo Bancăng, giống như một cái đinh ba từ đất liền chĩa ra Địa Trung Hải. Đây là vùng đất giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Hy Lạp. Toàn bộ vùng lục địa Hy Lạp được chia làm ba miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

+ Miền Bắc và miền Trung chia cắt nhau bởi đèo Técmôphin (Thermopil), nhưng cả hai đều có địa hình không bằng phẳng với nhiều rừng, núi, thung lũng, đèo chạy ngang dọc, tạo nên những biên giới thiên nhiên tạo thành nhiều khu vực nhỏ hẹp và hầu như tách biệt nhau. (Đây được xem như một trong những tiền đề tạo nên những quốc gia thành bang của lịch sử Hy Lạp cổ đại). Tuy nhiên, ở đây cũng có một số dải đồng bằng như đồng bằng Tétxali (Therssalie) ở miền Bắc, đồng bằng Attich (Attique), đồng bằng Bêôxi (Beotie) và đặc biệt là thành thị Athens (Athens) nổi tiếng ở miền Trung.

+ Miền Nam là bán đảo Pêlôpône (Peloponnesus) được ví như hình bàn tay bốn ngón xòe ra Địa Trung Hải. Ở đây có nhiều đồng bằng trù phú như đồng bằng Pêlôpône, Lacôni, Métxêni, Ácgôlít. Đây cũng là nơi xuất hiện nhà nước thành bang đầu tiên của Hy Lạp – thành bang Spart.

– Hy Lạp Tiểu Á là những vùng đất thuộc ven bờ Tiểu Á, nằm ở phía tây của đế quốc Ba Tư. Đất đai ở đây tương đối trù phú và bằng phẳng. Đây là vùng đồng bằng bình nguyên – nơi có thành thị Milê, quê hương của các nhà triết học theo trường phái Milê – do đó thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp. Vùng đất này mặc nhiên làm thành chiếc cầu nối giữa Hy Lạp với các nền văn minh cổ đại phương Đông.

– Vùng Hy Lạp quần đảo bao gồm những hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên biển Êgiê thuộc Địa Trung Hải, giống như một chuỗi ngọc trang điểm cho Hy Lạp lục địa. Các hòn đảo lớn của Hy Lạp cổ đại gồm có đảo Ơbê, đảo Látbốt, đảo Xamốt; dãy đảo Xiclát (trong đó có đảo Đêlốt – một trung tâm lớn về mậu dịch hàng hải trên biển Egiê của người Hy Lạp cổ) tạo thành một hành lang cầu nối giữa vùng Hy Lạp lục địa với vùng Hy Lạp Tiểu Á và đặc biệt, ở phía nam có đảo Cơrét – một trung tâm thương mại, đồng thời là trung tâm của nền văn minh tối cổ trong lịch sử Hy Lạp – văn minh Cơrét-Myxen. Tuy nhiên, lãnh thổ Hy Lạp cổ đại không ổn định, nó thay đổi theo sự hưng vong của từng thời kỳ lịch sử nhất định (dưới thời Alecxandre Đại đế, lãnh thổ Hy Lạp được mở rộng thêm rất nhiều). Biên giới biển Hy Lạp cổ đại rất dài, bờ biển có đặc trưng riêng ở hai nửa Đông – Tây. Bờ biển phía tây gồ ghề lởm chởm, không thuận tiện lắm cho việc hình thành các hải cảng. Bờ phía đông lại khúc khuỷu, hình răng cưa tạo ra nhiều vịnh, hải cảng tự nhiên, an toàn và thuận lợi cho tàu thuyền đi lại. Bờ biển phía tây của miền Hy Lạp Tiểu Á cũng tương tự như bờ biển phía đông Hy Lạp lục địa.

– Nằm ở khu vực Địa Trung Hải, Hy Lạp cổ đại thuộc vùng khí hậu ôn đới Địa Trung Hải – khí hậu lý tưởng cho sinh hoạt của con người và các hoạt động kinh tế với sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa không cao. Những ưu đãi của tự nhiên về khí hậu khiến cho cư dân Hy Lạp cổ đại có thể hoạt động sản xuất, buôn bán tất cả các mùa trong năm. Biển Egiê thanh bình tạo điều kiện cho hoạt động hàng hải phát triển mạnh. Theo các nhà mỹ thuật, khí hậu ở vùng Địa Trung Hải làm cho mọi vật trở nên sáng hơn, màu sắc được định hình rõ nét hơn. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân sản sinh ra nền nghệ thuật Hy Lạp cổ đại vô cùng rực rỡ.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi 2 mục 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 45)

Hướng dẫn giải

– Văn minh La Mã cổ đại được hình thành trên bán đảo Ý. Đây là một dải đất dài và hẹp giống hình chiếc ủng vươn dài từ lục địa ra biển Địa Trung Hải với diện tích khoảng 300.000 km2. Dãy núi Apennines như chiếc xương sống chạy dọc theo bán đảo từ tây bắc xuống đông nam. Phía Bắc bán đảo ý có dãy núi Alpes, một biên giới tự nhiên ngăn cách Ý với châu Âu; ba phía Tây, Nam và Đông đều tiếp giáp với biển. Ngoài ra, ở vùng biển phía Nam còn có đảo Scicile, vùng biển phía tây là đảo Coócxơ và đảo Xácđennhơ.

– Khác với Hy Lạp, bán đảo Ý không bị chia cắt thành những vùng biệt lập. Ở đây có khá nhiều đồng bằng màu mỡ, phân bố đều ở cả đất liền và hải đảo: đồng bằng sông Pô ở miền Bắc, đồng bằng sông Tibres ở miền Trung, và một số đồng bằng trên đảo Scicile… Đặc biệt, ở bán đảo Ý, nhất là ở miền Nam có nhiều đồng cỏ rộng lớn rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi và nghề nông. Song song đó, diện tích rừng núi khá lớn, tạo nên nguồn tài nguyên rừng khá phong phú. Về khoáng sản, La Mã cũng có một số kim loại quý như vàng, đồng, chì, sắt… Các vùng bờ biển phía Tây và Nam tương đối khúc khuỷu, thuận tiện hình thành các hải cảng và hoạt động mậu dịch hàng hải.

– Với biên giới ba mặt giáp biển, khí hậu ở Ý cũng giống khí hậu ở Hy Lạp, quanh năm ấm áp, ôn hòa (mùa đông dao động từ 6 – 11oC). Chính vì thế, người dân nơi đây có thể hoạt động sản xuất quanh năm, tàu thuyền đi lại thuận lợi – một điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế. Cũng như nhiều quốc gia cổ đại khác, điều kiện tự nhiên đã có những tác động rất lớn tới khuynh hướng phát triển kinh tế và hình thức tổ chức nhà nước của La Mã trong lịch sử.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 47)

Hướng dẫn giải

- Những nét chính về tổ chức nhà nước thành bang Hi Lạp:

+ Mỗi thành bang lấy một thành thị làm trung tâm, xung quanh là vùng đất trồng trọt. Thành thị có phố xá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát, bến cảng.

+ Mỗi thành bang là một nhà nước hoàn chỉnh: có đường biên giới lãnh thổ; có chính quyền; quân đội, luật pháp; hệ thống kinh tế, đo lường, tiền tệ và những vị thần bảo hộ riêng.

+ Mô hình thể chế chính trị, tổ chức nhà nước ở mỗi thành bang không giống nhau. Ví dụ: thành bang Xpac-ta theo thể chế Cộng hòa quý tộc; thành bang A-ten theo thể chế dân chủ chủ nô.

- Ưu điểm của tổ chức nhà nước thành bang:

+ Có thể đưa ra những chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực (vì mỗi thành bang là 1 nhà nước).

+ Dù cho mô hình thể chế chính trị của các thành bang có sự khác biết, song về cơ bản, các thành bang đều theo chế độ dân chủ, trong đó: các công dân có quyền thảo luận và biểu quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 47)

Hướng dẫn giải

Tổ chức nhà nước đế chế ở La Mã:

– Theo truyền thuyết, thành Roma do Romullus xây dựng vào năm 753 TCN trên bờ sông Tibres thuộc miền trung bán đảo Ý, nơi quần cư của 3 bộ lạc người Latin. Mỗi bộ lạc này bao gồm 100 thị tộc, cứ 10 thị tộc được gọi là một Curi (bào tộc). Các thành viên của các thị tộc này đều có quyền bình đẳng với nhau về kinh tế, chính trị và được gọi là công dân Roma.

– Quản lý xã hội thị tộc của người Roma thời kỳ này là 3 cơ quan: Đại hội nhân dân (Curi), Viện nguyên lão (Senat) và “Hoàng đế” (Rex).

+ Đại hội nhân dân: được coi là đại hội cổ xưa nhất của người Roma. Thành viên của Đại hội này gồm tất cả đàn ông của 300 thị tộc, mỗi người đại diện cho một lá phiếu quyết định những vấn đề quan trọng như tuyên chiến hay nghị hòa, xét xử, tế lễ và bầu ra một Hoàng đế (Rex).

+ Viện nguyên lão: gồm 300 người là những thủ lĩnh của 300 thị tộc. Là cơ quan quyền lực tối cao, quyết định hầu hết các công việc quan trọng của người Roma, được quyền thảo luận trước về những đạo luật, quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết những nghị quyết của Đại hội nhân dân.

+ Hoàng đế (Rex): Do Đại hội nhân dân và Viện nguyên lão bầu ra, không được cha truyền con nối và có thể bị Đại hội nhân dân bãi nhiệm. Thực chất, Rex chỉ là thủ lĩnh quân sự của 3 bộ lạc, là tăng lữ tối cao và xét xử những vụ kiện trong nội bộ.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 4 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 49)

Hướng dẫn giải

Một số thành tựu văn hóa của người Hy Lạp cổ đại vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay:

– Hệ thống chữ viết gồm 24 chữ cái

– Những tác phẩm văn học như hai bộ sử thi I-li-at và O-di-xe của Ho-me được lưu lại cho đời sau đặt nền móng cho văn học phương Tây

– Nhiều vở kịch được đựng thành phim của tác giả E-sin, Xo-phoc-clo, Ơ-ri-oit

– Định lí Ta-let, Pitago, Ac-si-met

– Sử học: He-ro-dot, Tu-xi-dit,…

– Triết học:  Xo-crat. A-ri-xtot, Pla-tong,….

– Công trình kiến trúc đồ sộ: đền Pac-te-nong, đền A-te-na, nhà hát Do-o-ni-xot,…

– Những tác phẩm điêu khắc như tượng thần Dớt, nữ thần A-te-na, tượng vệ nữ thành Mi-lo, bình gốm,….

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 49)

Hướng dẫn giải

Điều kiện tự nhiên tác động đến sự hình thành và phát triển của văn minh Hy Lạp, La Mã:

Đặc điểm chung:

- Là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, đường biên giới có 3 mặt tiếp giáp biển. Chính vì thế, địa hình ở đây gọi là địa hình mở (khác với Phương Đông là địa hình khép kín), có điều kiện giao lưu mạnh mẽ với các nề văn minh Phương Đông, đặc biệt là với Ai Cập và Lưỡng Hà. Do đó, người ta còn gọi đây là văn minh mở hay văn minh biển (phân biệt với văn minh khép kín, văn minh sông nước ở Phương Đông cổ đại).

- Điều kiện đất đai không thuận lợi cho việ trồng các loại cây lương thực. Phần lớn là loại đất cứng, khô, do vậy chỉ đến khi đồ sắt xuất hiện thì khối cư dân ở đây mới có điều kiện phát triển, nhà nước mới xuất hiện.

- Nằm trong khu vực khí hậu ôn đới Địa Trung Hải - loại hình khí hậu được xem là lý tưởng đối với cuộc sống của con người, hoạt động sản xuất và sinh hoạt văn hóa ngoài trời. Với loại hình khí hậu này, cảnh vật trở nên thơ mộng, sáng sủa và màu sắc được định hình rõ nét hơn.

- Có đường biên giới biển dài, khúc khuỷu, hình răng cưa, biển Địa Trung Hải thì hiền hòa, thuận lợi cho việc đi lại, trú ngụ của tàu thuyền và hình thành các hải cảng tự nhiên, đặc biệt là các hoạt động đánh bắt hải sản và mậu dịch hàng hải.

- Có một diện tích đảo khá lớn nằm rải rác trên Địa Trung Hải, đặc biệt là Hy Lạp, nơi ra đời và tồn tại nhiều thành thị và trung tâm thuơng mại từ rất sớm.

- Nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú: tài nguyên rừng đa dạng cùng nhiều khoáng sản quý như đồng, chì, sắt, vàng, đá quý, đất sét (Hy Lạp)…

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 49)

Hướng dẫn giải

- Em đồng ý với ý kiến cho rằng: Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đạt được những thành tựu văn hoá rực rỡ là do tiếp thu những thành tựu của người phương Đông cổ đại.

- Vì:

+ Nền văn minh phương Đông ra đời từ khoảng thiên niên kỉ IV TCN, trong khi đó, tới khoảng thiên niên kỉ I TCN, nền văn minh Hi Lạp và La Mã mới được hình thành. => Do phát triển sau, nên cư dân Hi Lạp - La Mã có điều kiện để học hỏi, tiếp thu những thành tựu văn hóa của phương Đông.

+ Thông qua quá trình giao lưu, buôn bán, các thành tựu văn minh phương Đông cũng dần được du nhập tới Hi Lạp, La Mã.

+ Cư dân Hi Lạp – La Mã tiếp thu có chọn lọc, có sáng tạo các thành tự văn minh phương Đông để làm phong phú thêm nền văn hóa của mình.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 49)

Hướng dẫn giải

Một số thành tựu văn hóa của Hy Lạp và La Mã còn được bảo tồn đến ngày nay:

- Hệ thống mẫ tự La-tin; hệ thống chữ số La Mã.

+ Dương lịch.

+ Các định lý, định đề khoa học.

+ Các tác phẩm văn học, sử học.

+ Một số công trình kiến trúc/ tác phẩm điêu khắc. Ví dụ: đấu trường Cô-li-dê; tượng thần Vệ nữ Mi-lô; tượng lực sĩ ném đĩa…

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)