– Văn minh La Mã cổ đại được hình thành trên bán đảo Ý. Đây là một dải đất dài và hẹp giống hình chiếc ủng vươn dài từ lục địa ra biển Địa Trung Hải với diện tích khoảng 300.000 km2. Dãy núi Apennines như chiếc xương sống chạy dọc theo bán đảo từ tây bắc xuống đông nam. Phía Bắc bán đảo ý có dãy núi Alpes, một biên giới tự nhiên ngăn cách Ý với châu Âu; ba phía Tây, Nam và Đông đều tiếp giáp với biển. Ngoài ra, ở vùng biển phía Nam còn có đảo Scicile, vùng biển phía tây là đảo Coócxơ và đảo Xácđennhơ.
– Khác với Hy Lạp, bán đảo Ý không bị chia cắt thành những vùng biệt lập. Ở đây có khá nhiều đồng bằng màu mỡ, phân bố đều ở cả đất liền và hải đảo: đồng bằng sông Pô ở miền Bắc, đồng bằng sông Tibres ở miền Trung, và một số đồng bằng trên đảo Scicile… Đặc biệt, ở bán đảo Ý, nhất là ở miền Nam có nhiều đồng cỏ rộng lớn rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi và nghề nông. Song song đó, diện tích rừng núi khá lớn, tạo nên nguồn tài nguyên rừng khá phong phú. Về khoáng sản, La Mã cũng có một số kim loại quý như vàng, đồng, chì, sắt… Các vùng bờ biển phía Tây và Nam tương đối khúc khuỷu, thuận tiện hình thành các hải cảng và hoạt động mậu dịch hàng hải.
– Với biên giới ba mặt giáp biển, khí hậu ở Ý cũng giống khí hậu ở Hy Lạp, quanh năm ấm áp, ôn hòa (mùa đông dao động từ 6 – 11oC). Chính vì thế, người dân nơi đây có thể hoạt động sản xuất quanh năm, tàu thuyền đi lại thuận lợi – một điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế. Cũng như nhiều quốc gia cổ đại khác, điều kiện tự nhiên đã có những tác động rất lớn tới khuynh hướng phát triển kinh tế và hình thức tổ chức nhà nước của La Mã trong lịch sử.