Mối quan hệ giữa học và hành là vấn đề vốn được các nhà giáo dục rất chú trọng. Ở mỗi thời đại có những quan niệm khác nhau nhưng chung quy lại là không thể biệt lập hai quá trình này. Có thể nói “học” và “hành” là hai yếu tố tồn tại trong một mối quan hệ tương hỗ, gắn kết bền chặt không thể tách rời. Qua “Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng đã nói rõ điều này.
Thân bài:La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp chú trọng vào hai việc: Thứ nhất là học cái gì? Thứ hai là học như thế nào?
Theo ông, mục đích của việc học là để làm người tốt, có nhân cách cao thượng, biết phân biệt lẽ đúng sai, phải trái. Học để giữ gìn đạo lí và đem tài năng ra giúp ích cho đời. Ông chủ trương giáo dục đạo làm người, lấy đạo làm gốc rễ, thông qua giáo dục đào tạo nên những con người có tri thức vững vàng, có đạo đức trong sáng phù hợp với quy phạm đạo đức phong kiến.
Có thể nói đó là một quan niệm đúng đắn, hết sức tiến bộ. Lấy giáo dục làm phương tiện để duy trì, phát triển và cai trị xã hội, phục vụ đắc lực cho triều đình. Thế nhưng, ông vẫn xem mục đích tối thượng của việc học là để nâng cao hiểu biết cho con người. Con người có hiểu biết thì mới làm đúng, xã hội ổn định, triều đình ngay ngắn, đất nước thái bình. Đạo đức được đề cao, luật pháp nghiêm minh, kẻ xấu cũng ít đi. Nền chính học vì thế mà cũng được lưu truyền đời đời. Đạo học cũng vì thế mà cũng được đề cao, tỏa sáng.
Từ tư tưởng tiến bộ ấy, Nguyễn Thiếp đã vận dụng vào công việc chấn chỉnh đạo học nước ta một cách quyết liệt. Ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm ông đã chỉ đạo biên soạn những bộ sách cần thiết cho việc dạy học, mở rộng việc dạy và học trong khắp dân chúng, khiến ai cũng hồ hởi, phấn khởi học tập.
Thực hiện việc học, Nguyễn Thiếp cho rằng học tập là một quá trình gian nan, cần phải có thời gian để tiến hành và đạt được hiệu quả. Trước hết là học từ thấp đến cao. Sau đó học rộng rồi tóm lại cho gọn, cứ theo điều học mà làm.
Học rộng có nghĩa là học nhiều thứ trong đời sống, miễn cái gì cần thiết là bắt buộc phải học. Có hiểu biết con người mới tự tin làm việc, không còn sợ hãi hay lầm lẫn trong công việc, hạn chế được những rủi ro. Thực tế cho thấy, con người luôn tồn tại trong những mối quan hệ cộng sinh, tương tác trực tiếp với thế giới tự nhiên và xã hội. Bởi thế, để thành công chúng ta buộc phải có hiểu biết về thế giới một cách rõ ràng và chặt chẽ. Mục đích của việc học rộng là giúp ta thông tuệ và tiến đến làm chủ tri thức.
Nguyễn Thiếp cũng khuyến khích “cứ theo điều học mà làm”. Giữa hành động và hiểu biết phải được gắn kết chặt chẽ. Học tập lí thuyết phải hướng đến hành động để không lệch hướng. Hành động phải được sự chỉ đạo của lí thuyết để khỏi sai lầm. Đó là mối quan hệ biện chứng của học và hành mà Nguyễn Thiếp đã rất quan tâm.
Thực tế cho thấy, nếu ta chỉ chú trọng học để nắm lí thuyết mà không thực hành thì có kiến thức mà không có kĩ năng, kinh nghiệm, trải nghiêm thực tế, làm việc dễ sai lầm, thất bại. Một người chỉ hay chữ mà không vận dụng vào công việc, tạo ra một giá trị hữu ích thì tri thức đó cũng trở nên vô dụng. Họ chỉ giỏi nói mà không biết làm, giỏi khoa trương, phù phiếm, lừa dối người khác mà thôi.
Còn nếu chỉ chăm chú thực hành theo kinh nghiệm mà không học bài bản thì có kĩ năng, biết làm việc nhưng lại thiếu hiểu biết, chỉ làm những việc nhỏ, đơn sơ chứ không thể làm những việc phức tạp, lớn lao cần nhiều trí tuệ. Nhiều khi họ cố chấp sẽ dễ mắc sai lầm, vô tình trở thành kẻ phá hoại.
Lời dạy “Cứ theo điều học mà làm” của Nguyễn Thiếp hết sứ đúng đắn. Nếu đã học kĩ càng thì cứ theo cái hiểu biết mà từng biết tiến hành công việc, không gì phải vội vã. Nếu điều học chưa đứng thì chỉnh sửa, nếu điều học đã đúng thì phát huy cao lên. Không những công việc vững vàng mà tri thức cũng được rèn luyện và tăng thêm, sai lầm được phát hiện và hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Qua thực tế mà kiểm chứng điều đã học, hoàn thiện bản thân, tránh được những tổn thất không đáng có. Cuộc sống vốn rất khắc nghiệt, thêm một vài lần thất bại, làm mất đi của cải sao có thể gặt hái hạnh phúc được.
Như vậy, có thể nói học và hành là hai mặt của một quá trình biện chứng và liên tục không thể tách rời. Muốn thành công nhất định phải kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, cứ theo điều đã học mà làm như lời La Sơn Phu Tử đã dạy.
Biến sự thông hiểu thành hành động hữu ích giúp đời là mục đích của việc học. Tri thức chỉ hữu ích khi nó tạo ra một giá trị nào đó cho cuộc sống con người, thực sự là động lực giúp xã hội ổn định và phát triển. Hành động là hệ quả không thể khác của việc thông hiểu lí thuyết.
Kết bài:Biết phân biệt lẽ đúng sai, phải trái, đề cao lẽ phải, xa rời cái xấu, cái ác, giữ gìn đạo đức và nền chính học là nhiệm vụ của người đi học. Nghĩa là, sự hiểu biết phải phục vụ cho cái tốt, cái đẹp, hướng đến phục vụ con người, vì con người. Biết kiểm nghiệm tri thức, rút kết kinh nghiệm cho bản thân và có lựa chọn đúng đắn nhất, sáng suốt nhất. Bởi tri thức không phải lúc nào cũng đúng, có khi nó sai lệch, không nên áp dụng một cách khiên cưỡng, rập khuôn máy móc.
Nâng cao giá trị tri thức tự những kinh nghiệm thực là một nhiệm vụ không thể xem nhẹ. Chúng ta không chỉ biết tận hưởng các giá trị tri thức do cha ông để lại mà trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục tạo ra các giá trị mới mẻ và tiến bộ, gìn giữ lại cho muôn đời sau.