Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Tây Âu, Mỹ và Liên Xô cùng một chiến tuyến chống lại chủ nghĩa phát xít. Gần cuối cuộc chiến tranh, vào tháng 2 – 1945, những người đứng đầu của Anh, Mỹ, Liên Xô đã cùng ngồi với nhau ở Hội nghị l-an-ta (Yalta), với một cái nhìn chung về thế giới thời hậu chiến. Nhưng tình hình sau đó đã thay đổi nhanh chóng. Thế giới bị lôi cuốn vào một tình trạng mà lịch sử gọi đó là "Chiến tranh lạnh”. Chiến tranh lạnh bắt đầu như thế nào? Biểu hiện và hậu quả của cuộc chiến tranh này là gì?
Chiến tranh lạnh diễn tả bối cảnh quốc tế cực kỳ căng thẳng và cuộc đối đầu cam go giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là giữa Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn từ khoảng giữa những năm 40 đến cuối những năm 80 - đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Sự kiện được xem là khởi đầu cho chiến tranh lạnh của Mỹ là bản thông điệp của Tổng thống Truman gửi Quốc hội Mỹ ngày 12 – 3 -1947. Trong đó, Tổng thống Mỹ khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mỹ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Vào đầu tháng 6 - 1947, Mĩ đề ra “kế hoạch Mácsan” với khoản viện trợ khoảng 17 tỉ USD để giúp các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Ngày 4 – 4 -1949, Mĩ thành lập khối quân sự - tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tháng 5 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu (Anbani, Ba Lan, Hungary, Bungari, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Rumani) đã thành lập tổ chức Hiệp ước Vacsava, một liên minh chính trị - quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu. Sự ra đời của NATO và tổ chức Hiệp ước Vacsava là những sự kiện cuối cùng đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm cả thế giới.
Thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, các cường quốc chi một khối lượng khổng lồ về tiền của và sức người để sản xuất các loại vũ khí hủy diệt, xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự mà bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới mới. Con người phải chịu đựng khó khăn do đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường... , chịu ảnh hưởng nặng nhất là các nước ở Châu Á, châu Phi.