Văn bản ngữ văn 8

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Vũ Thị Ngọc

Trong bài thơ “Nước vối quê hương” của nhà thơ Nguyễn Trọng Định có đoạn viết:

“Đêm rừng già đi nghe mưa rơi

Một mảnh áo tơi che chẳng kín người

Nước chảy qua môi hớp từng ngụm nhỏ

Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ

Nước vối đặc nồng

ngọt ngào chuyện cũ

Ôi nhớ sao ,

Mảnh vườn quê hương ta đó

Cây vối già bạc phếch nắng mưa

Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ

Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ

Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ

Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao

Rồi những ngày ngâu tràn chum nước gốc cau

Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ

Bắc ấm nước mưa , con ngồi nhóm lửa

Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha

Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta

Mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi

Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi

Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao...”

( Trích trong tập: Cuộc chia ly màu đỏ - Sắc cầu vồng của Nguyễn Mỹ và Nguyễn Trọng Định - NXB Hà Nội 1979- Trang 59-60)

Cảm thụ của em khi đọc đoạn thơ trên .

Vũ Thị Ngọc
28 tháng 3 2018 lúc 21:15

1/ Về nội dung : Đoạn thơ thể hiện tình cảm của tác giả đối với quê hương thật giản dị mà đặc sắc tinh tế . Nỗi nhớ quê hương nhớ từ một hoản cảnh thực tế mang cái đặc biệt của chiến tranh. Đó là cảnh các anh bộ đội hành quân qua rừng trong cơn mưa nên “ một mảnh áo tơi che chẳng kín người” , rồi “nước chảy qua môi hớp từng ngụm nhỏ” để rồi nỗi nhớ về quê hương , nhớ về người mẹ già . Một hình ảnh trung thực , quá đỗi thân thuộc không thể phai nhoà : đó là những ngày xưa trong ngôi nhà hình ảnh người mẹ già ngồi bên ấm giỏ với ấm nước vối đặc nồng, ngai ngái vậy mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi và những chuyên cũ ngày xưa... Rồi cả một khung trời tuổi thơ của anh hiện ra thật đậm đà . ấm nước vối năm xưa con ngồi nhóm lửa, bà mẹ già với những hạt nụ vối khô tích mấy mùa sẻ ra pha như sống dậy trong tâm trí tất cả mọi người một tình cảm mẹ con tha thiết . Hình ảnh bà mẹ trong thơ Nguyễn Trọng Định còn gợi cho người đọc một sự xúc động, trân trọng đặc biệt đó chính là cuộc sống giản dị chân quê giống như hoản cảnh bao gia đình Việt Nam, bao bà mẹ Việt Nam ta từng gặp .

1/ Về nghệ thuật :

- Bài thơ mang cấu tứ quen thuộc : viết về kỷ niệm với quê hương. Bài thơ thành công và để lại dấu ấn trong người đọc bởi nó thật tự nhiên , như kể lại chuyện của mình với những kỷ niệm giản dị ngày xưa .

- Mặc dù câu chữ trong bài thơ giản dị nhưng cũng thật tinh tế , nó thể hiện tài quan sát của tác giả từ việc bà mẹ sẻ nụ vối ra pha, đến nụ vối tích mấy mùa nên chỉ còn ngai ngái vị thuốc ta.

- Đoạn thơ có 2 chi tiết đã thể hiện được chuỗi logíc của câu chuyện: đó là từ cái lạnh của cơn mưa rừng nhớ về cái ấm nước vối đặc nồng dưới nắp bông nóng hổi, từ cái xa xôi của đêm mưa, lạnh ở rừng già nghĩ về căn nhà ấm áp tình mẹ con với kỷ niêm tuổi thơ êm đẹp. Và đó cũng là chìa khoá mở cho tình cảm của anh với quê hương, với mẹ...

Thiên Chỉ Hạc
14 tháng 5 2019 lúc 7:21

Quê tôi ở ngoại ô thành phố. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, mẹ tôi thường kiếm chè Mồng Năm – thứ chè nghe nói phải hái vào lúc đúng Ngọ, lúc lũ thạch sùng bỏ đi đâu hết mới hiệu nghiệm. Chúng là những thứ lá thuốc nam ở trong vườn với một ít nụ và lá vối được mẹ tôi phơi khô dòn, cất cẩn thận và giữ như một thứ thuốc giúp cho việc tiêu hóa và an thần. Chẳng biết thứ chè ấy hiệu quả thế nào nhưng chắc là vì nó sạch, đậm hồn quê và mang một chút hơi hướng tâm linh nên ai cũng quý lắm. Tháng Bảy. Mưa ngâu. Trời se lạnh. Sống lâu ngày nơi phố thị hối hả, cả nhà tôi có dịp quây quần bên bếp lửa với ấm nước chè quê. Thời gian như chậm lại. Nhâm nhi bát nước màu nâu với vị ngai ngái đặc trưng của nụ vối, nhìn bọn trẻ con lại thò tay xuống dưới nắp ấm giỏ, mắt tròn xoe thắc mắc nghe bà ngoại chúng lẩm bẩm “…đấy, thần Thủy Tinh lại nổi giận rồi!”… lòng tôi bỗng thấy nao nao lạ! Hoang hoải hoài niệm về tuổi thơ, tôi bỗng nhớ đến bài thơ mình từng rất yêu thích mà lâu rồi ít được nhắc đến – Bài Nước vối quê hương của Nguyễn Trọng Định:

Ðêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi, hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối đặc nồng
Ngọt ngào chuyện cũ

Ôi nhớ sao,
Mảnh vườn quê hương ta đó
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ
Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ
Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao
Rồi những ngày ngâu tràn chum nước gốc cau
Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ
Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa
Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha
Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt ngào đầu lưỡi
Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi
Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao
Có gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
Trận thuỷ chiến nước dâng cuồn cuộn
Cô gái láng giềng lén sang nghe trộm
Bỗng hỏi dồn:
- Sơn Tinh thắng hay không?

Mẹ ơi,
Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông
Ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ
Tháng năm rồi, vối trong vườn kết nụ
Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?

Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối
Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương
Súng chắc trong tay, gạo cuốn bên sườn
Theo bước chân nhau gạt cây băng tới
Ðất nước mình còn đạn thù cày xới
Giục giã chúng con nhanh bước trong mưa
Mẹ hãy nói giùm con với cô gái tuổi thơ:
- Ta phải thắng hơn Sơn Tinh thuở trước!
Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước
Bên ấm vối nồng kể lại mẹ những chiến công
Thoang thoảng đầu nhà nụ vối đưa hương.

Đôi khi, những cái vĩ đại nhất lại bắt đầu từ những thứ bình thường nhất. Tình yêu quê hương đất nước của người lính – nhân vật trữ tình trong bài thơ bắt đầu từ cái những thứ dung dị, đời thường. Lòng yêu nước không phải là cái gì đó lớn lao, trừu tượng. Nó có thể là nỗi nhớ về một “bếp lửa ấp iu nồng đượm” của Bằng Việt, là Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh hay là Mùa hoa bưởi trên sông Ngàn Phố của Tô Hùng... Ở đây, người lính trên đường hành quân, từ lạnh nhớ đến nóng. Những giọt nước mưa chảy qua môi cùng với cái lạnh giá của cơn mưa trong đêm hành quân làm anh nhớ đến người mẹ già đang đau đáu chờ anh, nhớ vị nước vối ấm nồng trong những ngày “ngâu tràn chum nước bờ cau”, nhớ cô gái tuổi thơ với bao lời yêu thương chưa thổ lộ, nhớ những kỷ niệm đẹp nơi quê nhà… Hình ảnh hồn nhiên của cô láng giềng như một điểm nhấn làm mạch thơ trở nên thật lãng mạn và cuốn hút. Và lời nhắn gửi xúc động của người lính – nhân vật trữ tình trong bài thơ Ta phải thắng hơn Sơn Tinh thuở trước, như truyền cho chúng ta sức mạnh, niềm tin chiến thắng.

...Tôi bỗng thấy mình thật may mắn, hạnh phúc khi được sống trong bầu không khí đầy ắp kỷ niệm, được nghe bố tôi - người sinh viên đi lính, người đồng đội cùng thời với Nguyễn Trọng Định năm xưa kể về những chiến công ở thành cổ Quảng Trị hay ở vùng rừng thiêng A Sầu, A Lưới. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trọng Định đã không về với bao hẹn ước còn giang dở, nhưng vị “ngai ngái” của nước vối quê hương trong thơ anh và niềm tin của anh với cả một lớp người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai” vẫn còn đọng lại. Giữa bộn bề lo toan, bươn bả với cuộc sống hối hả hôm nay, có ai đó trong chúng ta, đôi khi, đã vô tình quên đi những hy sinh lặng lẽ như thế?


Các câu hỏi tương tự
LINHNGUYEN2004
Xem chi tiết
namblue
Xem chi tiết
Big City Boy
Xem chi tiết
Lê Tuấn Thảo
Xem chi tiết
Mo Pham
Xem chi tiết
Thân Thị Phương Trang
Xem chi tiết
namblue
Xem chi tiết
trần đình tú
Xem chi tiết
Ngu Văn Người
Xem chi tiết