2)
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh ”.
Từ lâu lắm Nguyễn Du đã viết như thế về phong tục tảo mộ ngày thanh minh,và tôi chờ đợi ngày ấy để được đi thăm mộ bà với biết bao nỗi niềm, cảm xúc.
Trời đất vạn vật choàng tỉnh sau giấc ngủ đông,khoác tấm áo mùa xuân tươi tắn.Những giọt nắng đầu tiên trải trên nẻo đường làng nâu sậm thành từng vùng ấm dịu.Những bông lau bên đường khẽ đưa mình trong gió,gợn sóng mềm mại.Hương mùa xuân thoảng nhẹ đâu đây.... Đường làng đẹp đến lạ lùng !
Tôi và gia đình bước vào khu yên nghỉ của những người đã khuất.Gió ở đây lạnh, heo hút và hoang vắng.Những nấm mộ trắng nằm lặng yên tưởng chừng như không gian ở đây ngưng lại trong sự vĩnh hằng.Mẹ tôi đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết trong chiếc làn nặng trĩu:nào nhang,hoa và cả đồ lễ nữa.Bà tôi nằm ở đây.Mẹ và chị tôi sửa sang phần mộ bà chu đáo,cẩn thận.Đưa mấy nén nhang đã đốt sẵn,mẹ bảo chị tôi đi thắp nhang cho các ngôi mộ xung quanh.Mẹ bày đồ lễ,tôi đứng lặng trước mộ bà,trong hương trầm nghi ngút,những kỷ niệm ngày xưa tràn về …Tất cả chỉ như vừa mới hôm qua thôi.Tôi nhớ những ngày bà bế tôi rong chơi khắp làng.Nhớ hơi ấm đặc biệt của bà,hình bóng bà mỗi sớm tinh sương,thổi bếp rạ,nướng củ khoai thơm phức.Tôi thường theo bà dậy sớm,thích ngồi cuộn lại trong lòng bà như một con mèo nhỏ,với tay đun bếp cùng bà.Hơi lửa làm nóng bừng hai má ,tôi vừa thổi vừa ăn miếng khoai nướng ngọt đến mềm môi...Thuở bé thơ, hai chị em tôi thường dành nhau chải tóc cho bà.Tóc bà dài, lốm đốm sợi bạc,thoảng mùi sả thơm…Tôi nhớ khôn nguôi mùi hương ấm nồng làm cay sống mũi ấy.Lúc nhỏ,tôi là đứa trẻ hậu đậu,vụng về nhưng bà chẳng bao giờ mắng tôi. Bà dạy tôi mọi thứ,cẩn trọng,rõ ràng như người ta truyền cho nhau kinh nghiệm đã được chắt chiu cả một đời.Thuở ấy,mỗi lúc đông về,bà thường nhắc tôi mặc áo cho thật ấm,vậy mà giờ đây bà nằm một mình trong lòng đất lạnh,trống trải và cô đơn…Tôi yêu bà,gắn bó bên bà cả một thời thơ bé.Tâm hồn tôi trong trẻo hơn,trái tim hiểu thế nào là nhân ái từ sự dạy dỗ của bà,từ những câu chuỵên cổ tích mà bà đã kể.Bây giờ tôi đã lớn khôn.Đông về biết tự mặc áo ấm,làm việc nhà không còn hậu đậu vụng về,bà tôi lại chẳng còn có dịp nhìn thấy thành quả của mình được nữa.
Tiếng mẹ gọi hoá vàng,tro tiền giấy bay kéo tôi ra khỏi thế giới tuổi thơ tràn ngập hình bóng của bà.Tôi trở về nhà trên con đường cũ nhưng sao thấy không gian như ảm đạm hơn.Dường như tôi đang mong chờ một điều kỳ diệu vẫn thường xảy ra trong các câu chuyện cổ tích để không gian buồn trên con đường về nhạt bớt đi chăng?
Có thể bà đã đi xa mãi nhưng bà vẫn sống trong lòng tôi và tất cả mọi người trong gia đình.Tôi tin bà đang dõi theo từng bước đường đời của đứa cháu yêu và nhất định sẽ để bà được mỉm cười về tôi nơi chín suối.
1)
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), quân của Nguyễn Huệ nước An Nam vượt sông Gián Thủy đánh bại quân phòng thủ của Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống), lại bắt toán quân Thanh tuần thám giết sạch. Ngày mồng hai, Tôn Sĩ Nghị được tin hoảng hốt ngự địch, ra lệnh Tổng binh Trương Triều Long mang ba ngàn quân tăng cường cho các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi để chống cự, lại ra lệnh cho Ðề đốc Hứa Thế Hanh mang một ngàn năm trăm tên, tự đốc suất một ngàn hai trăm tên để tiếp ứng. Quân Nguyễn Huệ tiến tới đông như ong, vây đồn bốn phía, đánh nhau một ngày một đêm, quân Thanh bị đánh tan bèn bỏ chạy.
Vào canh năm ngày mồng 5 Nguyễn Văn Huệ mang đại binh tiến đánh, thân tự đốc chiến, dùng một trăm thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân Thanh cho kỵ binh nghênh đón địch, ngựa bị voi quần kinh hãi bỏ chạy, quân rút lui vào trại cố thủ. Phía ngoài trại, lũy đầy chông sắt, bên trong bắn súng ra cự địch. Vào giờ Ngọ quân Nguyễn bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau, trước ngã sau tiến lên một lòng quyết chiến, tại các trại quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém giết, quân Thanh tử thương quá nửa.
Ðề đốc Hứa Thế Hanh thấy thế lực nhiều ít rõ ràng, bảo gia nhân đem ấn triện Ðề đốc mang đi, rồi ra sức đánh, bị chết tại trận. Lúc này quân địch càng bị giết càng nhiều, chia cắt quân Thanh từng nhóm rồi vây kín. Thống soái Tôn Sĩ Nghị mất liên lạc với Hứa Thế Hanh và các đại viên Ðề, Trấn; bèn ra lệnh Phó tướng Khánh Thành, Ðức Khắc Tinh Ngạch mang ba trăm quân đoạt vây chạy về phía bắc. Khi tàn quân của Tôn Sĩ Nghị chạy đến bờ sông, thì số quân Thanh ba ngàn tên trú đóng tại bờ phía nam đã được Tổng binh Thượng Duy Thanh mang đi tiếp ứng cho Hứa Thế Hanh, bèn ra lệnh cho Tổng binh Lý Hóa Long vượt qua cầu nổi chiếm cứ bờ phía bắc, để tiện việc yểm hộ qua sông. Không ngờ Lý Hóa Long đi đến giữa cầu, trượt chân rơi xuống nước chết, số quân mang đi kinh hãi không biết làm gì. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh Khánh Thành yểm hộ mặt sau bằng cách bắn súng điểu thương vào quân Nguyễn Văn Huệ đang truy kích, riêng mình tự mang quân theo cầu nổi lui về bờ phía bắc; rồi lập tức cho chặt đứt cầu nổi, cùng với bọn Khánh Thành rút lui về sông Thị Cầu.
Quân Thanh tại phía nam sông thấy cầu đã bị đứt chìm, không có đường về, bèn đánh trở lại thành nhà Lê. Các Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Phó tướng Na Ðôn Hành, Tham tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm đều tử trận. Tri châu Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống không được viện binh đành tự tử, số thân binh tự tử cũng đến hàng trăm. Quốc vương An Nam Lê Duy Kỳ vào lúc binh thua tới dinh Tôn Sĩ Nghị họp bàn, thấy Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, bèn hoảng hốt vượt sông chạy lên phương bắc, đến đây nhà Lê diệt vong.
Nguyễn Văn Huệ xua quân tiến vào thành, chiến bào mặc trên người nhuốm đen, do bởi thuốc súng. Ðề đốc Ô Ðại Kinh mang đạo quân Thanh tại Vân Nam xuất phát từ Mã Bạch quan vào ngày 20 tháng 11 năm ngoái, đến Tuyên Quang vào ngày 21 tháng 12; khi đến sông Phú Lương thấy cầu nổi bằng tre đã bị chìm đứt, nhìn sang bên kia bờ thấy lửa rực bốn phía, bèn triệt hồi Tuyên Quang, rồi lập tức lui vào trong nước.
Cuộc chiến vẫn còn tiếp tục, nhưng rõ ràng rằng phần thắng sẽ thuộc về những lý tưởng chiến đấu vì chính nghĩa. Tinh thần hy sinh và tài năng của dân tộc ta một lần nữa được khẳng định với bạn bè năm châu khi một lần nữa nhắc lại chiến công oai hùng.