Mùa xuân vốn là một đề tài lớn trong thi ca từ xưa đến nay. Có thể nói, trong sự nghiệp của mình, nhà thơ nào cũng có ít nhất một lần viết về mùa xuân. Mùa xuân là mùa của cây xanh trái ngọt, cỏ tươi hoa thắm, bầu trời lồng lộng sáng trong. Mùa xuân là mùa của tình yêu nồng thắm, mùa của lễ hội tưng bừng, rộn rã. Tuy viết ít trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhà thơ Thanh Hải cũng đã kịp để lại một bài thơ xuân nồng ấm yêu thương, đóng góp một sắc màu nhỏ nhỏ trong bức tranh mùa xuân rộng lớn của nền thi ca dân tộc.
Mở đầu bài thơ, hiện lên một bức tranh mùa xuân đầy sắc màu và âm thanh hòa quyện trong đất trời đang rừng rực sức sống. Hình ảnh thơ chuyển đổi lần lượt theo cái nhìn của nhà thơ. Không gian thay đổi từ thấp lên cao, từ gần ra xa, xa dần đến mờ khuất. Hình ảnh thơ Thanh Hải không có gì mới lạ, không rực rỡ nhưng đã thu hút được cái nhìn của người đọc. Sự bình dị khiến người ta chú ý. Đầu tiên là hình ảnh bông hoa tím biếc giữa dòng sông xanh:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”.
Không quá đột ngột nhưng sắc tím hoa lục bình lập tức tạo cho bức tranh một cái nền hòa dịu, đượm chút u buồn. Từ “mọc” làm cho ý thơ mạnh mẽ nhưng không làm sao tránh được sự đơn độc của “một bông hoa tím biếc”. Câu thơ làm ta chợt nhớ đến bài hát “Hoa Tím Lục Bình” của Bích Tuyền:
“Ϲó một loài hoa buồn trôi lững lờ
Theo nước hững hờ xuôi mãi về đâu
Vẫn trôi trôi chẳng hết sầu
Nên loài hoa ấу đượm màu tím thương.
Ϲó một loài hoa vừa trôi vừa nở
Em lấу chồng rồi anh ở vậу thôi
Nữa mai thương đứng nhớ ngồi
Biết loài hoa ấу vừa trôi vừa buồn”.
Hoa lục bình nở quanh năm, đâu chỉ riêng gì mùa xuân. Nhưng trong bức tranh xuân ấy, nó góp một sắc màu thầm lặng, nhỏ bé. Hoa lục bình tím nhạt theo kiểu sắp tàn phai, không kiêu kì, không rực rỡ. Giữa bức tranh mùa xuân xanh bất tận, nó lại càng lẻ loi vô cùng.
Từ “một bông hoa” đã nói lên tất cả. Dường như nó đang cố sức bung nở tận cùng, cố dâng hiến hết cho đời nguồn sinh lực cuối cùng trước khi đi vào tàn héo. Sự lẻ loi, hiu hắt, đượm buồn chứ không phải là điểm nhấn đầy nghệ thuật như cành lê trắng trong thơ Nguyễn Du:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Phải chăng, qua bông hoa lục bình tím biếc ấy, Thanh Hải muốn nói đến đời người, kiếp người trong cõi phù sinh mênh mang. Dòng sông xanh ấy hay chính là dòng đời chuyên chở bao cuộc đời người. Bông hoa hay chính là kiếp người nhỏ bé, nổi trôi. Hoa chỉ nở có một lần rồi đi vào luân hồi chuyển biến. Hai từ “tím biếc” khiến người đọc có cảm giác nao nao. Tím biếc là tím rực rỡ, tím tận cùng. Cái đẹp đang ở thời kì huy hoàng, rực rỡ nhất. Nghĩa là nó sắp tàn phai, tạo nên cảm giác tiếc nuối vô cùng.
Có thể nói, đó chính là tâm trạng chân thật của Thanh Hải khi ông đang nằm trên giường bệnh. Khi sắp lìa xa cuộc đời mà những trăn trở vẫn còn khiến nhà thơ ham sống tận cùng. Ông còn muốn tiếp tục được cống hiến, được tươi xanh, được tô điểm cho cuộc đời đẹp đẽ này dù rất thầm lặng. Chính khát vọng ấy đã làm cho câu thơ trở nên ấn tượng. Lời thơ giản dị, không có gì cầu kì, thủ pháp đảo ngữ tinh tế khiến cho hình ảnh thơ nổi bật trên nền cảnh rộng lớn.
Từ dưới mặt đất, dường như để thoát ra khỏi sự ám thị ấy, nhà thơ ngước nhìn lên bầu trời cao và không khỏi ngỡ ngàng:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.
Tiếng chim chiền chiện vút tận trời xanh, khuấy động không gian trầm lắng. Tiếng chim lảnh lót, thanh cao thả vào không gian thứ âm thanh mê hoặc đầy quyến rũ.
Nếu ở đồng quê, mấy ai không biết đến loài chim này. Đó là “ca nữ” của bầu trời cao. Với thân hình nhỏ bé nhưng tiếng hót lại rất thanh. Chim chiền chiện thường bay vút lên bầu trời cao. Cánh chim bay lên cao mãi cho đến khi hình bóng nó chỉ còn bé xíu và cất cao tiếng hót. Tiếng hót vang dội khắp đất trời, khiến cho muôn loài im tiếng, cỏ cây tĩnh lặng lắng nghe khúc nhạc xuân đầy khí thế.
Nó hót bằng tất cả sinh lực mình. Có khi như gào thét giận dữ. Có khi như líu ríu tâm tình. Có khi lại gắt gỏng, chua ngoa. Tiếng chim vang vọng hòa thắm bức tranh xuân. Âm thanh réo rắt kết nối vạn vật lại với nhau trong khúc ca cuồng say bất tận.
Nghe tiếng chim hót nhà thơ tự hỏi “hót chi mà vang trời”. Thi sĩ vừa khâm phục vừa cảm thương cho chàng ca sĩ ấy. Làm sao để lí giải niềm say mê ấy. Kể cả anh chàng nghệ sĩ đồng quê kia cũng không thể cho một câu trả lời vừa ý.
Qua hình ảnh con chim chiền chiện, Thanh Hải nhẹ nhàng gửi đến người đọc một thông điệp rằng đã dâng hiến thì không cần biết tại sao và vì sao. Chỉ đơn giản là hãy sống và cống hiến cho cuộc đời những tinh anh của mình. Sống là tận lực dâng hiến. Dù là rất nhỏ bé, dù là rất bình thường nhưng không bao giờ là vô nghĩa.
Mỗi cá nhân đều biết sống vì cuộc đời, tận lực vì cuộc đời thì cuộc sống sẽ thêm tươi xanh, tràn đầy ý nghĩa. Mỗi một mùa xuân nhỏ hòa quyện lại với nhau sẽ làm nên mùa xuân lớn của đất trời. Như bông hoa lục bình kia, lẻ loi mà tươi thắm. Như con chim chiền chiện kia, cô độc mà nồng nhiệt đến tận cùng. Bất giác, nhà thơ như rơi vào thế giới của nhiệm màu. Cả thế giới hòa đọng trong tiếng chim, buông lơi khắp bầu trời:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Từ “hứng” được dùng thật đắc địa. Tiếng chim chiền chiện giờ đây như hiện hình thành từng giọt âm thanh rơi khiến ta có thể bắt lấy, có thể hứng lấy được. Tiếng chim chiền chiện như kết tụ sắc xuân, khí xuân, tình xuân thành giọt ngọt dâng lên cho trời đất đang trong kì chuyển hóa siêu năng.
Chỉ một từ “hứng” thôi, nhà thơ đã “bắt” mùa xuân trên tay, nắm giữ lại cái dòng chảy của tạo hóa. Câu thơ khẳng định tư thế chủ động làm chủ cuộc đời của con người. Ông muốn ôm vào lòng tất cả cái say mê, cái quấn quýt, cuồng nhiệt của cuộc đời đang trải rộng ra trước mắt, muốn làm chủ quy luật của đất trời, giữ mãi cái tươi xanh của mùa xuân cho cuộc đời này.
Không dụng công, không ẩn ý, cứ tự nhiên, Thanh Hải đã lặng lẽ tô thắm cho mùa xuân, kí thác vào đó tâm tư. Ông luôn muốn mình là “một mùa xuân nhỏ nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời” những tinh anh, mật ngọt, góp sức làm nên mùa xuân lớn của đất trời, của đất nước. Đó là một khát vọng cao đẹp, sáng ngời lí tưởng cách mạng, thật đáng trân trọng biết bao.