Cuộc sống luôn đặt ra cho ta những thử thách, ai cũng từng biết hay được dạy rằng, bất cứ rào cản nào cũng cần bản lĩnh để vượt qua, chiến thắng chính bản thân mình để vượt qua khó khăn. Nhưng, đã có ai vượt qua sự thành công của mình? Đứng trước vinh quang cũng không mất phương hương? Nói tới điều này, ta nghe G Welles từng nói: “Thử thách lớn nhất của đời người là thành công rực rỡ”
Không phải ngẫu nhiên, mà G.Welles một nhà văn học người anh nổi tiếng, lại phải đưa ra một câu nói mang chiều sâu như vậy. Bằng khối óc của một nhà văn lớn, G Welles đã nhận ra một khía cạnh khác của chướng ngại vật nguy hiểm không kém trong cuộc sống mỗi người. Ta có thể dùng cách này hay cách khác để thành công, đạt được thứ mình khao khát, nhưng rồi, cái tôi của mỗi người có thể đủ bản lĩnh để vượt qua chính điều đó? Chính sự “thành công” ấy mà không bị gục ngã, mù quáng, mất phương hướng và bước đi sai lầm?
Câu nói của G Welles nghe qua có vẻ phi lí, vì thử thách nào lại là thử thách về thành công? Vì ta thường chỉ nghe thành công là một phần thưởng xứng đáng khi mình nỗ lực vượt qua những thử thách mà thôi. Nhưng không, suy nghĩ kĩ, ta mới thấy chính xác và đúng đắn. Trong câu nói, “thử thách” được nói theo nghĩa thực, đó là những khó khăn, cản trở do cuộc sống, công việc đặt ra trên con đường tìm kiếm thành công. Còn “những thành công rực rỡ” cũng chính là những thắng lợi vẻ vang, to lớn, mang lại lợi ích cho mình, và sự tự hào, kiêu hãnh. Nói chung, ý của cả câu, nhằm nhấn mạnh tới khía cạnh thành công suy cho cùng, cũng chính là một trở ngại, trở ngại này đòi hỏi con người phải có bản lĩnh, tỉnh táo nghị lực mới có thể vượt qua, sự thử thách này đôi khi còn nguy hiểm hơn nhiều lần, so với những gì mà ngoại cảnh đem lại.
Thành công cũng được xem như một trở ngại, vì thành công là thứ duy nhất dễ khiến con người ta tự mãn và tự cao với chính mình. Thành công đem đến cho ta những thứ ta ao ước và xứng đáng, nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu với ai không có sự khiêm tốn và một thái độ đúng đắn. Thành công dễ khiến ta ảo tưởng thái quá về khả năng của mình. Cũng là một trong những thứ sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu của ta trên con đường tiếp theo. Như bạn học sinh cố gắng đạt điểm 10, vì mục tiêu chỉ vì điểm số, có thể về sau bạn ấy sẽ không còn cố gắng nữa… và cũng có những người luôn khiêm tốn về thành công của mình, như Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đáng kính của Việt Nam, dù là người góp công vô cùng lớn với hòa bình đất nước, nhưng Bác mãi vẫn giữ hình ảnh một vị chủ tịch giản dị, và không ngừng đặt ra cho mình những mục tiêu tiếp tục cố gắng cống hiến vì nước, vì dân…
Câu nói của G Welles rất hay, nói đúng bản chất của vấn đề. Đòi hỏi ta phải biết tự đánh giá, khiêm tốn học hỏi không ngừng, đừng choáng ngợp trước hào quang chiến thắng. Và qua đó cũng học cho mình một tâm thế bản lĩnh để vươn tới thành công. Phê phán những ai luôn tự cao, tự đại về bản thân mình, có thái độ chủ quan và kiêu ngạo.
Câu nói của ông giúp ta tỉnh táo hơn trước thành công của chính mình, giúp ta nhìn nhận lại hành vi của chính mình và rèn luyện mình ngày càng tốt hơn, để luôn chiến thắng chính mình.