Tập làm văn lớp 6

Trần Thị Thanh Tâm

Tả lại vẻ đẹp của cây đa, bến nước, sân đình nơi làng quê em.

HELP ME!!!

Thảo Phương
6 tháng 1 2018 lúc 15:34

Không biết từ bao giờ hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nó gắn liền với sự bình yên qua bao đời và được dệt bằng những câu ca gắn liền máu thịt với cuộc sống đời thường.

Cây đa, bến nước, sân đình,

Đi xa ta nhớ nghĩa mình mình ơi.

Trong tâm thức của mỗi người Việt, làng xóm thật gần gũi và gắn bó.Nói đến làng là nói đến đơn vị hành chính nhỏ nhất. Làng là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, là tiếng võng kẽo kẹt trưa hè với lời ru ầu ơ của mẹ mà khi nhớ lại như nâng bước ta trên mọi nẻo đường. Làng với những hình ảnh tiêu biểu như cây đa, bến nước, sân đình, là lũy tre xanh bao bọc, là sừng sững một cổng làng hay ngào ngạt hương sen nơi ao làng. Những đêm trăng thanh gió mát, trai thanh gái lịch đi gánh nước ở giếng làng, hay tụ tập nơi đình làng. Họ gặp nhau và những lời tỏ tình thấm đẫm ánh trăng được nhen lên từ đó... tất cả trở thành nỗi thân thương, là ký ức về một niềm quê yêu dấu của mỗi con người.

Làng thân thương và gắn bó với mỗi người và nó được gắn bó từ những nét đặc trưng nhất như cây đa, giếng nước, mái đình. Giếng làng là nơi các thôn nữ ra gánh nước, soi mình làm duyên, nơi trai gái tâm tình hò hẹn. Nơi giao lưu gặp gỡ của những người dân nơi làng quê mỗi khi ra gánh nước về dùng. Nông thôn Việt Nam xưa phần nhiều là nhà tranh, do đó rất ít nhà có bể nước mưa, người làng chủ yếu dùng nước giếng công cộng để nấu ăn. Cái giếng tượng trưng cho sự trong sạch, mát mẻ, giúp quên đi sự mệt nhọc và cái khát. Trong cái tổng thể của văn hóa làng quê bình dị mà lung linh huyền ảo ấy, cây đa có thần, mái chùa có phật thì giếng nước là sự tượng trưng cho sự dồi dào sung mãn và cho nguồn gốc của sự sống. Đối với trong tâm thức của mình, người Việt có thể sống thiếu hạt gạo mỗi khi giáp hạt, thiếu áo mặc mỗi khi mùa đông giá rét, nhưng không thể thiếu cái giếng nước. Giếng không chỉ là mắt của đất, nó còn là trái tim của làng, là cái hồn của xóm.

Còn nói về cây đa là nói cây cổ thụ tiêu biểu, trong một làng có một số cây cổ thụ khác cũng được coi như cây đa, như cây đề, cây gạo, cây trôi, cây bàng, cây si, cây thông… Và thường cây đa được trồng gần mái đình – tượng trưng cho nơi linh thiêng trấn giữ cho cả làng. Cây đa cổ thụ ở làng tỏa bóng mát che ánh nắng mặt trời cho những người nông dân lao động sau một buổi cày bừa khó nhọc trên cánh đồng; cho những bà, những chị đi chợ về dừng chân nghỉ; cho những người lữ thứ bộ hành, cho những người gồng gánh buôn bán kiếm ăn,….

Dưới bóng cây đa, họ có thể vừa nghỉ ngơi để uống bát nước chè xanh, ăn bửa trưa với bát cơm nắm và chút muối vừng mang theo; trao đổi nhau về những đồng ruộng, chuyện mùa màng, thời tiết, chuyện làm ăn, buôn bán.

Không những thế đó còn là nơi nghỉ ngơi hóng mát của các cụ già, hay là nơi họp của cả làng, nơi tổ chức những ngày hội hè đình đám…

Ấy là chưa kể cạnh gốc cây đa nào đó trong làng trai gái thường hò hẹn gặp gỡ nhau, trao duyên gửi phận cho nhau mà mà còn hò hẹn tập trung để đi củi, đi làm thuê; trẻ con thường đánh cù, đánh đáo,… chơi cùng nhau và không ít cuộc hát ví, hát ghẹo dưới đêm trăng thường diễn ra bên cạnh gốc cây đa làng.

Và mái đình là nơi linh thiêng nhất, thờ vị thần trấn giữ bình yên cho cả làng. Đó là nơi tín ngưỡng, để dân làng tụ tập trong những ngày lễ hội, là nơi hương khói và hội bàn việc dân việc nước.

Cây đa, giếng nước, mái đình do đó đã ăn sâu vào tâm khảm những người con đất Việt, không chỉ là biểu tượng của làng quê chốn yên bình mà còn là nơi gắn bó máu thịt trong tâm hồn mỗi người.

Bình luận (1)
Thảo Phương
6 tháng 1 2018 lúc 15:35

“Cây đa, bến nước, sân đình” là biểu tượng của làng quê truyền thống Việt Nam. Ngày nay, những hình ảnh ấy không còn rõ nét nhưng nó vẫn như cái hồn, được truyền tụng, tiếp biến dệt nên tình yêu thương, sự gắn bó, đoàn kết trong mỗi con người đất Việt.

Từ sơ khai, khi con người biết cố kết thành cộng đồng để chế ngự thiên nhiên, sản xuất ra của cải vật chất đã hình thành các làng quê. Rồi cùng với thời gian, những cộng đồng người Việt đã sản sinh ra những làng quê đậm chất văn hóa. Nơi đó, một cộng đồng người Việt cùng quần tụ sinh sống với nguyên tắc trọng tình, ngại di chuyển. Họ lấy gia đình, họ hàng, láng giềng làm mối quan hệ giao tiếp, sinh hoạt hàng đầu trong cuộc sống thường nhật.

Với nền văn minh lúa nước và sự khắc nghiệt của thiên tai, người trong làng phải quần tụ để giúp nhau trong sản xuất và chế ngự thiên nhiên. Do vậy, ngoài mối quan hệ thân tộc, cùng sống trong một làng, họ đều liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên tình làng, nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”… Tính cộng đồng đã trở thành nguyên tắc sống của các làng quê để người ta phải nhắc nhau “bán anh em xa, mua láng giềng gần”…

Tính cộng đồng đã gắn kết các thành viên trong làng lại với nhau. Điều này được thể hiển rõ qua các hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Cây đa là nơi ngồi mát, nghỉ ngơi của người dân sau những buổi làm đồng mệt nhọc, nóng bức, là chốn nghỉ chân của lữ khách qua đường. Bởi vậy, cây đa được là nơi giao tiếp của làng với thế giới bên ngoài. Người Việt xem cây đa như một biểu tượng linh thiêng, vừa gần gũi, thành kính, vừa sợ hãi “thần cây đa, ma cây gạo”… Cùng với cây đa là bến nước. Bến nước có thể là một đoạn của con sông chảy qua làng, hoặc một hồ nước của làng, cũng có thể chỉ là một giếng nước. Đây chính là nơi giao lưu, chia sẻ của những người phụ nữ trong khi tắm cho con, vo gạo, rửa rau…

Nếu như bến nước là nơi dành cho những người phụ nữ thì sân đình lại là nơi tập trung của những người đàn ông. Sân đình là trung tâm hành chính, văn hóa xã hội của làng. Tất cả các việc quan trọng của làng đều diễn ra ở đây như hội họp, xét xử kiện tụng, đón rước quan trên, văn hóa - văn nghệ, giải trí… Đình làng là nơi thờ thành hoàng. Về khía cạnh tâm linh, đình có giá trị to lớn trong quyết định vận mệnh của cả làng. Một làng có phúc hay không người ta thường ngắm đình của làng đó xem thế đất và hướng đình có hợp phong thủy không. Đình làng thường có địa điểm thoáng đãng, có sóng nước hay ao hồ phía trước mang ý nghĩa tụ thủy thịnh mãn cho cả làng...

Tính cộng đồng tạo nên sức mạnh làng quê. Không chỉ chung sức để chế ngự thiên tai, giúp nhau sản xuất mà các làng quê còn tham gia đánh giặc, giữ làng. Hơn 4.000 năm lịch sử với bao cuộc chiến, làng quê như thành trì vững chắc không một thế lực nào có thể xâm lấn. Tính cộng đồng đã làm nên nền văn hóa làng bền vững. Chính đặc trưng này còn tạo nên tính cách người Việt: sống trọng tình, tương thân tương ái, giàu ý thức độc lập dân tộc và lòng yêu nước.

Trong xã hội hiện đại, xét về mặt cấu trúc, kiến trúc, làng Việt Nam đã thay đổi toàn diện về mọi lĩnh vực. Trong xu thế đô thị hóa, CNH-HĐH, hầu như còn rất ít làng còn giữ được các biểu tượng truyền thống mang tính cổ điển của làng như lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình. Tuy vậy, những đặc trưng tốt đẹp trong văn hóa làng của người Việt vẫn tồn tại và được thừa kế, phát huy. Không còn tập trung ở “cây đa, bến nước, sân đình” nhưng những hình ảnh người làng quê í ới gọi nhau cùng uống bát nước chè xanh; người tay liềm, tay cuốc cùng giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sức lao động; mang rau, gạo, các vật dụng đến cho người nghèo, người neo đơn; trong làng có người đau, người chết là ngay sau đó cả làng đều biết và đến chia sẻ… vẫn luôn hiện hữu. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng NTM hiện, tính cộng đồng làng xã lại càng được phát huy hơn bao giờ hết. Người dân sẵn sàng hiến đất, hiến đường, góp tiền của, công sức xây dựng để làng ngày một phát triển và tươi đẹp hơn.

… Ngồi trong những nhà văn hóa của các thôn xóm hôm nay, chúng ta lại liên tưởng đến những sân đình ngày xưa. Xưa sân đình là nơi để các bậc nam nhi bàn việc làng, hội hè, đình đám, thì nay nhà văn hóa lại là nơi tụ họp không chỉ có riêng nam nhi mà cho tất cả người dân. Đây là nơi để người dân tụ họp nghe các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; là nơi thôn, xóm bàn việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, tổng kết, rút kinh nghiệm về các hoạt động; nơi biểu dương gương người tốt, việc tốt và nhắc nhở những người chưa tiến bộ. Nhà văn hóa còn là nơi để tất cả các thành viên trong làng tham gia sinh hoạt văn nghệ, rèn luyện TDTT… Như vậy, ở một góc độ nào đó, nhà văn hóa còn có tính chất như là sân đình ngày xưa…

Làng quê Việt mang bóng dáng người mẹ, là nơi khởi nguồn, hun đúc nhưng cũng là điểm tựa cho sức mạnh tinh thần. Bởi vậy, trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, dù đi đâu, về đâu đều mang trong mình tinh thần đoàn kết, đùm bọc cũng như ý thức tự lực, tự cường và đều hướng về ngôi làng thân thương, cộng đồng thân thuộc của mình với tình cảm thiêng liêng. Và đó chính là cội nguồn sức mạnh, là ngọn nguồn của lòng yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Bình luận (0)
Nguyễn Hải Đăng
6 tháng 1 2018 lúc 18:58

Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.



Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.

Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã có một "con trâu lá đa", cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!



Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ nhặt về có thể làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu "toe" lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.

Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.

Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phấp phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây... Rồi chuyện làm ăn hàng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.

Bình luận (0)
Đạt Trần
4 tháng 5 2018 lúc 21:35

Làng Thọ Vĩnh quê em có cây đa cổ thụ. Ông nội em cho biết cây đa cùng tuổi với đình làng: hơn hai thế kỉ.

Gốc đa to, xù xì, bốn năm người lớn ôm mới xuể. Ngọn đa cao vút chọc trời xanh. Đa có nhiều cành, nhiều rễ phụ to như cột đình, cột nhà. Lá đa bằng bàn tay người lớn, dày và bóng. Lá đa non màu đồng hun. Búp đa chĩa ra như những mũi giáo nhọn hoắt màu nâu đỏ.

Tán đa xanh um, che rợp mái đình, sân đình và ao đình. Trái đa to bằng quả cà. Trái đa chín màu nâu thẫm như quả táo Tầu trong thang thuốc bắc, có nhiều hạt nhỏ bằng hạt kê, ngòn ngọt. Mùa đa chín, sáo đen mỏ vàng, sáo sậu kéo đến hàng đàn, tranh nhau, cãi nhau chí choé suốt ngày, suốt buổi.

Cây đa là vẻ đẹp của quê em, là niềm tự hào của bà con làng Thọ Vĩnh. Trên đường đi học về, từ xa nhìn ngọn đa làng, chúng em vẫy tay rối rít, vừa chạy vừa reo.

Bình luận (0)
chugialinh
4 tháng 5 2018 lúc 22:00

Trong các ngôi làng cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ, ta thường gặp một mô típ quen thuộc: Cây đa – Giếng nước – Sân đình. Bao thế hệ sinh ra và lớn lên, bao thăng trầm biến động của thời gian, Cây đa – Giếng nước – Sân Đình còn đó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người.
Cây đa – Giếng nước – Sân dình được coi là biểu tượng của làng quê Việt Nam, là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng, nơi hẹn hò gặp gỡ xe duyên cho bao đôi lứa, đồng thời cũng là nhân chứng của lịch sử và ẩn chứa những quan niệm về vũ trụ của nhân dân ta.
Những năm tháng sơ khai trong lịch sử dân tộc, trước nhu cầu trị thủy, khai phá đất đai, chiến đấu chống kẻ thù hai chân và bốn chân, người Việt cổ có nhu cầu rất lớn về sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Những con người vì nghĩa lớn hy sinh thân mình được nhân dân tôn vinh thờ phụng. Trong dân gian vẫn lưu truyền quan niệm: “Thần cây đa, ma cây gạo”.
Sau mỗi mùa bội thu hay khi đã hoàn thành một công việc trọng đại, dân làng lại tập trung ở sân đình chung vui. Theo thời gian, sinh hoạt cộng đồng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống mỗi người.
Đình là nơi thờ Thành Hoàng và là nơi họp làng. Đây cũng là nơi tổ chức những lễ hội truyền thống văn hóa: Hội Lim, hội hát Xoan, hội võ vật đầu xuân…
Cây đa – Giếng nước – Sân đình còn là nơi hẹn hò, gặp gỡ nên duyên cho bao đôi lứa:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…
Câu ca dao tình tứ, ý nhị sống mãi với thời gian như tình yêu bất tử.
Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng tự do, hòa bình, nhưng kẻ thù không để chúng ta yên. Nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Đặc biệt từ khi có Đảng, những người nông dân với tình yêu quê hương đất nước lại từ giã ngôi nhà thân thương, từ giã mảnh vườn, thửa ruộng đã gắn bó biết bao kỷ niệm của mình cầm súng lên đường đánh giặc:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính
(Đồng chí – Chính Hữu)
Nhà thơ Chính Hữu đã phát hiện điểm sáng trong tình cảm của những người nông dân mặc áo lính. “Giếng nước, gốc đa” nhớ hay các anh luôn mang theo tình cảm của quê hương? Các anh chiến đấu hy sinh vì những điều bình dị, thân thương nhưng rất đỗi thiêng liêng máu thịt:
Anh đi để giữ quê mình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
(Bao giờ trở lại – Hoàng Trung Thông)
Cây đa – Giếng nước – Sân đình còn là nơi ghi lại những sự kiện trọng đại, những dấu son bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam:
Mình về còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng chiến thuở còn Việt Minh
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào Hồng Thái mái đình cây đa
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Đất nước được độc lập, người dân được tự do, mặt trời cách mạng làm rạng rỡ thêm những giá trị tinh thần cao quí, những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc. Dân tộc Việt Nam mãi mãi nhớ ơn lãnh tụ vô cùng kính yêu. Bác Hồ sống mãi trong lòng những người dân đất Việt. Trong gian tiền sảnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Người đứng đó vẫy tay chào, phía sau là cây đa cổ thụ, tượng trưng cho truyền thống dân tộc sâu gốc bền rễ, tỏa bóng mát xum xuê cho đời và trên cao là mặt trời cách mạng soi sáng mỗi bước đi của dân tộc.
Trong quan niệm của người xưa, vũ trụ có ba tầng bốn thế giới. “Thiên -Địa – Nhân” là ba lực lượng có tương quan và quan hệ mật thiết với nhau. Cây đa chính là biểu tượng của cây vũ trụ, vừa phân cách, vừa là cầu nối với trời.
Với nhiều dân tộc trên thế giới, những cái giếng không đáy, con sông Stic, hay sông Mê… chính là nơi để người chết gột rửa và rũ bỏ quá khứ của mình trước khi hồi sinh và sống trong một thế giới khác.
Phải chăng chính từ quan niệm thế giới ba tầng thông tỏ và giao cảm ấy, mà từ xưa trong các làng cổ Việt Nam luôn hình thành, tồn tại bộ ba: Cây đa – Giếng nước – Sân đình, để rồi tự lúc nào đã trở thành biểu tượng thân thương của làng quê Việt Nam, là kỷ niệm cao đẹp không thể nào quên về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Mỗi người dù ở lứa tuổi nào, sống ở chân trời góc biển nào, vẫn neo đậu lòng mình nơi quê hương yêu dấu, nơi có bao kỷ niệm dưới bóng đa mát rượi ríu rít tiếng chim chuyền cành, hay bên giếng làng trong vắt, dưới mái đình trang nghiêm mãi mãi dấu yêu.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Dương Vương Ánh
Xem chi tiết
Trần Thị Thanh Tâm
Xem chi tiết
(=Tinh Nhi =)
Xem chi tiết
Vũ Ngọc Thạch
Xem chi tiết
Tran Thi Thanh Tam
Xem chi tiết
đỗ thị thu giang
Xem chi tiết
Vu Thi Quynh Nga
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Thảo
Xem chi tiết
Nguyễn Đinh Huyền Mai
Xem chi tiết