Ôn thi vào 10

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Đỗ Quyên

undefined

[Ôn thi vào 10]

Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi.

Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện gì với ông ấy, cậu bé trả lời: "Không có gì đâu ạ, con chỉ để ông ấy khóc".

Em hãy viết một bài văn bài tỏ suy nghĩ của mình về câu chuyện trên.

Bài viết hay nhất sẽ được cộng 10 GP và được đăng tải trên fanpage Học trực tuyến cùng Hoc24.vn (24/3/2021) các em nhé.

phạm phúc khang
23 tháng 3 2021 lúc 20:24

Một trong những bài học dạo đức mà mỗi người cha, người mẹ, mỗi thày cô giáo đều truyền dạy cho các con, cho học trò của mình là lòng vị tha, là sự chia sẻ giữa người với người. Và thực tế đã có rất nhiều câu chuyện cảm động ngợi ca đức tính đó. Câu chuyện về đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhâ't mà diễn giả Lê-Ô Bu- sca-gli-a đã kể cho chúng ta trong cuốn “Phép nhiệm màu của đời” thêm lần nữa khắc sâu hơn trong ta bài học về một nét đẹp trong cách ứng xử của con người.

Một cậu bé bốn tuổi được bình chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ từ hành động rất đơn giản của em. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ đề ông ấy khóc”. Cậu bé không hề cất một lời an ủi, không hề lấy khăn lau nước mắt cho ông lão. Điều đó dễ hiểu bởi cậu chưa phải là một người lớn để biết có những cử chỉ quan tầm như vậy. Nhưng hành động ngồi im trong lòng ông lão, để ống lão được khóc đã thể hiện sâu sắc được sự đồng cảm, chia sẻ ngây thơ của em. Người già cũng dễ khóc như con trẻ. Có thể em bé chưa ý thức được rằng ông lão hàng xóm đang vô cùng đau khổ vì mất đi người bạn đời của mình. Có thể em nghĩ rằng ông khóc cũng như em đã từng khóc, vì mẹ mắng, vì không được chơi thứ đồ chơi mà mình thích. Và bằng kinh nghiệm của một cậu bé bốn tuổi, em đã đồng cảm và an ủi ông lão bằng cách riêng của mình.

Theo tôi, điều mà diễn giả Lê-Ô Bu-sca-gli-a muốn nhấn mạnh, đề cao trong câu chuyện kể lại là sự đồng cảm, chia sẻ, là lòng vị tha giữa những con người với nhau. Kể lại hành vi đáng khích lệ của một cậu bé con chỉ là cách để ông khắc sâu hơn giá trị của đức tính cao đẹp.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau’

Lẽ sống lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là tình yêu thương. Một trong những biểu hiện của lòng yêu là sự quan tâm, động viên nhau. Tại sao con người lại phải thấu hiểu, đồng cảm với nhau? Tại sao điều đó lại cần thiết trong cuộc sống của chúng ta?

Mỗi người sống giữa cuộc đời không phải chỉ biết vun đắp cho cuộc sống của riêng mình. Nếu chỉ biết đến cái “tôi”, nếu chỉ chăm chút cho bản thân mình được no ấm, đủ đầy, con người đó không bao giờ biết đến hạnh phúc đích thực. Và tất yếu, những kẻ như vậy sẽ bị cô lập giữa cộng đồng, xã hội. Mọi người xung quanh chắc chắn cũng không bao giờ để tâm đến loại người này. Cuộc sống đó có khác nào cuộc sốsng tù đày cô độc?

Trong cuộc sống, con người luôn cố gắng phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, nhưng đâu phải lúc nào dòng đời của chúng ta cũng êm ả, “xuôi chèo mát mái”. “Sự đâu sóng gió bất kì” (Truyện Kiều), có ai dám khẳng định mình không bao giờ phải đối mặt với thất bại, mất mất, với những giờ khắc tuyệt vọng đến cùng cực? Ớ hoàn cảnh đó ai không cần được quan tâm, chia sẻ? Con người dẫu can đảm, nghị lực đến mấy cũng có phần yếu đuôi trong mình. Một ánh mắt, một lời động viên, một nắm tay xiết chặt, một bờ vai để tựa nương... là những điều quí giá nhất chúng ta cần bấy giờ.

Chúng ta cũng không khó khăn gì, cũng không mất mát, tổn hại nhiều lắm khi tỏ ra quan tâm, đồng cảm với nỗi đau khổ của người khác. Tình cảm, những rung động chân thành tự trong sâu thẳm trái tim mới là thứ quí giá, mới là chất vàng ròng có sức mạnh an ủi, nâng đỡ cho những đau thương, mất mất kia. Hãy nghĩ rằng chúng ta vẫn may mắn, hạnh phúc hơn họ. Hãy luôn ý thức rằpg dẫu có đồng cảm đến đâu, dẫu chân thành mong muôn cùng họ gánh vác, chịu đựng nỗi đau đó đến đâu, chúng ta cũng không thể giúp họ lấy lại được những gì đã mất. Vậy nên đừng bao giờ nhăn mặt khi tháng này phải ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đừng bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước những người ăn xin, đừng bao giờ cười trên nỗi đau khổ của người khác...

Tại sao nhà văn Nguyên Hồng lại khóc rưng rức khi nhân vật Gái Đen của mình phải chết? Tại sao nhân vật Giăng Van giăng (Những người khốn khổ) lại giúp đỡ một cách nhiệt tình những người khốn khổ như Phăng-tin, như chú bé Ga-vơ-rôt? Tại sao những người chiến thắng trong các trò chơi trên truyền hình lại luôn trích một phần trong giải thưởng của mình để ủng hộ quĩ chất độc màu da cam, quĩ tình thương? Tại sao những người nổi tiếng lại hăng hái làm công tác từ thiện xã hội?... Một câu trả lời có thể làm đáp án chung nhất cho tất cả những câu hỏi ấy là: Bởi vì họ có tấm lòng vị tha, có lòng yêu thương đồng loại.

Sự đồng cảm, sẻ chia là điều quí giá nhất con người có thể mang tặng con người. Nhưng cần ý thức rằng, cách biểu hiện, thể hiện tình cảm đó cũng là vấn đề quan trọng vô cùng. Cách cậu bé an ủi ông lão hàng xóm là ngồi gọn vào lòng ông và im lặng. Lúc này, “im lặng lặ vàng”, im lặng là cách hữu hiệu nhất để cậu bé tỏ rõ tình cảm của mình. Cậu im lặng để ông lão khóc cho vơi đi nỗi đau. Nước mắt sẽ đổi lại sự thanh thản, dịu lắng cho tâm hồn ông. Lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là một cách an ủi và là cách an ủi của cậu bé bốn tuổi. Bằng sự trải nghiệm trong cuộc sống, chúng ta có thể có những phương thức khác thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của mình. Đô'i với những người đang trải qua nỗi đau mất mát người thân, chúng ta không nên gợi nhắc đến hình ảnh của người đã khuất trước mặt họ. Trước thất bại củá cậu học sinh trong kì thi đại học, chúng ta nên động viên cậu hướng vào tương lai phía trước, tin tưởng vào sự thành công của mình ở ngày mai, khơi sâu vào lòng quyết tâm và ý chí phấn đâu. Một điều cũng đáng lưu ý trong “nghệ thuật dộng viên" là cần chú ý đến tâm lí, tính cách của đối tượng mình đang bày tỏ tình cảm. Với đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, cần hiểu rằng chúng rất dễ bị tổn thương nếu ta không tinh tế, cẩn trọng trong hành động hay lời ăn tiếng nói. Chúng cần sự dịu dàng, cần những cử chỉ vỗ về, che chở. Một hành động vuốt nhẹ lên mái tóc cũng có thể khiến chúng xúc động đến run lên. Một quyển truyện tranh nhiều màu sắc, hình hoạ cũng đủ khiến những em bé này thích mê. Đừng bao giờ tỏ ra khó chịu với gương mặt lấm lem, với bộ dạng nhếch nhác của các em. Hãy để các em cảm nhận hết lòng yêu thương của chúng ta...

Tôi vẫn băn khoăn một điều là tại sao Lê-Ô Bu-sca-gli-a lại để chúng ta chiêm nghiệm về giá trị của sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ thông qua câu chuyện của một cậu bé bốn tuổi. Phải chăng ông muốn nói rằng lòng vị tha là bẳn chất vốn có trong mỗi con người? Và đức tính cao quí đó phải được vun đắp từ khi con người còn là một đứa trẻ? Tôi nghĩ, cách hiểu nào cũng có cái hay của nó. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, lòng yêu thương người khác cũng chính là một tính thiện sẵn có trong con người. Việc gìn giữ và phát huy đức tính đó trong cuộc sống là rất cần thiết. Trẻ con như trang giấy trăng tinh khôi, chúng ta hãy viết lên trên đó những bài học yêu thương để mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở thành những người có tấm lòng nhân ái. Đức vị tha cần được gieo mầm trong chính tâm hồn các cô bé, cậu bé đó. Và cuộc bình chọn như Lê-Ô Bu-sca-gli-a cùng nhiều giám khảo khác đã làm là cần thiết để phát hiện và ngợi ca những tấm lòng cao cả.

Quanh ta hôm nay còn biết bao những trái tim giàu tình yêu như cậu bé trong câu chuyện kia. Hãy lắng nghe và chiêm ngưỡng chúng để thây rằng Trái đất này luôn được sưởi ấm bằng tình yêu, bằng sự cảm thông chia sẻ tuyệt vời giữa những con người với nhau.

Nguyễn Trọng Cường
23 tháng 3 2021 lúc 20:37

Trong cuộc sống của chúng ta, bên cạnh những niềm vui, sự hạnh phúc là đầy rãy những đau khổ, tổn thương. Chúng ta không thể tránh được chúng nhưng chúng ta có thể vượt qua chúng bằng tất cả bản lĩnh, bằng sự mãnh mẽ, kiên cường. Những tổn thương có thể làm cho chúng ta gục ngã, đó là những lúc con người trở nên yếu đuối, bé nhỏ nhất trong cuộc sống. Khi ấy ta rất cần những vòng tay đồng cảm, những sự sẻ chia chân thành hay chỉ cần một người ở bên, lắng nghe những tâm sự.

 

Câu chuyện về cậu bé và người đàn ông bị tổn thương, mất mát khiến cho chúng ta nhận thức sâu sắc về vai trò của tình thương, sự đồng cảm trong cuộc sống. Diễn giả Lê- ô Bu-sca-gli- a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra những đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi.

Hàng xóm của em là ông ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc.

 

Câu chuyện khiến cho chúng ta cảm động về tấm lòng, tình thương trong sáng mà cũng vô cùng sâu sắc của một cậu bé bốn tuổi đối với người đàn ông mất vợ. Người đàn ông trong câu chuyện vừa trải qua một nỗi đau tột độ, sự mất mát tinh thần lớn khi vợ của ông ta đột ngột qua đời. Những tổn thương về thân thể có thể chữa lành bằng thuốc thang, thời gian trôi qua thì vết thương ấy cũng sẽ lành dần.

 

Nhưng đối với tình cảm thì khác, sự tổn thương về tinh thần sẽ mang lại nỗi đau khắc khoải rất khó có thể chữa lành, người bị tổn thương sẽ bị những nỗi đau, sự mất mát làm cho ngã quỵ, suy sụp nếu như người ấy không đủ mạnh mẽ, không đủ bản lĩnh để vượt lên hoàn cảnh của chính mình. Người đàn ông trong câu chuyện cũng vậy, anh ta vừa trải qua nỗi đau mất vợ, mất đi một người thương yêu, một người bạn đời mà anh ta yêu quý, trân trọng nhất trên đời.

 

Nỗi đau của anh ta không ai có thể thấu hiểu, cũng không ai có thể động viên, vực dậy nhưng cậu bé bốn tuổi đã làm được điều kì diệu đó, điều cậu bé làm là ngồi vào lòng người đàn ông, cùng người đàn ông im lặng không nói gì, nhưng đó lại chính là lời động viên, lời an ủi có ý nghĩa nhất. Bởi điều người đàn ông ấy cần nhất lúc này không phải những lời nói xáo rỗng, bởi nó sẽ “khoét” sâu nỗi đau của anh ta, và vết thương ấy không những không lành mà sẽ mãi nhức nhối.

 

Cậu bé chỉ im lặng ngồi vào lòng người đàn ông, cho người đàn ông đang chìm đắm trong đau khổ ấy một hơi ấm, một điểm dựa về tinh thần. Sự hiện diện của cậu bé làm cho người đàn ông thêm tin yêu vào cuộc sống, cho anh ta thấy sự quan tâm chân thành của cậu bé, rằng anh ta sẽ không hề đơn độc, lẻ loi, vẫn có những người thương yêu, quan tâm ở bên anh ta trong những giây phút khó khăn nhất của cuộc đời mình.

 

Có lẽ, cậu bé chưa đủ lớn để nhận thức và có những suy nghĩ sâu sắc như thế nhưng bằng những gì cậu bé cảm nhận được lúc buồn và được người lớn vỗ về thì cậu bé nghĩ người đàn ông kia cũng cần một người ở bên, một người vỗ về để tan biến nỗi buồn ấy đi. Những hành động ngây thơ trong sáng của đứa trẻ quá đỗi chân thành khiến cho người đàn ông cảm động, vực dậy được tinh thần sau nỗi đau.

 

Cậu bé không nói gì nhưng người đàn ông lại cảm nhận nhiều hơn cả một lời động viên. Không phải bao giờ tình thương, sự quan tâm cũng phải thể hiện ra bằng những lời nói. Chỉ cần tấm lòng chân thành thì người nhận sự quan tâm cũng có thể cảm nhận sâu sắc được tình thương đó, bởi đôi khi trong khoảng lặng người ta lại cảm nhận được nhiều hơn những điều muốn nói.

 

Tình thương của con người có thể tạo nên một nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao giúp cho con người vượt lên mọi khó khăn, bất hạnh của cuộc sống. Con người không phải lúc nào cũng có thể mạnh mẽ, có đủ nghị lực để vượt qua những trái ngang của cuộc đời. Nhưng khi có sự đồng cảm, sẻ chia của những người mà thương yêu thì chúng ta có đủ sức mạnh, đủ mạnh mẽ để vượt qua tất cả. Như câu ca dao sau:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Hay:

“Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

Nếu như chúng ta có kìm nén những nỗi đau, ôm ấp nỗi đau ấy cho riêng mình mà không được giải tỏa nó sẽ làm cho con người trở nên vô cùng mệt mỏi, đau đớn, lúc nào cũng khắc khoải những nỗi đau trong tâm hồn, và như vậy cũng có nghĩa là nỗi đau ấy sẽ chẳng bao giờ có thể lành lại được. Nhà viết kịch vĩ đại thế giới William Shakespeare đã từng thể hiện quan điểm của mình như: “Nếu bạn buồn bã, hãy bày tỏ cảm xúc của mình. Sự kìm nén và che giấu nỗi đau chỉ khiến trái tim bạn trở nên chai sạn, tổn thương nhiều hơn”.

 

Sự sẻ chia, đồng cảm là vô cùng quan trọng, nó giúp cho người bị tổn thương thêm mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng thắt chặt được sợi dây liên kết giữa con người với con người với nhau. Vì vậy chúng ta hãy sống chân thành, biết thương yêu, sẻ chia không chỉ niềm vui mà cả sự mất mát, đau đớn. Và không phải lúc nào những lời nói trực tiếp cũng có thể san sẻ được tình thương mà hãy cho họ một khoảng lặng để họ chấp nhận và đối mặt, chúng ta hãy luôn ở bên để cho họ niềm tin và điểm tựa. Như chính câu nói tôi cho rằng vô cùng ý nghĩa:

“Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô cùng đơn độc

Hãy gọi cho tôi

Tôi sẽ đến bên bạn chỉ để im lặng không nói một lời

Nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh”

Câu chuyện về tình thương của cậu bé dành cho người đàn ông khiến cho chúng ta cảm động bởi thứ tình cảm thương yêu chân thành, tự nhiên nhất, nó xuất phát từ chính tấm lòng trong sáng, từ mong muốn được sẻ chia nỗi đau với người bị tổn thương. Câu chuyện cũng mang đến cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá về sự sẻ chia và đồng cảm.